Trong báo cáo mới đây của Ủy ban Tư pháp Việt Nam thẩm tra báo cáo của Viện kiểm sát Nhân dân tối cáo (VKSTC) có nêu rõ số trường hợp xử oan được nói tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2018.
Cán bộ tư pháp yếu chuyên môn
Qua báo cáo của Ủy ban Tư pháp Việt Nam dư luận xã hội đặt vấn đề cho rằng, chất lượng về công tác hoạt động Tư pháp của Việt Nam như thế nào lại để xảy ra oan sai năm này tăng hơn năm trước?
Nhận định về điều này, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, người từng là Hội thẩm Nhân dân thành phố Nha Trang nhiều năm cho biết, đây là điều hết sức lo ngại!
“Viện kiểm sát nhân dân theo chức năng mà nhà nước quy định thì có quyền lực rất lớn, giám sát cả 3 khâu là công an điều tra, chính bản thân viện kiểm sát và công tác xét xử của ngành tòa án. Viện kiểm sát cũng có chức năng giám sát việc thi hành án nên quyền lực rất lớn mà theo chúng tôi biết cán bộ của 3 ngành tư pháp của Việt Nam nhìn chung vẫn còn yếu lắm, không đáp ứng được yêu cầu theo lý thuyết. Nhưng cũng công nhận một điều rằng trong 3 ngành đó công an, kiểm sát và tòa án thì các cán bộ ngành kiểm sát được đào tạo nhìn chung tốt hơn một chút vì chức năng của họ phải giám sát nên buộc lòng đào tạo chất lượng hơn 2 ngành còn lại.”
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn, luật sư thường nhận bào chữa cho các bị cáo trong những vụ án liên quan đến chính trị, nhân quyền chia sẻ về điều này cho rằng, báo cáo chỉ là một phần bề nổi thôi, thật sự còn tệ hơn rất nhiều nhưng dù sao có bản đánh giá đó cũng là dịp để những nhà làm quản lý ngành tư pháp của Việt Nam có thể thức tỉnh.
“Tôi là người trong nghề nên tôi biết rằng tình trạng án oan sai nó không chỉ như vậy đâu. Hầu hết trong mọi lĩnh vưc của các vụ án tố tụng từ hành chánh, hình sự, dân sự, lao động… đều có tình trạng đó hết. Hầu như các vụ án anh từng đeo đuổi về chính trị thì có tới 99% đều là các vụ án oan sai hết. Thông thường các vụ án chính trị thì người ta thường đánh giá về tư tưởng rồi người ta suy rằng những tư tưởng như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. Tư tưởng là lĩnh vực không thể nào nắm bắt được và trên thế giới không có quốc gia nào bắt bỏ tù người ta về những vấn đề người ta suy nghĩ gì hay nói cái gì cả mà VN hiện nay lại có tình trạng đó, các vụ anh tham gia hầu hết đều dính tình trạng đó.”
Còn đối với luật sư Nguyễn Khả Thành từ Phú Yên chia sẻ một số điều bất cập mà ông từng tham gia các vụ án.
“Theo quy định giờ mình nói sai nhưng tòa cấp trên họ nói đúng thì mình cũng chịu thua mà thôi, nhiều vụ án mình trình bày rõ ràng ra trước tòa nhưng họ không chấp nhận quan điểm của mình, mình cứ nghĩ là oan sai nhưng tòa có quyền năng hơn nên họ quyết định chuyện đó là đúng, mình cũng đề nghị làm đơn lên giám đốc thẩm xem xét lại mà xem xét chừng nào thì chắc đợi lâu.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại của ngành kiểm sát và đặc biệt là đối với các kiểm sát viên cho thấy năng lực chuyên môn cần phải được khắc phục.
Sử dụng luật bừa bãi
Theo nhà báo và các luật sư vướng vào các vụ án oan tại Việt Nam rất nhiều như một số vụ điển hình gây xôn xao dư luận trong nước cũng như cộng đồng quốc tế quan tâm như vụ Đặng Văn Hiến, Hồ Duy Hải và mới đây nhất là ông Trương Duy Nhất.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, đối với vụ Đặng Văn Hiến đa phần giới luật sư và những người tham gia xét xử đều nghiên về việc ông Hiến không phạm tội giết người mà rơi vào hai trường hợp mà quy định pháp luật có nêu rõ là giết người trong tình trạng phòng vệ vượt quá giới hạn và giết trong tình trạng bị kích động mạnh nhưng tòa án tối cao đã bác bỏ đơn đề nghị xem xét của giám đốc thẩm khiến nhà báo Tạo vô cùng thất vọng.
“Nếu như xét xử đúng luật thì là hai tội phía sau tôi vừa nói chứ không phải tội giết người thì khung án rất là nhẹ khoảng hơn chục năm là cùng nếu trong quá trình thụ án cải tạo tốt thì có thể về sớm hơn đó là sự oan sai rất rõ ràng cả nước đều chăm chăm nhìn vào mà người ta vẫn làm như thế đó.”
Một ví dụ khác mới nhất được luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ với RFA, vụ án Trương Duy Nhất có một vấn đề nhỏ là thẩm quyền của tòa án, VKS tối cao khi lập cáo trạng thì họ chuyển qua tòa án thành phố Hà Nội để xét xử nhưng theo quy định vụ việc này phải do tòa án Đà Nẵng giải quyết mới đúng vì tất cả hành vị bị cho là vi phạm đều xảy ra tại Đà Nẵng nên chuyển về Hà Nội là không liên quan và quá vô lý.
“Anh có làm văn bản kiến nghị 2 lần thì đến sáng nay anh mới nhận được văn bản trả lời của VKSTC họ dẫn ra hai yếu tố trật lất, một lý do đây là vụ án phức tạp, hai giam anh Nhất ở Hà Nội nên xử ở Hà Nội cho tiện mà hai lý do này không có nằm trong luật. Cho thấy ngay cả cơ quan VKSTC là cơ quan giám sát pháp luật cao nhất mà còn sử dụng luật hết sức bừa bãi thì tình trạng oan sai ở cấp dưới nó sẽ rất là phổ biến vì trình độ ở cấp dưới nắm bắt pháp luật của họ kém hơn mà ở trên sai thì làm sao ở dưới không sai được.”
Dư luận xã hội quan tâm đặt vấn đề cho rằng, với nền tư pháp Việt Nam như hiện nay liệu án oan sẽ tiếp tục tăng hay giảm?
Luật sư Mạnh cho rằng con số này sẽ tăng lên nữa và tệ như thế này nếu không có sự thay đổi gốc rễ của vấn đề, thậm chí tệ hại hơn và không thể kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, đối với luật sư Nguyễn Khả Thành thì lại có ý kiến tích cực hơn "Hệ thống luật pháp bây giờ cần phải sửa hơn nữa và cần hoàn chỉnh lại nếu không các vụ án oan ức vẫn còn xảy ra. Bây giờ rất là nhiều vụ như hình sự đưa lên giám đốc thẩm của tòa án nhân dân tối cao có cho biết là tình trạng quá tải, quá nhiều và không đủ người để thực hiện việc xem xét lại. Nên không biết bằng cách nào nên sửa lại luật tố tụng thì nó sẽ đỡ hơn."
Ngoài ra, luật sư cho biết thêm thật sự họ cũng không muốn có án oan sai nhưng cách làm như thế nào thì họ còn đang suy nghĩ để làm sao tỷ lệ oan sai nó thấp đi chừng nào thì tốt chừng đó, nên cần chỉnh sửa lại luật tố tụng thì tỷ lệ oan sai mới giảm được.