Công đoàn độc lập tại Việt Nam có thực sự được phê duyệt vào năm 2023?

RFA
2019.07.09
taiwan Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019
Photo: RFA

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, tham gia những khối mậu dịch tự do, chính phủ Hà Nội phải chiu tham gia ký kết những công ước quốc tế về lao động. Gần nhất vào ngày 14 tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam thông qua Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Còn Công ước 87 cho phép người lao động thành lập và tham gia các công đoàn độc lập dự định sẽ được phê chuẩn vào năm 2023. Riêng Công ước 105 về việc Xoá bỏ Lao động Cưỡng bức vẫn chưa được nhắc tới.

Về phía công đoàn công ty liên doanh hoặc những nhà đầu tư có nhiều cấp bậc, điển hình như công ty Châu Âu sẽ tốt hơn Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, là những nước đứng về phía công đoàn Việt Nam, theo phía chính quyền nhiều hơn độc lập. - K.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, nhận định về việc Việt Nam thông qua Công ước 98 của ILO:

“Công ước 98 là công ước về thỏa ước lao động. Họ đưa ra một công ước thuộc loại nhẹ nhàng nhất để phê chuẩn, trong khi đó quan trọng nhất là công ước 87 liên quan tới quyền tự do lập hội lập công đoàn độc lập của người lao động thì họ hoàn toàn không đề cập tới.”

Trong thực tế hiện nay tại Việt Nam chỉ có một tổ chức phụ trách quyền cho giới công nhân là Liên đoàn Lao động Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Tác giả Joe Bucksley trong một bài viết với tựa tạm dịch là ‘Việt Nam đang đánh cược với quyền lợi người lao động’ đăng trên tạp chí có tên Jacobin ngày 7 tháng 7 có nhận định rằng công đoàn độc lập hiện đang bị cấm trong nước. Ở cấp quốc gia, Liên đoàn Lao động Việt Nam trực thuộc đảng, trong khi ở cấp doanh nghiệp, nó bị chi phối bởi các chủ công ty và những người quản lý.

Anh Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động và tranh đấu cho quyền lợi cũng như một công đoàn độc lập cho người lao động Việt Nam cho rằng:

“Thật sự ra người lao động Việt Nam rất thiệt thòi về vấn đề lao động vì không có Công đoàn độc lập. Ở các nước, họ có công đoàn độc lập nên đời sống của những người công nhân được bảo vệ tốt hơn. Ở Việt Nam, mặc dù họ có công đoàn của nhà nước nhưng tổ chức này không bảo vệ được quyền lợi của người lao động.”

Anh K. – một quản lý tại một xí nghiệp đưa ra nhận xét về các dạng công đoàn đang hiện hữu ở Việt Nam:

Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019
Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019
AFP

“Về phía công đoàn công ty liên doanh hoặc những nhà đầu tư có nhiều cấp bậc, điển hình như công ty Châu Âu sẽ tốt hơn Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, là những nước đứng về phía công đoàn Việt Nam, theo phía chính quyền nhiều hơn độc lập.”

Việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đều có điều khoản giúp cải thiện quyền lợi cho người lao động, với yêu cầu chính phủ Hà Nội cải cách điều kiện lao động.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, cần thúc đẩy sức ép hơn nữa để chính phủ Hà Nội phê chuẩn Công ước 87 về việc hợp pháp hóa các tổ chức lao động độc lập, không phải chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này có vẻ không hề dễ dàng, như lời anh Đoàn Huy Chương:

“Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục không có công đoàn độc lập từ đây cho đến 2023 và cũng chưa chắc gì đến 2023 sẽ có công đoàn độc lập được vì nhà nước Việt Nam sẽ tìm mọi cách để họ kéo dài. Ngày 20/11/2018 vừa qua, quốc hội Việt Nam cũng đã nói sẽ thông qua luật cho phép công đoàn độc lập ra đời, một ngày sau lại bảo là cho công đoàn độc lập ra đời dưới sự quản lý của Nhà Nước. Như vậy là trói buộc dẫn đến sự mâu thuẫn.”

Vì thế, anh Chương cho rằng cần thúc đẩy, vận động để Việt Nam có công đoàn độc lập càng sớm càng tốt vì dù Việt Nam có tham gia EVFTA cũng như tham gia Công ước 98 nhưng cũng không đề cập nhiều đến công đoàn độc lập.

“Hy vọng rằng bên phía châu Âu cũng như các anh em đấu tranh cho Việt Nam cũng vận động được bên phía châu Âu để yêu cầu Việt Nam cho công đoàn độc lập sớm ra đời.”

Đồng quan điểm trên, anh K. cho rằng công đoàn độc lập càng sớm được phê duyệt thì đời sống người công nhân càng sớm được cải thiện:

Thật sự ra người lao động Việt Nam rất thiệt thòi về vấn đề lao động vì không có Công đoàn độc lập. Ở các nước, họ có công đoàn độc lập nên đời sống của những người công nhân được bảo vệ tốt hơn. - Đoàn Huy Chương

“Theo anh được nắm người công nhân nhận thức còn yếu kém, mong mỏi nhất là lương, ngoài ra họ không biết quyền lợi của họ đang nằm ở đâu. Anh nghĩ nên làm truyền thông, thông tin nhiều, tuyên truyền nhiều để họ nắm vấn đề đó, từ đó hiểu ra bấy lâu nay vị trí của họ rất quan trọng và đã bị thiệt thòi.”

Nói rõ hơn về tình trạng người lao động Việt hiện nay, anh Chương cho biết:

“Chúng ta thấy những công nhân Việt Nam ở trong những nhà trọ tồi tàn; bữa ăn của họ chỉ là rau; tháng này làm thì nợ tới tháng sau rồi cứ ứng lương… và cuộc sống cứ ở trong vòng luẩn quẩn như vậy. Hằng ngày họ phải tiết kiệm đồng lương của mình. Khi bịnh xuống, họ không được chăm sóc y tế tốt, kể cả đồng lương của họ không đủ để tái tạo lại sức lao động của họ nữa.”

Theo tác giả Joe Bucksley, trong một nỗ lực quyết  hạn chế những cuộc đình công, biểu tình của công nhân, Việt Nam hiện đang xây dựng một cơ chế thương lượng tập thể. Nhưng việc trao quyền cho các công đoàn độc lập có thể gây phản tác dụng đối với chế độ độc đảng và cho phép người lao động đấu tranh với giới chủ tư bản các nước đầu tư vào Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.