Việt Nam thành công chặn dịch COVID-19 có giúp trở nên đất nước ‘mơ ước’?

RFA
2020.06.15
2020-02-23T124200Z_1960692645_RC2C6F9O07HR_RTRMADP_3_CHINA-HEALTH-VIETNAM Người dân tại sân bay Đà Nẵng, Việt Nam ngày 23 tháng 2 năm 2020.
Reuters

Báo trong nước ngày 13/6 dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, nhấn mạnh “Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước” khi cho hay dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam.

Tính đến chiều ngày 15/6, Cơ quan chức năng Y tế của chính phủ Hà Nội cho biết trong 60 ngày qua không có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng, chỉ còn 11 bệnh nhân COVID-19, chưa có ca tử vong trên tổng số 333 trường hợp.

Phát biểu của ông Vũ Đức Đam nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các diễn đàn vào cuối tuần qua với nhiều ý kiến phản đối. Theo đó, nhiều người cho rằng phát biểu của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra mang tính phiến diện.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, Bác sĩ Đinh Đức Long - Bác sĩ Trung tá Quân đội lại cho rằng:

“Tôi không phải người ngoài nên tôi không biết có mơ ước gì không nhưng rõ ràng qua vụ COVID-19 thì Việt Nam là một trong những nơi an toàn chống lại dịch COVID-19 này. So với nhiều nước thì tỉ lệ người nhiễm bệnh ít hơn, đến nay chưa có số liệu chính thức nào xác nhận có người chết vì COVID-19, đấy là thực tế.”

Đồng quan điểm cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh do coronavirus gây ra đang được Việt Nam thực hiện tốt, Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn cho rằng cần phân tích câu nói của Phó Thủ tướng từ nhiều góc độ:

“Nếu đứng trên góc độ vụ dịch thì tôi cho rằng phát biểu này đúng vì thật ra nước nào cũng mong muốn được như Việt Nam không bị dịch lây lan nhiều. Tôi nghĩ bất cứ lãnh đạo nước nào hay người dân đều mong muốn như thế để không bị đe dọa, không có người chết vì nhiễm dịch. Tất nhiên một người đứng ở cương vị cao như vậy thường thì người ta lại hay nghĩ đến những nghĩa khác không chỉ riêng về dịch. Nếu chỉ nhìn ở góc độ khác thì chắc Việt Nam chưa phải là niềm mơ ước của nhiều người lắm, có thể chỉ là mơ ước của một vài người nào đó thôi chứ không nhiều lắm.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự cho rằng dựa trên thực tế những gì Việt Nam đạt được khi phải đối chọi với dịch bệnh do SARS-CoV-2, phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần được hiểu đúng trong bối cảnh khi ông nói.

“Giả như ông ấy nói là tình hình chống COVID-19 nhiều nước mong ước như Việt Nam thì có cái lý của nó. Nhưng thực sự người ta trích câu ấy mà vứt ngữ cảnh đang báo cáo vấn đề COVID-19 chỉ để phê phán một câu đấy thì không được công bình cho lắm. Cái dùng từ của ông ấy không được khéo, đáng lẽ ông phải nói thêm một cái là về tình hình chống COVID-19 thì nhiều nước có thể mơ như Việt Nam. Đại loại nói như thế thì nó rõ hơn và không bị người ta chê trách. Còn trích một câu để phê phán hoặc ca ngợi mà bỏ qua ngữ cảnh thì không được fair (công bằng) cho lắm.”

Hai bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.
Hai bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.
Photoi: Nhandan.vn

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét, Việt Nam chỉ thực hiện giãn cách xã hội 3 tuần, trong khi đó lại là một nước sát biên giới với Trung Quốc và tình hình hệ thống y tế không được hiện đại thì thành tích chống COVID-19 của Việt Nam là rất tốt. Tuy nhiên ông cho rằng cái rất tốt này sẽ có cái giá của nó. Ông tiếp lời:

“Việc kiểm soát rất chặt chẽ người bị bệnh để điều trị đã là tốt rồi. Việc theo dõi những người có tiếp xúc từ F1 đến F2 thì họ làm rất hiệu quả vì họ dùng năng lực huy động của xã hội này. Xã hội này quen với chiến tranh, hệ thống chính trị của họ, chân rết của họ xuống tận làng xóm từ phụ nữ đến nông dân, cựu chiến binh và họ theo dõi rất chặt chẽ. Những người bị nhiễm, những người quen với người bị nhiễm, những người gặp dỡ, tất cả đều được đi cách ly hoặc phải ở nhà hoặc cách ly rất mạnh là đưa vào các doanh trại quân đội. Cách làm đó có thể bị coi là quá mạnh nhưng trong một mối nguy hiểm về bệnh dịch này thì biện pháp đó là tốt, không phải dở.”

