TBT- Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam?
2024.08.06
Sau khi vừa nắm giữ được chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế.
Trong bài viết được truyền thông nhà nước đăng tải mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói mục đích cải cách thể chế nhằm đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Đồng thời ông Tổng Bí thư cũng cam kết ‘quyết tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh’.
Vẫn độc đảng liệu có thể cải cách thể chế? Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 6/8/2024 khi trao đổi với RFA nhận định:
“Chuyện kêu gọi tháo gỡ vướng mắc trong thể chế này đã có từ nhiều năm qua rồi chứ không phải tới khi Tô Lâm lên nắm quyền. Trước đây thì ông Nguyễn Xuân Phúc thường hay than vãn tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’, ông Vương Đình Huệ cũng thừa nhận là bộ máy nhà nước bị "trên nóng dưới lạnh". Tức là ở trên cũng hô hào kêu gọi cải cách, đổi mới, nhưng chỉ nói cho có thôi rồi làm không được thì đổ lỗi cho ở dưới. Ông Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng cũng kêu gọi đổi mới, rồi ông Phạm Minh Chính cũng muốn xây dựng chính phủ sáng tạo, cải cách hành chính... Nhưng đó chỉ là những lời nói hoa mỹ mị dân thôi chứ cái vướng mắc của nhà nước hiện nay là tình trạng đơn đảng, độc tài.”
Chính vì độc quyền về chính trị, không ai thay thế, không phải cạnh tranh với ai nên theo ông Trần Anh Quân, họ mới tha hoá như ngày hôm nay. Ông Quân nói tiếp:
“Nếu ông Tô Lâm thật sự muốn giải quyết các vướng mắc của đất nước thì nên bỏ điều 4 hiến pháp, để cho nhiều đảng được cạnh tranh một cách công bằng, minh bạch, thì như vậy bộ máy chính trị mới có thể thay đổi tích cực. Ai tốt thì được người dân lựa chọn, ai dở thì bị đào thải là tự nhiên các khó khăn vướng mắc của đất nước sẽ được giải quyết nhanh chóng chứ không cần phải nói tới nói lui nhiều!”
Thời gian qua, đã có nhiều vị lãnh đạo của Việt Nam từng tuyên bố về việc cải cách thể chế để giúp đất nước phát triển. Nhưng dư luận cho rằng, những lời tuyên bố đó nghe hay, nhưng nếu vẫn giữ chế độ độc đảng toàn trị… thì chưa đủ làm an lòng giới đầu tư tư nhân và người dân… Vì nhà nước vẫn rụt rè, rón rén và không làm một cách công khai, minh bạch, không tạo ra một thể chế văn minh, nhân văn để cho người dân có quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai…
Nhu cầu đòi cải cách không chỉ trong nhân dân, mà ngay cả trong đảng Cộng sản, khi mà những đảng viên đã trở thành những nhà tư bản. Nhưng cải cách thể chế lại đi ngược lại vai trò độc tôn của đảng Cộng sản.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 6/8/2024 khi nhận định với RFA về vấn đề này cho rằng, Đảng Cộng sản đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn. Thứ nhất đó là cuộc khủng hoảng về thể chế và lý luận chính trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã phá sản. Theo ông Vũ, ngày nay, những đảng viên cộng sản không sống cuộc đời của những người vô sản, mà ngược lại họ đã trở thành những người thuộc tầng lớp giàu có nhất Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin không còn là chất keo gắn kết đảng Cộng sản, mà việc gắn kết đó là quyền lực và quyền lợi. Tiến sĩ Vũ nói tiếp:
“Thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế. Thể chế kinh tế phát triển dựa vào nhân công thô, nguyên liệu thô, và những ưu đãi về thuế hiện đã đạt đến ngưỡng. Chính vì sự khủng hoảng kinh tế này mà nhu cầu đòi cải cách thể chế tăng cao. Nhu cầu đòi cải cách không chỉ trong nhân dân, mà ngay cả trong đảng Cộng sản, khi mà những đảng viên đã trở thành những nhà tư bản. Nhưng cải cách thể chế lại đi ngược lại vai trò độc tôn của đảng Cộng sản.”
