Khả năng bùng nổ chiến tranh tại Biển Đông có thể diễn ra?

Giang Nguyễn
2020.10.02
china-scs-strategy Ảnh minh họa: Liêu Ninh- tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
AFP

Tiến sĩ Lê Thu Hường, Nghiên cứu gia cao cấp của Viện Chiến Lược Chính Sách Úc (Australian Strategic Policy Institute) nhận định về quan hệ Việt-Trung trước tình hình ngày càng căng thẳng tại Biển Đông, không loại trừ nguy cơ xung đột quân sự tại khu vực.

Giang Nguyễn: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Thu Hường đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Trong bài viết của Tiến sĩ với tựa, xin tạm dịch là “Sóng gió sắp tới trong quan hệ Việt-Trung” bà nói rằng “thời điểm hiện nay có thể nói là thời điểm thấp nhất trong quan hệ giữa hai nước từ những thập niên 1980?” Xin bà trình bày thêm?

Ts Lê Thu Hường: Nói chung, đây là xu hướng Trung Quốc đang trỗi dậy và mở rộng, phấn đấu để đạt được vị thế quyết đoán hơn trong khu vực, ở Châu Á, cũng như trên toàn cầu. Chúng ta cũng thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay quyết đoán hơn nhiều trong tranh chấp Biển Đông cũng như các tranh chấp và điểm nóng khác trong khu vực, bao gồm Đài Loan, biên giới với Ấn Độ, kể cả các vấn đề nội bộ như Hong Kong. Trung Quốc ngày nay rất khác với Trung Quốc trong những năm 1990, khi đó họ theo đuổi một sự trỗi dậy hòa bình với chính sách hữu nghị láng giềng tốt. Lúc ấy họ tham gia vào các cuộc đối thoại trong khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á và Việt Nam.

Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ USS Mustin đi cùng tàu chiến của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông hôm 21/4/2015
Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ USS Mustin đi cùng tàu chiến của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông hôm 21/4/2015
Reuters
Ngày nay, Trung Quốc quả quyết hơn nhiều. Rõ ràng là họ tăng cường tần suất của việc điều hải quân và lực lượng dân quân biển vào vùng nước tranh chấp, mở rộng các yêu sách qua việc thiết lập các khu hành chính mới ở Biển Đông. Và họ rất thường xuyên triển khai tàu bè đi vào lãnh thổ của các bên tranh chấp bao gồm cả đặc khu kinh tế của Việt Nam. Họ đã làm như thế vài lần trong những năm gần đây. Đây là tình huống rất căng thẳng giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong tranh chấp tại Biển Đông. Rõ ràng nguy cơ căng thẳng leo thang và sự cố không lường trước có thể xảy ra.

Giang Nguyễn: Bà đánh giá diễn biến hiện nay như thế nào so với xung đột năm 1988 tại Gạc Ma hoặc vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN vào năm 2014? Sau đó, VN và Trung Quốc có thể nói là đã dàn xếp. Nếu như vụ HD-981 xảy ra ngày hôm thì kết quả sẽ ra sao?

Ts Lê Thu Hường: Cô đã đề cập đến năm 1988, là một vụ việc lớn, cũng là một điểm rất thấp trong quan hệ song phương. Nó là một vụ nghiêm trọng, gây hậu quả lâu dài với việc Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, và phía Việt Nam chịu nhiều thương vong. Vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014 khó khăn hơn về mặt ngoại giao. Lúc đó là căng thẳng cao và có nhiều nguy cơ leo thang dẫn đến thêm sự cố có thể xảy ra. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc đã nhận thấy lập trường cứng rắn của Việt Nam và đã lùi bước. Họ đã rút giàn khoan HD sớm hơn kế hoạch. Chiến lược ngoại giao và chiến lược truyền thông của Việt Nam thời đó có vẻ như hiệu quả.

Như cô nói, hai quốc gia đã dàn xếp được. Chúng tôi đã có các chuyến thăm song phương của các viên chức cấp cao sau vụ việc trong những năm tiếp theo. Có ít sự cố xảy ra hơn sau đó. Nhưng trong vòng 18 tháng đến 2 năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố hơn. Một vài sự kiện cũng đã được so sánh với mức độ nghiêm trọng của vụ việc năm 2014. Bây giờ chúng ta thấy tần suất của những hành động khiêu khích đó gia tăng, đồng thời thiện chí để ngồi xuống đàm phán đã ít đi, không giống như năm 2014. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một tình huống thường xuyên có những hành động khiêu khích hơn, nhưng lại có ít thời gian hơn để khắc phục nó.

