Ứng viên độc lập bị giam trong nhà tủ nhỏ, người vợ khiếm thị trong nhà tù lớn
2021.05.04
Ông Lê Trọng Hùng, một người tự ứng cử Đại biểu Quốc Hội khóa 15, bị bắt giam khiến người vợ khiếm thị và hai đứa con nhỏ phải rơi vào tình cảnh đen tối.
Bà Đỗ Lê Na, vợ ông Lê Trọng Hùng, cho biết bản thân bị khiếm thị bẩm sinh từ bé. Lúc còn nhỏ thì có nhìn được một ít, nhưng cầu mắt của bà qua thời gian càng bị teo dần:
“Hiện tại bây giờ thì mình không nhìn thấy gì. Do đó tất cả mọi việc trong gia đình mình đều làm được hết nhưng cứ ra khỏi cửa là mình chịu. Mình không thể nào có thể đi lại ở bên ngoài được. Vì vậy mọi việc như là đưa đón con đi học này, rồi mình đi làm hay mua sắm hay thỉnh thoảng đưa con ra ngoài chơi là đều do anh Hùng làm hết. Chính vì thế nên bây giờ không có anh Hùng, cuộc sống của mẹ con mình nó rất là vất vả”.
Công việc trong nhà, từ nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc hai đứa con trai, một cháu mới lên 10 và một cháu 3 tuổi, bà Na hiện gánh vác một mình sau khi chồng bị bắt. Đó là vào ngày 27/3/2021 khi ông Hùng đang cùng với hai đứa con trai trên đường về nhà sau khi đi công viên chơi, ông bị công an TP Hà Nội bắt tạm giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà” (Điều 117 Bộ luật Hình sự).
Vụ bắt giữ chấm dứt thời gian hạnh phúc của bà Đỗ Lê Na và ông Lê Trọng Hùng kề từ ngày hai người cưới nhau hồi năm 2009. Bà tâm sư:
Ngày trước anh Hùng dạy học ở trên Lào Cai, một cái trường ở vùng núi. Trong một lần anh nghe chương trình Tiếng Thơ phát trên đài Tiếng Nói Việt Nam anh mới biết mình. Bởi vì ngày trước ở trường mình có làm một tờ tạp chí. Mình cũng yêu văn học, mình hay làm thơ. Thơ của mình được đăng ở các tờ báo lớn và phát trên đài Tiếng nói Việt Nam nữa thì một lần tình cờ anh nghe được. Sau đó anh có ấn tượng và khi có điều kiện vào Hà Nội anh tìm gặp mình. Lúc đó mình đang học đại học sư phạm rồi quen nhau”.
Chị Đào Thu Huệ, một người bạn của ông Hùng cho biết người ngoài nhìn vào cặp vợ chồng có thể cho là hai người không cân xứng, nhưng thực tế không phải vậy:
“Đôi lần Hùng tâm sự với tôi rằng là em cảm thấy phải tạ ơn Chúa vì đã cho em một người vợ như vậy. Bởi vì nhiều người ở ngoài nhìn vào sẽ thấy rằng một người có thể nói là khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹ mà lại lấy một người vợ bị khuyết tật như vậy, bị mù, thì sẽ cảm thấy là không cân xứng. Hùng nói rằng là em rất tự hào vì vợ em và em rất hài lòng với cuộc sống hôn nhân... Quả thật Hùng chính là đôi mắt của vợ, và người vợ cũng chính là chỗ dựa về tinh thần để Hùng yên tâm dấn thân vào trong các hoạt động xã hội”.
Bà Na nói, từ khi chồng ngưng dạy học và trở thành một phóng viên độc lập của kênh có tên CHTV, rồi vào tháng ba năm nay nộp đơn ứng cử đại biểu Quốc Hội, hai vợ chồng xác định sẽ có ngày, trước sau gì ông cũng bị bắt. Nhưng họ không ngờ nó đến sớm như thế.
Vài ngày trước khi bị bắt, ông Hùng có gửi đơn đến Ủy ban bầu cử TP Hà Nội và cơ quan công an các cấp yêu cầu bảo vệ và tạo điều kiện trong quá trình tranh cử.
Người vợ chia sẻ: “Chính anh Hùng cũng rất bất ngờ bởi vì trước đó thì họ đã triệu tập anh lên nói chuyện thì anh ấy nói là hai bên đã rất là thấu hiểu nhau rồi, có những khúc mắc thì đã giải tỏa rồi”.
Ông Hùng trước kia từng giúp đỡ nhiều người dân oan làm thủ tục khiếu kiện. Sau khi ông bị bắt, bạn bè của chồng cũng thỉnh thoảng giúp người vợ một tay. Trên trang Facebook cá nhân, bà Na dùng phần mềm giúp người khiếm thị, gọi là trình đọc màn hình, để đọc và viết về những hành động an ủi từ bạn bè của chồng. Gần đây bà viết “có điện thoại của một cô dân oan từ Ninh Bình gọi đến hỏi thăm tình hình của anh Lê Trọng Hùng và ba mẹ con”, rồi “chiều, lại có một cô dân oan ở Từ Liêm mang theo lỉnh kỉnh nào xôi, nào thịt, nước ngọt và hoa quả tới hỏi thăm”.