Ông Vũ Đức Đam khẳng định trong buổi trình Quốc hội ngày 13/5 rằng thành công trong việc chống dịch COVID-19 mà Việt Nam có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ thầy thuốc, quân đội, công an, các lực lượng khác và đặc biệt “nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời”.

Tiểu Ban Điều Trị COVID-19 thuộc Bộ Y Tế Việt Nam thông báo bệnh nhân 91, phi công người Anh, đến ngày 15/6 đã ngưng toàn bộ kháng sinh, chỉ còn sử dụng một số thuốc kháng nấm. Chức năng phổi đã phục hồi 60%, và mỗi ngày được tập vật lý trị liệu 2 lần.

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng những biện pháp phòng chống mà Việt Nam áp dụng đều phù hợp. Để tiếp tục giữ vững những thành quả chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện tốt trong thời gian qua, Bác sĩ Long cho rằng:

“Tôi nghĩ bây giờ theo dõi sát, nhất là tuy mở cửa lại nhưng việc hội nhập với thế giới và những nước khác phải cẩn thận vì bệnh dịch chủ yếu từ nước ngoài về. Theo tôi biết thì từ các nước có vùng dịch hoặc đi qua những nói có dịch về Việt Nam trong đó có du học sinh, Việt kiều hoặc người nước ngoài đến có mang theo mầm bệnh thì được cách ly. Còn trong nước hiện nay không phát hiện được ổ dịch nào, tôi nghĩ đây là điều tốt. Còn cách ly không tốt để phát tán ra cộng đồng rồi chạy theo nó để dập dịch thì rất khổ. Còn biện pháp chỉ có cách ly, theo dõi, dập dịch, đó là cách Việt Nam thường xuyên làm nhưng phải làm tốt chứ đừng chủ quan. Chủ quan là tái phát dịch rất nguy hiểm.”

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 15/6 kêu gọi chính phủ Hà Nội xem xét công bố hết dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Cụ thể theo vị quan chức đang đứng đầu thành phố lớn nhất về kinh tế của Việt Nam thì chính phủ cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, khi mà công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam được cho là thành công tính đến thời điểm hiện nay.

Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn, với công tác chống dịch SARS-CoV-2 rất thành công như bây giờ, Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định phải đối mặt:

“Hiện nay chúng ta ở Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bùng phát và sự lây lan rất ít nhưng ngược lại mọi người không có miễn dịch cộng đồng. Nếu dịch này cứ dai dẳng kéo dài và chưa có vắc-xin thì cái đấy lại trở nên mối đe dọa đối với Việt Nam trong khi một số nước sau giai đoạn căng thẳng thì họ cũng có số lượng người miễn dịch khá lớn nên họ sẽ ít bị căng thẳng hơn. Với các nước phát triển như Anh, Mỹ Ý, những nước đó với họ mặc dù thiệt hại kinh tế rất lớn nhưng nền tảng kinh tế của họ rất cao nên sự phá hủy, tổn hại về kinh tế gây ảnh hưởng lớn, nhưng không làm cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề về đời sống. Nhưng nếu Việt Nam thả ra như các nước kia để nhiễm nhiều từ đó tạo được miễn dịch cộng đồng tôi nghĩ chắc thiệt hại lớn hơn rất nhiều và sẽ để lại hậu quả rất nặng nề.”

Do đó, Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng từ giờ đến lúc có vắc-xin, lãnh đạo chính phủ Hà Nội phải thật cố gắng, không được chủ quan:

“Có một số biểu hiện của các lãnh đạo chúng ta cho thấy có vẻ bắt đầu hơi chủ quan và đánh giá về thành quả của mình hơi cao. Tôi sợ đến lúc nào đó để dịch bùng phát lên thì rất mệt!”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.