Liệu bỏ “biên chế suốt đời” có giúp giữ người tài?

RFA
2018.05.24
thi_tuyen_cong_chuc960.jpg Thi tuyển công chức ở Quảng Ngãi.
Courtesy quangngai.gov.vn

Mở rộng đầu vào?

Ban Chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa XII vừa ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức các cấp. Trong nhiều giải pháp mà nghị quyết đưa ra có giải pháp tiến tới bỏ chế độ "biên chế suốt đời", nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, năng lực, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ chế cạnh tranh…

Ngoài việc muốn tinh giản biên chế công chức, giải pháp bỏ chế độ "biên chế suốt đời" được chính phủ Việt Nam nhắc đến nhiều năm nay, mục tiêu nhằm giảm gánh nặng ngân sách đối với lượng công chức khổng lồ.

Tôi nghĩ đây là bước đột phá, thời trước còn bao cấp, ai vô được công chức thì sống suốt đời, trong hàng ngũ công chức có thể người ta hoạt động không hiệu quả thì ngân sách vẫn phải nuôi họ bằng tiền thuế của dân.
-BS. Đinh Đức Long

Tin cho biết trong năm 2016 và 2017 Việt Nam đã giảm mỗi năm hơn 4.000 công chức; và theo ‘phê duyệt biên chế công chức các cơ quan hành chính nhà nước năm 2018’ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 07 tháng 02 năm 2018, thì Việt Nam có hơn 265.000  công chức trong biên chế, số này không bao gồm biên chế của Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.

Nhận xét về giải pháp bỏ chế độ "biên chế suốt đời", Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết:

“Vấn đề này xuất phát từ thực tế nhiều năm qua trong việc thực hiện chế độ ‘công chức suốt đời’, một khi vào được công chức rồi thì khó thải loại. Điều này làm cho đội ngũ công chức không được thay đổi về chất lượng, tạo ra cái sức ì, làm cho công chức không chịu phấn đấu vươn lên mà yên tâm là mình đã có biên chế rồi thì sẽ ở được trong cơ quan nhà nước suốt đời. Nhất là đến khi nghỉ hưu thì có một số suy nghĩ làm thế nào để thu vén, dĩ hòa vi quý để ra về cho nó nhẹ nhàng.”

Bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên đảng cộng sản đã từ bỏ đảng, một nhà bất đồng chính kiến, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:

“Tôi nghĩ đây là bước đột phá, thời trước còn bao cấp, ai vô được công chức thì sống suốt đời, trong hàng ngũ công chức có thể người ta hoạt động không hiệu quả thì ngân sách vẫn phải nuôi họ bằng tiền thuế của dân.”

Công bằng hơn?

Về cung cách làm việc của công chức tại Việt Nam, chúng tôi xin trích một câu nói  đầy nghịch lý được lan truyền trên mạng xã hội, của một cựu công chức đã tự rời bỏ ‘biên chế suốt đời’: “Ai cũng có việc nhưng không ai làm việc; Không ai làm việc nhưng ai cũng có lương; Ai cũng có lương nhưng không đủ sống; Không ai đủ sống nhưng ai cũng sống; Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng; Không ai hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý?”

Đồng quan điểm với nghịch lý này, Ông Lê Văn Cuông nói:

Có đến 1/3 lực lượng là ngồi chơi xơi nước, 1/3 cầm tay chỉ việc, còn 1/3 làm rất tích cực, kiêm nhiệm rất nhiều việc nhưng cuối cùng thu nhập cũng không cao hơn so với những người ngồi chơi xơi nước.
-Lê Văn Cuông

“Vừa rồi trung ương cũng có bàn đến chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội thì cũng đã mở ra, có đến 1/3 lực lượng là ngồi chơi xơi nước, 1/3 cầm tay chỉ việc, còn 1/3 làm rất tích cực, kiêm nhiệm rất nhiều việc nhưng cuối cùng thu nhập cũng không cao hơn so với những người ngồi chơi xơi nước.”

Theo Ông Lê Văn Cuông, sở dĩ người làm việc thấy chán khu vực nhà nước vì thu nhập thấp, người ta sẽ tìm đến những công ty bên ngoài để có chế độ đãi ngộ cao hơn, được trọng dụng hơn. Ông cho rằng đây là một tâm lý xã hội rất thực tiễn.

Vừa qua, có đến hơn 40 học viên trong đề án ‘Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng’ xin nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau dù không ít người phải bồi thường tiền tài trợ của đề án. Việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo: làm sao để giữ chân người tài, tránh chảy máu chất xám?

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Cuông cho rằng, để tránh chảy máu chất xám, muốn thu hút nhân tài thì ngoài trọng dụng, chức danh, vị trí việc làm, thì còn phải có chính sách thu nhập tốt hơn. Ông cũng cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế.

Bác sĩ Đinh Đức Long cũng cho rằng, chỉ vấn đề biên chế không thôi thì chưa đủ, ông nói tiếp:

“Chính sách phải đồng bộ, ngoài chuyện biên chế chỉ là bề mặt hành chính thôi. Cái quan trọng nhất là phải tạo điều kiện cho người ta làm việc.”

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, ngoài việc cơ quan nhà nước phải thay đổi để nhân tài có thể yên tâm làm việc lâu dài, tránh trường hợp hàng loạt nhân tài bỏ việc như ở Đà Nẵng, thì người tri thức có tài cũng phải thật tâm muốn đóng góp. Hai bên phải có thiện chí hợp tác thì mới cùng làm việc lâu dài được.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.