Giang Nguyễn: Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được công bố vào cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng đưa ra quan điểm cơ bản về chính sách quốc phòng Việt Nam, và đã thêm 1 cái “không”: là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.” Việc này nói lên điều gì, và có ý nghĩa gì trong quan hệ Việt-Trung?

Ts Lê Thu Hường: Việc Việt Nam bác bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực thì không hoàn toàn là một khái niệm mới. Trên thực tế điều này đã tồn tại từ lâu, và không chỉ đối với Việt Nam, mà cả ASEAN cũng được biết từ chối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng tôi cho rằng việc Việt Nam bổ sung cái “Không” này là cái “không” thứ tư trong Sách trắng Quốc công bố vào tháng 12 năm 2019, là để tái khẳng định chính sách quân sự lâu nay của họ, nhưng cũng nhấn mạnh điều thứ tư này rằng họ sẽ không khoan dung cho việc sử dụng vũ lực hoặc gây hấn. Và tôi cho rằng đó là một tín hiệu cho Trung Quốc, hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác, biết rằng Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình.

Có nghĩa là Việt Nam sẽ không dung thứ hành động sử dụng vũ lực của các nước khác.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ khá nghiêm trọng và nguy hiểm và khả năng chiến tranh bùng nổ không còn là không lường trước được. -Ts Lê Thu Hường

Giang Nguyễn: Như tiến sĩ trình bày trong bài viết, Việt Nam đang muốn gia tăng quan hệ ngoại giao với các đối tác khác, trong khi Trung Quốc thì luôn “tìm cách hạn chế quan hệ quân sự của các quốc gia trong khu vực với những lực lượng bên ngoài.” Bà đánh giá những diễn biến gần đây, như những cuộc tập trận của Trung Quốc, căng thẳng gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) như thế nào?

Ts Lê Thu Hường: Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ khá nghiêm trọng và nguy hiểm và khả năng chiến tranh bùng nổ không còn là không lường trước được. Như tôi đã đề cập, trước đây các cường quốc trong khu vực đều tuân theo những ràng buộc của các quy tắc, chuẩn mực và thể chế quốc tế và họ thực sự cam kết những điều đó. Hiện tại chúng ta thấy một sự tăng cường cạnh tranh giữa các quyền lực lớn. Cô đã đề cập đến các cuộc tập trận, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ cũng đang thể hiện sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực bằng cách điều các tàu đến Biển Đông để phô trương lực lượng quân sự của họ. Không khí nói chung là một thực sự cạnh tranh. Việt Nam đang phải giữ cân bằng trong một thời điểm rất nguy hiểm và một ranh giới mong manh. Không ai muốn chiến tranh xảy ra nhưng tình hình đang tiến đến rất gần ranh giới đó. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tất cả các bên phải kiềm chế và giữ bình tĩnh và cái đó chúng ta không thấy trong những tháng gần đây qua những lời lẽ hùng hổ từ Trung Quốc hoặc Mỹ hoặc các cường quốc khác, và đó chính là nguy cơ lớn.

Về mặt COC, sẽ thực sự khó khăn để sớm đạt được COC có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nó quá căng thẳng, nó quá phô trương sức mạnh và quá nhiều tham vọng chiến lược, vì vậy trong thời điểm này, không đáp ứng được tinh thần của COC. Tôi không nghĩ rằng có thể một mặt thể hiện tư thế quân sự hung hăng rồi lại cam kết giải quyết tranh chấp một cách không đe dọa. Nếu muốn COC thực sự có ý nghĩa, họ phải giảm nhiệt độ thay vì tăng cường nó.

Giang Nguyễn: Tiến sĩ đề cập đến 4 phương pháp mà Hà Nội áp dụng ở Biển Đông từ trước đến nay, bao gồm việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, xử lý vấn đề trong khuôn khổ đa phương (chủ yếu là thông qua ASEAN), và ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự, đồng thời giữ hợp tác với Trung Quốc trên các kênh ngoại giao khác. Liệu chính sách của này còn tiếp tục hiệu quả đối với Trung Quốc trong tương lai? Tiến sĩ nói Việt Nam cần nâng cấp chiến lược tại Biển Đông, xin bà triển khai thêm về vấn đề này.

