GS. Nguyễn Văn Huy: Lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa

RFA
2023.07.05
GS. Nguyễn Văn Huy: Lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa Một người phụ nữ J'rai ở tỉnh Gia Lai (ảnh minh họa)
Reuters

Tiếp theo phần trước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giáo sư Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999), sẽ trao đổi với độc giả RFA về lịch sử người bản địa ở Việt Nam. Việt Nam từng có những cơ cấu tiến bộ tôn trọng quyền của người bản địa, nhưng đáng tiếc là những cơ cấu này đều "đoản mệnh". 

nguyenvanhuy-Paris

Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7, 1995-1999

RFA. Giáo sư nói rằng thực tế lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa. Xin Giáo sư giải thích. 

Nguyễn Văn Huy: Đất nước mình tuy có lịch sử lâu dài, như người ta hay nói là 4000 năm, nhưng thực ra rất là mới. 

Hơn nữa, lịch sử lâu dài đó của Việt Nam thực sự chỉ tập trung ở phía Bắc, xung quanh sông Hồng. Còn dải đất miền Trung thì mới chỉ được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam sau này. Thanh Hóa, Nghệ An thì sớm hơn, còn từ Huế trở vào thì mới nhập vào lãnh thổ Việt Nam mấy trăm năm nay. Miền Nam thì gia nhập trễ nhất, có những khu vực mới nhập vào từ thế kỉ 19.    

Còn Tây Nguyên thì thực tế chỉ được "hội nhập" vào lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỉ 20. Trước đó thì quyền lực các vương triều phong kiến đối với Tây Nguyên rất lỏng lẻo, chỉ có tính chất tượng trưng, phủ dụ

Thành ra, nếu mình nói cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên không phải là người bản địa, hay người Khmer ở Miền Nam, người Chăm ở miền Trung không phải là người bản địa chỉ là cách nói hồ đồ, khiên cưỡng, không đúng với sự thật. 

Mình nói lịch sử Việt Nam có 4000 năm thì đó chỉ là lịch sử trong quan niệm của người Kinh, chứ người Khmer, người Chăm, người Thượng họ không biết lịch sử đó của mình. Cộng đồng người Thượng, người Chăm, người Khmer có lịch sử riêng của họ trước khi người Kinh đến. 

RFA. Xin Giáo sư cho biết Tây Nguyên trước khi chính thức nằm trong bộ máy quản trị hành chính của Việt Nam thì như thế nào ?

Nguyễn Văn Huy: Thực sự thì Tây Nguyên thời phong kiến Việt Nam chỉ là một vùng "trái độn". Việt Nam thời xưa tổ chức không gian theo mô hình Trung Hoa, gồm có nhiều ô vuông chồng lên nhau. Ô vuông thứ nhất là Khu cấm thành, nơi vua quan ở. Ô vuông thứ hai ở phía ngoài Khu cấm thành, gọi là Khu trung tâm, là nơi các quan và thế lực trung thành với vua. Ô vuông thứ ba là vùng đất của cư dân cùng nền văn hóa với vua, văn hóa Khổng Mạnh, gọi là Khu vực an bình, nơi đã được khai hóa. Ở Việt Nam, đó là nơi người Kinh sinh sống. Vùng thứ tư là Khu vực ảnh hưởng hay Khu vực cưỡng chế, vùng đan xen, pha trộn giữa cộng đồng người Kinh và các cộng đồng người Man, tức là người thiểu số ở xa. Thời đó các vương triều Đại Việt coi người Kinh là ở khu vực trung tâm và lân cận, còn người Man là ở xa trung tâm. Còn khu vực thuộc ô vuông thứ 5 là Khu ngoại biên, tức khu vực vô cương không được chấp nhận trong hệ thống, tức là vùng "man di", nơi bị gán là không văn minh, thực chất là không cùng chung văn hóa Khổng giáo với họ.       

Ở Trung Quốc, họ xây Vạn lí trường thành để ngăn chặn những người ở vùng vành đai thứ 5, rợ Hung, có thể tràn vào vành đai thứ 4 hoặc sâu hơn. Việt Nam trước đây chỉ có ở khu vực Bắc trung bộ, trong đó các ô vuông trung tâm là Thăng Long và vùng đồng bằng Hồng hà phụ cận. Khi Việt Nam từ thế kỉ 15 và 16 bắt đầu mở rộng xuống phía Nam, đặc biệt là từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh từ thế kỉ 17. Trong cuộc phân tranh này, bị chúa Trịnh truy ép thì phía chúa Nguyễn đưa dân tiến dần theo vùng duyên hải xuống phía Nam, lấn chiếm lãnh thổ của người Chăm

Bản đồ Việt Nam thế kỷ 17 được các giáo sĩ dòng Thừa sai (Jésuites) vẽ lại (Ảnh GS. Nguyễn Văn Huy cung cấp)  

Người Kinh là những người quen thuộc với đồng bằng. Thời đó họ hoàn toàn chỉ sống trong vùng đồng bằng và rất sợ vào các vùng rừng núi. Họ coi đó không phải là của mình. Họ đi theo vùng đồng bằng ven biển rồi dần dần họ xâm thực vào vùng người Chăm sinh cư.

