Người Việt ở Mỹ trước cơn khủng hoảng kinh tế

Khi nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoài, người Mỹ lo 1 thì người Việt định cư ở Mỹ phải lo 2. Lý do là người Việt ngoài chuyện phải lo xoay sở cho cuộc sống hàng ngày, còn phải lo trợ giúp cho thân nhân trong nước.
Phương Anh, phóng viên RFA
2009.03.17
foreclosure-305.jpg Kinh tế lâm vào khủng hoảng, cùng với con số người bị mất việc làm, số gia đình Mỹ bị mất nhà cửa cũng tăng cao.
AFP PHOTO

Nhiều người gặp khó khăn

Sau khi tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama quyết định chi một ngân sách khổng lồ 787 tỷ Mỹ Kim để cứu nguy kinh tế, người dân Hoa Kỳ, trong đó có cộng đồng người Việt, đã hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn.

Nhưng trên thực tế hiện nay, thì đối với đa số người Việt ở Hoa Kỳ, nhất là ở tiểu bang California, cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề. Có người cho rằng, khi nền kinh tế xuống dốc, người Mỹ lo một, còn người Việt thì phải lo hai. 

Lý do đơn giản là vì hầu hết gia đình người Việt còn thân nhân ở Việt Nam, cho nên, chuyện giúp đỡ bên quê nhà luôn là mối bận tâm. 

Trong hoàn cảnh hiện nay, khá nhiều người đành phải cắt khoản “viện trợ” cho người thân của mình, nhưng lòng không khỏi day dứt băn khoăn!

Đây là những chuyện thực của một số người Việt cư ngụ tại Hoa kỳ, và mong rằng, quí thính giả đang ở quê nhà sẽ phần nào hình dung được đời sống của người Việt hiện tại Hoa Kỳ ra sao, để hiểu đựơc những chuyện khó nói, khó tin, nhưng có thực!

Câu chuyện hơi dài, nên Phương Anh xin được chia làm hai kỳ. Kỳ này, quí vị sẽ nghe lời tâm sự của giới kinh doanh, vẫn được coi là thành phần thỏai mái hơn cả đúng như lời cổ nhân đã nói, “phi thương bất phú”. 

Tôi được biết số người Việt bị thất nghiệp khá nhiều. Tiệm của chúng tôi ở đây đã 10 năm nay rồi. Tôi nhận thấy khách hàng người Việt họ không tới nữa, vì họ bị mất việc.
Anh Nguyễn Nam Cường

Thành phố San Jose, từng được coi là vượng địa của ngành điện tử.  Bởi thế, hầu hết người Việt ở đây làm trong các hãng điện tử lớn của Mỹ. Nghề phổ thông nhất là ráp nối linh kiện thường được gọi là ‘assembler”, thu nhập khá mà không cần phải có bằng cấp.

Khi kinh tế bị tuột dốc, các hãng xưởng không còn đơn đặt hàng, đành phải đóng cửa, hoặc cầm cự bằng cách sa thải hay cắt giảm giờ làm của công nhân.

Anh Huy, nhân viên một hãng điện tử cho hay rằng, cả hai vợ chồng đều chung một hoàn cảnh: "Giảm giờ làm còn 4 ngày một tuần thôi!"

Vợ chồng anh Huy chỉ là một trong cả ngàn người ở San Jose. Thu nhập giảm, thì tất nhiên chi tiêu phải dè sẻn hơn.

Một hậu quả là chuyện đi ăn uống ngoài tiệm cũng phải giảm đi nhiều.  Thế là một giới khác bị tác động. Tiệm phở Nam, một trong các tiệm ăn lâu đời ở thành phố này cũng do thế cũng bị ảnh hưởng không kém. Anh Nguyễn Nam Cường, quản lý tiệm cho biết tình cảnh hiện giờ:       

"Nói chung, qua bạn bè, tôi được biết số người Việt bị thất nghiệp khá nhiều… Tiệm của chúng tôi ở đây đã 10 năm nay rồi, chung quanh đây thì có nhiều hãng điện tử lớn, tôi nhận thấy khách hàng người Việt họ không tới nữa, vì họ bị mất việc, nó chiếm tới gần 50% số khách của tiệm. Lượng khách hàng bị mất đi khá nhiều… Tiệm phở dẫu sao cũng sống nhờ khách là chính, mà khách hàng người Việt bị mất việc nhiều, cho nên ảnh hưởng tới mức bán của tiệm khá nhiều…

US-economy-305.jpg
Kinh tế Mỹ liên tục đón nhận nhiều tin xấu: khủng hoảng tài chính, ngành xe hơi lâm nguy, sức tiêu thụ giảm, v.v...
AFP PHOTO
Anh cũng cho hay rằng, cũng may, vợ anh làm nghề phụ tá nha sĩ nên vẫn có việc làm đều. Tuy nhiên, anh còn mẹ già và các anh chị em ở bên nhà. Trước đây, anh thường xuyên gửi tiền cho mẹ và giúp đỡ anh chị em, nhất là lo cho các cháu ăn học. Nhưng kể từ khi tiệm ế ẩm, anh phải suy tính lại, anh nói:     

"Bản thân tôi thì lúc trước tôi gửi về giúp cho mẹ, các anh em hay các cháu đi học, thì tôi có thể giúp một cách thoải mái, nhưng bây giờ thú thực là không thể giúp như trước được nữa. Bây giờ chỉ căn bản là giúp cho mẹ được thôi, còn cho các cháu đi học thì không thể giúp được…

Nhân viên trong tiệm thì tôi thấy họ vẫn cố gắng giúp cho Việt Nam những nhu cầu căn bản. Điển hình là Tết vừa rồi, gửi 500 chẳng hạn, thì họ chỉ gửi 300 thôi. Lúc này thì bản thân tôi cảm thấy vẫn còn cầm cự được.

Anh Linh, nhân viên trong tiệm thì kể rằng:   

Thực ra, trong khoảng thời gian gần đây, tình hình chung kinh tế xuống, tiệm bán chậm đi một phần nào, làm nhân viên thì cũng giảm đi giờ giấc làm việc, cho nên cũng ảnh hưởng về kinh tế cho bản thân tôi. Bà xã em đi làm điện tử, hãng nhỏ, bây giờ tuần làm có 3 ngày thôi…

Về vấn đề gửi tiền về VN, mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn hiện nay, nhưng mà bên đó bây giờ lại càng khó khăn hơn. Cho nên, em chỉ trợ giúp một phần nho nhỏ nào đó thôi.

Anh Linh, California

Về vấn đề gửi tiền về VN, mỗi người có một hoàn cảnh, riêng em thì còn rất nhiều người thân bên đó, người thân còn rất nghèo, mặc dù trong hoàn cảnh rất khó khăn hiện nay, nhưng mà bên đó bây giờ lại càng khó khăn hơn. Cho nên, em chỉ trợ giúp một phần nho nhỏ nào đó thôi, như cho mẹ em sống qua ngày trong thời gian này… mẹ em cũng bịnh hoạn, cho nên em cũng cố gắng tạo điều kiện cho mẹ em chút xíu thôi, 3 tháng em gửi về một lần chừng 200. Còn anh em thì trong thời điểm này em không giúp họ được. 

us-economy-305.jpg
Kinh tế rơi vào suy trầm, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, mức tiêu thụ giảm, nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản.
AFP PHOTO
Tuy thế, anh vẫn tự an ủi rằng, mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác vì:

 Bạn bè em có nhiều người quen biết, có nhiều người đang khó khăn lắm, họ làm “construction” (xây dựng) nghỉ mấy tháng nay rồi.  Họ cũng khó khăn lắm, còn điện tử thì giảm đi phân nửa thời gian, còn làm  tóc, làm  nail thì càng thê thảm hơn. Cho nên, đối với em, hiện nay, nhà hàng còn có thể “thở” được. Làm nhà hàng như em còn “thở thở” được, còn bạn bè em cũng bi đát 4 tháng nay rồi!

Ảnh hưởng đến mọi ngành nghề

Thưa quí thính giả, một thành phần khác cũng chịu ảnh hưởng rất nặng. Đó là giới làm tóc và móng tay, mà thường gọi là nghề “Nail”.  Chị Loan, chủ nhân một tiệm móng tay ở Garland, bang Texas cho biết: 

Đầu tiên là họ cắt cái làm đẹp này trước, cho nên khách giảm đi, ví dụ một tháng người ta tới hai lần, thì bây giờ người ta tới một lần thôi, có khi hai tháng mới tới, người ta kéo thời gian ra, có nhiều người không tới luôn… Tụi em cũng chẳng biết làm sao, ai ngồi được thì ngồi… Chủ tiệm thì đành chịu vậy thôi, thợ nào đi thì đi, nhưng mà đa số cũng ở  lại, vì đi đâu cũng vậy hết!       

Còn chị Liên, một chủ nhân tiệm Nail ở vùng McLean, tiểu bang Virginia, một khu tập trung người Mỹ có thu nhập rất cao, cho hay:     

Tiệm vắng khách, khách không tới. Trung bình là hai tuần họ tới một lần thì bây giờ cả hơn tháng mới tới một lần. Chủ Nail thì phải khủng hoảng thôi… Tiền “tip” cho ít lại, hồi trước cho 5 đồng thì bây giờ cho hai đồng thôi là cao!  Hồi trước cứ làm tay, chân,  cả bộ, làm móng bột…bây giờ thì họ chia ra, tuần này làm tay, thì hai tuần sau mới làm chân… chứ không làm như ngày xưa là làm một lúc tay, chân, trả tiền 6, 7 chục đồng nữa…

Tiệm vắng khách, khách không tới. Trung bình là hai tuần họ tới một lần thì bây giờ cả hơn tháng mới tới một lần.
Chị Liên, Virginia

Cũng như bao nhiêu người khác, chị cho hay rằng, từ khi khủng hoảng kinh tế đến nay, tiệm ế ẩm, chị đành phải chấm dứt khoản viện trợ hàng tháng cho mẹ và anh chị em bên nhà.  Chị nói:

Khoảng 7, 8 tháng nay không giúp được nữa rồi, làm ăn không có tiền, bây giờ chỉ lo nhà cửa bên này thôi, sợ không đủ sống nữa làm sao có tiền gửi về Việt Nam.   

Khi Phương Anh hỏi thăm về tình hình của giới kinh doanh làm đẹp, chị than thở:  

Bị nhiều lắm, bên Maryland, nhiều người bỏ tiệm đi hết trơn, giống như là “bỏ của chạy lấy người!”Chủ tiệm bị khủng hoảng luôn…Người ta về VN chơi, một số bỏ nghề qua học nghề tóc.

Thưa quí vị thính giả, vừa rồi, là một số tình cảnh cụ thể của giới kinh doanh trong nhà hàng và ngành làm móng tay. Thế còn thành phần kỹ sư, bác sĩ, giới y tế thì sao? Rồi những người già đang hưởng trợ cấp chính phủ thế nào. Và, điều đáng nói hơn nữa là ngay cả chính các em nhỏ cũng bị liên đới.

Phương Anh xin tạm biệt và hẹn tái ngộ cùng qúi thính giả vào kỳ tới

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.