Luật sư bị khởi tố theo Điều 391 khi phiên tòa đã chấm dứt: Có hợp lệ?

RFA
2024.06.25
Luật sư bị khởi tố theo Điều 391 khi phiên tòa đã chấm dứt: Có hợp lệ? Ảnh minh họa một phiên tòa đang xét xử
AFP

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Cần Thơ mới đây bị ông Trần Trí Dũng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh này - ký văn bản gửi thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị khởi tố do có dấu hiệu gây rối trật tự phiên tòa. 

Thiếu cơ sở, tạo cớ để buộc tội?

Theo truyền thông Nhà nước, văn bản kiến nghị khởi tố nêu rõ, sau khi nghe hội đồng xét xử đọc phần nhận định và tuyên án thì luật sư này cùng với thân chủ của mình đã có hành vi gây rối, có thái độ và cư xử vi phạm pháp luật. Theo ông Dũng, hành động có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự phiên tòa theo Điều 391 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có hơn 20 năm hành nghề luật sư trong nước cho rằng, thông tin từ truyền thông trong nước đưa thiếu chi tiết, dễ tạo sự hiểu lầm đối với công chúng về sự việc, khi cho rằng, luật sư đã có hành vi thiếu chuẩn mực trong khi tòa án đang xét xử. Ông phân tích:

“Khi tôi được xem vài hình ảnh cắt ra từ camera thì cho thấy sự việc hoàn toàn khác hẳn. Thực tế, có hai chi tiết cần lưu ý: Thứ nhất là luật sư đập bàn sau khi lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa đã chấm dứt. Khi ấy, một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại di động. Thứ hai, luật sư chỉ tay về phía hội đồng xét xử, khi ấy các thành viên của hội đồng xét xử đã rời ghế ngồi.

Về phương diện pháp lý, phiên tòa được thiết lập với mục đích xét xử vụ án. Khi chủ tọa đọc hết lời tuyên án trong bản án, thì phiên tòa cũng đã chấm dứt tức thì vì mục đích thiết lập phiên tòa đã hoàn thành. Khi ấy, hội đồng xét xử không còn gì để xét xử cả ngoài việc rời khán phòng. Luật sư có hành vi gì đi nữa vào lúc này thì cũng nằm ngoài phạm vi phiên tòa xét xử. Do đó, cáo buộc luật sư tội danh “Gây rối trật tự phiên toà” theo Điều 391 Bộ luật hình sự là không có cơ sở, vì thiếu yếu tố định danh “phiên tòa”.

Hơn nữa, nếu cho rằng phiên tòa chưa chấm dứt, thì sẽ không thể giải thích được lý do tại sao một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại? Ngoài ra, quy chụp hành vi của luật sư bao gồm đập bàn và chỉ tay là hoàn toàn thái quá so với một hành vi tội phạm theo điều luật”.

Thực tế, có hai chi tiết cần lưu ý: Thứ nhất là luật sư đập bàn sau khi lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa đã chấm dứt. Khi ấy, một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại di động. Thứ hai, luật sư chỉ tay về phía hội đồng xét xử, khi ấy các thành viên của hội đồng xét xử đã rời ghế ngồi. - LS. Đặng Đình Mạnh

Một luật sư đang hành nghề ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, cho biết quan điểm của ông với RFA về sự việc trên:

“Bây giờ họ mạnh tay hơn với các luật sư với mục đích răn đe các luật sư dám lên tiếng với các vấn đề luật pháp và xã hội. Họ muốn tăng vị thế của họ bằng cách đó vì quyền lực nằm trong tay họ. Tôi hành nghề hơn chục năm nay thì tôi chưa thấy trường hợp nào bị khởi tố vì hành vi như thế cả. Có chăng là họ đuổi ra khỏi toà. Hơn nữa, khi toà tuyên án xong, tức phiên toà đã chấm dứt thì về mặt nguyên tắc, phản ứng của thân chủ hay của luật sư như thế là không phạm luật gì cả.

Theo tôi, họ muốn “diệt từ trong trứng” phản ứng của luật sư, mà dễ nhất là trường hợp này vì họ lấy cớ nó xảy ra ngay trong phòng xử, dù không phải trong phiên tòa”.

Xâm phạm quyền của luật sư

Theo quy trình xét xử tại tòa thì bản án, quyết định của tòa án là phán quyết sau cùng đánh dấu sự kết thúc của quá trình xét xử vụ án.

Điều 391 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm; nếu hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, hoặc hành vi dẫn đến phải dừng phiên tòa thì bị phạt tù.

Với sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng:

“Theo luật về tòa án thì không cho phép hội đồng xét xử được phép khởi tố bất kỳ vụ án nào trong phiên tòa xét xử. Thế nên việc một luật sư tranh cãi với tòa án, mà tòa án lại khởi tố để bịt miệng luật sư thì điều này nó xâm phạm quyền của luật sư.

Nếu luật sư có vi phạm vấn đề về đạo đức hay lời lẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của việc tranh luận thì có hai mức. Thứ nhất là trong phiên tòa có đại diện Viện kiểm sát. Viện này giữ hai quyền, một là quyền công tố trước phiên tòa, hai là quyền giám sát quy trình xét xử của phiên tòa đó.

Lẽ ra, vị đại diện Viện kiểm sát phải có trách nhiệm nhắc nhở người luật sư kia nếu trong quá trình xét xử, người luật sư đã vượt quá thẩm quyền, hay vượt quá hành vi đạo đức của người luật sư. Nó không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, của ông chủ tọa, ông thẩm phán hay thành viên Hội đồng xét xử”.

Với sự việc vừa xảy ra như nêu trên, có ý kiến chia sẻ rằng, việc kiến nghị khởi tố luật sư, mục đích nhằm hạ uy tín luật sư. Điều này đã từng xảy ra với nhóm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Cụ thể, cách đây hơn hai tháng, hai luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh với lý do được nói là do nợ phí thành viên liên tục nhiều năm.

Lẽ ra, vị đại diện Viện kiểm sát phải có trách nhiệm nhắc nhở người luật sư kia nếu trong quá trình xét xử, người luật sư đã vượt quá thẩm quyền, hay vượt quá hành vi đạo đức của người luật sư. Nó không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, của ông chủ tọa, ông thẩm phán hay thành viên Hội đồng xét xử. - LS. Nguyễn Văn Đài

Hai luật sư này nằm trong nhóm năm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai, từng nhiều lần nhận giấy triệu tập từ công an Long An với lý do được nêu là có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Luật sư Trần Văn Sỹ bị án hai năm tù với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự. Vị luật sư này bị cho là đã thực hiện nhiều buổi live stream trực tuyến trên không gian mạng với phát ngôn có nội dung bịa đặt dù biết thông tin không đúng hoặc chưa kiểm chứng; xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; công khai trên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng và chồng Huỳnh Uy Dũng, trái quy định của pháp luật.

Hệ thống tư pháp Việt Nam được một số đại biểu Quốc hội cho là cần phải thay đổi rất nhiều. Ngay cả tân chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập đến ngành tư pháp, khi ông tham gia một buổi họp với Toà án nhân dân tối cao ở Hà Nội giữa tháng 6 vừa qua. Khi đó, ông Lâm phát biểu: “Cần xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.