Chặn nhập lậu đường có cứu được ngành mía đường Việt Nam?

RFA
2020.12.02
Chặn nhập lậu đường có cứu được ngành mía đường Việt Nam? Người trồng mía ở Hà Giang (Ảnh minh họa).
Courtesy mard.gov.vn

Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng Bộ Công thương phối hợp tổ chức vào ngày 1/12 ở Hà Nội, nhiều chuyên gia đã kêu gọi tìm giải pháp để cứu ngành mía đường. Đây không phải lần đầu tiên có kêu gọi như thế, mà nhiều năm qua ngành mía đường Việt Nam không thể trụ vững khiến người nông dân trồng mía khốn đốn.

Kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường. Theo đó không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Từ đó đến nay, lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam khiến giá thành mía đường giảm mạnh, gây khó cho người trồng mía.

Anh Cẩm, một người trồng mía lâu năm ở Thôn Khạt, xã Cẩm Thành thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 2/12 nói:

“Trồng mía thì bây giờ hiệu quả cũng không ăn thua đâu ạ, trồng mía đen thì năm nay giá thấp, mọi năm một sào có thể được 2, 3 triệu. Năm nay không ăn thua, mía đường thì mấy năm nay có năm nào vượt qua 10 đâu (tức 1 triệu/tấn). Giá mua tại vườn mấy trăm nghìn một tấn, có vườn 60, có vườn 70, 80, 90... (tức từ 600 ngàn đến 900 ngàn 1 tấn). Đường nhập khẩu ảnh hưởng mía Việt Nam quá lớn, thứ nhất là không tiêu thụ được, nhà máy phải bán được đường thì mình mới tiêu thụ được mía. Đường Việt Nam mình bây giờ cũng chẳng tiêu thụ được mấy, mà xuất đi nước ngoài cũng không được, giá mấy năm nay thấp và bán không được, chặt không kịp thì nhà máy cũng không lấy vì héo quá.”

Trồng mía thì bây giờ hiệu quả cũng không ăn thua đâu ạ, trồng mía đen thì năm nay giá thấp, mọi năm một sào có thể được 2, 3 triệu.
-Anh Cẩm

Trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam theo Tổng cục Hải quan là gia tăng đột biến. Nếu khấu trừ lượng đường xuất khẩu, thì lượng đường từ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam lên đến gần 885 ngàn tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan chiếm đa số với gần 88%.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường nội địa niên vụ 2019-2020 là 913.397 tấn, gồm 767.954 tấn đường sản xuất từ mía và 145.443 tấn từ đường thô nhập khẩu.

Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 2/12 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, nhận định:

“Câu chuyện mía đường thì thật ra cũng chẳng có chính sách gì để xử lý vấn đề này... Chuyện mía đường nó cứ lòng vòng mãi thế... nó không có hiệu quả... Sản xuất thì không có lợi thế... Tôi nghĩ là nó không ổn...”

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 2/12 cho rằng việc Việt Nam tham gia các hiệp định nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế, để tránh phụ thuộc kinh tế vào cường quốc láng giềng quá lớn, là một chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Một trong những cái giá phải trả là phải tạo ra được năng lực cạnh tranh, nhưng rất tiếc là ngành mía đường của chúng ta vì nhiều lý do đã không cạnh tranh được. Thí dụ năng suất mía của Việt Nam thấp xa so với Thái Lan, thậm chí một số doanh nghiệp sang nước bạn như Lào trồng mía thì năng suất cũng cao hơn. Vì vậy trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ phải cơ cấu lại ngành mía đường, tập trung vào những địa phương có điều kiện sản xuất tốt nhất và đầu tư để có năng lực cạnh tranh ngang bằng các nước ASEAN. Và mía đường lại là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp thực phẩm, nên tôi mong rằng trong thời gian tới chính phủ sẽ có quyết định riêng về mía đường để hỗ trợ cho ngành này.”

Ảnh minh họa: Đường nhập khẩu. Courtesy mard.gov.vn
Ảnh minh họa: Đường nhập khẩu. Courtesy mard.gov.vn

Cũng tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam”, các chuyên gia cũng cho rằng ngoài lượng đường nhập khẩu làm ảnh hưởng giá đường trong nước, cũng cần quyết liệt chống buôn lậu để cứu ngành mía đường.

Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan, đã làm ngành mía đường Việt Nam bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước cho đến nay.

Tuy nhiên một người chuyên buôn bán sỉ đường mía muốn ẩn danh vì lý do nhạy cảm, khi trả lời RFA hôm 2/12, đã từ chối cho biết nguồn gốc đường mình bán và cho rằng sở dĩ giá đường xuống thấp do đã vào mùa mía đường:

“Thật ra thì giá đường bao giờ vào cuối năm giáp vụ cũng giảm, tại Việt Nam thì giáp vụ từ trung tuần tháng 11 âm lịch đến tháng 4 năm sau là mùa mía đường ở Việt Nam. Mùa mía đường thì liên quan sản lượng và giáp vụ ảnh hưởng đến giá. Ngoài ra do ảnh hưởng COVID-19 nên cũng ảnh hưởng đến giá...”

Đài Á Châu Tự Do hôm 2 tháng 12 năm 2020 cũng đã liên lạc ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để tìm hiểu thêm về vấn đề này, tuy nhiên ông đã từ chối trả lời và bình luận.

Một trong những cái giá phải trả là phải tạo ra được năng lực cạnh tranh, nhưng rất tiếc là ngành mía đường của chúng ta vì nhiều lý do đã không cạnh tranh được.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, ngoài việc quyết liệt chống buôn lậu để cứu ngành mía đường thì quan trọng hơn chính phủ phải hỗ trợ để làm sao ngành mía đường Việt Nam có thể mạnh lên để cạnh tranh công bằng:

“Việc buôn lậu qua biên giới Campuchia vào mùa nước nổi là rất phức tạp, tôi đã đến đó vào mùa nước nổi và chứng kiến biên giới không còn cột mốc gì hết cả, chỉ là vùng nước mênh mông. Với vùng nước như vậy, thì làm sao có thể kiểm soát chặt chẽ, vì vậy cách tốt nhất là ngành hàng của Việt Nam phải mạnh lên và cạnh tranh ngang ngửa, để những mặt hàng như đường lậu không có sức sống ở Việt Nam. Ngoài ra, rất quan trọng là phải kiểm soát đường nhập lậu, vì nó không phải chịu thuế, có thể làm cho ngành mía đường suy yếu nhiều hơn.”

Anh Cẩm, một người trồng mía ở Thôn Khạt, xã Cẩm Thành thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, cho biết thêm về những khó khăn của người trồng mía:

“Có được nhà nước hỗ trợ gì đâu, trồng mía là không được chính sách gì hết, trồng lúa hoa màu còn được nhưng có ăn thua gì... Ví dụ người ta đắp thủy điện lên thì hầu như dân không được cái gì hết ạ. Nhưng khi giá xuống thì ảnh hưởng quá nhiều mặt, nào là chi phí phân, đầu tư giống, công cáng... nói tới mía thì phức tạp nhiều cái lắm.”

Các đại biểu tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” cho rằng, để bảo vệ ngành sản xuất mía đường trong nước, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường phá giá từ Thái Lan, thì chính phủ cũng cần ngăn chặn đường nhập lậu, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường này.

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, đã đến lúc cần nâng cao năng suất ngành mía đường, cần phải cơ cấu lại ngành này và đầu tư hiệu quả nhằm giảm giá thành để có thể cạnh tranh với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.