Rò rỉ thông tin và đấu đá nội bộ trong đảng!
2020.07.08
Thông tin rò rỉ từ đâu?
Quyết định thôi chức Bí thư Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Lê Viết Chữ được Bộ chính trị chính thức đưa ra hôm 8 tháng 7, nhưng văn bản được cho là Quyết định cho thôi chức này được lan truyền trên mạng xã hội trước khi tin chính thức được đưa ra.
Truyền thông trong nước dẫn lời một lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi rằng, đây là thông tin nội bộ trong đảng, văn bản trên chỉ lưu hành nội bộ, chưa được công bố. Hiện công an tỉnh Quảng Ngãi đang điều tra nguyên nhân văn bản trên bị rò rỉ, lan truyền trên mạng xã hội.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định về việc này rằng, tin ông Chữ mất chức bị rò rỉ ra sớm chứng tỏ trong nội bộ có một số người rất muốn chuyện đó. Không việc gì phải mất công điều tra. Nếu có điều tra thì chính những kẻ chủ trương điều tra là muốn đấu đá nội bộ. Giáo sư Nguyễn Đình Cống phân tích thêm:
“Cái công văn thôi chức là chuyện rõ ràng. Dù đưa ra trước hay sau thì cũng là chuyện thôi chức. Đấu đá nội bộ là chuyện dìm người này xuống, đưa người kia lên. Họ lấy khuyết điểm, tội trạng của một anh nào đấy mà chưa ai ở ngoài biết tung lên để làm mất uy tín ai đó thì mới gọi là đấu đá nội bộ. Chứ công văn cho thôi chức bí thư tỉnh ủy thì tôi không cho đó là đấu đá nội bộ.”
Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm nêu rõ, đảng viên không được cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, những việc chưa được phép công bố ra ngoài phạm vi (nội dung, đối tượng) cho phép.
Theo nhận định của một số nhà quan sát chính trị trong nước, đa số những thông tin bị rò rỉ là do chính những người trong đảng đưa ra chứ người ngoài khó thể có được.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu những khả năng thông tin nội bộ có thể rò rỉ ra ngoài:
“Công văn lưu hành nội bộ bị rò rỉ ra ngoài thì có ba khả năng: Một là người bên trong đưa ra vì một động cơ nào đấy. Hai là người bên ngoài có liên quan, có quan tâm người ta có thể tìm cách ăn cắp, tìm cách sao chụp (đánh cắp theo kiểu gián điệp). Một nguyên nhân thứ ba cũng có thể xảy ra, nhưng ít thôi, đó là do sơ suất nào đó mà tài liệu bị rơi trong quá trình di chuyển, một người nào đó đọc được và thông tin lan truyền ra ngoài. Như vậy không nhất thiết có người bên trong đưa ra thì thông tin mới bị rò rỉ, nhưng khả năng người bên trong đưa ra vẫn là lớn nhất.”
Tại hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng, tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước diễn ra vào ngày 19 tháng 8 năm 2019, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu, bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích đảng và Nhà nước.
Lúc đó, Luật sư Lê Công Định khẳng định với RFA rằng, người dân hoàn toàn không có khả năng thu thập được những thông tin gọi là bí mật của nhà nước, trừ khi chính những quan chức trong bộ máy đó cố tình tung ra bên ngoài để tấn công những đối thủ chính trị ở trong đảng của họ.
Đấu đá nội bộ trong đảng
Có thể nhận thấy trước mỗi kỳ đại hội đảng, nhiều thông tin được coi là ‘mật’ được tung để bôi nhọ hoặc làm mất uy tín của các lãnh đạo qua các trang mạng xã hội. Ví dụ trang “Chân dung quyền lực” xuất hiện vào khoảng tháng 10 năm 2014, trước Hội nghị Trung ương 10 chuẩn bị nhân sự cho Ðại Hội đảng khóa 12 diễn ra vào đầu năm 2016. Trang này từng loan báo chính xác ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh được chở về Việt Nam, trong khi báo chí nhà nước không đưa một tin tức nào.
Theo nhận xét của nhiều người lúc bấy giờ, nếu không có người trong nội bộ đảng đưa ra thì không ai có thể biết, có thể lấy được những thông tin như thế.
Blogger Người Buôn Gió từng xác nhận với RFA, ông nhiều lần nhận được các thông tin, tài liệu mật về các cán bộ thuộc hàng cấp cao trong đảng và các tài liệu này đều do các cán bộ bên trong đảng đưa ra để đấu đá nhau do tranh chức tranh quyền, hạ bệ lẫn nhau.
Trung tá quân đội, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, những chuyện này không có gì mới mà nó “xưa như trái đất”:
“Theo tôi, bản chất vấn đề như một câu nói nổi tiếng của ông Mao Trạch Đông là ‘trong đảng thì có phái mà ngoài đảng thì có đảng’. Phái này chơi phái kia. Khi có xung đột lợi ích thì sẽ có chia rẽ. Bản chất vấn đề là có chia rẽ trong nội bộ, mà chia rẽ trong nội bộ thì họ ‘chơi’ nhau bằng hình thức rò rỉ thông tin, vu khống nhau, hạ nhau hoặc thủ tiêu nhau. Những cái đó nó xưa như trái đất rồi!”
Ông Đinh Đức Long nói thêm rằng, ở Việt Nam mọi phát ngôn, tuyên bố... đều là độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam, kể cả nói dối, lừa đảo..., ví dụ ông Hồ Chí Minh chết ngày 02 tháng 9 năm 1969, nhưng đảng lại nói là chết vào ngày 03 tháng 9 năm 1969 mà chả ai làm gì được đảng cả.
Trở lại trường hợp ông Lê Viết Chữ. Với cương vị là Ủy viên trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ trong thời gian tại chức đã điều động cán bộ của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền …
Tại phiên họp diễn ra vào ngày 16 tháng 6 năm 2020, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo, do ông Chữ đã nghiêm túc, nhận thức rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Trước đó, Bộ Chính trị khẳng định vi phạm của ông Chữ là nghiêm trọng đến mức cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Sau đó, ông Lê Viết Chữ có đơn xin thôi không giữ các chức vụ.
Như vậy, việc ông Chữ nhận quyết định thôi chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi không có gì là bí mật. Vấn đề là thông tin bị lộ ra trước khi nó được công bố chính thức. Ông Đinh Đức Long cho rằng, sự việc không đơn giản như vậy. Ông giải thích:
“Nhìn chung có những trường hợp đã có quyết định cho thôi việc nhưng họ lại chạy lên cấp cao hơn nên quyết định có thể thay đổi. Nghĩa là quyết định chưa công khai, công bố thì vẫn có thể thay đổi được. Trong thực tế lịch sử đảng cộng sản Việt Nam đã có sự thay đổi rồi. Dự kiến như vậy nhưng phút chót thay đổi ngược lại.”
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ Online, trang tin này nhiều lần liên hệ ông Chữ cũng như nhiều lần liên hệ Tỉnh ủy Quảng Ngãi để xác nhận thông tin ông Chữ được Bộ Chính trị chấp thuận cho thôi chức vụ. Tuy nhiên cả hai nơi đều không trả lời vấn đề này.