Khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội bằng “đức - trí - thể - mỹ”: liệu có đủ?
2020.11.09
Trong kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV chiều 9/11, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam khi trả lời chất vấn của một số đại biểu về tình trạng đạo đức xã hội của một bộ phận xuống cấp, đã nhìn nhận đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, người dân.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trong bản tin đăng tải cùng ngày dẫn lời ông Phó Thủ tướng xác nhận thực tế “nhiều tài liệu nói là xuống cấp đáng báo động, thể hiện rõ ở tội phạm, ở tệ nạn, ở việc các hành vi bị đồng tiền chi phối hay là gian dối, không trung thực, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một…”.
Nói rõ hơn về sự xuống cấp đạo đức vừa nêu, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vào tối 9/11 cho rằng việc đồng tiền chi phối là đáng nói nhất. Bà đưa ra nguyên nhân:
“Dùng tiền chi phối bao quát hơn, không phải chỉ là tham nhũng nhưng trong đó nặng nhất là tham nhũng. Tôi nghĩ nó là hệ quả của nền kinh tế thị trường khi mà người ta lúc nào cũng định hướng theo kinh tế thị trường, tức theo đồng tiền, thì xã hội đề cao đồng tiền. Trước đây thời bao cấp sẽ khác, bây giờ thì cái gì cũng có 2 mặt, khi chạy theo kinh tế thị trường thì nền kinh tế phát triển hơn, mọi người năng động hơn và có động lực để làm việc và phát triển hơn. Mặt trái của nó thì có những cái người ta đề cao đồng tiền và dùng tiền để đạt được ước muốn của họ thì tôi thấy điều đấy có thật sự.”
Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 cho rằng hư hỏng trong quan chức là chính, từ đó ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
“Cơ bản trong đạo đức ở đây là tham lam, trộm cướp, dối trá, lừa đảo, ăn cắp, ăn cướp, tàn phá tài nguyên quốc gia, xã hội. Đấy là những cái rất lớn. Rường cột quốc gia mà tham nhũng, không chỉ tham nhũng mà còn ăn chơi, trụy lạc, rượu chè, du hí, lãng phí đủ trò thể hiện xuống cấp đạo đức ở đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ đảng viên, rường cột của quốc gia, xã hội mà như thế thì ảnh hưởng đến tất cả tầng lớp xã hội, ảnh hưởng đến mọi người dân. Người ta thấy quan làm bừa như vậy thì dân cũng làm bừa, quan dối trá thì dân cũng dối trá, quan thì tham dân thì gian, ảnh hướng đến tất cả mọi mặt. Giá trị hệ thống cơ bản của xã hội bị đảo lộn thì đạo đức lụn bại.”
Tuy nhiên, Phó GS. TS. Mặc Văn Trang cũng cho rằng bên cạnh những sự xuống cấp xã hội, thì vẫn còn một điều may mắn cho dân tộc Việt là truyền thống đạo đức tình nghĩa dân tộc vẫn được lưu giữ trong lòng nhân dân.
Điều Phó GS. TS. Mặc Văn Trang vừa nêu ra cũng được ông Vũ Đức Đam nhắc đến trong phiên họp Quốc hội ngày 9/11. Theo ông Đam, mọi người nên nhìn theo 2 mặt một cách công bằng, bên cạnh những xuống cấp mà ông đã nêu thì những giá trị, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam bao gồm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tình yêu thương đồng loại, thương người; sự thân thiện, cởi mở; yêu lao động, chịu thương chịu khó; tinh thần vươn lên và đức hiếu học... vẫn còn.
Phó Thủ tướng đất nước hình chữ S cho biết đã có những giải pháp rất hiệu quả, như việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam cũng nhắc đến một số phương pháp để khắc phục, nâng cao đạo đức xã hội, như việc phải nâng cao nhận thức toàn xã hội về tốt - xấu; kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với luật hóa việc xử lý các hành vi vi phạm; đề cao sự nêu gương ở mọi cấp, mọi ngành, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau” và đặc biệt lưu ý 4 chữ “đức - trí - thể - mỹ”…
PGS. TS. Mạc Văn Trang đưa ra nhận định về những giải pháp vừa nêu như sau:
“Ông Vũ Đức Đam nói như vậy thì tư duy cũ quá không thể nào hiểu được. Chuyện ‘đức - trí - thể - mỹ’ từ thời phục hưng ở Châu Âu mấy trăm năm trước người ta nói rồi, có gì mới đâu, từ thời thực dân đế quốc đến thời nay cũng thế. Giáo dục nhà trường dạy đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, Việt Nam còn thêm giáo dục quốc phòng, quân sự, đủ thứ hết. Lúc nào nhà trường chẳng đề ra giáo dục chân – thiện – mỹ, đức - trí - thể - mỹ nhưng cuối cùng nhìn vào thực tế nó có thành hiện thực hóa được đâu.”
Từ Nha Trang, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nhận định về những giải pháp mà ông Phó Thủ tướng đề ra ngày 9/11:
“Tôi cho rằng những biện pháp nêu lại cũ rích, chẳng qua là khẩu hiện mấy ông lớn nêu ra trước đây thì giờ ông này nêu lại cho có tính chất hình thức và tỏ ra trung thành với đường lối của mấy ông Marx – Lê (Lenin). Thực ra những câu đó họ nói một đằng làm một nẻo, ít người có chức có quyền mà liêm khiết. Đó cũng là một trong những tệ nạn của xã hội vì những người lãnh đạo mà nói một đằng làm một nẻo thì làm sao cứu vãn xã hội.”
Cụ thể, theo nhà báo Võ Văn Tạo, nhắc đến ‘đảng viên đi trước, làng nước đi sau’ thì thực tế trong những năm gần đây đảng viên cao cấp, ủy viên trung ương đảng, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật, vào tù rất nhiều. Ông cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, xã hội người nào quan tâm đều biết rằng những ông đó xấu số bị lộ, chứ hầu như cán bộ đảng viên có chức có quyền ai cũng chấm mút tham ô, không kiểu này cũng kiểu khác, nhận hối lộ.
Do đó, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng:
“Không biết họ có cách gì khác không, chứ theo những câu sáo rỗng, sáo mòn lâu nay mà ông Vũ Đức Đam nhắc đến biện pháp đó thì hoàn toàn không có tác dụng.”
Còn theo TS. Phạm Quỳnh Hương, giải pháp đưa ra mặc dù cũ và vẫn đang được áp dụng, nhưng nếu để có thêm tác dụng thì cần thêm giải pháp khác vì chỉ như vậy thì chưa đủ. Nguyên nhân được bà cho rằng sự kiểm soát trong thời thị trường hiện nay lỏng lẻo hơn thời bao cấp nên người ta dễ vượt ra ngoài những chuẩn mực hơn.
“Cần có những giải pháp khác nữa ví dụ như tăng cường vai trò của pháp luật, người dân sống theo pháp luật và pháp luật phải nghiêm minh hơn. Quan trọng là pháp luật được thực hiện nghiêm minh chứ không phải vì một thế lực, đế chế nào đấy dùng đồng tiền hay quyền lực để xóa bỏ ranh giới pháp luật.”