Kinh tế TPHCM ảm đạm chưa từng thấy, báo hiệu một năm không như kỳ vọng

RFA
2023.04.06
Kinh tế TPHCM ảm đạm chưa từng thấy, báo hiệu một năm không như kỳ vọng Ảnh minh họa chụp tại TPHCM hôm 22/9/2022.
AFP

Kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực TPHCM trong quý 1 vừa qua sụt giảm nhiều hơn dự kiến, báo hiệu một năm 2023 kinh tế ảm đạm hơn dự báo.

Kinh tế Việt Nam tụt giảm trong quý 1

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống còn 3,32% trong quý đầu tiên, từ 5,92% của quý 4 năm 2022. Trong khi đó, lạm phát cả nước tăng 4,18% trong quý 1.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập, đánh giá đây là mức tăng trưởng rất thấp. Thậm chí nó còn tệ hơn cùng kỳ năm 2022, khi mà kinh tế Việt Nam vừa được mở ca trở lại sau thời gian dài phong toả do dịch.

Nguyên do, theo tiến sỹ Hiếu, thứ nhất là từ tình hình kinh tế thế giới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn. Khi kinh tế toàn cầu gặp vấn đề là ngay lập tức Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng theo.

Hiện, các nước là đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ hay Châu Âu đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến nền kinh tế của họ bị chững lại, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất giảm xuống. Kinh tế Việt Nam do đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi không có đơn hàng xuất khẩu. Nguyên do thứ hai đến từ thị trường trong nước:

“Thứ hai là thị trường quốc nội của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ cho đến tất cả những lĩnh vực kinh doanh khác như chứng khoán, bất động sản. Do đó làm cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng chậm trong năm 2023.” 

Theo Reuters, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý đầu tiên giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn FDI giải ngân giảm 2,2%.

Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất từ ngày 15/3. Theo tiến sỹ Trí Hiếu, hành động này có điểm lợi là nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam bởi Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới là tiếp tục tăng lãi suất. Nếu lúc này Việt Nam giảm lãi suất thì nó sẽ làm tăng tỷ giá đồng đô-la Mỹ so với tiền Đồng, điều này có thể tạo ra bất ổn trên thị trường ngoại hối và làm tăng giá của hàng nhập khẩu.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%. Tiến sỹ Trí Hiếu cho rằng với tất cả khó khăn, thách thức vừa nêu, kinh tế Việt Nam rất khó có thể cán đích tăng trưởng 6,5% vào cuối năm nay:

“Theo tôi thì có lẽ mức 6% là mục đích rất cao vọng bởi vì với tất cả những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, mà chúng ta thấy rằng ngay cả thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm thương mại, kinh tế của cả nước mà tăng trưởng ở mức rất thấp. Thành ra tôi nghĩ rằng trong cả năm để đạt mức tăng trưởng 6% là có lẽ là rất khó khăn, theo tôi tăng trưởng ở mức 5% có lẽ sẽ hợp lý hơn.”

Với kết quả quý 1 được báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng phải thừa nhận hôm 3/4 rằng “kịch bản tăng trưởng 6,5% năm 2023 như mục tiêu đề ra là rất thách thức”.

Kinh tế TPHCM tăng trưởng thấp chưa từng thấy

Tình hình kinh tế chung của cả nước đang đi xuống, nhưng thành phố HCM, đầu tàu kinh tế tài chính cả nước là nơi đang chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất trong vài tháng qua.

Cũng theo báo cáo từ Cục Thống kê, tăng trưởng của TPHCM trong quý một chỉ đạt 0.7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong năm thành phố trực thuộc trung ương, và thuộc nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho biết ngoài các yếu tố tác động từ bên ngoài như Hoa Kỳ tăng lãi suất hay các nước đối tác của Việt Nam giảm đơn hàng sản xuất, thì các yếu tố trong nước sau đây là lý do khiến TPHCM chứ không phải là nơi nào khác chịu ảnh hưởng xấu nhất.

