Nguy cơ ‘thẻ đỏ’ cho thủy hải sản VN vào Châu Âu!
2019.11.20
Quỹ Công lý Môi trường EJF - Environmental Justice Foundation, vừa công bố báo cáo cho thấy tình trạng đánh bắt các trái phép và sử dụng lao động trẻ em trong ngành này của Việt Nam vẫn không thuyên giảm, dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể bị phạt “thẻ đỏ” – cấm hoàn toàn xuất khẩu thuỷ sản sang các nước châu Âu.
Báo cáo được EJF công bố hôm 11/11/2019 nhận định, mặc dù luật mới để ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp đã được ban hành tại Việt Nam vào năm 2018, nhưng các cuộc điều tra của EJF một năm sau đó cho thấy các quy định luật pháp liên quan vấn đề này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nạn ngư dân Việt đánh bắt trộm trong vùng biển các nước lân bang vẫn không được cải thiện.
Trước đó, vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Ủy Ban Châu Âu (EC) đã quyết định rút ‘thẻ vàng’ cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”.
Nếu quá thời hạn 6 tháng hoặc qua thời gian được gia hạn mà quốc gia vi phạm chưa khắc phục khuyến cáo trong án phạt “thẻ vàng”, thì có thể sẽ bị phạt “thẻ đỏ” tức cấm xuất khẩu thủy sản vào EU.
Sau đợt kiểm tra đầu tiên vào tháng 5/2018, Việt Nam đã bị gia hạn thẻ vàng thêm 6 tháng, sau khi EU phát hiện một số thiếu sót trong việc thực hiện các khuyến nghị.
Và với báo cáo được EJF công bố hôm 11/11/2019, EJF cho rằng, không những Việt Nam không thể thoát khỏi án phạt “thẻ vàng” của EC, mà nguy cơ Việt Nam có thể bị phạt “thẻ đỏ” – bị cấm hoàn toàn xuất khẩu thuỷ sản sang các nước châu Âu, là có thể xảy ra.
Trả lời RFA, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng, nhận định:
“Hội nghề cá Việt Nam cũng hiểu được mức độ quan trọng của sự việc. Chúng tôi cũng tiến hành vận động bà con phải cố gắng, mọi người đều phải thực hiện, chứ còn trước kia chưa phải là mọi người cùng thực hiện. Phải nói cho nó đúng là như thế, đúng ra thì ngày xưa cũng đã thực hiện, chứ không phải là không thực hiện. Nhưng mà không phải là tất cả mọi người cùng làm, nên mới như vậy.”
Tôi nghĩ phái đoàn của Liên minh Châu Âu sẽ khách quan hơn khi họ qua đây đánh giá việc khác phục trên nhiều lãnh vực, từ luật pháp đến quản lý… Chứ không phải giống như một số tổ chức chỉ đi tìm bằng chứng bất lợi để đưa ra.
-Trần Văn Lĩnh
Theo EJF, Việt Nam có một trong những đội tàu đánh cá phát triển nhanh nhất trên thế giới, với kích thước tàu cá tăng hơn 160% từ năm 1990 đến 2018. Sự bùng nổ về số lượng tàu cá này đã dẫn đến việc đánh bắt quá mức và làm cạn kiệt nhanh chóng số lượng cá. Báo cáo mới của EJF được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 239 thuyền viên từ 41 tàu cá Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ khi đang đánh bắt trong vùng biển nước này.
Khi trao đổi với RFA, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định:
“Thật ra từ khi Âu Châu đưa thẻ vàng thì phía chính phủ và người dân Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những quy định đó. Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra một số luật như luật về thủy sản và những quy định để đảm bảo toàn bộ hoạt động theo đúng luật thủy sản. Nhà nước Việt Nam đồng thời cũng tạo điều kiện cho ngư dân có những cái thiết bị, để theo dõi và quản lý ngư dân theo đúng luật. Tuy nhiên tất cả những cái này mới có hiệu lực thôi, và một số ngư dân Việt Nam chưa có sự chấp hành đầy đủ.”
Mặt khác theo ông Trần Văn Lĩnh, Việt Nam có những vùng biển chồng lấn với các nước lân bang rất nhiều, thí dụ như với Trung Quốc, Thái Lan và với Indonesia. Và hiện tại, do tình hình biển Đông đang có lộn xộn, đặc biệt là với Trung Quốc, cho nên lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia này đều đã thi hành việc tuần tiễu trên biển rất mạnh. Ông nói tiếp:
“Và dĩ nhiên cái đó họ cũng không hẳn là rạch ròi, vì là vùng biển chồng lấn mà, cho nên nếu phỏng vấn những người ngư dân bị bắt thì họ đang ở trong tư thế không tự do, nên có thể họ ở trong vùng biển chồng lấn nhưng họ buộc phải thừa nhận vi phạm để được về… Cho nên chắc chắn các bằng chứng ấy cũng không hoàn toàn khách quan. Tôi nghĩ phái đoàn của Liên minh Châu Âu sẽ khách quan hơn khi họ qua đây đánh giá việc khác phục trên nhiều lãnh vực, từ luật pháp đến quản lý… Chứ không phải giống như một số tổ chức chỉ đi tìm bằng chứng bất lợi để đưa ra.”