Việc cải cách về thể chế kinh tế theo ông Nguyễn Huy Vũ hiện đã đạt tới giới hạn, khi mà nền kinh tế đã gần như mở hoàn toàn. Nền kinh tế Việt Nam hiện đã được mở hoàn toàn. Khúc mắc lớn nhất đó là sự hiện diện của các công ty nhà nước và các công ty chống lưng bởi các đảng viên đảng Cộng sản đã nhận được những ưu đãi lớn từ chính quyền. Những việc này khó mà xoá bỏ nếu mà đảng Cộng sản vẫn còn nắm độc quyền. Khi mà những lợi ích của nhóm công ty này bị bỏ đi, nó cũng đồng nghĩa với việc sự hiện diện của đảng Cộng sản trong nền kinh tế dần mất đi. Ông Vũ giải thích thêm:
“Mặt khác, đảng Cộng sản hiện nay chưa đặt vấn đề về cải cách chính trị. Các chức vụ trong chính quyền từ lớn đến nhỏ đều bố trí cho các đảng viên đảng Cộng sản. Điều này nó giới hạn khả năng của những người có năng lực khác tham gia vào việc điều hành chính quyền. Chính vì vậy mà chừng nào chưa cải cách thể chế chính trị, năng lực điều hành chính sách và kinh tế quốc gia vẫn còn chưa nâng cao lên được.
Việc điều hành đất nước nó không chỉ tập trung vào một vài người ở trên mà nó cần một bộ máy xuyên suốt từ trên xuống dưới của những người có năng lực. Trong các thể chế dân chủ, tất cả các cấp bậc, các vị trí trong chính quyền được bầu chọn dựa trên năng lực và do đó nó giúp nâng cao khả năng quản trị.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, chừng nào mà đảng Cộng sản không cải cách thể chế, thay đổi về dân chủ, thì chừng đó khả năng quản trị của nhà nước vẫn còn tắc nghẽn và khủng hoảng vẫn còn tiếp tục. Việc cải cách thể chế do đó nó sẽ đi ngược với việc duy trì sự độc đảng cầm quyền của đảng Cộng sản.
Vào tháng 5 năm 2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới - World Bank đã khuyến cáo Việt Nam cần phải cải cách thể chế để tránh bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045.
Trở lại với tuyên bố của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về cải cách thể chế mới đây, một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA hôm 6/8/2024 liên quan vấn đề này cho rằng:
“Chế độ độc đảng toàn trị theo nguyên tắc căn bản nhất là tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách… Nên khi họ đưa ra những quyết định về thể chế quan trọng đều cần phải có tập thể giải quyết, nhưng khi khai triển thì họ đưa cho từng cá nhân phụ trách theo từng phần. Khi muốn có một quyết định mang tính tập thể, thì bắt buộc họ phải kéo phe cánh ủng hộ cho thể chế đó, để đạt được đa số mới được thông qua.”
Nhà độc tài phải có một tư tưởng rõ ràng, thì ở đây tư tưởng của ông Tô Lâm chưa cho thấy một cái gì mới.
-Một Nhà báo ở Việt Nam
Chính vì cách làm này nên theo Nhà báo này, suốt hàng chục năm qua, đảng CSVN đã rất rối ren và bế tắc trong việc thực thi các chính sách và các thể chế quan trọng. Ông nêu ví dụ:
“Chẳng hạn như vấn đề chống tham nhũng, càng chống càng sa lầy. Vừa rồi ông Tô Lâm đã đắc cử Chủ tịch nước và liên tiếp một cách nhẹ nhàng ông đạt được luôn vị trí quan trọng nhất là Tổng Bí thư… như vậy có thể xác định đây là một bước thành công khi chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị… sang chế độ độc tài toàn trị.”
Nhà báo này cho rằng, chế độ độc tài toàn trị có ưu điểm là tạo ra được một ê kíp ưng ý, để thực hiện được những tư tưởng của mình. Bằng chứng là tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang vừa rồi đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ chính thức làm việc về vấn đề kinh tế với hai địa phương quan trọng là Hưng Yên và Đà Nẵng. Đó là bước đầu của thể chế độc tài toàn trị đã thành công. Ông nói tiếp:
“Tuy nhiên nhà độc tài phải có một tư tưởng rõ ràng, thì ở đây tư tưởng của ông Tô Lâm chưa cho thấy một cái gì mới. Bởi vì trong phát biểu của của ông Tô Lâm vẫn dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lênin và tất cả các đường lối bấy lâu nay. Tôi cho rằng phát biểu mới nhất của ông Tô Lâm (về thể chế) chỉ là hình thức, bởi vì thời gian nắm cả hai chức vụ còn mới quá. Như vậy sắp tới ông Tô Lâm có bộc lộ, tức ổng phải cho thấy ổng có một tư tưởng rõ ràng, mới, trong vai trò lãnh đạo của một nhà độc tài toàn trị, thì lúc đó mới có thể xét đoán thêm.”
Còn hiện nay theo Nhà báo này, vì quá mới nên ông Tô Lâm cũng chỉ xoay quanh những cái cũ. Cần phải có thêm thời gian mới biết rõ ông Tô Lâm thành công hay thất bại trong vai trò một nhà độc tài toàn trị.