Trước đó, xung đột giữa Đại Việt ở khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay với Champa diễn ra triền miên nhiều thế kỉ. Và đến năm 1471 thì thành Đồ Bàn tức Vijaya (Qui Nhơn), kinh đô của Champa, ngày nay thuộc tỉnh Bình Định của Việt Nam, hoàn toàn rơi vào tay Đại Việt. 

Đại Việt sau đó đem dân của mình tới khai thác những vùng sinh cư của vương triều Champa để lại, trong người Chăm rút dần về phía nam. Khi khai thác dần đến vùng chân núi dãy Trường Sơn, Tây Nguyên ngày nay, thì người Kinh bắt đầu tiếp xúc với người Thượng. 

Thời đó thỉnh thoảng người Thượng tràn xuống đồng bằng cướp lương thực mỗi khi bị mất mùa, nên Đại Việt xây dựng những bức thành lũy gọi là Tĩnh Man Trường Lũy để ngăn chặn họ. Ngày nay dấu vết của trường lũy này vẫn còn ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. 

Trong thế kỉ 17 và 18, các chúa Nguyễn đã hoàn thành những công trình như vậy để ngăn chặn cộng đồng người Thượng xuống đồng bằng cướp lương thực hoặc tiếp xúc với mình. 

Khi chúng ta xem xét chính sách "nhu viễn" của các vương triều phong kiến, tức là mềm dẻo, phủ dụ với người phương xa, để giữ yên vùng ngoại biên. Chính sách này không có mục đích đồng hóa người thiểu số ở vùng xa mà chỉ giữ họ trong vòng ảnh hưởng của mình. 

Cho nên nhìn vào sự thực lịch sử thì không thể nói Việt Nam không có người bản địa. Các vùng đất ở xa đồng bằng sông Hồng, trước khi người Kinh đến, lúc ban đầu luôn đã có người đã ở từ trước, tức người bản địa. 

Còn trong lịch sử hiện đại, khi ông Hồ Chí Minh lập ra chiến khu Việt Bắc để chống lại quân Pháp thì người bản địa là Mường, Tày, Nùng, Mông đã giúp đỡ tận tình. Và sau 1954 thì Hồ Chí Minh đã cho lập thành những vùng tự trị ở Tây Bắc.

RFA. Thưa Giáo sư, trong thế kỉ 20, Việt Nam từng có những cơ chế pháp lý nào thừa nhận nước mình có "người bản địa" và bảo đảm quyền của người bản địa hay chưa ? 

Nguyễn Văn Huy: Có. Ít nhất đã từng có hai cơ chế tôn trọng quyền của người bản địa như vậy. Dưới thời Pháp cai trị, xã hội người Thượng ở Tây Nguyên, người Pháp gọi là "Pays des Montagnards du Sud indochinois – PMSI, không có xáo trộn gì lớn. Sau khi Chính phủ Quốc gia Việt Nam ra đời, ông Bảo Đại đặt ra quy chế "Hoàng triều Cương thổ", tôn trọng tính tự trị của người bản địa ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía bắc. Đối với người Thượng ở Tây Nguyên, cơ chế "Hoàng triều Cương thổ" tôn trọng cơ cấu chức sắc truyền thống của người Thượng, cho thành lập Tòa án Phong tục Thượng (xét xử dựa trên phong tục lâu đời của người bản địa, chứ không áp đặt luật của nhà nước trung ương). Cơ chế này cũng đặt ra nguyên tắc "bảo đảm quyền sở hữu đất đai của người Thượng" (Sách : Lê Đình Chi, "Người Thượng Miền Nam Việt Nam", Gardena, CA: Văn Mới, 2006.)

Năm 1956, ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Sắc lệnh số 268/SL ngày 7/1/1956 thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Nội dung của Sắc lệnh này đã chứng tỏ rất rõ là Việt Nam có người bản địa, dù văn bản này không nhắc tới khái niệm đó.

