Số liệu từ Thanh tra về tham nhũng có đáng tin?
2024.10.23
Tổng Thanh tra Chính phủ - Đoàn Hồng Phong trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây cho biết có 35 người bị phát hiện tham nhũng qua hơn hàng ngàn cuộc thanh tra được Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện trong chín tháng vừa qua.
Những con số đáng nghi?
Nhận định con số trong báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra được truyền thông loan dẫn, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA hôm 23/10:
“Việc thanh tra hàng ngàn trường hợp mà chỉ tìm ra có hơn 30 trường hợp tham nhũng như vậy chưa được 1%. Nhưng kết quả tìm ra như vậy là chưa tin lắm, vì tình trạng tham nhũng hiện nay lan tràn mọi lĩnh vực, khắp các ngành, trong dân sự cũng có, trong công an cũng có, mà trong quân đội cũng có… nhân dân trong nước biết rất rõ. Có những trường hợp tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt chưa đến mức khởi tố thì không tính, còn số lượng tham nhũng lớn thì hiện nay chỉ mình cơ quan nhà nước biết, còn báo chí Đảng kiểm soát chỉ cho dân biết như thế, thì không đáng tin được.”
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn dẫn chứng trường hợp tham nhũng liên quan vụ khiếu kiện của gia đình ông:
“Ví dụ như vụ án dân sự nhà tôi, tôi nhìn thấy rõ một luật sư là Nguyễn Hoàng Bách chạy án liên quan ba vụ án nhà tôi. Thứ nhất là vụ ly hôn bà chị ruột, vụ thứ hai là vụ đòi nhà từ thời Pháp thuộc và vụ thứ ba là vụ tôi trở thành oan sai… rõ ràng bà Nguyễn Thị Hiền Hòa là thẩm phán quận Hoàn Kiếm nhận tiền qua luật sư Nguyễn Hoàng Bách. Những chuyện như vậy thanh tra sao biết được, vì không để lại chứng cứ gì. Nhưng xét bản chất vụ án và tài liệu tôi thu thập được thì rầt rõ ràng Nguyễn Hoàng Bách chuyên chạy án, cái này có thanh tra được đâu?”
Kết quả tìm ra như vậy là chưa tin lắm, vì tình trạng tham nhũng hiện nay lan tràn mọi lĩnh vực, khắp các ngành, trong dân sự cũng có, trong công an cũng có, mà trong quân đội cũng có… nhân dân trong nước biết rất rõ.
-Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
Do đó, theo Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, việc thanh tra và báo cáo của thanh tra là kết quả Đảng và Nhà nước nói, rồi thông báo cho truyền thông công bố cho công luận, không thể tin được.
Khẳng định lập luận của mình là có cơ sở, ông Toàn nêu tiếp dẫn chứng với RFA:
“Một ví dụ nữa là hai sĩ quan công an đều tự cấp tướng, cấp tá trở lên, như ông Nguyễn Anh Tuấn, Thiếu tướng – Phó Giám đốc công an Hà Nội, không có chức năng thẩm quyền nhiệm vụ, mà dám đứng ra nhận của hai vợ chồng công ty bầu trời xanh 2,15 triệu đô la, tương đương 62 tỷ đồng để móc nối với Hoàng Hưng là điều tra viên cao cấp của Bộ Công an. Cuối cùng loanh quanh đổ đi đổ lại, họ hư hỏng như thế đó.”
Hoặc như ông cho biết, có nhiều công dân ở Đà Lạt – Lâm Đồng đã lập ra một trang Facebook giúp chống tham nhũng, nhưng lại bị bắt, bị bỏ tù… với cáo buộc chống đảng dưới vỏ bọc chống tham nhũng. Từ các sự việc cụ thể trên, Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh ông không tin những con số từ kết quả thanh tra.
---------------
Giáo dục liêm chính để ngừa tham nhũng hay kích thích tham nhũng nhiều hơn?
Đảng chống tham nhũng có chọn lọc: “bên trọng, bên khinh”!
Làm sao diệt trừ nạn tham nhũng ở Việt Nam?
---------------
Nguyên nhân khó phát hiện tham nhũng
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, sở dĩ có hàng ngàn vụ thanh tra nhưng chỉ phát hiện 35 người tham nhũng vì có nhiều lý do. Trong đó, tiến sĩ Vũ cho rằng phải kể đến việc các tiếng nói đối lập bị dập tắt triệt để những năm gần đây. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Vũ:
“Tham nhũng rất nhiều nhưng thanh tra rất khó mà phát hiện tham nhũng. Tại sao? Thứ nhất là báo chí đã bị thắt chặt rất nhiều trong những năm vừa qua. Hậu quả là giới báo chí chỉ hoạt động cầm chừng, đăng những tin vô thưởng, vô phạt.”
Bên cạnh các tham nhũng vặt, tức công chức nhận tiền của người dân để làm dịch vụ, tham nhũng còn diễn ra dưới dạng tham nhũng chính sách tức các doanh nhân sẽ vận động để quan chức có các chính sách có lợi cho mình.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Việc thiếu không gian cho những tiếng nói khác biệt khiến việc lên tiếng về các sai trái và tham nhũng diễn ra trong xã hội ngày càng bị hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân. Thêm một nguyên nhân nữa được ông Vũ nêu ra đó là các hình thức tham nhũng giờ đây đã trở nên ngày càng tinh vi:
“Bên cạnh các tham nhũng vặt, tức công chức nhận tiền của người dân để làm dịch vụ, tham nhũng còn diễn ra dưới dạng tham nhũng chính sách tức các doanh nhân sẽ vận động để quan chức có các chính sách có lợi cho mình. Với cách hoạt động như vậy thì việc phanh phui các bằng chứng tham nhũng trở nên khó hơn. Và càng khó hơn khi mà không có những cơ quan hay cá nhân làm truyền thông độc lập, có một không gian tự do để họ theo đuổi các điều tra và nêu các vấn đề.”
Trước đó, theo truyền thông Nhà nước, trong tám tháng đầu năm 2024, Đảng cộng sản Việt Nam đã kỷ luật hơn 4.000 đảng viên do suy thoái, 230 đảng viên vì tham nhũng, bao gồm 45 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Trong đó, số vụ án bị điều tra là 475 vụ với 1.094 bị can liên quan các tội tham nhũng, bao gồm 16 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế - TI hôm 30/1/2024 công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng - CPI năm 2023. Trong đó, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, bị giảm điểm, tụt hạng so với một năm trước đó.