Chủ tịch Hà Nội hứa không để ‘bung’ dịch COVID-19: trách nhiệm hay lời nói suông?

0:00 / 0:00

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19 tại thủ đô Hà Nội, ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch vào ngày 2/12, thay vì ông Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý.

Cụ thể, báo Nhà nước Việt Nam trong cùng ngày dẫn lời người đứng đầu thành phố Hà Nội cho biết không chỉ trong phòng chống COVID-19 mà tất cả các vấn đề an toàn xã hội khác đều được thành phố thực hiện mà không có bất cứ sơ suất hay sai sót nào.

Đồng thời, ông Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh sẽ chị trách nhiệm nếu dịch ‘bung’, ‘toang’. Lời ông được truyền thông trích lại như sau: “Tức là người đứng đầu của chính quyền phải rõ trách nhiệm, cảnh giác cao độ kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn từ bên trong. Nhưng ngược lại, không gây cho nhân dân hoang mang, lo lắng”.

Trao đổi với RFA tối ngày 2/12, Blogger, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng tại Hà Nội bày tỏ:

“Thực ra về mặt quản lý nhà nước thì đúng là ông Chu Ngọc Anh là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu Hà Nội có tình trạng lan truyền virus COVID ra cộng đồng. Nhưng đặt trong bối cảnh những sự việc rất nghiêm trọng từ trước đến nay ở thành phố Hà Nội cũng như khả năng hiện tại của những người lãnh đạo và lực lượng cán bộ công chức ở Hà Nội thì tôi tin là dù bất cứ tình huống nào xảy ra ở Hà Nội thì cũng chẳng ai chịu trách nhiệm. Những việc rất dễ dàng, đơn giản về quản lý nhà nước mà bao lâu nay Hà Nội còn không xử lý được, không giải quyết được thì thử hỏi một việc như COVID-19 rất nguy hiểm, rất khó biết được nó ở đâu, nguyên nhân thế nào thì thử hỏi ông Chu Ngọc Anh lấy gì để chịu trách nhiệm trong việc này.”

Những việc rất dễ dàng, đơn giản về quản lý nhà nước mà bao lâu nay Hà Nội còn không xử lý được, không giải quyết được thì thử hỏi một việc như COVID-19 rất nguy hiểm, rất khó biết được nó ở đâu, nguyên nhân thế nào thì thử hỏi ông Chu Ngọc Anh lấy gì để chịu trách nhiệm trong việc này. – Blogger Nguyễn Lân Thắng

Ông Khổng Minh Tuấn, phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội vào chiều ngày 2/12 lên tiếng xác nhận có một trường hợp nhiễm COVID-19 tại thành phố.

Theo đó thì bệnh nhân là một nam thanh niên người Ấn Độ, 25 tuổi nhập cảnh vào Việt Nam. Sau khi đến tại nơi cách ly là một khách sạn trên phố Hàng Bông, người này được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với corona virus chủng mới. Người này được đưa đến Bệnh Viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội để điều trị.

Do đó, Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang giảng dạy tại trường THPT Thường Tín tại Hà Nội đưa ra quan điểm của thầy đối với phát biểu của ông Chu Ngọc Anh như sau:

“Chuyên quan chức hứa cái này cái kia nhiều khi nghe cũng lạ tai và ngộ ngộ, thậm chí có những cái hứa vô lý. Chuyện dịch bệnh không ai có thể nói trước được, nếu tôi là quan chức tôi cũng chẳng dám hứa sẽ thế này thế kia đối với tình trạng dịch COVID vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không phải một mình chính quyền, đó là sự kêu goi, sự ủng hộ của người dân, sự giám sát của các cấp. Do đó người đứng đầu chỉ nên hứa sẽ có biện pháp để ngăn chặn dịch một cách tốt nhất chứ không thể hứa sẽ không để lây nhiễm, còn hứa thế này là dại dột. Người khác nhìn vào biết ngay là các vị có vấn đề trong nhận thức, trong phát biểu ẩu. Rất nhiều trường hợp hứa không thực hiện, đến khi xảy ra thì lại đổ ngược đổ xuôi cho các yếu tố. Như thế là không được.”

