Quan hệ VN với EU sẽ ra sao sau khi Slovakia lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh?

RFA
2018.05.01
df295bb3-0c31-4a65-9bba-41867247fd92.jpeg Hình chụp ông Trịnh Xuân Thanh, không rõ ngày tháng, tại một công viên ở Đức.
AFP

Mượn máy bay thực hiện vụ bắt cóc?

Bộ Nội vụ Slovakia vào hôm 29 tháng 4 vừa qua đã bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm sang nước này hồi năm ngoái vì nghi ngờ chuyến thăm có thể được sử dụng nhằm mục đích khác hơn là thăm hữu nghị. Bộ Nội vụ Slovakia còn nói rằng một khi những thông tin này được xác minh, thì quốc gia Trung Âu này sẽ coi hành động của VN là không công bằng đối với đối tác của mình và lợi dụng lòng hiếu khách của họ cho mục đích khác thay vì tình hữu nghị, và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

Bộ Nội vụ Slovakia ra thông báo này sau khi truyền thông Đức loan tin Việt Nam có thể đã sử dụng Slovakia cho mục đích bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm ngoái ngay trên đất Đức. Ông Thanh là người vừa bị chính quyền Việt Nam kết án tù chung thân vì các cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.

Từ Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi và cập nhật tin tức về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ những ngày đầu, cho RFA biết một số thông tin:

Tình hình hiện nay khá căng thẳng vì việc này không chỉ liên quan đến Séc như trước đây mà bây giờ đã lan cả sang Slovakia, nơi mà ông Tô Lâm ngày 26/7/2017 đã có một cuộc họp nhanh ở đó với chính phủ nước này, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia.

Đi cùng đoàn ông Tô Lâm có 12 người tất cả, trong đó có những cán bộ rất cao cấp như Phó Tổng cục trưởng Cục Tình báo, Phó Tổng cục trưởng cục An ninh, ông Đường Minh Hưng mà phía Đức hiện nay cho rằng đã tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trước đó chỉ có mấy ngày.

Đi cùng đoàn ông Tô Lâm có 12 người tất cả, trong đó có những cán bộ rất cao cấp như Phó Tổng cục trưởng Cục Tình báo, Phó Tổng cục trưởng cục An ninh, ông Đường Minh Hưng
- Nhà báo Lê Trung Khoa

Cơ quan Công tố Đức luôn khẳng định vụ bắt cóc đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu. Trong số này có một người mang tên Đường Minh Hưng, một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam. Ông Đường Minh Hưng bị cáo buộc đã ra lệnh thực hiện vụ bắt cóc trước khi trở về Việt Nam ngay sau đó. Ông Hưng còn bị nghi ngờ đã thực hiện hơn 100 cuộc nói chuyện và trao đổi tin nhắn trên điện thoại với nhóm bắt cóc, khi đang trú tại một khách sạn gần nơi vụ bắt cóc xảy ra.

Theo Bộ Nội vụ Slovakia, vào tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng công An Tô Lâm đã đến Slovakia và gặp Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak tại khách sạn Borik ở Bratislava. Mục đích của chuyến thăm được nói vào lúc đó là để tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Báo chí Đức viết rằng có thể cuộc gặp đã bị lợi dụng vì mục đích khác. Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết:

Cuộc gặp rất ngắn, theo tôi biết chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ ở một khách sạn ở thủ đô của Slovakia. Nhưng có một đoàn rất hùng hậu của VN sang gặp. Ông Tô Lâm đã nhờ ông Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Chính phủ nước này để đi công du cho kịp thời. Hiện nay ông Bộ trưởng này đã từ chức và ông ấy cũng đã giải trình rằng ông ấy không biết danh sách người đi trên chiếc máy bay đó có ông Trịnh Xuân Thanh hay không. Nhưng ông ấy cũng nghi ngờ chiếc máy bay đó đã được sử dụng một cách bất hợp pháp vào một việc nào đó.

Báo chí Đức đưa tin vào thứ Sáu ngày 27 tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức đã cho triệu tập Đại sứ Slovakia tại Đức để hỏi về vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên nội dung cụ thể cuộc họp hiện chưa được thông báo.

