Lời xin lỗi và nỗi khổ 20 năm của dân Thủ Thiêm

RFA
2018.10.18
banhangthuthiem_960.jpg Một người phụ nữ bán hàng bên góc đường ở Thủ Thiêm
Photo: RFA

Ngăn chặn người dân khiếu kiện

Theo truyền thông trong nước thì vào sáng ngày 18/10 hơn 30 hộ dân được xác định nằm ngoài ranh giới quy hoạch 4,3 ha ở Thủ Thiêm được mời đến gặp gỡ với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố. Mục đích để lấy ý kiến đồng thuận về giải quyết khiếu nại và vấn đề tài chính.

Đây được cho là động thái đầu tiên của ban lãnh đạo Thành phố HCM sau khi Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận về những sai phạm trong việc giải quyết khiếu nại của người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2.

Đài Á Châu Tư Do có liên lạc với một số người dân đến tham dự buổi gặp gỡ để tìm hiểu thêm thông tin sự việc thì được cho biết thành phần người dân tham dự bị hạn chế.

Chị Hương một người khiếu kiện tại Quận 2 bức xúc cho biết:

Chúng tôi chặn xe để xin 5 phút nói chuyện với chủ tịch và đại diện chính phủ trung ương thôi mà ông nào cũng cúi đầu không có một ông nào dám nói chuyện với dân 1 phút.
- MS. Nguyễn Hồng Quang

“Tụi nó chặn hết bên ngoài không cho ai vô, chỉ có ba người được vô thôi, những người nổi tiếng khu đó đi thưa kiện như ông Lê Văn Lung, Trúc Ly và Nhân được vô còn lại là những người đã lãnh tiền rồi được vô.”

Cũng đến với buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố vào ngày 18 tháng 10, Mục sư Nguyễn Hồng Quang người phụ trách Hội thánh Tin Lành Mennonite độc lập tại Sài Gòn và cũng là người đại diện cho các hộ dân khiếu kiện tại khu vực Thủ Thiêm chia sẻ rằng, 11.000 đơn khiếu nại bây giờ còn lại 115 hộ dân nhưng họ chỉ giải quyết cho 5 hộ được vào tham dự còn lại bao nhiêu họ đuổi về.

Vị mục sư cho biết thêm: “Họ không cho vào, xua đuổi rồi đoàn xe mười mấy chiếc biển số xanh đậu ngoài. Chúng tôi chặn xe để xin 5 phút nói chuyện với chủ tịch và đại diện chính phủ trung ương thôi mà ông nào cũng cúi đầu không có một ông nào dám nói chuyện với dân 1 phút.”

Mục đích “mị dân”

Cũng theo truyền thông trong nước thì chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, tại buổi gặp gỡ lên tiếng khẳng định rằng đã có những sai phạm làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người dân nhất là trong khu vực 4,3 ha khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ngoài ranh giới quy hoạch. Và do vậy, sẽ tiến hành bồi thường trước ngày 31/11/2018.

Nhiều người dân bức xúc chia sẻ với chúng tôi rằng buổi gặp gỡ này chỉ mang mục đích mị dân, bởi vì trong 30 hộ tham dự ngoài 5 người thuộc hộ khiếu kiện thì 25 hộ còn lại là những người đã trả tiền rồi như lời kể của chị Hương:

“Chị là người trong cuộc luôn, chị nói em nghe buổi tiếp xúc hôm nay là buổi mị dân, mị dân là như thế này cái khu 4,3 ha họ nói không xác định được là khu 4,3 là ở đâu vì đã mất bản đồ chính rồi, mà khi mất bản đồ 367 thì làm sao xác định khu 4,3 nằm ở đâu mà tự nhiên kêu một nhúm người về để trả tiền mà khi họ đã đi rồi. Trong khi 115 hộ chưa giải quyết được ai hết, người ta thưa kiện rồng rã cả chục năm nay.”

Đồng ý với ý kiến của chị Hương, Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết mục đích của buổi gặp gỡ chỉ mang tính áp đặt thiểu số phải phục tùng đa số, vị mục sư trình bày:

“Trong 30 người được mời thì có 25 người đều đã được trả tiền rồi, họ tới nhà họ thuyết phục ngon ngọt như ông Thạch phụ trách chính quyền tại khu 4,3 ha đó cũng là một đảng viên cũng bị cưỡng chế đi cũng mất nhà cửa. Lãnh đạo quận tới nhà nói ngon ngọt thuyết phục hy vọng rằng hôm nay mấy chục người này họ đồng ý nhận thêm mấy chục triệu nữa rồi ký biên bản và 5 anh em ở trong khu 4,3 ha đó khiếu nại đau khổ bấy lâu thì thiểu số phải phục tùng đa số. Thay vì họ trả 4,3 ha đó, họ muốn xóa dấu vết luôn họ muốn bán cho các công ty.”

Vỡ trận

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì khu vực 4,3 ha nằm ngoài ranh giới quy hoạch Thủ Thiêm. Trong khi đó, tại buổi tiếp xúc nhiều ý kiến cho rằng cơ sở nào để xác định 4,3 ha đó thuộc khu phố 1, phường Bình An.

Ông Lê Văn Lung, một người nhiều năm theo đuổi kiện tụng ở Thủ Thiêm và cũng là một trong 5 người đại diện cho các hộ dân được vào tham dự nói tại buổi gặp gỡ cho rằng,“khi nói không xác định được ranh theo bản đồ, vậy dùng cơ sở nào để đối chiếu, kết luận 4,3 ha nằm ngoài quy hoạch và biết ranh nằm ở đâu mà giải quyết”

Cũng tại buổi tiếp dân, ngoài ông Lung nhiều ý kiến khác của người dân cũng cho rằng, người dân không đi đòi 4,3 ha đó mà đòi 5 khu phố nằm ngoài ranh giới quy hoạch vì bà con tại khu vực này đã nhiều năm khổ sở rất nhiều.

Hôm nay dân không có nghe lời để lấy như ngày xưa nữa mà giờ dân yêu cầu là 5 phường ở ngoài ranh thì cho tụi tui ở lại hết coi như toàn dân không phải 115 người mà là cả ngàn người đòi ở lại.
- Chị Hương

Ngoài ra, tất cả các hộ dân trong và ngoài buổi gặp cũng như những hộ dân được mời dù đã được trả tiền đền bù từ nhiều năm trước đều nhất trí đồng thuận rằng,họ không cần tiền bồi thường nữa và sẽ trả tiền lại cho Chính phủ và yêu cầu trả lại nhà vì người dân cho rằng nhà của họ nằm ngoài ranh giới.

Chị Hương bức xúc chia sẻ rằng, lúc trước UBND Thành phố đã thỏa thuận hoán đổi với người dân, nay lại lật kèo khiến mọi người không thể chịu đựng nổi, chị chia sẻ thêm:

“Thảo luận là cho người ta ở lại đó giờ lật lọng kêu đền bù bực lắm e ơi, giờ đi thưa kiện lại từ đâu nhưng dân vẫn hoan hỉ vì hôm nay dân thắng vì hôm nay dân không có nghe lời để lấy như ngày xưa nữa mà giờ dân yêu cầu là 5 phường ở ngoài ranh thì cho tụi tui ở lại hết coi như toàn dân không phải 115 người mà là cả ngàn người đòi ở lại luôn không thèm lấy tiền bồi thường nữa. Giờ nhà người ta trả lại cho người ta thôi vì nhà người ta ở ngoài ranh quy hoạch.”

Khác với những gì mà truyền thông trong nước tường thuật, chị Hương cho biết cuộc tiếp xúc đã “vỡ trận” khi tất cả người dân đều đồng lòng cho rằng họ sẽ trả tiền lại cho chính phủ.

Đối với lời xin lỗi của ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thì những người dân mà chúng tôi có dịp trao đổi đều có ý kiến rằng  họ không cần lời xin lỗi thì phía ban lãnh đạo thành phố mà điều họ cần là giải quyết khắc phục hậu quả bao năm qua càng sớm càng tốt.

Facebook Đỗ Ngà vào ngày 18 tháng 10 có bài viết với đoạn xin được trích lại nguyên văn ‘Hôm nay, dân Thủ Thiêm bị cướp đất, nỗi oan kéo dài 20 năm mà không một kẻ thi hành chính sách nào bị khởi tố. Vẫn cách điều hành ‘quan chức sai thì xin lỗi, dân sai thì truy tố’ nó đã tàn phá đất nước này không còn gì cả.’

Facebook Đỗ Ngà nhắc đến hai vị chủ tịch tiền nhiệm mà ông Nguyễn Thành Phong đại diện xin lỗi là hai ông Nguyễn Văn Đua và Lê Thanh Hải.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.