Đầu tiên là do bất ổn trên thị trường bất động sản và trái phiếu. Theo tiến sỹ Huy Vũ, số tiền của các nhà đầu tư thay vì bỏ vào các ngành sản xuất phát triển vùng Sài Gòn thì nó đã chôn cứng trong bất động sản hay trái phiếu.

Lãi suất Việt Nam hiện nay vẫn còn đang rất cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất, dẫn đến nền kinh tế bị chững lại.

Thêm một nguyên do khác nữa là vì các dự án đầu tư công hiện nay triển khai rất chậm. Theo ông Huy Vũ, Đáng ra, trong trường hợp nền kinh tế bị khủng hoảng thì chính phủ có thể triển khai đầu tư công để tạo công ăn việc làm, đưa tiền vào sản xuất:

“Nhưng mà vấn đề hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng, đốt lò, của ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đến việc các quan chức họ ngần ngại trong việc triển khai đầu tư công.

Bởi vì khi triển khai đầu tư công thì trước sau gì họ cũng rất dễ mắc những sai lầm và nếu làm đầu tư công mà quan chức không có ăn được phần trăm ở trong đó thì họ không dại gì mà làm.”

Người dân đối mặt khó khăn

RFA.jpeg
Các công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo bảo hộ. Ảnh: RFA

Không chỉ kinh tế TPHCM tụt dốc, trong thời gian sắp tới, theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ, nơi đặt các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn của cả nước như Bình Dương hay Đồng Nai sắp tới cũng đều sẽ bị trì trệ: 

“Nếu nhu cầu hàng Việt Nam trên thế giới giảm thì chắc chắn là những khu chế xuất công nghiệp tại các thành phố vệ tinh của TPHCM sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì thế mà quý 2, GDP của thành phố Hồ Chí Minh có lẽ cũng sẽ không khả quan lắm so với quý 1 đâu.”

Tiến sỹ Trí Hiếu dự báo, do giá dầu thô trên thế giới tăng sẽ khiến cho lạm phát vốn đã cao sẽ tăng cao hơn nữa. Trong khi đó thu nhập người lao động lại giảm vì đơn hàng bị giảm ở các khu công nghiệp:

“Với sự phát triển trì trệ như thế mà lạm phát lại tăng thì chắc chắn là đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn rất nhiều.”

Tiến sỹ Huy Vũ cho rằng trong thời gian vừa qua và sắp tới đây, các doanh nghiệp phải giảm lượng công nhân hoặc thậm chí là đóng cửa. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội khác ví dụ như là tội phạm tăng cao hơn…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong ba tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh này tạo thêm việc làm cho 11.000 người nhưng cũng có hơn 36.000 lao động tạm hoãn hợđồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Giải pháp

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định tình hình ảm đạm của nền kinh tế TPHCM có thể được khắc phục nếu chính quyền trung ương thực hiện một số các biện pháp khắc phục sau, từ đó có thể vực dậy nền kinh tế Việt Nam.

Ông Hiếu đề nghị chính phủ nên trở lại chương trình xây dựng một trung tâm tài chính cho TPHCM, ví dụ như theo mô hình trung tâm tài chính của Thâm Quyến hay các trung tâm tài chính như ở New York. Một trung tâm tài chính như thế giúp doanh nghiệp có thể được tiếp cận với tất cả những dịch vụ, sản phẩm tài chính, từ ngân hàng cho đến các quỹ đầu tư và tất cả những dịch vụ liên quan đến pháp lý thương mại, xuất nhập khẩu…

Thứ hai là tất cả các thủ tục hành chính tại TPHCM liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, kinh doanh cần phải được cải tổ cho thông thoáng hơn. Nạn tham nhũng phải được tiêu trừ một cách tận gốc thì có thể kinh doanh sẽ được khởi sắc.

Các khu công nghiệp cũng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế từ chính phủ và các nhà kinh doanh của TPHCM nên đi tìm những thị trường mới, thay vì những thị trường truyền thống về xuất khẩu như là Mỹ hay châu Âu. Tìm ra những thị trường mới để phân tán rủi ro và phát triển ngoại thương một cách mạnh mẽ hơn…

TPHCM cũng cần cải tổ mạnh mẽ trên tất cả những thị trường, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến thị trường bất động sản, ngân hàng, ngoại tệ hay vàng… phải bơm thanh khoản vào để vực dậy các thị trường đó, từ đó “bơm máu” vào trong nền kinh tế để vực dậy thành phố.

Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên hôm 4/4 phát biểu rằng lãnh đạo thành phố đã tìm ra “toa thuốc” để thành phố có thể tăng trưởng trở lại. Một trong các giải pháp mà ông đề cập tới là tập trung vào đầu tư công. Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc để các dự án ngoài ngân sách có thể chạy.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dĩ nhiên tình hình có thể xoay trở ngược lại được nếu thực hiện những chính sách tốt để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, ông cho biết “tại thời điểm này thì tôi chưa thấy có chính sách khả thi và cụ thể từ phía chính quyền Trung ương cũng như là chính quyền địa phương để vực dậy hoạt động kinh tế của khu vực TPHCM.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
07/04/2023 09:45

Đảng tớ phải " vĩ đại " như thế nào nào, đất nước tớ mới " vĩ đại " như thế thế đấy !

Còn đảng, còn tớ, còn vì tiền, vì tiên " chân dài dài, " vì " cụ Hồ " đại vĩ đại của tớ !
Đảng tớ, độc đảng, độc tài, chỉ có tài bắt dân tớ, lạy " cụ Hồ ", thờ " cụ Hồ " của tớ.

Dân trí dân tớ còn thấp, nước tớ con nghèo khó, chỉ cần có một cái đảng " cụ Hồ ",
như dân nghèo khó, chỉ có một quần đùi đen, vá đi, vá lại, thấy cả " cụ Hồ " đen đen.

luật nhân quả
07/04/2023 15:08

BT.NVNên nhõ nhẹ TP cần cơ chế ám chỉ VN cần thể chế minh bạch trách nhiệm cụ thể theo luật hiến định loại bỏ tư duy xấu bảo trợ vô cảm vô trách nhiệm luật chồng chéo thiếu KH bởi 0 chịu lớn tiếp thu tiến bộ vì sẽ loại bỏ cương lĩnh công nông lãnh đạo cũa ĐCS chả khác nào kêu gọi thiết tha nên đổi mới cải cách thể chế tư duy quản trị độc tài 0 chịu lắng nghe phản biện tri thức công tâm vì dân vì QGVN Ftr cường thịnh bởi bảo thủ giáo điều dốt ra bán nước như lời nguyền giặc sau lưng ngươi bởi tàn thức KTử nề nếp nô lệ đương chức thì u mê QL tự sướng háo danh mơ ảo tưởng vì chung quanh toàn lợi ích hèn nhát tham vô liêm sỉ khi về hưu ôn lại đau đớn né tránh quá khứ hành xử ngu dại của mình chỉ sợ danh phận LS truy cứu con cháu mặc cảm tự kỹ ra luật nhân quả

Nhằm nhò gì!
08/04/2023 11:53

Việt Nam có cơm ăn cơm, có bo bo ăn bo bo, tới đâu cũng tới được hết.

Nguyễn thu thủy
08/04/2023 19:30

Nông dân làm ra thì thương lái ép giá bèo bọt còn đưa lên thành phố thì giá cao chót vót cước phì các loại cũng cao không ai kiểm soát mà chất lượng thì không đảm bảo an toàn nhất là thực phẩm vì vậy ms người việt ta sức khẻ không dẻo dai và yếu hơn các nước , việc làm trên thành phố khó khăn lương thì thấp đủ thứ phải lo lên phải thắt chặt chi tiêu hiện tại trên thành phố lên giá thì rất nhanh mà xuống thì nhỏ giọt mà xuống ít hơn lên vậy đồng lương mới không theo kịp luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau

Anonymous
11/04/2023 05:29

Kinh tế thành phố HCM đi xuống là do "tư bản giãy chết" không đưa đơn hàng thôi, chứ đảng ta là văn minh là trí tuệ đâu có làm kinh tế thụt lùi hỉ?