Ts Lê Thu Hường: Chiến lược ở Biển Đông của Hà Nội từ lâu đã dựa trên bốn yếu tố chính, bao gồm việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, xử lý vấn đề trong khuôn khổ đa phương (chủ yếu là thông qua ASEAN), và ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự, đồng thời giữ hợp tác với Trung Quốc trên các kênh ngoại giao khác. Chúng ta vẫn nên giữ bốn yếu tố này làm nền tảng nhưng nó cần được cải thiện và mở rộng. Về phương tiện truyền thông và dư luận quốc tế, như tôi đã đề cập vào năm 2014, Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại về tiếng tăm trước quốc tế bởi giàn khoan Hải Dương. Nhưng kể từ đó, trong những trường hợp gần đây, có vẻ như Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi những tai tiếng. Họ phải chịu tổn hại về tiếng tăm nghiêm trọng hơn nhiều ở nhiều khía cạnh khác, từ những diễn biến tại Tân Cương đến Tây Tạng, Hồng Kông và thậm chí cả vấn đề Covid-19. Họ bị tai tiếng rất nhiều, nhưng dường như họ đã không bị ảnh hưởng như so với trước đây. Vì vậy yếu tố (quốc tế hóa) không còn hiệu quả như trước nữa. Nên chiến lược phải thích ứng với thực tế và thực tế là chúng ta đang phải đối mặt với một Trung Quốc khác nhiều so với trước.

Giang Nguyễn: Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì xâm phạm lãnh hải Việt Nam, khả năng này theo bà đến đâu?

Ts Lê Thu Hường: Chắc chắn là lựa chọn này đã được cân nhắc và nó là một trong những lựa chọn và là lựa chọn khá nặng ký. Nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều do dự từ phía Hà Nội, mặc dù tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho lựa chọn này, xét về mặt xây dựng năng lực pháp lý của họ. Nhưng tôi không chắc khi nào việc kiện Trung Quốc sẽ xảy ra. Tôi nghĩ rằng vẫn còn những cân nhắc chính trị về quyết định này. Khía cạnh pháp lý của việc giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng. Việt Nam không dễ bỏ qua điều đó. Hà Nội nhận thấy điều đó. Và rõ ràng việc thưa kiện sẽ có cái giá ngoại giao và chính trị của nó, giống như trong trường hợp của Philippines khi quốc gia này đưa vấn đề tranh chấp ra trọng tài quốc tế.

Ngoài ra còn có vấn đề liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam có được một phán quyết như Philippines. Philippines đã nhận được một phán quyết rất tích cực và sự ủng hộ ngoại giao, nhưng nó không thực sự được tuân thủ, không được Trung Quốc công nhận, và ngay cả Tổng thống Duterte cũng gác nó qua một bên. Vì vậy, vấn đề ở đây là nếu có vụ kiện pháp lý thành công với một phán quyết tích cực, thì liệu nó có được thi hành và các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Liệu nó có thực sự thay đổi được gì không?

Giang Nguyễn: Cảm ơn thời gian và quan điểm của Tiến sĩ Lê Thu Hường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
03/10/2020 04:54

Thực ra nếu Trung cộng gây ra chiến tranh trên Biển Đông lại là môt điều tốt không chỉ cho thế giới mà ngay nhân dân Việt Nam cũng được lợi; bởi nếu gây chiến chắc chắn Trung cộng sẽ sụp đổ, chưa nói đến Đài Loan về thực chất thì đã là một quốc gia khác, còn lại ở Hoa Lục chí ít cũng có thể phân chia thành 3 hoặc 4 vùng lãnh thổ khác. Trường hợp này không thể nói là không có ảnh hưởng tốt cho toàn nhân loại.

Anonymous
03/10/2020 06:10

Chiến tranh bùng nổ, VN thua là cái chắc, hết chỗ dựa hơi xin võ khí như thời Liên Xô. Thế mới biết, CSVN không chế được cây súng, không có viện trợ của Liên Xô còn lâu mới thắng được miền Nam. Thắng miền Nam, vì miền Nam bị Mỹ cắt viện trợ thì có hay ho gì mà tự hào?

Anonymous
03/10/2020 14:38

NGư Dân VN quay đưọc cảnh Tầu Ngầm TRung Cộng đang nổi lên hiện diện trong vùng đường lưỡi bờ .. Đây là trò choi hăm dọa của Tầu Chệt đối với VN và Ha Kỳ , nên chúng mới ngoi lên cho ngư dân VN thấy..TRong khi 6 chiếc Tầu Ngầm Kilo, của VN ở gần đâu đó, sao khôngnổi lên cho Ngư ân Việt vững niềm tin ? Hay 6 chiếc Tầu Ngầm Kilo, chỉ có cái vở thép bên ngoài ?