Nông dân An Giang tập trung khiếu kiện trước UBND tỉnh

Sáng ngày hôm nay 30/05/2012, khoảng hơn 300 bà con nông dân nhiều nơi trong tỉnh An Giang đã tập trung tại trước cổng UBND tỉnh để khiếu kiện về đất đai của họ bị trưng thu nhưng chính quyền cấp huyện không đền bù thỏa đáng.
Mặc Lâm biên tập viên, RFA, Bangkok
2012.05.30
Mô hình khu đô thị cao cấp Sao Mai - An Giang do nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư & xây dựng Sao Mai. (Ảnh minh hoạ) Mô hình khu đô thị cao cấp Sao Mai - An Giang do nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư & xây dựng Sao Mai. (Ảnh minh hoạ)
Nguồn bantinnhadat.vn

Những người dân này đã từng nhiều lần kêu cứu và gửi đơn kiến nghị, khiếu nại lẫn tố cáo đến nhiều cơ quan kể cả ra tận Hà Nội để kêu cứu nhưng không có kết quả. Ông Sáu, một người có đất bị cưỡng chế có mặt trong đoàn người khiếu kiện hôm nay cho biết:

Hiện nay chúng tôi ở dưới Tri Tôn tập trung trên 400 người tại Ủy Ban Tỉnh. Hiện nay chúng tôi kéo nhau về Ủy Ban Tỉnh để đấu tranh vì trên Bộ có xuống, cũng có đài VTV3 xuống nên tụi tui đấu tranh về vụ đất. Trong khi có quyết định thu hồi đất hồi năm 2009 đến nay chúng tôi không đồng ý giá vì quá rẻ, bán hai công đất mới mua được một công thành ra chúng tôi không nhận tiền. Ủy ban Huyện ra quyết định cưỡng chế chúng tôi đã ba lần rồi nhưng không thành công.

Chúng tôi có đem đơn thưa đến văn phòng Trung ương Đảng ở thành phố một lần, lần thứ hai nhờ đài VTV của Cần Thơ lên phỏng vấn nữa nhưng Ủy ban tỉnh cũng không chấp hành. Sau này chúng tôi đi đến bộ. Bộ Tài nguyên môi trường đề nghị Ủy ban Tỉnh phải giải quyết thỏa đáng cho bà con nhưng Ủy ban tỉnh cũng không chấp hành.

Trong khi có quyết định thu hồi đất hồi năm 2009 đến nay chúng tôi không đồng ý giá vì quá rẻ, bán hai công đất mới mua được một công thành ra chúng tôi không nhận tiền.

Ông Sáu

Đến văn phòng Trung ương đảng của Hà Nội nhưng hiện nay đã về ba bốn văn bản của thanh tra chính phủ nữa nhưng Ủy ban tỉnh vẫn không chấp nhận.

Ông Hồng, một người dân khác cho biết bà con từ nhiều nơi tập trung về An Giang với những vụ khiếu kiện đền  bù khác nhau trong đó có cả việc trả tiền xây dựng không thỏa đáng khiến người dân không thể chấp nhận ông Hồng nói:

Ở An Giang qua, dưới Mỹ An qua rồi trên Châu thành xuống. Người dân đến đây do nhu cầu ba cái đất cát nhà cửa mấy ông tỉnh thu hồi đất cát của người ta mà đền bồi không thỏa đáng. Nhà cửa người ta kêu xây lại như nhà của người ta mà mấy ổng không chịu, mấy ổng xây lại không được nửa cái nhà nữa nên người ta không chịu. Rồi cây cối giá cả mắc quá không thể theo thị trường được.

Chị Mai, một nông dân có vườn cây ăn trái trong khu đất hơn 22 héc ta có dự án xây dựng khu công nghiệp thuộc xã Mỹ An, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang cho biết đã nhiều lần người dân theo đuổi khiếu kiện nhưng không được giải quyết mặc dù khu đất đó vẫn nằm trong kế hoạch treo suốt bốn năm nay, chị kể:

Người dân đến đây do nhu cầu ba cái đất cát nhà cửa mấy ông tỉnh thu hồi đất cát của người ta mà đền bồi không thỏa đáng.

Ông Hồng

Bà con đến đây khiếu nại vấn đề đất đai. Đã nhiều năm rồi dân thì sống nhờ vào chuyên canh vườn, hàng năm dân đầu tư vào việc chăm sóc vườn thì ủy ban huyện không cho. Cái dự án này kéo dài đến 4 năm rồi mà soài thì không được chăm sóc, bây giờ vườn thì cây xơ xác dân rơi vào tình trạng khốn đốn rồi cho nên nhiều lần gặp ủy ban tỉnh để yêu cầu thì ủy ban có hứa mà không giải quyết.

Chúng tôi có đến trụ sở tiếp công dân ở Hà Nội có văn bản về thì cũng nói là hứa vài hôm thì sẽ giải quyết. Dân yêu cầu nếu không làm thì UBND tỉnh ra quyết định hủy bỏ phương án này để cho dân sửa sang vườn tược lại để canh tác mà họ không trả lời, không giải quyết gì hết. Đi khiếu nại thì cũng như không có ai tiếp đâu?

Cho tới nay các vụ khiếu kiện bồi thường đất đai vẫn tiếp tục trên diện rộng. Sau Tiên Lãng, Văn Giang, Nam Định nay là An Giang cho thấy các vụ đền bù của nhà nước đang là câu hỏi rất lớn đặt ra trước chủ trương trưng thu đất đai của người dân.

Mặc Lâm, tường trình từ Bangkok Thái Lan.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.