Phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 thế nào khi giải ngân vốn đầu tư công chậm?

0:00 / 0:00

Chỉ còn hơn ba tháng là hết năm 2021, nhưng Việt Nam chỉ mới giải ngân đầu tư công hơn 47% trên tổng số 500 ngàn tỷ đồng. Số liệu vừa nói được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ hôm 5/10 với các bộ, ngành và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính còn cho biết có 36 bộ, cơ quan Trung ương và tám địa phương giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt dưới 40% kế hoạch.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 ngàn tỷ đồng còn lại của năm 2021 là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 17/9 đã khẳng định với báo chí Nhà nước rằng ngân sách dự phòng trung ương năm 2021 với 17.500 tỉ đồng đã được chi hết, nhưng nhu cầu chi cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đời sống người dân còn rất lớn. Nếu vốn đầu tư công được bơm vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ, thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và đời sống người dân sẽ bớt khó khăn khi ngân sách cạn tiền hỗ trợ theo lời Bộ Tài chính.

Bây giờ đã tháng 10 rồi mà chỉ giải ngân chưa đến 40%, chỉ còn hơn ba tháng nữa mà phải giải ngân đến 60% số vốn theo kế hoạch còn lại, thì đấy rõ ràng là sự chậm trễ.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Vì sao vốn đầu tư công lại bị các Bộ ngành địa phương chậm giải ngân như vậy? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM, nhận định với RFA hôm 6/10:

“Đầu tư công là một nhân tố rất quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy Thủ tướng đã có quan tâm và đôn đốc việc giải ngân đầu tư công. Vấn đề trong thời gian vừa qua là Việt Nam có Đại hội đảng, sau đó đã có Chính phủ mới, nhiều tỉnh đã có bầu Chủ tịch tỉnh mới... tất cả những thay đổi đó làm cho những người lãnh đạo cần có thời gian để tiếp xúc với dự án, với công trình, với công việc... Và có thể đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư công và giải ngân có chậm hơn mức bình thường và chậm hơn so với yêu cầu. Vì bây giờ đã tháng 10 rồi mà chỉ giải ngân chưa đến 40%, chỉ còn hơn ba tháng nữa mà phải giải ngân đến 60% số vốn theo kế hoạch còn lại, thì đấy rõ ràng là sự chậm trễ.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, phải cố gắng làm sao trong thời gian tới đây đốc thúc giải ngân, nhất là tập trung vào các công trình trọng điểm, để có thể đưa vào sử dụng dự án đầu tư công đó. Ông Doanh hy vọng sau sự đốc thúc của Thủ tướng Chính phủ như vậy, thì đầu tư công sẽ được giải ngân nhanh gọn hơn.

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định:

“Khi đã được phê duyệt, có vốn vay... nhưng do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó, hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì ‘thấy không hiệu quả nhưng vẫn làm’... Nên nhiều nơi đã chậm giải ngân để xem xét có dừng dự án để trả lại vốn đầu tư công hay không?”

000_9NF2VK.jpg
Những tấm nhựa được thiết lập để giảm thiểu sự tiếp xúc gần tại một khu chợ ẩm ướt trong khu phố cổ của Hà Nội vào ngày 24 tháng 9 năm 2021, sau khi các hạn chế nhằm phòng chống COVID-19 được nới lỏng sau hai tháng. MANAN VATSYAYANA / AFP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9/2021, Bộ này đã nhận được đề xuất của 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương xin trả lại gần 22 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư công trong nước là gần bốn ngàn tỷ đồng và vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài ODA là gần 18 ngàn tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, người có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại nhiều quốc gia cho biết, vốn vay ODA để được giải ngân cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện:

“Các nguồn vốn ODA các nước tài trợ cho Việt Nam bị ràng buộc bời nhiều điều kiện lắm. Trước hết Việt Nam đã vào các nước có thu nhập trung bình nên không còn lợi thế như trước, bây giờ lãi suất tăng lên và điều kiện vay cũng khó khăn hơn. Đặc biệt các gói ODA của các chính phủ ràng buộc với điều kiện phải mua nguyên vật liệu của họ nếu dùng ODA phát triển hạ tầng cơ sở.”

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, còn có điều kiện tài chính đối với vốn ODA, Việt Nam phải có vốn đối ứng, tức vốn khởi đầu, rồi sau đó các chính phủ mới tài trợ. Vì vậy nếu chưa thỏa các điều kiện thì chưa thể nhận vốn. Ngoài ra, ông còn cho biết điều kiện quan trọng nhất thường vướng mắc ở Việt Nam là việc thỏa thuận giá đền bù cho dân khi giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án:

“Khi thực hiện chương trình hạ tầng cơ sở mà dùng vốn ODA, chưa phải có tiền là làm ngay, mà còn phải giải tỏa mặt bằng và bồi thường cho người dân. Nhưng nhiều khi, giữa chính phủ và người dân ở đó chưa đi đến thỏa thuận về giá cả mà người dân được bồi thường, chính vì thế cũng chưa thể thực hiện dự án. Tóm lại với nhiều điều kiện như thế, không phải cứ có tiền là sử dụng được ngay. Và do đó, nhiều cơ quan bộ ngành đã trả lại số tiền đó.”

Muốn thực hiện đầu tư công thì vấn đề là phải có quỹ đất đai, quỹ đất đai thì phải có đền bù... Mà đền bù thì giá của nhà nước quy định so với giá thị trường có một khoảng cách khá xa. Vì vậy cho nên cần phải có các quyết định thích hợp để giải quyết những vấn đề chồng chéo, những cái chưa ăn khớp...
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Liên quan vấn đề giải tỏa mặt bằng và bồi thường cho người dân gặp trở ngại, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là do có sự trùng lắp, chồng chéo trong quy định luật pháp về đầu tư và đầu tư công. Ông đưa ra giải thích:

“Ví dụ như muốn thực hiện đầu tư công thì vấn đề là phải có quỹ đất đai, quỹ đất đai thì phải có đền bù... Mà đền bù thì giá của nhà nước quy định so với giá thị trường có một khoảng cách khá xa. Vì vậy cho nên cần phải có các quyết định thích hợp để giải quyết những vấn đề chồng chéo, những cái chưa ăn khớp... Đấy là những điều thực tế cứ diễn ra và đòi hỏi những người quyết định thích hợp. Thì sắp tới đây cũng mong Quốc hội sẽ có các quyết định thích hợp để giải quyết các vướng mắc này và tạo điều kiện để cho đầu tư công được thực hiện một cách suôn sẻ hơn.”

Trong khi Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định ngân sách dự phòng trung ương năm 2021 đã được chi hết, thì ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB khi trả lời báo chí Nhà nước hôm 28/9 cho rằng, Việt Nam đang lo bảo toàn ngân sách nhiều hơn là đầu tư cho tăng trưởng, thể hiện ở việc chi tiêu của Chính phủ Việt Nam dành cho an sinh xã hội hiện còn ở mức khiêm tốn. Trong khi theo ADB, ngân sách Việt Nam vẫn thặng dư, trần nợ công của Việt Nam sau đánh giá chỉ ở mức 44% GDP - thấp nhất trong khu vực.

Tổng Cục thống kê Việt Nam dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ ở mức 2,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 6,5%. Nguyên nhân vì các chính sách chống COVID-19 cứng rắn đã tác động đến hầu hết mọi ‘ngóc ngách’ của nền kinh tế nước này.