Minh họa: Nhân viên y tế kiểm tra coronavirus tại Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 13/8/2020.
Minh họa: Nhân viên y tế kiểm tra coronavirus tại Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 13/8/2020.

Theo quan điểm cá nhân, Blogger Nguyễn Lân Thắng nhận định:

“Tôi cho rằng việc ông Chu Ngọc Anh nói vậy thể hiện bản lĩnh chính trị của ông rất kém. Ông chưa bao giờ phải đứng mũi chịu sào ở vị trí chính trị quan trọng như Hà Nội. Dẫu biết trong cơ chế hiện nay khó có thể làm được gì nhưng về mặt ăn nói, về cách thức giao tiếp với truyền thông, cách thức chỉ đạo cấp dưới phải có sự khôn ngoan. Tôi cho rằng cái này ông Chu Ngọc Anh rất dở.”

Việc các quan chức lên tiếng chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ không chỉ mới xảy ra trong phát biểu của ông Chu Ngọc Anh.

Trước đó, ông Đoàn Ngọc Hải, sinh năm 1969, nguyên Phó Chủ tịch quận 1 thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến với chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại địa bàn quận 1 vào những tháng đầu năm 2017 cùng phát biểu ‘Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa’.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 19/5/2017 đồng loạt đăng tin dẫn lời ông Đoàn Ngọc Hải cho biết chiến dịch này bị ngừng lại theo yêu cầu của Quận ủy quận 1.

Từ Hà Nội, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác cho Tạp chí Cộng sản lập luận:

“Ví dụ như Đoàn Ngọc Hải là tính chất cá nhân rất rõ và anh ta đặt vấn đề trách nhiệm rất cụ thể. Sau thì đối với hệ thống nhà nước theo suy nghĩ của tôi thì không ai xử lý anh ta việc không dẹp được vỉa hè nhưng việc anh ta tự nói ra thì anh thực hiện, đấy là tính chất cá nhân. Nhưng còn ông Chu Ngọc Anh phát biểu thì không ở trong tính chất cá nhân như vậy, cũng không gắn với trách nhiệm, ông không nói cụ thể trách nhiệm ông sẽ nhận là gì. Cho nên việc này ông nói có tính chất lên tinh thần, gọi là ‘lên gân’ chứ không gắn với trách nhiệm gì cụ thể, không có bảo đảm nào về mặt cơ chế đi kèm. Vì là lãnh đạo tập thể nên các quyết định phải họp bàn tập thể và đưa ra quyết định tập thể thì người Chủ tịch hoặc Bí thư chỉ là những người quyết định thay tập thể thôi. Với cách thức vận hành như vậy nên những tuyên bố nhận trách nhiệm như thế chỉ lên gân là chính chứ không có thực thi trong vận hành của cơ chế hiện nay vì không có cơ chế nào giải quyết những trách nhiệm cho các cá nhân tuyên bố như thế.”

Những tuyên bố nhận trách nhiệm như thế chỉ lên gân là chính chứ không có thực thi trong vận hành của cơ chế hiện nay vì không có cơ chế nào giải quyết những trách nhiệm cho các cá nhân tuyên bố như thế. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Còn theo Thầy Đỗ Việt Khoa, dù hiện tại chưa có cơ chế quy định trách nhiệm với phát biểu của lãnh đạo, nhưng chính phủ Hà Nội nên có trong tương lai:

“Không thực hiện được thì nên từ chức. Ví dụ như chúng ta giám sát các lời thất hứa của quan chức, nó không diễn ra đúng như lời hứa của họ thì họ nên từ chức, chẳng thấy có vị quan chức nào từ chức khi lời hứa không được thực hiện.”

Việt Nam sau gần 90 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới nào trong cộng đồng, đã phát hiện ra 4 ca nhiễm tại thành phố hồ Chí Minh.

Tính đến 18 giờ ngày 2/12, đã có 800 người tiếp xúc gần với 4 người vừa nêu ở diện F1 và 1.300 người thuộc diện F2. Phía cơ quan chức năng hiện đang chờ kết quả xét nghiệm cả 2 diện F1 và F2.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từ tháng 1 đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.358 ca nhiễm COVID-19, trong số này có 1.195 đã khỏi bệnh, 35 ca tử vong. Số người đang được cách ly là hơn 16.000 người.