Đề xuất UBND xã được ký thỏa thuận quốc tế là mạo hiểm, vượt qui định pháp luật!

RFA
2020.06.18
pham-binh-minh-960 ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ thay thế cho ‘Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế’ có từ năm 2007, được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình Quốc hội từ hôm 22 tháng 5 năm 2020.
RFA Edited

Tại phiên thảo luận về ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ của Quốc hội hôm 17/6, nhiều đại biểu lo ngại về đề xuất ‘Ủy ban Nhân dân xã, huyện được ký, thực hiện thỏa thuận quốc tế’.

Theo các Đại biểu Quốc hội, năng lực và sự am hiểu trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế của Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã, huyện, còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm.

‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ thay thế cho ‘Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế’ có từ năm 2007, được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình Quốc hội từ hôm 22 tháng 5 năm 2020.

Theo ông Phạm Bình Minh, việc chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế được mở rộng tới cấp xã… là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng mở rộng. Do đó cần tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của đảng và nhà nước về hội nhập quốc tế.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc có đến 1.400 km biên giới đường bộ, nếu để cho các quan chức cấp xã đó mà ký kết các cam kết với Trung Quốc, thì đó là một trong các vấn đề hết sức mạo hiểm, cần phải xem xét hết sức cẩn trọng.
-TS. Lê Đăng Doanh

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 6 năm 2020, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói:

“Theo tôi hiểu thì hiện nay chưa có quyết định về việc này. Cá nhân tôi thì thấy đây là một đề xuất rất mạo hiểm, và Ủy ban Nhân dân cấp xã không hiểu biết đầy đủ về luật pháp quốc tế, về tất cả các điều phức tạp, những góc khuất và những ngóc ngách đằng sau những quy định đó, đằng sau những câu đó là những cam kết hết sức phức tạp và cụ thể. Cho nên tôi đề nghị không nên chấp nhận để cho Ủy ban Nhân dân cấp xã được ký kết bất kỳ một cam kết nào. