Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây yêu cầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nghiên cứu thí điểm thuê giám đốc điều hành (CEO) người nước ngoài, lãnh đạo không phải đảng viên… Ông Chính, cùng với đó, yêu cầu các DNNN phải đổi mới, tối ưu sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…
Mối quan hệ đảng ủy & CEO nước ngoài
Một người từng làm việc ở DNNN tại Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 25/6/2024 nói với RFA về yêu cầu mới trên:
“Đây là một nghịch lý. Đó là, trong khi ngân sách nhà nước bỏ kinh phí cho cán bộ đi nước ngoài học để nâng cao kiến thức về phục vụ đất nước, nhưng sau khi kết thúc khóa học họ không về nước. Bây giờ nhà nước lại đặt vấn đề thuê CEO nước ngoài đến VN lãnh đạo, điều hành các doanh nghiệp nhà nước!”
Theo người này, trước đây ở Việt Nam đã từng có ý kiến đề xuất người tài ngoài Đảng làm bộ trưởng, nhưng nhà nước không thực hiện được đề xuất đó mặc dù họ là người Việt 100%. Ông này cho rằng vì với cơ chế ‘Đảng CSVN lãnh đạo nhà nước trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối (theo điều 4- Hiến pháp 2013) thì theo ông nghĩ bất kỳ vị trí lãnh đạo nào từ cấp nhỏ nhất đến cao nhất phải là người của Đảng, tức phải là đảng viên. Do đó, ông cho rằng:
“Như vậy, thí điểm thuê CEO người nước ngoài làm lãnh đạo DNNN là không khả thi. Muốn thực hiện được điều này thì phải luật hóa hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung này trong Luật doanh nghiệp nhà nước. CEO người nước ngoài không phải là đảng viên, cấp dưới của họ là cấp phó, các trưởng bộ phận trong doanh nghiệp nhà nước lại là đảng viên, sinh hoạt trong một chi bộ, đảng bộ. Họ họp hành, ra nghị quyết thế này, thế nọ đối với hoạt động của doanh nghiệp mà không phù hợp với chỉ đạo của CEO nước ngoài thì CEO này làm sao làm được vì nó tréo ngoe!”
Với phân tích trên, người này cho rằng, chỉ có cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các cổ đông có quyền thuê người giỏi làm CEO, có thể là người trong hay ngoài nước, đảng viên hay không đảng viên để làm lãnh đạo doanh nghiệp! Nếu CEO làm không xong thì Đại hội đồng cổ đông sẽ thay thế CEO khác!
Thí điểm thuê CEO người nước ngoài làm lãnh đạo DNNN là không khả thi. Muốn thực hiện được điều này thì phải luật hóa hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung này trong Luật doanh nghiệp nhà nước.
-Một người từng làm việc ở DNNN
Vào tháng 10 năm 2023, Bộ GD&ĐT cho biết giai đoạn 2013-2022, Bộ này đã cử 11.657 người đi học nước ngoài. Trong đó, 4.049 người đi học tiến sĩ, 1.877 người đi học bậc thạc sĩ, 5.070 học sinh đi học đại học và 661 thực tập sinh đi học ở nước ngoài tại hơn 40 nước trên thế giới. Tuy nhiên theo Bộ này có 4.471 người chưa trở về nước làm việc dù đã đến hạn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 25/06/2024:
“Hai việc đó diễn ra trong hai thời kỳ khác nhau. Sau khi mở cửa, sau khi đổi mới, thì Việt Nam cải cách DNNN và có thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế tư nhân. Lúc bấy giờ DNNN phải thay đổi mô hình quản lý, phải biết về kinh tế thị trường, nhờ đó Việt Nam đã cử các cán bộ của DNNN đi học ở các doanh nghiệp ở nước ngoài và tiếp thu kiến thức của các nước lúc bây giờ vẫn còn làm các nước XHCN, nhưng họ đã có các bước cải cách tiên tiến.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Việt Nam hiện nay sau khi hội nhập sâu rộng đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại Tự do với rất nhiều đối tác và có quan hệ xuất nhập khẩu mở rộng, vì vậy cho nên việc tiếp cận với một thế giới thay đổi nhanh chóng với các luật lệ và quy định… thì rất cần các chuyên gia nước ngoài am hiểu sâu hơn… Do đó, theo ông Lê Đăng Doanh việc thuê CEO nước ngoài là cần thiết, với hy vọng sau một thời gian người giám đốc đó có thể truyền đạt kinh nghiệm, và người Việt Nam có thể học, tiếp thu được… Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đăng Doanh, có một vấn đề cần phải đặt ra đó là:
“Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam được quản lý bởi các đảng ủy rất là chặt chẽ. Đảng ủy
Đảng Cộng sản Việt Nam ở các DNNN ra các quyết định rất cụ thể về mục tiêu, về phương hướng và biện pháp để quản lý DNNN. Do đó quan hệ giữa đảng ủy và giám đốc người nước ngoài cần phải được quy định cụ thể, để cho công việc hợp pháp, tiến hành một cách suôn sẻ và thuận lợi.”

Sửa đổi luật tổ chức
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 25/6/2024 khi trả lời RFA về vấn đề trên cho rằng, việc thuê giám đốc điều hành không phải là đảng viên, thậm chí là người nước ngoài, để dẫn dắt một tổ chức của quốc gia không phải là một điều gì mới. Ví dụ điển hình nhất mà ông đưa ra đó là việc Việt Nam đã thuê huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển bóng đá của Việt Nam. Theo tiến sĩ Huy Vũ, nhờ sự dẫn dắt đầy hiểu biết của các huấn luyện viên nước ngoài, bóng đá Việt Nam từng bước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Còn đối với các DNNN, ông Vũ cho biết:
“Riêng đối với các doanh nghiệp quốc doanh, cho đến nay họ vẫn đang hoạt động như một chi bộ của Đảng Cộng sản. Chính vì lối tổ chức này, nó đã là rào cản ngăn doanh nghiệp nhà nước tiến hành các cải tổ về hành chính, phương thức điều hành, và mục đích.”
Cho đến nay họ vẫn đang hoạt động như một chi bộ của đảng Cộng sản. Chính vì lối tổ chức này, nó đã là rào cản ngăn doanh nghiệp nhà nước tiến hành các cải tổ về hành chính, phương thức điều hành, và mục đích.
-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Chính vì hoạt động như một chi bộ của Đảng Cộng sản cho nên, theo ông Vũ, nó đòi hỏi các thành viên ban lãnh đạo của công ty phải là người của đảng Cộng sản. Giờ đây muốn thuê người điều hành không phải là đảng viên thì trước hết phải sửa lại luật quốc gia và luật tổ chức của đảng trước. Tiến sĩ Vũ nói thêm:
“Về nguyên tắc, luật quốc gia nên xem doanh nghiệp nhà nước có vai trò, vị trí và phương thức hoạt động tương đương như các doanh nghiệp tư nhân khác. Doanh nghiệp nhà nước cũng đặt mục tiêu đem lại lợi nhuận trước hết cho cơ quan chủ quản và sau đó mới xem xét tới các khía cạnh phục vụ vì lợi ích quốc gia.”
Về lâu về dài theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, chính quyền nên cổ phần hoá tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Đối với một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở vài lĩnh vực then chốt, nhà nước chỉ cần giữ lại một vị trí cổ phần chiếm đa số là đủ.
Vào tháng 9 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 69 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nghị định số 69 đã sửa đổi, bổ sung Điều 28 về điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát viên.
Theo đó, có chín điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước, thay vì bảy điều kiện , trong đó bao gồm: Bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; Đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…