Một lệnh cấm thừa nhận vấn nạn cán bộ “giải cứu” người thân vi phạm giao thông!
2022.09.20
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3024/UBND-ĐT về việc tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Công văn được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ngày 15 tháng 9 năm 2022 nêu rõ ở nội dung thứ 5: “Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm”.
Một số người cho rằng, việc người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông nhưng không bị xử lý do có quen biết với lãnh đạo cấp cao, là thực tế tại Việt Nam lâu nay.
Ông Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA:
“Lệnh cấm này cho thấy sự thừa nhận việc quan chức tham gia can thiệp là có thật. Nó có từ rất lâu rồi. Thực tế nó rất nhiều, trừ những người dân bình thường không quen biết quan chức nào mà thôi. Nếu có người nhà làm trong ngành giao thông, lãnh đạo sở ngành hay người nhà làm công an - đặc biệt là công an thì chắc chắn có. Tôi làm trong nghề này tôi biết.
Công văn UBND TP Hà Nội vừa ban hành có thể răn đe được một vài người nhưng không thể dẹp hết được đâu. Thực ra thì đang trong đợt cao điểm xử lý vi phạm về giao thông thì trách nhiệm của những người sống bằng tiền thuế của dân buộc phải làm, phải ra văn bản. Còn chuyện phát động lên rồi làm được đến đâu, hiệu quả ra sao thì lại là chuyện khác. Nói chung là không dập tắt được đâu.
Tôi từng chứng kiến, cùng bị bắt với một lỗi như nhau, một ông được cho đi chỉ sau một cú điện thoại, một ông ở lại nhận biên bản phạt.”
Ông Trần Sỹ Thanh kỳ vọng, việc cấm cán bộ can thiệp, giúp người vi phạm giao thông sẽ góp phần kiềm chế tai nạn giao thông; không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn.
Thực ra thì đang trong đợt cao điểm xử lý vi phạm về giao thông thì trách nhiệm của những người sống bằng tiền thuế của dân buộc phải làm, phải ra văn bản. Còn chuyện phát động lên rồi làm được đến đâu, hiệu quả ra sao thì lại là chuyện khác. Nói chung là không dập tắt được đâu. - Ông Minh Đức
Trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng) thì cho rằng, công văn này không có lợi gì cho dân, mà chỉ nhằm phân chia “lãnh vực làm ăn” của các cơ quan chức năng. Ông phân tích:
“Lệnh cấm này rất khác nhau về bản chất. Lệnh cấm này không đem lại lợi ích cho người dân, Thực chất lệnh này cấm cán bộ giải cứu, can thiệp nên với dân thường không quen biết ai, nếu có vi phạm thì vẫn phải nộp tiền cho nhà nước dù tiền tươi hay nộp qua kho bạc. Chỉ những người có thân nhân là cán bộ hay thân quen với cán bộ thì mới không được can thiệp. Mà việc can thiệp này không ảnh hưởng gì đến lợi ích chung của chế độ, bởi nguồn thu đó vẫn vào túi nhà nước. Hoặc vào kho bạc hoặc vào túi công an. Tức là cái lệnh cấm này nó không đem lại cái lợi gì cho dân cả.
Tóm lại, nó chỉ là “nước sông không phạm nước giếng”. Ai cũng có cửa làm ăn. Tôi làm ăn bên tôi, anh làm ăn bên anh. Không được phép chạm vào mối làm ăn của nhau. Rõ ràng là nếu cán bộ mà can thiệp thì công an mất nguồn thu thì công an giao thông sẽ không hài lòng. Nó không có một chỉ dấu gì liên quan đến sự tiến bộ cả.”
Ông Trí kết luận, còn chế độ độc tài toàn trị thì còn “con ông cháu cha”, mà còn “con ông cháu cha” thì không thể xóa tình trạng dùng mối quen biết để can thiệp, “giải cứu” người vi phạm giao thông trên khắp cả nước, chứ không riêng Hà Nội.
Ở phía Nam, Ban An toàn Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2022. Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật để đề xuất bổ sung, sửa đổi, kịp thời bãi bỏ, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa kết thúc hai tháng cao điểm xử lý phương tiện giao thông vi phạm. Sau hai tháng thực hiện, số tiền phạt mà lực lượng cảnh sát Giao thông thu được là hơn 1.000 tỉ đồng.
Tóm lại, nó chỉ là “nước sông không phạm nước giếng”. Ai cũng có cửa làm ăn. Tôi làm ăn bên tôi, anh làm ăn bên anh. Không được phép chạm vào mối làm ăn của nhau. Rõ ràng là nếu cán bộ mà can thiệp thì công an mất nguồn thu thì công an giao thông sẽ không hài lòng. Nó không có một chỉ dấu gì liên quan đến sự tiến bộ cả. - Trung tá Vũ Minh Trí
Hai năm trước, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) triển khai đợt tổng kiểm soát các phương tiện giao thông trên cả nước trong một tháng, từ ngày 15 tháng 5 năm 2020 đến ngày 14 tháng 6 năm 2020. Theo đó, cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng tất cả các loại xe gồm cả xe khách, container, xe hơi, và xe máy để kiểm tra mà không cần có lỗi ban đầu.
Việc cảnh sát giao thông được dừng tất cả xe không có lỗi bị cho là hành động lạm quyền và vi hiến. Lúc bấy giờ, Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích về mặt luật pháp với RFA:
“Thật ra theo nguyên tắc, công dân có quyền tự do đi lại, đây là quyền được ghi trong Hiến pháp. Việc người dân không vi phạm mà dừng họ lại thì bản thân việc đó đã vi phạm Hiến pháp. Vì vậy điều này không nên khuyến khích và không nên duy trì.
Lực lượng công an Giao thông đường bộ thực hiện điều này không có cơ sở pháp lý. Các cơ quan nhà nước hoặc lực lượng giao thông chỉ được làm những điều luật pháp cho phép thôi, bản thân việc này vi phạm Hiến pháp, xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân. Nên bãi bỏ ngay lập tức.”
Dù bị người dân phản đối nhưng lực lượng chức năng vẫn thi hành. Đến chiều 1 tháng 6 năm 2020, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 15 ngày thực hiện, đơn vị đã xử phạt gần 14.500 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.501 phương tiện, tước bằng lái đối với hơn 1.500 tài xế và số tiền phạt thu được là hơn 8,2 tỷ đồng.
Tình trạng những quan chức trong hệ thống chính quyền cũng như đảng tại Việt Nam dùng quyền hạn để chỉ thị, yêu cầu hay nhờ vả nhau trong trường hợp có người thân, người quen biết hay người được giới thiệu được giảm nhẹ vi phạm, không bị xử phạt, thậm chí được thoát tội và án phạt bị cho tràn lan tại Việt Nam lâu nay.