Ông Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ mới tác động gì đến Việt Nam?
Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc khép lại hôm 23/10, ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ chức Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản Trung Quốc thêm nhiệm kỳ thứ ba. Với kết quả này, nền kinh tế, chính trị Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong năm năm tới?
Nhiệm kỳ thứ ba của hai Tổng bí thư
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, hôm 23/10 gởi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình. Trong điện thư, ông Trọng nói “Tôi tràn đầy tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đồng chí là hạt nhân và sự định hướng của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XX đề ra…”
Ông Nguyễn Thế Phương, tiến sỹ ngành An ninh hàng hải, lưu ý rằng dù cả hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đều giữ chức TBT đến nhiệm kỳ thứ ba, nhưng lý do mà hai ông này tiếp tục ở lại lãnh đạo Đảng là hoàn toàn khác nhau:
“Nhiệm kỳ thứ ba của TBT Trọng thì chỉ là tình thế thôi và không bị thay đổi điều lệ Đảng và là do ông Trọng chưa tìm được người mà theo quan điểm của ông ấy là có thể kế nhiệm được chức TBT ở Việt Nam.
Thế nhưng ở Trung Quốc thì Điều lệ Đảng đã bị thay đổi rồi. Tức là ông Tập Cận Bình đã có chủ đích thay đổi tất cả những yếu tố mang tính chất thể chế và tự cho mình có một cái quyền lực tối cao. Có thể nói chỉ thua Mao Trạch Đông thời thập niên 50 - 60 mà thôi.
Trong tương lai thì có khả năng là TBT Trọng sẽ nghỉ, tức là chỉ làm ba nhiệm kỳ rồi nghỉ, nhưng mà TBT Tập thì có thể làm đến hết nhiệm kỳ thứ ba và thậm chí là nhiệm kỳ thứ tư. Đó là những điểm cần phải phân biệt.”
Thêm một điều khác biệt nữa giữa nhiệm kỳ thứ ba của ông Trọng và ông Tập, được tiến sỹ Phương chỉ ra là về chính sách đối nội và đối ngoại của hai TBT này.
Ông Trọng từ sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba thì tập trung vấn đề ý thức hệ, thông qua chiến dịch "đốt lò" làm trong sạch bộ máy Đảng, làm cho Đảng có sức sống và sức chiến đấu tốt hơn trong giai đoạn chủ nghĩa bè phái với những yếu tố mang tính tư bản thân hữu đang nở rộ ở Việt Nam:
“Trong khi đó, ông Tập Cận Bình lại cho rằng bây giờ Trung Quốc không phải ẩn mình chờ thời nữa. Trung Quốc đã có đủ lực rồi và Trung Quốc sẽ phải thực hiện mục tiêu chiến lược Trung Hoa, phục hưng dân tộc Trung Quốc, biến Trung Quốc trở thành cường quốc không những ở khu vực châu Á Thái Bình Dương mà ở trên toàn thế giới.”
Việt Nam không bị ảnh hưởng kinh tế
Ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College), nhận định cả hai nhà lãnh đạo đều ở lại đến nhiệm kỳ ba cho thấy cả Việt Nam và Trung Quốc đều ưu tiên ổn định chính trị trong nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế:
“Chưa kể hai Đảng cũng nhận thấy cần phải chống tham nhũng triệt để để bảo vệ uy tín của chế độ và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Có thể dự đoán rằng chuyến thăm này sẽ không có tác động gì lớn đến đường lối lãnh đạo trong nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi chính quyền từ lâu đã luôn ưu tiên ổn định kinh tế xã hội khỏi các thế lực thù địch.”
Tiến Nguyễn Thế Phương đánh giá, Đại hội Đảng ở Trung Quốc với kết quả là ông Tập Cận Bình được nắm quyền thêm năm năm nữa không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ngược lại, theo Tiến sỹ này, ông Tập có xu hướng kiểm soát dịch COVID một cách gắt gao, điều đó sẽ làm cho các tập đoàn kinh tế rời Trung Quốc để tìm một thi trường khác. Và khi đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi:
“Về kinh tế, theo quan điểm của mình, không ảnh hưởng nhiều lắm đâu. Bởi vì, chính sách của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát kinh tế tư nhân rất gắt gao. Thứ hai là ở ngắn hạn thì kiểm soát COVID vẫn duy trì.
Vậy thì cái quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đi ra nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục và Việt Nam sẽ một phần nào đó hưởng lợi. Như vậy, kinh tế xã hội sau Đại hội Đảng (Trung Quốc - PV) đối với Việt Nam không xáo trộn gì mấy. Điều mà Việt Nam lo ngại nhất vẫn là vấn đề an ninh nhiều hơn.”
Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trên Biển Đông
Bảy thành viên của Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc nhiệm kỳ mới bao gồm: 1 - ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư, Chủ tịch nước (69 tuổi); 2 - ông Lý Cường - Bí thư Thành ủy Thượng Hải (63 tuổi); 3 - ông Triệu Lạc Tế - Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (65 tuổi); 4 - Ông Vương Hỗ Ninh - Bí thư thứ nhất Ban Bí thư (67 tuổi); 5 - ông Thái Kỳ - Bí thư Thành ủy Bắc Kinh (67 tuổi); 6 - ông Đinh Tiết Tường - Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng (60 tuổi) và 7 - ông Lý Hi - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông (66 tuổi).
Theo một nhà nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc, yêu cầu được giấu danh tính, sáu nhân vật này đều là những người thân tín, trung thành với Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà nghiên cứu này, những người mới trúng cử và Uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong việc điều hành nhà nước:
“Và với vấn đề như vậy thì có thể nền kinh tế của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, mà bản thân kinh tế của Trung Quốc hiện nay đã gặp rất nhiều khó khăn rồi.
Nếu Trung Quốc bị ảnh hưởng về kinh tế thì sẽ tác động lên nhiều vấn đề khác. Nó sẽ dẫn tới nhiều mâu thuẫn hay là bất bình trong xã hội Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này thì Trung Quốc có truyền thống là hướng những vấn đề nội bộ ra bên ngoài. Như vậy, có thể sẽ dẫn đến những hành động phiêu lưu của Trung Quốc trên toàn thế giới và đặc biệt là liên quan đến khu vực Biển Đông.”
Theo tiến sỹ Nguyễn Thế Phương, chính vì ông Tập Cân Bình muốn khẳng định vị thế Trung Quốc trên thế giới, nên chính sách đối ngoại cũng như cách hành xử của Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là khu vực Biển Đông, thậm chí là có thể cứng rắn hơn và còn hung hăng hơn trước:
“Sau chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu duy trì mối quan hệ như hiện nay thì những các yếu tố về mặt kinh tế, ý thức hệ sẽ ổn định nhưng về mặt tranh chấp biển Đông và về bối cảnh quốc tế thì chưa chắc là sẽ được ổn định như vậy. Khả năng cao là căng thẳng ở Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ như hiện nay, thậm chí là có thể cao hơn.”
Tuy vậy, tiến sỹ Phương cho rằng dù bối cảnh thế giới có trở nên phức tạp thế nào thì vẫn có thể khẳng định rằng cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ cố gắng không để xung đột vượt ra khỏi tâm kiểm soát, thông qua các kênh liên lạc của Đảng.