Tình trạng kiểm soát tham nhũng có cải thiện như chỉ số PAPI 2020?

RFA
2021.04.14
Tình trạng kiểm soát tham nhũng có cải thiện như chỉ số PAPI 2020? Ảnh minh họa: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 26/1/2021.
AFP

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 cho thấy chỉ số ‘kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ năm 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, có tới 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 14/4 khi đưa tin về nội dung vừa nêu cũng nhận định rằng phần nào kết quả vừa nêu đã phản ánh hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, trong báo cáo cho thấy vẫn có 6 tỉnh có mức sụt giảm đáng kể so với năm 2019.

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản đang sống tại Hà Nội đưa ra nhận xét:

“Chỉ số được cải thiện qua các năm theo tôi nghĩ là có bởi vì chúng ta thấy những vụ án tham nhũng trong giáo dục, trong y tế những năm vừa rồi làm rất mạnh, tương đối nhanh. Ví dụ như vụ CDC, cơ quan kiểm soát dịch bệnh báo giá tăng giá mua máy phục vụ đại dịch thì người ta xử lý rất nhanh.

Như vậy muốn nói những chỉ số kiểm soát tham nhũng tính theo các năm như thế theo tôi nghĩ có thể là đúng, tức năm nay kiểm soát tham nhũng hơn những năm trước.”

Tuy nhiên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cũng nêu ra vấn đề rằng không thể dùng phương pháp như của các nước khác áp dụng cho Việt Nam.

Bảo rằng nó cao nhất trong bao nhiêu năm nay thì tôi không tin được vì không tin và không biết được họ lấy số liệu đó từ đâu ra, từ nguồn nào và theo cách nào, chắc là còn một khoảng cách với thực tế. – TS. Hà Hoàng Hợp

Nguyên nhân theo Nhà báo Bình là vấn đề tham nhũng tại các nước khác chỉ là hiện tượng hoặc chiếm số lượng nhỏ và số liệu thực. Tất nhiên không có chỗ nào thực 100%, nhưng ít nhất ở mức 80% tin được.

Còn tại Việt Nam, ông Bình cho rằng tất cả số liệu không đong đo đếm được như ở nước ngoài, các nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

“Cách thức đo các chỉ số là Việt Nam không áp dụng được. Nếu áp dụng theo kiểu đo của quốc tế thì chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, những chỉ số không chính xác và không phản ánh được bản chất.”

Nói rõ hơn về phương thức tính của Chỉ số PAPI, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc viện ISEAS ở Singapore giải thích:

“PAPI này là một nhóm người Việt Nam cùng một nhóm chuyên gia của UNDP làm ra rất lâu từ năm 2010. Nó là bộ chỉ số có thể chấp nhận được về mặt cấu trúc, tức có bao nhiêu mục mà người ta cần phải đưa vào một chỗ.

Nhưng bộ chỉ số này khi đưa ra ở dạng câu hỏi phục thuộc rất nhiều vào việc người ta lấy dữ liệu, nếu số liệu không đúng khi đưa vào tính toán sai hẳn.

Bảo rằng nó cao nhất trong bao nhiêu năm nay thì tôi không tin được vì không tin và không biết được họ lấy số liệu đó từ đâu ra, từ nguồn nào và theo cách nào, chắc là còn một khoảng cách với thực tế.”

Báo cáo PAPI 2020 được nói khảo sát hơn 14.700 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh thành.

Trong đó khảo sát về 8 nội dung bao gồm tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Nhóm nghiên cứu PAPI 2020 được báo chí nhà nước dẫn lời cho hay kết quả chỉ số nội dung ‘kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ có chuyển biến tích cực trong nhiệm kỳ 2016-2021, có thể do công cuộc chống tham nhũng từ góc nhìn của người dân đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương.

Buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định:

“Bảo rằng cao hơn trước thì bản thân tôi không tin vì tôi thấy ở những nơi tôi sống hiện nay thì sự hỏng hóc của những người làm chính quyền ngay ở cấp phường còn hư hỏng hơn: không làm việc, gây khó khăn cho người nọ người kia, làm sai luật còn nặng nề hơn. Cá nhân tôi là một người công dân ở đây làm sao tin được rằng có hơn?”

Trong kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công chỉ ra rằng tỷ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng trong năm 2020, với hơn 32% cho biết phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy tờ này cho hộ gia đình.

Tuy nhiên, tỷ lệ người được hỏi cho rằng hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng lại tiếp tục giảm.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng tham nhũng ở cấp nhỏ nhất là lấy giấy tờ, hộ khẩu, chứng minh thư, nhà đất, được gọi là thủ tục hành chính, là tham nhũng vặt và do cơ chế tạo ra. Ông nói thêm:

“Cơ chế Việt Nam không có vấn đề tam quyền phân lập, không có tự do báo chí, có một đảng cộng sản là chủ thể không chịu sự kiểm soát nào và chi phối tất cả. Tất cả cán bộ tham nhũng ở trong đảng cộng sản này mà không chịu bất kể sự giám sát nào thì đó là gốc rễ tham nhũng.”

Vẫn theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, tình trạng chống tham nhũng ở đất nước hình chữ S hiện nay chỉ thấy rõ từ quyết tâm chống tham nhũng trong hệ thống. Trong thực tế, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực của đảng cộng sản:

“Vấn đề tham nhũng của Việt Nam gốc rễ nằm ở cơ chế, chống tham nhũng không đi vào cái chống gốc rễ là cơ chế thì chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc.”

Vấn đề tham nhũng của Việt Nam gốc rễ nằm ở cơ chế, chống tham nhũng không đi vào cái chống gốc rễ là cơ chế thì chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Còn theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, cách lớn nhất và đơn giản nhất chống tham nhũng là ngoài chính phủ chống tham nhũng thì cần phải huy động sức người dân chống tham nhũng. Ông lập luận:

“Người dân chống tham nhũng mới là chống đúng vì người dân đang sống trong đám hư hỏng nên phát hiện ra ngay, khi người ta phát hiện ra thì phải trị ngay những người như thế.

Nhưng lâu nay người dân phát hiện nói ra thì người ta chưa nghe hoặc nghe ít nên việc chống tham nhũng chưa có hiệu quả lớn là vậy.

Thứ hai là chống tham nhũng còn có nhiều vấn đề về mặt kinh tế, khó lắm. Làm thế nào để quan chức không dám tham nhũng hay không muốn tham nhũng, giảm bớt đi, thì chưa có cách nào.”

Trong báo cáo được công bố ngày 14/4, nhóm nghiên cứu PAPI 2020 đề xuất trong thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả hoạt động công vụ của bộ máy quản trị nhà nước.

Theo đó, đề xuất vừa nêu được nói không chỉ giúp Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế mà còn ứng phó nhanh với các tình huống khẩn cấp bất ngờ tương tự với đại dịch COVID-19.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.