Bạn bè của chồng cũng có giúp một ít tiền để trong thời gian trước mắt có người đưa đón con đi học, bà vẫn đi làm, dạy học cho trẻ em khiếm thị. Có lần, bà đến trại giam số 1, lại gặp bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà đấu tranh cho dân oan Trịnh Bá Phương. Rồi thì lại có một người cùng hoàn cảnh, giúp bà Na làm thủ tục gửi đồ vào thăm nuôi cho chồng.
Thế nhưng rõ ràng, thế giới của bà mẹ khiếm thị và hai đứa con đã bị thu nhỏ rất nhiều. Bà nói:
“Thường là mẹ con mình hiện tại đang dùng những đồ để tủ lạnh. Thậm chí là nhiều khi phải ăn những cái rau héo hay thực phẩm để đã rất lâu hoặc là cuối tuần muốn cho con cái ra ngoài chơi cũng không thể cho con ra được. Tóm lại ba mẹ con mình cứ ở trong nhà. Mình vẫn nói đùa là anh Hùng thì đang ở trong cái nhà tù nhỏ, nhưng mẹ con mình thì nhà tù lớn hơn anh một chút và đầy đủ tiện nghi hơn một chút thôi”.
Bà Đào Thu Huệ, người bạn của ông Lê Trọng Hùng, cũng đã vài lần đến giúp bà Na công việc trong nhà. Bà Huệ nhận thấy:
“Nhà Na rất nhỏ cheo leo ba tầng mà hai đứa trẻ con cùng với một người phụ nữ hoàn toàn bị mù mà phải sinh hoạt trong không gian hẹp như vậy nó tiềm ẩn rất là nhiều nguy cơ”.
Thêm vào đó, bà nói chính quyền sẽ không để cho gia đình của ông Hùng yên:
“Thực tế hàng ngày thì việc đi chợ mua đồ ăn, rồi dọn dẹp nhà cửa là một trở ngại cực kỳ lớn bởi vì Na hoàn không nhìn thấy gì, không thể tự đi chợ, nên phải phù thuộc vào người xung quanh giúp đỡ. Mà người thân của Hùng và Na đều không sinh sống tại Hà Nội, đều ở tỉnh rất xa nên không có ai là người nhà có thể đến ở cùng.
Còn nếu mà bây giờ bạn bè hoặc là một người không quen biết đến ở cùng thì Na hoàn toàn không yên tâm. Bởi vì những anh em đấu tranh ở Việt Nam đều biết rằng âm mưu của chính quyền khi mà đã dồn lên một người đấu tranh mà có ý định bắt họ thì họ sẽ không chỉ dừng lại ở việc bắt.
Họ sẽ phải tìm cách để kết án. Mà bây giờ bằng chứng tại nhà Hùng thì không có gì ngoài những thùng sách pháp luật và Hiến Pháp và hồ sơ của dân oan thì nếu mà nói đúng ra thì đó không phải là chứng cứ để kết tội.
Nên hiện nay điều Na lo lắng nhất là có người lạ đến và đưa những cái vật lạ vào trong nhà để sau này lấy cái đó là bằng chứng kết tội. Vì thế Na rất là cảnh giác. Hiện nay số bạn bè tới chơi để có thể giúp đỡ được Na cũng rất hạn chế. Chỉ có những người mà Na cảm thấy rất tin tưởng thì Na mới cho vào nhà”.
Bà Na cho biết bản thân càng lo lắng hơn khi được con trai lớn cho hay, cháu thấy có người theo dõi trên đường đi học. Đài Á Châu Tự Do đã gọi đến Uỷ ban Nhân dân phường Thanh Lương để hỏi về sự việc nhưng khi phóng viên tự giới thiệu thì người nhận điện thoại cúp máy.
Bà Đỗ Lê Na nói mong muốn lớn nhất của bà lúc này là chồng được về đoàn tụ với ba mẹ con. Nhưng khi ông Lê Trọng Hùng đã bị cáo buộc về Điều luật 117, tức tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, thì bà cũng hiểu ông có thể sẽ bị tuyên án dài.
Biết rằng tình trạng nhờ vào sự trợ giúp của một số ít người để đưa đón mẹ con hoặc giúp góp tiền thuê người khi cần thiết cũng không thể kéo dài, bà lo lắng nói:
“Sau này khi mà anh Hùng đã có án rồi và phải đi lâu dài thì cái quan tâm của cộng đồng nó cũng dần dần ít đi”.
Khi đó sẽ xoay sở như thế nào? Bà nói chưa biết được.