Điều 3 của Sắc lệnh này khẳng định "Khu tự trị Việt Bắc là một bộ phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền Khu tự trị là một cấp chính quyền địa phương". Chương 3 của Sắc lệnh có quy định về "quyền tự trị chính trị và quân sự", trong đó, Điều 8 cho phép "chính quyền Khu tự trị được quyền quy định những luật lệ riêng. Những luật lệ riêng này sau khi được Chính phủ Trung ương chuẩn y mới thi hành". Điều 9 cho phép "chính quyền Khu tự trị được tổ chức bộ đội địa phương, dân quân và công an Khu tự trị, để bảo vệ an toàn của Khu tự trị và giữ gìn trật tự trong khu. Bộ đội địa phương và dân quân trong Khu tự trị là những bộ phận trong quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc quyền chỉ huy tối cao của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh. Công an Khu tự trị là một bộ phận trong tổ chức công an toàn quốc thuộc quyền chỉ đạo chung của Bộ Công an". Điều 12 quy định "các dân tộc trong Khu tự trị có quyền tự do tín ngưỡng và có quyền giữ gìn hoặc thay đổi phong tục tập quán của mình". Điều 13 quy định "các dân tộc có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trong mọi công việc như : hành chính, giáo dục, tuyên truyền, v.v…". Điều 14 quy định "chính quyền Khu tự trị có quyền lập trường học, mở nhà thương và tổ chức những cơ quan văn hóa, xã hội v.v... của các dân tộc trong Khu tự trị".

Cả hai cơ cấu "Hoàng triều Cương thổ" của Quốc gia Việt Nam và "Khu Tự trị Việt Bắc" của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều là những minh chứng cho thấy thực tế lịch sử là Việt Nam có người bản địa. Cả hai cơ cấu này đều có những nét tiến bộ giống như "Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa" ra đời sau này. 

RFA. Thưa Giáo sư, tại sao hai cơ cấu "Hoàng triều Cương thổ" của Quốc gia Việt Nam và "Khu Tự trị Việt Bắc" của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những điểm tiến bộ nhưng sau đó không còn nữa ?

Nguyễn Văn Huy: Đáng tiếc là cả hai cơ cấu này đều đoản mệnh. Ở Tây Nguyên, cơ cấu "Hoàng triều Cương thổ" đến thời Đệ nhất Cộng hòa đã bị bãi bỏ năm 1955. Tòa án phong tục dựa trên tinh thần tôn trọng văn hóa người bản địa Tây Nguyên bị Chính phủ Ngô Đình Diệm bãi bỏ. Quyền tự trị của người Thượng không còn. Điều này dẫn đến những phản kháng về mặt chính trị và quân sự và di hại còn đến ngày nay. 

Còn ở phía bắc, sau khi thành lập "Khu Tự trị Việt Bắc" năm 1956 không bao lâu thì Chính phủ Hồ Chí Minh cũng bãi bỏ cơ chế này trên thực tế. Lý do là có một số lãnh tụ người bản địa ở Việt Bắc thời đó đã có những động thái chính trị gắn với Trung Quốc, tạo ra nguy cơ đe dọa toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. 

RFA xin chân thành cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Huy đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Phần tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm riêng về chính sách đúng đắn cần có với người bản địa. 

Phần 1: "Người bản địa": từ Bản tuyên ngôn mơ hồ của Liên Hiệp Quốc đến việc phủ nhận khái niệm "người bản địa" ở Việt Nam

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/indigenous-peoples-from-the-un-vague-declaration-to-the-denial-of-the-concept-of-indigenous-people-in-vietnam-06282023084443.html

Phần 2: GS. Nguyễn Văn Huy: Lịch sử cho thấy Việt Nam có người bản địa  https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/historically-vietnam-has-indigenous-people-07042023172730.html 

Phần 3: Quyền của người bản địa : Nguy cơ cát cứ của vùng tự trị và cách giải quyết

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/indigenous-people-rights-the-threat-of-fragmentation-and-how-to-deal-with-it-07062023224603.html 

Phần 4: Ứng xử với người bản địa : Hãy xem Việt Nam như một dự án chung 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dealing-with-indigenous-people-lets-see-vietnam-as-a-common-project-07062023231436.html 

Phần 5: Tái định nghĩa Việt Nam: một tổ quốc, nhưng cho các bản sắc khác nhau

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/redefining-vietnam-one-homeland-but-for-different-identities-07062023232124.html 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
05/07/2023 08:43

Từ bao nhiêu năm qua... dưới thể chế, chế độ độc đảng, đảng độc... độc tài, độc đoán, độc tôn, độc trị... độc địa, độc ác, độc hại... của đảng giặc Việt Cộng kinh tởm, chính người Kinh cũng không có quyền Tự quyết huống chi người Thượng không có quyền Tự trị.