Xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc, phải xin lỗi trước trường: sai lầm & đáng lên án
2019.11.07
“Xử phạt” là một hình thức phổ biến trong trường học tuy nhiên phạt như thế nào để học sinh và phụ huynh, cộng đồng không bị sốc đang là câu chuyện gây bàn cãi sau khi một học sinh lớp 8 tại TPHCM vì xúc phạm một nhóm nhạc Hàn Quốc đã bị nhà trường đình chỉ học 4 ngày, xếp hạnh kiểm trung bình đến yếu HK1, lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường.
Xúc phạm nhân phẩm trẻ em
Câu chuyện của cậu học sinh lớp 8 bị phạt như vừa nêu xảy ra tại trường Trung học Cơ sở Ngô Quyền, quận Tân Bình, TPHCM vào ngày 5/11.
Ngay sau đó, hình ảnh cậu học sinh lớp 8 đọc kiểm điểm trước toàn trường được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh và các chuyên gia ngành giáo dục cho rằng nhà trường làm vậy là mạnh tay và không thuyết phục, phản giáo dục, báo động việc tùy tiện xử phạt học sinh.
Một số phụ huynh cho rằng việc sai phạm của các em ở độ tuổi chưa ý thức được lời nói của mình mà dẫn đến việc xử phạt kỷ luật như vậy là quá nặng và không phải cứ kỷ luật, cảnh cáo như vậy mới gọi là giáo dục trẻ em.
Một phụ huynh sống tại TPHCM và có con cũng đang học lớp 8 nhận định với RFA hôm 7/11 cho rằng việc xử phạt như vậy là quá đáng.
“Vì hiện nay với mức phạt coi như là nghỉ học, cấm học 4 ngày như vậy thì đó chỉ là những hiện tượng đánh nhau trong trường mới làm kiểm điểm và đình chỉ học rồi hạ hạnh kiểm thì cái đó đúng là có theo mức hình phạt như vậy nhưng nếu chỉ là lên mạng rồi bị cho là xúc phạm đến ban nhạc nước ngoài như vậy thì bị phạt như vậy hơi quá đáng. Vì các em còn quá nhỏ xét ra cũng phải đến 18 tuổi mới chịu trách nhiệm về luật an ninh mạng mà hiện nay luật an ninh mạng cũng chưa đến mức hình phạt như thế này.”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng giáo sư danh dự tại trường đại học ở Bỉ và hiện là cố vấn cấp cao Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng nhận xét cho rằng, hành động xử phạt em học sinh như vậy được gọi là hạ thấp nhân phẩm trẻ em và giáo sư khẳng định hành động này rất sai lầm và đáng lên án.
“Đây là một độ tuổi chưa trưởng thành, chưa vị thành niên mà chỉ là tuổi trẻ em mà hạ nhục tâm lý trước mặt mọi người như vậy nó sẽ ảnh hưởng tâm lý rất là trầm trọng đối với em này về sau. Người sinh ra ai cũng có một nhân phẩm và nhân phẩm phải nuôi dưỡng để ngày càng thành đạt còn cái này là hạ thấp nhân phẩm em nó và gây cho em điều sỉ nhục và cái đó nên tránh đối với trẻ em và những việc này nó ảnh hưởng về sau trong nhân cách và hành động tâm lý của em này về sau, nên đây là sự tai hại và cần lên án.”
Đồng quan điểm về điều này, thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội chia sẻ bức xúc của ông về việc này với 3 quan điểm.
“Thứ nhất em học sinh đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự do đó không được điều chỉnh bằng những quy định xử phạt hành chính hay cảnh cáo. Thứ hai ban nhạc này ở nước ngoài chứ không phải tại VN và họ chưa hề có ý kiến. Nếu họ là người bị hại thì họ cần lên tiếng còn tại VN thì họ nhanh nhảu phạt hộ người ta đó là việc không nên. Thứ ba đây là trẻ em nên khi có những hành vi như thế thì nên có những biện pháp giáo dục hợp lý chứ không phải đưa lên trước toàn trường chào cờ, đưa lên toàn bộ báo chí như hiện nay. Hình ảnh em rất rõ trên báo chí, nêu tên đích danh như vậy là điều xúc phạm rất nghiêm trọng đối với trẻ em mà quên rằng chúng ta cần bảo vệ các trẻ em. Xử phạt nhắc nhở cảnh cáo nhưng không được phép công bố công khai tên tuổi mặt mũi em trên báo chí như thế.”
Ngoài ra, thầy Khoa đề nghị các luật sư và gia đình, người lớn nên vào cuộc yêu cầu bồi thường nhân phẩm cho em học sinh này vì đây là sự vi phạm nghiêm trọng trong luật bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Thầy khẳng định lần nữa:
“Trẻ em nói bậy bạ là do văn hóa VN, do học từ người lớn VN, do thầy cô uốn nắn chưa đúng nên có biện pháp nhắc nhở thì đối với trẻ em nên như thế. Có rất nhiều ví dụ về hành vi sai của trẻ nhưng xử phạt rất là kín đáo và thường chỉ gặp gỡ riêng em đó thôi, không để ai biết, không để bạn bè biết, báo chí càng không được biết còn đằng này đăng um tùm lên mạng xã hội, báo chí đọc kiểm điểm… tôi thấy người lớn có vấn đề bất thường, xúc phạm em này quá nhiều, vi phạm luật bảo vệ trẻ em nên cần xử lý nhà trường này.”
Ảnh hưởng tâm lý lâu dài
Ngay sau vụ việc được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, đối với một học sinh lớp 8 đang ở độ tuổi chưa chín chắn chưa kiểm soát được lời nói hành vi của mình thì liệu rằng việc xử phạt kỷ luật quá nặng, phải đứng trước toàn trường xin lỗi như thế dễ khiến tâm lý của em học sinh này bị ảnh hưởng?
Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, sự việc cần phải nhìn nhận ở 2 vấn đề về giáo dục. Thứ nhất, từ xưa người ta vẫn luôn coi trẻ vị thành niên như thế này là lứa tuổi chưa chín chắn, chưa ổn định và muốn để nó phát triển đúng cách thì luôn gò ép vào khuôn vào phép và luôn nghiêm khắc với bất kỳ sai phạm nào để trừng trị làm gương cho các em khác, thì hành động của nhà trường vừa rồi đã ứng xử theo hướng này.
“Hướng thứ hai gần đây đã đi theo một hướng mới hơn nghĩ đến các em nhiều hơn, tức là khi các em chưa ổn định về tâm lý cũng như nhân cách thì chắc chắn sẽ có rất là nhiều sơ xuất và sai lệch thì với trách nhiệm của nhà trường mà suy nghĩ trước đây thì người lớn, gia đình và nhà trường phải có trách nhiệm luôn luôn giáo dục thanh thiếu niên nhưng mà với bây giờ không còn là trách nhiệm nữa mà sẽ là hỗ trợ các em để các em điều chỉnh hành vi và rút kinh nghiệm cho những sai lầm để cho các em điều chỉnh. Tuy nhiên điều này cũng chưa phải là phổ biến, trong xã hội và ngay trong gia đình cũng luôn luôn có những xung đột cách giáo dục giữa cha mẹ ông bà đã có những suy nghĩ khác nhau, thì nhà trường cũng vậy nên vụ việc vừa rồi là dấu hiệu kiểm tra cho thấy cách ứng xử đối với hành vi được gọi là sai của em học sinh, tức có nghĩa là ứng xử đối với hành vi sai của em học sinh bằng một hành vi sai khác, nó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý của các em ở độ tuổi đó.”
Ngoài ra, tiến sĩ Hương còn chia sẻ thêm 2 đặc điểm tâm lý đối với lứa tuổi này. “Nếu như em đó ngoan hiền, không có quan điểm hay suy nghĩ độc lập thì bị sự cố như vậy thì rất là sốc và rất dễ bị trầm cảm. Và nếu giả sử em đó có cá tính và biết rõ mình muốn làm cái gì thì đối với các em này thì cách ứng xử phạt như vậy cũng sẽ hơi thất vọng chứ không đến nổi trầm cảm hoặc sốc, em sẽ có kinh nghiệm hơn sau này đối với những tình huống như thế thì có thể chống đỡ lại được, bộc lộ lại được những quan điểm của mình để tự vệ chống lại phán xét của nhà trường và người lớn.”
Dù kết quả của việc xử phạt sai sẽ như thế nào đi nữa đối với các em học sinh thì theo giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, việc răn dạy phải đến từ sự hòa nhã, từ tốn của người thầy cô và nếu trường hợp nặng thì cần sự can thiệp từ gia đình để răn dạy thêm.
“Có thể răn dạy phê phán em trong lớp học vừa dạy vừa làm gương cho lớp trẻ khác không làm những chuyện sai trái, đến chừng mực đó là đủ rồi không cần đi xa đến mức vậy trở thành sự xỉ nhục chứ không còn là cuộc răn dạy. Răn dạy là phải tạo lối thoát, tạo điều kiện để em sửa đổi, cảm thấy được nhà trường, bố mẹ yêu thương, bạn bè thông cảm thì trên tinh thần vậy mới dạy được trẻ em chứ sát phạt sỉ nhục như vậy thì ngay cả trẻ em sẽ có nhiều tác hại khôn lường trong tương lai.”