Băn khoăn đổi mới sản xuất tiêu thụ lúa gạo

Sản xuất và xuất khẩu gạo ở Việt Nam để lộ nhiều nhược điểm, người trồng lúa hưởng lợi quá ít. Chuyên gia và nông dân nói gì về những đề xuất đổi mới sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

0:00 / 0:00

Tổ chức hợp tác xã hay cánh đồng mẫu lớn

Nếu các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ đều có khả năng tồn trữ khối lượng lúa gạo rất lớn từ 10 triệu tấn hoặc hơn nữa thì ngược lại Việt Nam khá yếu kém về công nghệ sau thu họach. GSTS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định:

“ Kho chỉ là một phần của công nghệ sau thu hoạch nhưng là một thành phần quan trọng. Đầu tư cho nó phải có tiền rất nhiều mới làm được. Ở Việt Nam làm theo dạng nông dân tự tồn trữ nhưng nông dân thường phải bán hết không trữ được. Đúng là công nghệ sau thu hoạch mình yếu, hiện nay đang khắc phục dần nhưng cần vốn đầu tư rất lớn. Việt Nam có một giai đoạn nhờ Đan Mạch giúp nhưng từ sau 2006 thì tự lo. Vấn đề kho của mình dù đạt đến 4 triệu tấn thì cũng vẫn thiếu thôi. Cái quan trọng nhất là kho trong dân, phải làm sao để mấy trăm ngàn hộ nông dân tồn trữ tốt. Nhưng cái khó là mình sản xuất manh mún nhỏ lẻ thành ra nan giải. Điều quan trọng nhất là làm sao tổ chức nông dân lại thành hợp tác xã hay cánh đồng mẫu lớn thì mới giải quyết được vấn đề sau thu hoạch.”

Nhưng cái khó là mình sản xuất manh mún nhỏ lẻ thành ra nan giải. Điều quan trọng nhất là làm sao tổ chức nông dân lại thành hợp tác xã hay cánh đồng mẫu lớn thì mới giải quyết được vấn đề sau thu hoạch.

GSTS Bùi Chí Bửu

Theo các số liệu của ngành nông nghiệp, một gia đình nông dân ở Việt Nam có diện tích canh tác trung bình 0,6 héc-ta, với 14 triệu hộ nông dân ruộng đất bị xé nát thành 70 triệu thửa. Tình hình ở đồng bằng sông Cửu Long thì có khả

Lúa gạo được di chuyển trên sông Tiền Giang. AFP
Lúa gạo được di chuyển trên sông Tiền Giang. AFP (AFP)

quan hơn, diện tích canh tác bình quân khá hơn và cơ giới hóa cũng tốt hơn. Theo số liệu mới nhất khoảng một nửa nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã quen thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Dù xuất khẩu mỗi năm trên dưới 7 triệu tấn gạo với sự cung cấp chủ yếu từ đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lúa gạo của Việt Nam bán với giá thấp và không có thương hiệu. Ngành nông nghiệp hy vọng chuyển đổi những nông hộ nhỏ ở 13 tỉnh thành Tây Nam bộ sang sản xuất lớn qua hình thức hợp tác xã nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn và thậm chí công ty cổ phần nông nghiệp, nơi nông dân từ vai trò người bán lúa theo hợp đồng lâu dần trở thành cổ đông của công ty.

GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Tân Tạo Long An, người đề cao mô hình công ty cổ phần nông nghiệp cho biết, hiện đã có hai dự án thí điểm ở Long An và Tiền Giang, nơi nông dân và doanh nghiệp hợp tác làm lúa theo qui trình Global Gap tạo lợi nhuận nhiều hơn. Ở các dự án đó, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư nông nghiệp và mua lúa cao hơn giá thị trường ít nhất 10%.

Ruộng lúa diện tích nhỏ thấy nhiều ở miền Nam. Photo RFA
Ruộng lúa diện tích nhỏ thấy nhiều ở miền Nam. Photo RFA (RFA)

“ Có thể nói chúng tôi tạo được lòng tin của bà con nông dân trồng lúa, làm theo chuỗi giá trị gia tăng họ chỉ có lợi thêm chứ không bao giờ bị lỗ, thay vì trước kia họ làm và bán cho thương lái, rồi thương lái bán cho công ty xuất khẩu. Bây giờ họ làm trực tiếp với công ty chỉ còn rất ít qua thương lái. Khi họ tiến tới mức tin tưởng công ty rồi thì sẽ mở ra một triển vọng để cho nông dân mua cổ phần của công ty, nông dân không có tiền nhiều có thể lấy lúa đổi cổ phần, trên cơ sở đó mỗi năm họ được chia lãi trên số cổ phần đó.Vài ba năm thấy làm ăn tốt họ sẽ mua thêm cổ phần, như vậy nông dân được lợi hơn.”

