Yêu cầu giãn cách học sinh 1-1,5 mét trong lớp có khả thi?

RFA
2020.04.23
000_1PI56O Một lớp học tiếng Anh ở Hà Nội hôm 2/3/2020. Ảnh minh họa.
AFP

Sau khi chính phủ Việt Nam quyết định nới lỏng giãn cách xã hội và trao lại quyết định này cho lãnh đạo các tỉnh, thành, vào ngày 22/4 nhiều địa phương đã cho học sinh khối 9 và 12 đi học trở lại để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Cụ thể, 15 tỉnh thành trên cả nước vào sáng 23/4 đã công bố quyết định cho học sinh đi học lại.

Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị các trường cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội: học sinh ngồi cách nhau 1,5 mét. Trong trường hợp lớp quá đông học sinh, trường cần chia số học sinh làm đôi hoặc hơn nữa để đảm bảo phòng học không quá 20 em.

Trước đề xuất này, cô H., hiện đang giảng dạy tại Sài Gòn cho biết thực tế với cơ sở vật chất trường học cô đang giảng dạy hiện nay, việc chia lớp hoàn toàn có thể thực hiện mà không gặp phải khó khăn gì. Tuy nhiên, về phía giáo viên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều:

“Đợi thông báo của trên Bộ hoặc ở Sở để xem có chia lớp nhỏ hay không vì nếu chia thì giáo viên sẽ vất vả. Công việc sẽ làm gấp đôi, buổi sáng cũng chương trình như vậy với bao nhiêu bé đó, buổi chiều cũng vậy. Việc dạy sẽ gấp đôi, việc chấm, sửa bài thì cũng như dạy lớp đông bình thường.”

Còn theo Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang là giáo viên Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội, thì yêu cầu chia đôi số lớp, có khi chia 3 đảm bảo chỗ ngồi mỗi học sinh cách nhau 1,5 mét hoàn toàn không khả thi và không thực hiện được. Thầy giải thích:

“Trường học không thể giãn ra, kích thước phòng học đã như thế, số lượng phòng học cơ cấu từ đầu năm rồi, bây giờ không thể làm nổi. Làm thế nào mọc thêm ngần ấy phòng học mới chia đôi được lớp ra, vậy ai xây trường học kịp? Không có chi phí xây. Thứ hai là việc ấy mang tính hình thức chứ không có tác dụng. Trường học chứ không phải sân vân động, muốn cách giãn các em như thế thì chỉ có xuống sân trường mắc lều để học. Như thế mỗi lớp tách ra làm 2-3 lớp, cơ cấu giáo viên làm thế nào dạy cho xuể. Mỗi giáo viên trung bình dạy tối đa 17-18 tiết, số lớp mà căng lên thì lại rất khó. Theo tôi việc cách giãn không cần thiết. Ở trường thì cách giãn kiểu gì khi tiết sinh hoạt, tiết chào cờ… nên tôi nghĩ địa phương nào an toàn thì cứ trở lại bình thường như trước khi có dịch, không cần mỗi học sinh phải cách nhau 1,5 mét, điều ấy không thể thực hiện nổi trong điều kiện nhà trường Việt Nam.”

Đồng quan điểm với thầy Khoa, một giáo viên không muốn nêu tên hiện dạy tại một trường ở Đắk Lắk cho rằng tùy từng diện tích lớp học cũng như cơ sở vật chất của trường mới có thể thực hiện được. Riêng với trường học mà cô đang giảng dạy, đề nghị giãn cách học sinh là điều gần như không thể tiến hành:

Học sinh đeo khẩu trang tại một trường học ở Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 2020.
Học sinh đeo khẩu trang tại một trường học ở Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 2020.
Reuters

“Khoảng cách 1,5 mét sẽ khó vì một lớp 30 mấy học sinh mà phòng học nhỏ nên điều kiện để thực hiện khó lắm. Ví dụ như ở những trường có đủ cơ sở vật chất thì có thể làm việc đó vô tư. Như trên đây một số trường cơ sở vật chất còn thiếu không đủ phòng học để làm vậy.”

Vẫn theo cô, nếu vì không đủ giãn cách học sinh mà chia nhỏ lớp học cũng là chuyện không tưởng:

“Cái đó lại còn khó nữa vì cơ sở vật chất của trường không đủ, trường chỉ có 11 phòng học mà có đến 22 lớp. Nên một ngày chia ra 2 buổi, khối 6, 9 học buổi sáng, khối 7, 8 học buổi chiều. Nếu chia ca ra thì cũng không có phòng học.”

Ngoài ra, với trường ở vùng xa và quy mô nhỏ như trường cô đang công tác, mỗi giáo viên với lịch dạy trước khi dịch bệnh diễn ra cũng đã phải dạy cả ngày với số tiết cũng nhiều. Nay chia đôi, chia 3 một lớp học ra thì công việc giáo viên sẽ phải tăng gấp đôi, gấp 3, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cho người giảng dạy.

Do đó, cô cho rằng:

“Cũng tùy địa phương, như trên Đắk Lắk thì tình trạng dịch bệnh không nguy hiểm như ở Sài Gòn hay Hà Nội nên không thể thực hiện như vậy được.”

Trao đổi với RFA vào tối ngày 23/4, một phụ huynh có con đang học lớp 8 ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho hay cô đồng ý với việc cho học sinh đi học lại. Nhưng xét trên thực tế, mỗi lần đi họp phụ huynh, lớp học nhỏ mà học sinh ngồi vừa đủ lớp thì việc chia lớp ra làm 3 để đảm bảo giãn cách liệu có thực hiện được hay không? Giáo viên có thể đảm đương nổi việc dạy 3 lớp thay vì 1 lớp như trước kia, chất lượng bài giảng thế nào? Đó là những thắc mắc vị phụ huynh này đưa ra.

Vì vậy, vị phụ huynh này cho rằng nếu chưa có phương án giải quyết được hết những bất cập này, thì cô nghĩ học online vẫn tốt cho con cô và các học sinh khác trong lúc này. Dù Việt Nam đã nhiều ngày không có người nhiễm mới nhưng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, cứ nhìn vào sự lây truyền mà bệnh nhân 17 gây ra, không thể lơ là được.

Báo trong nước đăng tin nhiều lãnh đạo các trường học tại các tỉnh thành cho rằng việc giãn cách học sinh chỉ là biện pháp giải quyết tình thế tạm thời. Vì một khi học sinh đồng loạt đi học trở lại, việc giãn cách không thể áp dụng tiến hành cho tất cả các trường trên cả nước.

Vì vậy, một phương án khác khả thi hơn vẫn còn là điều mà không chỉ lãnh đạo nhà trường mà các giáo viên, phụ huynh và học sinh đang mong mỏi từ phía Bộ Giáo dục – Đào tạo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.