Taxi công nghệ bị bức tử?

RFA
2018.10.26
Grab2 Văn phòng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab.
RFA

Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ Giao thông – Vận tải vừa trình lên chính phủ có qui định ôtô từ 9 chỗ trở xuống không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử.

Ngay lập tức hãng Grab phản ứng cho rằng như thế là ngược lại với cuộc cách mạng 4.0 mà lãnh đạo nhà nước Việt Nam luôn nhắc đến hiện nay. Quy định đó cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều người sử dụng dịch vụ taxi công nghệ.

Bước lùi Cách mạng công nghiệp thứ tư?

Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab, công ty đã bày tỏ những quan ngại về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ Giao thông – Vận tải vừa trình lên chính phủ. Phía công ty cho rằng trong dự thảo có những điều khoản khiến Grab trở thành hãng taxi, và điều đó là một bước lùi trong Cách mạng 4.0 của ngành vận tải.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:

Grab đúng là một hoạt động giao thông vận tải, hoạt động giống như các hãng taxi, kinh doanh giống như thế. Thế thì giữa các hãng taxi và Grab phải chịu sự quản lý như nhau. - TS. Nguyễn Bách Phúc

“Ứng dụng Grab không phải là việc của công nghiệp thứ tư. Cách mạng công nghiệp thứ tư có hai vấn đề quan trọng nhất, cơ bản, mấu chốt là trí tuệ nhân tạo và cách mạng sinh học. Còn ứng dụng Grab nằm trong Cách mạng công nghiệp thứ ba, tức là cách mạng Tin học, hoàn toàn không phải Cách mạng công nghiệp thứ tư.”

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cũng ủng hộ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ Giao thông – Vận tải:

“Grab đúng là một hoạt động giao thông vận tải, hoạt động giống như các hãng taxi, kinh doanh giống như thế. Thế thì giữa các hãng taxi và Grab phải chịu sự quản lý như nhau.”

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc và cho rằng Grab nên tuân thủ dự thảo mới, một người dân Hà Nội cho biết:

Khi mà chúng ta sống trong một đất nước, điều quan trọng là chúng ta phải tôn trọng pháp luật và các chủ kiến của quốc gia đó. Nếu như các dịch vụ không thể tồn tại ở Việt Nam, thì chắc chắn sẽ có một dịch vụ nào đó ưu thế hơn và mang lại tính phù hợp với người Việt Nam của chúng ta.

Không đồng tình với ý kiến vừa nêu, một người dân Sài Gòn cho rằng có nhiều cách quản lý khác, chứ không phải quản không được thì lại cấm:

Ở nước ngoài người ta không quản lý bằng cách đó mà họ quản lý bằng ứng dụng công nghệ, có khi nó lại chặt chẽ hơn logo này nọ, điều đó tôi nghĩ rằng không cần thiết.

Không còn taxi công nghệ

Ông Jerrry Lim (bên phải) - Giám đốc Grab Việt Nam trong phiên tòa với Vinasun vào ngày 24/10/2018.
Ông Jerrry Lim (bên phải) - Giám đốc Grab Việt Nam trong phiên tòa với Vinasun vào ngày 24/10/2018.
RFA

Ngoài việc đáp ứng những yêu cầu kinh doanh như một hãng taxi, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mà Bộ Giao thông – Vận tải trình lên chính phủ có nội dung quy định trong điều 3.7 là ô tô từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải.

Nói theo một cách khác, điều luật 3.7 sẽ khiến ứng dụng đặt xe trực tuyến của công ty Grab sẽ không thể hoạt động được. Vì hiện nay, xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ đang là hai loại xe duy nhất được sử dụng trong ứng dụng này.

Do đó, Grab đã phản ứng mạnh mẽ trước dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 vì thực tế cho thấy, nếu không thể sử dụng ứng dụng đặt xe, Grab sẽ chỉ hoạt động thông qua việc khách gọi điện thoại hoặc đón khách dọc đường, điều mà các hãng taxi truyền thống đã và vẫn đang làm.

Nhiều đánh giá cho rằng, nếu dự thảo này được thông qua, Grab sẽ mất đi lợi thế công nghệ và trở thành “người mới” trong ngành taxi.

Ảnh hưởng

Lâu nay Grab đã dần trở thành phương tiện di chuyển của nhiều người trong dải đất hình chữ S vì những tiện ích mà taxi truyền thống không thể đem lại:

“Với taxi truyền thống, đối với những người lạ chưa biết đường thì người ta sẽ đi đường vòng xa hơn để lấy tiền tính theo kilomet. Thế nhưng khi chúng ta đi phương tiện Grab thì chúng ta biết được vị trí mình đến và tuyến đường ngắn nhất để có thể tiết kiệm được tài chính vừa tiết kiệm thời gian cho mình.

Loại bỏ vận hình Grab hay Uber để đưa đón thì sẽ làm taxi trở thành thương hiệu độc quyền. Vậy thì họ có thể tăng giá chẳng hạn. - Người dân Hà Nội

Do đó, khi truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về Grab sẽ phải trở thành taxi và không thể sử dụng ứng dụng để ‘book’ xe, nhiều ý kiến cho rằng được hưởng lợi nhiều nhất trong việc này là taxi truyền thống:

Loại bỏ vận hình Grab hay Uber để đưa đón thì sẽ làm taxi trở thành thương hiệu độc quyền. Vậy thì họ có thể tăng giá chẳng hạn.

Việc này không những gây thiệt hại cho Grab, mà cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng rất nhiều:

Như xu hướng hiện bây giờ thì người dùng sẽ hướng đến sử dụng công nghệ. Khi mình loại bỏ công nghệ ra khỏi đời sống, nói ngắn gọn hơn là loại bỏ Grab thì các cạnh tranh đem về lợi ích cho người tiêu dùng không còn nữa. Các doanh nghiệp sẽ kiểu lợi ích nhóm thì người ta có thể tăng giá hoặc cái gì thì người sử dụng vẫn là người thiệt hại nhất.

Trả lời phỏng vấn trước đây với Đài Á Châu Tự Do, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết đã từng góp ý cho Bộ Giao thông – Vận tải trước khi ban hành luật nên tham khảo ý kiến người tiêu dùng, vì chính họ là người sử dụng và chi trả cho dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết ý kiến người dân thường không được chú ý lắng nghe, hoặc có tham khảo đi chăng nữa cũng chỉ để đó và không áp dụng sửa đổi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.