Báo cáo của EJF còn dẫn lời các thuyền trưởng cho biết họ thường được các chủ tàu khuyến khích đánh bắt cá ở các nước láng giềng, thậm chí mọi người nói chuyện công khai về kế hoạch sang Thái Lan đánh cá như thế nào. EJF cũng cho biết, các tàu cá Việt Nam tiếp tục không treo cờ cũng như các dấu hiện nhận diện tàu, vốn nằm trong quy định mới sửa đổi của Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc Anh Nguyễn Chí Thạnh, một ngư dân, một thuyền trưởng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và được anh cho biết về tình thực tế khi đi đánh bắt xa bờ:
“Tôi lưới ở vùng biển đó là vùng biển nước Việt Nam mình, chứ xâm phạm vùng biển nước nào đâu. Còn vùng biển Indo, Mã Lai thì đâu ai xâm phạm của ai… ai cũng lo chủ quyền của mình… đôi bên đâu có lưới gì đâu. Riêng Hoàng Sa thì Trung Quốc nó cứ lấn tới lấn tới… nó ốp chỗ của Việt Nam mình… đuổi tới đuổi lui.”
Anh Thạnh cho biết, đối với những tàu khác, đôi lúc họ làm vùng lân cận, thì có mấy chiếc lấn qua thì có bị bắt. Nhưng anh cho rằng số lượng này khá nhỏ:
“Nó cũng không đáng kể, vì ranh giới thì đôi lúc tàu làm qua lại… cũng không bao nhiêu, chỉ mấy chiếc… chỉ có Trung Quốc và Việt Nam mới nhiều…. chứ mấy nước lân cận kia không ai xâm phạm ai… nếu có thì tỷ lệ rất nhỏ… làm thì phải có vùng biển chênh lệch qua lại, nước nào cũng vậy… nhưng tỷ lệ ít. Nước nào cũng vậy, đôi khi có những ngư dân họ ưng tham, họ lấn qua biển khác họ làm. Nguyên nước Việt Nam mình thì ví dụ có một hai anh, làm liên lụy quốc gia…”
Cũng theo báo cáo của EJF, không những đánh bắt bất hợp pháp, các tàu cá Việt Nam còn đưa cả trẻ em vào làm việc, trong điều kiện bẩn thỉu và không an toàn trên các tàu đánh cá dài ngày. Trong số 41 tàu cá mà EJF tiến hành điều tra, có đến 7 tàu cá có trẻ em làm việc, trong số đó có em chỉ mới 11 tuổi. EJF cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng chỉ kiểm tra sơ sài các tàu này trước khi ra khơi, dẫn đến tình trạng lạm dụng lao động trẻ em hoàn toàn không được kiểm soát.
Ngư dân không có mướn trẻ nhỏ đi biển đâu, nếu có trẻ nhỏ là cha con, anh em thôi… chứ mướn làm sao có, mướn làm gì có được, lao động 18 tuổi trở lên họ mới mướn… nhỏ làm sao mướn, chỉ có cha con đi biển vì sẵn hôm không học rồi dẫn nó đi biển cho biết…
-Nguyễn Chí Thạnh
Tuy nhiên ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, ở huyện đảo Lý Sơn không đồng tình với thông tin này:
“Ngư dân không có mướn trẻ nhỏ đi biển đâu, nếu có trẻ nhỏ là cha con, anh em thôi… chứ mướn làm sao có, mướn làm gì có được, lao động 18 tuổi trở lên họ mới mướn… nhỏ làm sao mướn, chỉ có cha con đi biển vì sẵn hôm không học rồi dẫn nó đi biển cho biết… hay là anh em đi một phen hai phen thôi, chứ làm gì mướn 18 tuổi trở xuống.”
Trước nguy cơ Việt Nam có thể phải đối mặt với khả năng bị cấm xuất khẩu cá vào EU, hôm 21/5/2019, Thủ tướng Việt Nam đã ký quyết định thành lập Ủy ban chỉ đạo phòng chống đánh bắt cá trái phép.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ký một nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, quy định mức phạt cao nhất lên tới 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá cho tàu đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Toàn bộ chi phí đưa ngư dân về nước do chủ tàu trả.
Mặc dù ban hành nhiều quy định và chế tài nhằm tránh án phạt “thẻ đỏ”, tuy nhiên theo ông Trần Văn Lĩnh, Việt Nam còn nhiều bất lợi chưa thể giải quyết:
“Thật ra, Việt Nam cũng có bất lợi, tất cả những tàu thuyền, đặc biệt là tàu nhỏ, chưa trang bị đầy đủ các thiết bị ghi nhật ký hành trình tự động, bằng phương pháp định vị đánh dấu, vì vậy chúng ta thiếu những bằng chứng khách quan để mà có thể chứng minh mình không vi phạm.”
Tuy nhìn nhận điều vừa nói là một điểm rất khó và bất lợi cho ngư dân Việt Nam, và báo cáo của EJF cho rằng đã có “rất ít khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu được Việt Nam thực hiện hoặc thi hành thành công” ; nhưng ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng tin rằng, thanh tra Ủy ban Châu Âu sẽ có những biện pháp và phương pháp phỏng vấn điều tra khách quan hơn.