Cuộc sống người nghèo cao tuổi ở Việt Nam

Hiện nay có hơn 7 triệu người cao tuổi, chiếm 9% dân số Việt Nam, theo con số của báo VNExpress, trong số đó có trên 2 triệu vị trong cảnh sống hết sức khó khăn, không nơi nương tựa, tật nguyền hay nghèo đói.

0:00 / 0:00
caoTuoi_tangqua_catholic.org.tw_305
Tổ chức công giáo ở Taiwan chuyển gạo và chăn mền đến người cao tuổi nghèo ở Nghệ An. (Hình từ catholic.org.tw)

Chính sách phúc lợi xã hội

Được biết, vào năm 2006, chính phủ Việt Nam đã cho phép Hội Người Cao Tuổi Việt Nam thành lập một Qũy Chăm Sóc để hỗ trợ và chăm sóc cho những người già trong cảnh ngặt nghèo.

Cho đến nay, việc thực hiện này ra sao, và tình cảnh của người cao tuổi như thế nào?

Theo lời của tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Tiêm, hiện là Giám đốc Quỹ Chăm Sóc Người Cao Tuổi Việt Nam, trụ sở ở Ba Đình, Hà Nội, mặc dù nhà nước đã ra chỉ thị thành lập và Hội Người Cao Tuổi Việt Nam ra sức vận động, thế nhưng:

“Tổ chức thực hiện thì cũng không thể dễ dàng mà giải quyết được ngay. Số người cao tuổi đang gặp khó khăn về đời sống là 34%. Đó là kết quả của cuộc điều tra năm 2006.

Theo nghiên cứu về bệnh tật của người cao tuổi từ Viện Lão Khoa Việt Nam, mỗi cụ mang 2.9, suýt soát 3 bệnh thể bệnh. Về tinh thần, ở vùng sâu vùng xa, nhiều cụ chưa được sinh hoạt các câu lạc bộ, hoặc giải trí về tinh thần.

Nói tóm lại, đời sống vật chất thì 34% đang gặp khó khăn, cực khổ. Còn đời sống tinh thần thì rất thấp. Số người neo đơn, không nơi nương tựa rất khó khăn còn khoảng 200.000 cụ.”

Số các cụ bệnh hoạn đến bệnh viện cũng chỉ được 1/3. Số còn lại thì qua loa ở nhà hay đành chịu. Không phải các cơ sở các điạ bàn đều đã có quỹ chăm sóc ông bà cha mẹ đâu! Nhất là vùng núi, vùng sâu, con cháu cũng nghèo, cũng chẳng lấy đâu ra mà góp vào việc phụng dưỡng.<br/> <i> tiến sĩ Nguyễn Văn Tiêm</i>

Ông cũng cho biết, theo tinh thần pháp lệnh, tất cả các đơn vị địa phương từ cấp tỉnh thành đến xã đều phải cố gắng thành lập qũy để chăm sóc cho người cao tuổi ngay tại địa bàn của mình.

Thực tế, cho đến nay, chỉ có một số rất ít điạ phương thực hiện được:

“Số địa phương thành lập quỹ chăm sóc người cao tuổi ở cơ sở thì chưa chính xác vì chỉ mới điều tra ở 4 tỉnh; Yên Bái, Hà Nội, Đồng Nai và Lâm Đồng thì mới được 50% thành lập được qũy này. Những nơi vận động tích cực thì tương đối khá, nhưng những nơi chưa ủng hộ nhiệt tình thì cũng chỉ được vài chục triệu.”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiêm cho biết thêm rằng riêng về phần Qũy Chăm Sóc Người Cao Tuổi Việt Nam cũng chỉ nhận được một số rất ít tài trợ từ ngày thành lập đến nay, cho nên việc chăm sóc cho người cao tuổi nghèo khổ cũng chỉ như muối bỏ biển:

“Trong mấy năm vừa qua, một số tổ chức quốc tế hỗ trợ cho người cao tuổi như tặng xe lăn, mấy chục nghìn bộ quần áo để phân phối cho người cao tuổi mặc chống rét trong mùa đông, mua gạo để giúp cho những cụ ở vùng bị thiên tai nặng nề.

Riêng Quỹ Chăm Sóc Cho Người Cao Tuổi Việt Nam thì khả năng tài chính thì hạn hẹp, có tinh thần nhiệt tình nhưng không thể hỗ trợ hết được. Hiện nay, hàng mấy trăm nghìn các cụ phải ở nhà tạm, nhà dột nát, mà chưa giải quyết được. Số 34% nghèo khó cũng đã giải quyết được bao nhiêu đâu.

Số các cụ bệnh hoạn đến bệnh viện cũng chỉ được 1/3. Số còn lại thì qua loa ở nhà hay đành chịu. Không phải các cơ sở các điạ bàn đều đã có quỹ chăm sóc ông bà cha mẹ đâu! Nhất là vùng núi, vùng sâu, con cháu cũng nghèo, cũng chẳng lấy đâu ra mà góp vào việc phụng dưỡng.

Khó khăn theo định mức ở Việt Nam thì ở nông thôn thu nhập dưới 200.000 đồng một tháng, ở thành thị thu nhập dưới 260.000 một tháng là nghèo.”

caotuổi_kham Benh_baoPhuYen.com.vn_250
Người cao tuổi có cơ hội chăm lo sức khỏe ở tỉnh thành như Phú Yên, tuy con số của Quỹ Chăm Sóc Cho Người Cao Tuổi Việt Nam cho thấy có đến 1/3 người già không được săn sóc ở bệnh viện. Hình từ baophuyen.com.vn (Hình từ baophuyen)

Đó là chưa kể khá nhiều trường hợp rất thương tâm, nhiều cụ bị đối xử tàn tệ, thậm chí còn bị cả con cháu mình ức hiếp. Trong buổi gây qũy vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, ông Tiêm kể lại:

Chính Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng lên tiếng nói rằng cũng có những trường hợp ruồng rẫy, nhẫn tâm, đối xử không được tốt với ông bà cha mẹ. Có cả trường hợp đánh chết bố, chết mẹ.”

Lòng hảo tâm từ phương xa

Con cái nhiều khi không nuôi nổi, vì họ đi làm mướn, một ngày công nhiều lắm là hai chục ngàn, họ phải nuôi vợ con, nên không đủ sức mà nuôi mẹ được. Nhiều khi trong gia đình, nặng lời với cha mẹ, cha mẹ rất buồn, nhiều khi phải bỏ đi.<br/> <i> bà Nguyễn Thị Thảo, Hoa Kỳ</i>

Được biết, Hội Từ Thiện Têresa, do thầy Sáu Vũ Thành An thành lập ở Hoa Kỳ từ 8 năm qua, chuyên giúp đỡ cho người già neo đơn ở Việt Nam bằng cách hàng tháng phát cho các cụ 10 ký gạo.

Từ đầu năm đến nay, vì tình hình kinh tế ở Việt Nam bị lạm phát, giá gạo tăng cao, rồi sự đóng góp từ các nơi xa gần cũng giảm, nên hiện nay Hội chỉ tặng các cụ được 6 ký. Thầy Sáu Vũ Thành An, chủ tịch Hội Terêsa cho biết về tình cảnh của một số người cao tuổi đang nhận sự trợ cấp nhỏ nhoi của Hội như sau:

“Theo tôi thì có khoảng 1/20 các cụ sống một mình, thường là các cụ có con cái đi làm xa. Khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa, hay vùng ở miền Trung, các con cái đi xa để kiếm ăn hết, các ông già bà lão vừa thiếu thốn, vừa cô đơn. Đó là tình cảnh của những người già mà chúng tôi nhận thấy trong thời gian đi giúp đỡ cho các cụ.

Hiện nay, hội Terêsa có chương trình đi săn sóc các cụ già bịnh, nằm một chỗ, mang thức ăn hay dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho các cụ. Chúng tôi đang cố gắng mở rộng chương trình này. Khó khăn không phải về tài chính mà là kiếm người để làm công việc đó, rất khó!”

Bà Nguyễn Thị Thảo, ở tuổi hưu, cũng là thiện nguyện viên tích cực của Hội Têrêsa, đã đi thăm một số đông các cụ già ở Quảng Trị cho biết:

“Các cụ từ tuổi 65 cho đến 90 tuổi ngoài đó rất cực khổ. Hoàn cảnh của họ rất nghèo, bữa đói, bữa no, con cái không có, sống ở túp lều tranh một mình, ở ven biển. Con cái nhiều khi không nuôi nổi, vì họ đi làm mướn, một ngày công nhiều lắm là hai chục ngàn, họ phải nuôi vợ con, nên không đủ sức mà nuôi mẹ được. Nhiều khi trong gia đình, nặng lời với cha mẹ, cha mẹ rất buồn, nhiều khi phải bỏ đi.”

Nhiều người bị bỏ rơi

Trong nhiều năm qua, qua cơ hội tiếp xúc với những người già neo đơn, nghèo khổ, từ Quảng Trị đến Bến Tre, bà cho rằng, có thể chia ra 4 thành phần của người cao tuổi trong hoàn cảnh khó khăn như sau:

“Thành phần thứ nhất là con cái chết hết. Có người một mình ở trong túp lều tranh xiêu vẹo, vách cũng làm bằng phên lá, tối, gió thổi rất lạnh, nhiều khi phải đi làm mướn chung quanh, đi giúp cho những nhà bên cạnh để kiếm bữa cơm ăn nên đời sống không được bảo đảm.

Thứ hai là có con, nhưng con đi làm thuê làm mướn, không đủ sức nuôi mẹ, nên trong gia đình có sự nặng lời. Thứ ba, là nằm liệt một nơi trên giường, cũng ở những túp lều tranh, quá nghèo khổ, lối xóm vì tình thương, nấu cơm bưng cho ăn, có khi còn phải đút. Thứ tư, là cũng khá giả, nhưng bị con gạt, bán tài sản, đoạt lấy của mẹ, rồi đuổi mẹ đi.”

Với hơn 2 triệu người cao tuổi hiện đang sống trong cảnh khốn cùng như thế, mà Qũy Chăm Sóc Người Cao Tuổi Việt Nam thì hạn hẹp, chỉ trông vào sự lòng hảo tâm và một số tài trợ rất ít ỏi của các cá nhân và vài tổ chức từ thiện ở nước ngoài.

Không biết đến bao giờ nhà nước mới có chính sách hỗ trợ cụ thể, hay rồi đành phải chấp nhận hoàn cảnh hiện nay như lời than thở của tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Tiêm:

“Việt Nam vốn dĩ nghèo nên không dễ dàng lấp các khoảng trống ngay nên việc thực hiện chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi khó còn rất nhiều hạn chế.”