Mô hình liên kết “Bốn nhà”

Tất cả những mô hình vừa nêu đều nhằm giúp chuyển từ sản xuất lúa gạo theo công đoạn sang hình thức chuỗi sản xuất theo ngành hàng, hình thành chuỗi giá trị gia tăng về lúa gạo, phân chia lợi nhuận hợp lý hơn cho các thành viên đặc biệt là người nông dân. Những nông hộ nhỏ sẽ cùng nhau góp ruộng sản xuất trên một diện tích lớn, trồng một hoặc hai loại giống lúa theo đặt hàng, doanh nghiệp đầu tư nhà kho, nhà máy sấy lúa, cung cấp vật tư đầu vào trợ giúp kỹ thuật canh tác và quan trọng hơn cả là tiêu thụ sản phẩm. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhận định:

Ở Việt Nam nhà nước cũng biết cần phải liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp), năm 2002 chính phủ ra nghị định 80, mười năm nay chính phủ đã thấy nhưng ứng dụng được tốt hay không là tạo mối liên kết.

TS Lê Văn Bảnh

“ Đúng ra cánh đồng mẫu lớn hay công ty cổ phần nông nghiệp chẳng phải là điều gì mới so với sản xuất của thế giới, người ta đã làm từ lâu. Ở Việt Nam nhà nước cũng biết cần phải liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp), năm 2002 chính phủ ra nghị định 80, mười năm nay chính phủ đã thấy nhưng ứng dụng được tốt hay không là tạo mối liên kết. Đặc biệt nhất là ông doanh nghiệp, đến nay nếu vẫn không có sự chuyển biến cứ làm

Người nông dân Đồng Bằng. AFP
Người nông dân Đồng Bằng. AFP (AFP)

như cũ thì phát triển rất chậm. Do vậy cánh đồng mẫu lớn tuy chưa làm được nhưng hướng công ty cổ phần nông nghiệp cũng là rất tốt và theo tôi sẽ đi sau cánh đồng mẫu lớn, hiện nay người dân chưa hiểu biết về vấn đề này.”

Một người trồng lúa nhiều kinh nghiệm ở Cần Thơ nói là rất hào hứng với mô hình hợp tác xã kiểu mới, nơi nông dân có thể có kho trữ, nhà máy sấy, nhà máy xay xát và tiếng nói mặt để thương thảo giá lúa. Tuy nhiên ông đặt ra những câu hỏi:

“Vốn đầu tư từ đâu là chuyện hơi khó, hình thành hợp tác xã ông ngân hàng rất ngại rót vốn vào, chưa thấy mình làm ăn hiệu quả gì, rót vốn vào làm sao thu lại được. Đó là một vướng mắc, còn chuyện thứ hai nữa là lòng tin giữa nông dân với các ông chủ nhiệm bộ máy hợp tác xã, vượt qua được hai vấn đề này làm ăn mới có hiệu quả.”

Chính phủ Việt Nam đặt kế hoạch tới 2015 sẽ phát triển vùng sản xuất lúa gạo tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1 triệu héc-ta. Mục tiêu này được mô tả là quá lớn và nhiều người e ngại khó hiện thực. Hiện nay mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu thành công ở An Giang, nơi có doanh nghiệp mạnh gắn bó với nông dân, nhưng nhiều nơi khác doanh nghiệp còn thờ ơ. Chẳng hạn các tổng công ty lương thực nhà nước Vinafood 1&2 thống lĩnh thị phần xuất khẩu gạo tới 60-70% của cả nước nhưng đã chẳng thể hiện một sự liên kết nào với nông dân. TS Lê Văn Bảnh phát biểu:

“ Hiện nay để tham gia cánh đồng mẫu lớn thì công ty bảo vệ thực vật công ty phân bón một số công ty lương thực nhỏ thì tích cực làm, trong khi ông Vinafood 1-Vinafood 2 rất là lơ là, chắc có lẽ họ nói không ai mua gạo cuối cùng cũng tới họ mua thôi cho nên vấn đề đầu tư họ rất lơ là. Trong sản xuất nên làm theo chuỗi ngành hàng, để tăng chuỗi giá trị hạt gạo phải có đầu tư từ đầu, phải có nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp phải có nguồn nguyên liệu. Nông dân làm theo qui trình hướng dẫn của các nhà khoa học thì mới có hiệu quả. Bởi vì hiện nay chúng ta đã vô WTO, nếu không có chuẩn bị về vấn đề nguồn vốn thu mua, thì cũng tương tự như cà phê ở Tây nguyên, các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn họ sẽ vào cạnh tranh. Lúc đó nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuẩn bị thì sẽ bị thua trên sân nhà.”

Chuyên gia nhà khoa học nhìn xa trông rộng, mong muốn lúa gạo hình thành chuỗi sản xuất theo giá trị gia tăng theo ngành hàng từ khâu nhân giống, chăm sóc, tới thu họach, tồn trữ bảo quản và tiêu thụ. Trong một qui trình sản xuất như thế, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao kèm theo lợi tức của nông dân. Tuy nhiêu điều này tùy thuộc các chính sách của chính phủ cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo dòng thời sự: