LM Nguyễn Văn Lý nói chuyện với RFA sau thời hạn 15-3

Ngày 15 tháng 3 năm 2011, lệnh tạm tha linh mục Nguyễn Văn Lý, từ nhà tù trở về Nhà Chung ở Huế để trị bệnh, đã hết hạn.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011.03.15
chaLy-e305.jpg LM Nguyễn Văn Lý tại Tổng Giáo Phận Huế tháng 3/2010.
RFA File Photo

Vị lãnh đạo tinh thần kiên cường này có bị đưa trở  lại trại giam hay không, ông sẽ hành xử ra sao một khi bị đưa trở lại chốn lao lý?

Tiếp tục đấu tranh

Đỗ Hiếu: Thưa Linh mục, bây giờ là tối ngày thứ ba, 15 tháng 3 năm 2011, lệnh tạm tha Linh mục về Nhà Chung để trị bệnh đã chấm dứt, Linh mục có nhận được thông báo gì về việc Nhà nước có thể đưa Linh mục trở vào trại giam không?

LM Nguyễn Văn Lý: “Không có thông báo chính thức đó, bà phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao nói theo nguyên tắc, nếu sức khỏe đã khả quan thì linh mục Lý sẽ trở lại nhà tù, thực sự sức khỏe có khả quan đâu? Đó là kiểu nói khôn khéo, che giấu ý định gì đó của họ, chưa hề thông báo gì cả. Có những tin đồn từ công an nói ra với dân, thì tôi đã bị bệnh nằm liệt một chỗ, rồi tôi bị đau tâm thần, viết nói những điều hoang tưởng, tất cả những bản văn mà tôi phổ biến do người khác viết, coi như tôi bị bất lực, nằm một chỗ. Họ cũng nói sẽ vào phòng của Cha Lợi và của tôi để tịch tu máy móc, hôm qua. Riêng ngày hôm nay thì họ đưa tin cho giới xe thồ, xe ôm, là họ sẽ đưa tôi đi vào lúc 11 giờ trưa, tất cả đều là tin huyền hoặc hết.”

Đỗ Hiếu: Sinh hoạt bên ngoài Nhà Chung có gì khác thường mấy hôm nay không, thưa Linh mục?

Tôi đã sẵn sàng, tôi có một bộ áo, mũ trắng, khăn trắng, với các câu khẩu hiệu “Đa nguyên, Đa đảng là bền vững”, chống giặc Tàu.

LM Nguyễn Văn Lý

LM Nguyễn Văn Lý: “Họ có bao vây Tòa Giám mục đông hơn, có đưa xe các loại án ngữ các ngõ đi vào thành phố Huế, những đường dẫn tới Nhà Chung. Nghe dân nói, những xe này mang biển số của Bộ Công an Hà Nội, tất cả đều xảy ra bên ngoài Nhà Chung. Từ đây cho đến 9 giờ rưỡi tối là thời gian Nhà Chung đóng cửa, nếu họ muốn đưa tôi đi thì họ sẽ đưa trong khoảng thời gian chưa tới 3 tiếng đồng hồ nữa thôi, còn nếu họ không giải quyết, có lẽ họ sẽ để lấp lửng, không đọc lệnh gia hạn cho ở bên ngoài, cũng không đọc lệnh giam trở lại, để tôi có một án treo mơ hồ, không có hướng giải quyết gì cả.”

Đỗ Hiếu: Linh mục có chuẩn bị tư tưởng và hành trang gì để bị họ đưa trở lại nhà tù không?

LM Nguyễn Văn Lý: “Tôi đã sẵn sàng, tôi có một bộ áo, mũ trắng, khăn trắng, với các câu khẩu hiệu “Đa nguyên, Đa đảng là bền vững”, chống giặc Tàu, còn sau lưng thì có khẩu hiệu đòi hỏi phải có đa nguyên, đa đảng, câu khác là “Đa nguyên hay là tàn lụi”. Tôi sẽ mặc bộ đồ này, tay cầm Lá Thiên Tuế để tiếp đón phái đoàn, và họ vào tôi sẽ mời họ ngồi nghe tôi trình bày về kế hoạch chống giặc Tàu, yêu cầu họ nghiêm túc, nếu còn tự coi mình là người Việt Nam thì phải ủng hộ tôi. Nhiều lần tôi đã lên tiếng với công an cũng như nhân viên của nhà nước từng đến thăm tôi, rằng nếu các ông không ủng hộ tôi, lương tâm sẽ cắn rứt, lịch sử sẽ đào thải, con cháu sau này sẽ nhục nhã. Các ông ủng hộ tôi nhưng chưa cần ủng hộ công khai lúc này, trước cơ quan để lấy tiền lương nuôi vợ, nuôi con, nhưng phải âm thầm ủng hộ tôi.”   

Đỗ Hiếu: Lời kêu gọi đó của Linh mục có được họ lắng nghe và chấp nhận không?

LM Nguyễn Văn Lý: “Tất cả nhân viên công an, nhân viên tòa án, nhân viên phường đều nghiêm túc ngồi nghe, không hề cãi lại. Tôi đã đưa những bài viết của tôi rất rõ ràng, đanh thép, ví dụ như những vụ kiện về chuyện bán nước, các lời chứng của tôi, như người đấu tranh cho dân chủ phải ưu tiên làm gì, tôi đều đưa cho họ đầy đủ để nghiên cứu.  Tôi thấy họ nghiêm túc, hôm nay tôi cũng đón tiếp họ như thế. Tôi sẽ nói cho họ biết, vào trại giam tôi vẫn tiếp tục đấu tranh chống giặc Tàu, đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, bao lâu tôi còn thở là tôi vẫn còn nói lên điều này.”

Đỗ Hiếu: Thưa Linh mục, có một câu nói mà ai từng ở tù, nhất là tù cộng sản cũng biết là “ Nhất nhựt tại tù, Thiên thu tại ngoại” trong tình trạng sức khỏe hiện giờ, đời sống trong trại giam sẽ ảnh hưởng và khiến bệnh tình trầm trọng hơn, Giáo hội và người thân của Linh Mục có quan ngại điều này không?

LM Nguyễn Văn Lý: “Họ đưa đi đâu là quyền của họ, gia tộc của tôi và Giáo hội không quan tâm nữa, vì đã có thiện chí khi họ cần có một giải pháp không muốn để tôi trong trại giam nữa, gia đình và Giáo hội đã đưa tôi về đây rồi. Lúc đó, giả như họ hỏi tôi, tôi cũng khước từ, không ra trại giam với cái án lơ lửng như vậy đâu, vì họ làm việc với gia đình tôi nên gia đình tôi nói thôi cứ đưa tôi về điều trị đã.

chaLy-b250.jpg
LM Nguyễn Văn Lý được tạm tha một năm để chữa bệnh. Ảnh chụp tại Tổng Giáo Phận Huế tháng 3/2010. RFA file Photo.
Lần này Giáo hội và gia đình tôi không quan tâm nữa để cho họ tự điều trị. Gia đình cũng như giáo hội chỉ đi thăm mà thôi, tất cả các loại thuốc men tôi đều khước từ hết, trong trại giam tôi vừa khước từ điều trị vừa tuyệt thực, kéo dài bao lâu khi sức tôi còn chịu được, để phản đối. Gia đình tôi cũng biết rằng, giam giữ tôi trong điều kiện như vậy, tức là nhà nước phiêu lưu, họ sẽ giam một bộ xương khô. Gia đình tôi sẽ nói cho họ biết nếu tôi qua đời ngày nào thì buộc họ phải thông báo cho gia đình tôi rõ, còn đau yếu như thế nào thì nhà nước sẽ chịu trách nhiệm. Tôi sẽ đặt họ vào cái thế rất là khó xử, giam tôi là một con người có thể bị đột tử bất cứ khi nào, có thể bị bại liệt hoàn toàn. Họ phải chuốc lấy một áp lực rất mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, họ muốn phiêu lưu như vậy thì cứ đưa đầu vào cái bẫy mà tôi đã giăng ra sẵn, và bẫy sẽ sập. Khôn ngoan nhất  là họ cứ để tôi lại ở đây bình thường, mặc dầu vậy sẽ chứng tỏ là họ suy yếu lắm, thà chấp nhận mình bị coi là suy yếu còn hơn là bị quốc tế coi là mình thiếu khôn ngoan, chẳng có giải pháp thứ ba nào khác cho họ.” 

Đỗ Hiếu: Những tổ chức nhân quyền quốc tế, Ủy hội quốc tế về tự do tôn giáo Hoa Kỳ và mới đây thượng nghị sĩ Barbara Boxer của bang California, cùng các đồng viện thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã trực tiếp can thiệp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để linh mục được hoàn toàn tự do, linh mục có đón nhận những thông tin này không?

Tất cả các loại thuốc men tôi đều khước từ hết, trong trại giam tôi vừa khước từ điều trị vừa tuyệt thực, kéo dài bao lâu khi sức tôi còn chịu được, để phản đối.

LM Nguyễn Văn Lý

LM Nguyễn Văn Lý: “Xin cám ơn, tôi có nhận được và tiện đây, qua ông Đỗ Hiếu và đài RFA, xin cho tôi được kính gởi lời cám ơn bà Barbara Boxer, rồi các thượng nghị sĩ, dân biểu khác đã quan tâm, có nhiều vị nổi tiếng đã đến thăm tôi trong nhà tù, như thượng nghị sĩ Sam Brownback, dân biểu Christopher Smith cũng đến tận phòng tôi thăm. Xin cám ơn tất cả quý vị, không phải chỉ có  11 vị vừa mới ký văn thư vừa rồi mà trước đây cũng đã có 37 vị thượng nghị sĩ, dân biểu quốc hội Mỹ khác cũng đã có lên tiếng can thiệp cho tôi.”

Đỗ Hiếu: Thưa Linh mục, tuyệt thực trong trại giam, nếu bị bắt lại, có thể nguy hiểm đến tính mạng và một khi đã nằm xuống thì công cuộc vận động cho tự do, dân chủ cũng sẽ bị bỏ dở, linh mục có nghĩ đến điều đó không?

LM Nguyễn Văn Lý: “Tôi rất ý thức những việc tôi làm, sở dĩ nói rằng tôi tuyệt thực từng đợt là vì giáo lý của Giáo hội Công giáo không cho phép tôi liều lĩnh, tuyệt thực ở đây là dùng một biện pháp của người đấu tranh bất bạo động, không có nghĩa là tự mình đi tìm cái chết. Tùy theo sức khỏe của tôi, tôi từng tuyệt thực đến 36 ngày đêm, là cao nhất, còn những đợt khác thì tôi tuyệt thực trên hai chục ngày. Dần dần, sức khỏe tôi yếu, tuyệt thực được 15, 17 ngày, gần đây nhất chỉ tuyệt thực được năm ngày thôi. Tuyệt thực trong tình trạng của tôi là rất nguy hiểm, có thể đột tử, bại liệt toàn thân. Sự nghiệp đấu tranh cho dân tộc của tôi, thì cũng còn bao nhiêu người tài giỏi, có khoảng 90 triệu người Việt, trong nước và khắp nơi trên thế giới, sự nghiệp này tôi xin trao phó cho chín chục triệu người dân Việt Nam. Phần tôi, tôi đã châm ngòi lửa, hiện giờ lửa đã cháy rồi, nhiệm vụ châm ngòi của tôi đã châm xong, có thể hướng dẫn thế nào cho ngọn lửa cháy như thế nào cho hiệu quả hơn mà thôi.”

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn linh mục Nguyễn Văn Lý, cầu chúc linh mục may mắn, bình an và mạnh khỏe.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.