Nhà báo Lê Trung Khoa còn cho biết thêm là vào thứ Tư ngày 2 tháng 5 tới đây, Thủ tướng Đức sẽ gặp gỡ với Thủ tướng Slovakia và sẽ công bố những thông tin quan trọng liên quan vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bên lề buổi gặp này.

Thủ tướng Slovakia mới đây cũng nói rằng đã giao cho Bộ Nội vụ liên lạc với VN để điều tra xem trên chuyến bay đó có ai khác ngoài đoàn ngoại giao VN hay không.

Hiện phía Việt Nam chưa có phản hồi gì về những thông tin mới này. Việt Nam trước đó bác bỏ cáo buộc bắt cóc và nói Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.

Hiệp định Tự do Thương mại VN - EU

Quan hệ VN và Đức được đánh giá là đi xuống kể từ khi xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Phía Đức thì cáo buộc VN không tôn trọng pháp luật Berlin khi bắt cóc người ngay trên lãnh thổ của họ. Sau vụ bắt cóc, Đức đã tuyên bố đóng băng quan hệ chiến lược với Việt Nam.

Cách đây vài ngày, phía Đức đã bắt đầu xét xử một số nghi can trực tiếp tham gia vụ bắt cóc này.

Trước những căng thẳng ngoại giao giữa hai phía, nhiều nhà quan sát nhận định rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU vì Đức là một thành viên quan trọng của EU.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU có thể sẽ bị ảnh hưởng, khi có dính líu tới Slovakia:

Liên minh châu Âu và VN có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh với nhau và EU hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN, tức là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, quan trọng nhất của VN.

Vụ Trịnh Xuân Thanh hiện nay đang phủ một bóng đen đến việc thông qua hiệp định này. Tôi hi vọng bằng nỗ lực của cả hai phía, vì lợi ích lâu dài về kinh tế và lợi ích của những người lao động, thì cả hai cũng nỗ lực để cuối cùng sẽ thông qua và sẽ có thể đi vào thực hiện được.

Có điều bây giờ tôi thấy khả năng thông qua sớm là rất ít, và còn phải vượt qua khá nhiều trở ngại để khắc phục được.


Bây giờ tôi thấy khả năng thông qua hiệp định sớm là rất ít, và còn phải vượt qua khá nhiều trở ngại để khắc phục được.
- TS Lê Đăng Doanh

Từ năm ngoái tới nay, VN liên tục thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới các nước thành viên của EU để thúc đẩy EU thông qua hiệp định này. Điển hình như chuyến thăm cấp nhà nước của bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội đi Hungary, Cộng hòa Séc, và Thụy Điển vào tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Bỉ, Slovakia, Thụy sĩ vào tháng 9/2017. Ngoài ra còn có chuyến thăm nước Đức của ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 7/2017. Và gần đây nhất là vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Pháp.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, EU nhập khoảng 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, các mặt hàng điện tử, điện thoại chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Về đầu tư, EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc thành viên còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 23 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của VN.

Nếu Hiệp định này được thông qua, có thể hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được VN và EU xóa bỏ. Số còn lại sẽ được cắt giảm thuế một phần.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc lại có cái nhìn khác. Ông nhận định là vụ bắt cóc ông Thanh sẽ không ảnh hưởng đến việc thông qua Hiệp định này:

Thường thường các hiệp định thương mại họ không dựa vào vấn đề nhân quyền. Những người làm ăn buôn bán hay các chính phủ cho đến bây giờ đều nhìn nhận vấn đề như vậy. Nó có thể ảnh hưởng một thời gian nào đó nhưng sau rồi sẽ trở lại như cũ. Chẳng hạn như những hiệp định với Trung Quốc hay cả với VN cũng có nhiều vấn đề nhân quyền nhưng TPP họ vẫn thông qua như thường, đâu có đặt vấn đề nhân quyền, thì các hiệp định khác cũng vậy thôi.

Còn nhà báo Lê Trung Khoa dự đoán rằng Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU sẽ vẫn được thông qua nhưng VN sẽ gặp nhiều trở ngại khi phía EU có thể đặt ra nhiều điều kiện về tôn trọng pháp luật đòi hỏi chính phủ Hà Nội phải cam kết tuân theo.

Mới đây nhất vào ngày 19/2, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh EU tại Việt nam cho tờ VNeconomy biết hiệp định dự kiến sẽ được ký kết vào trước mùa hè năm 2018 và sau đó sẽ được nghị viên châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.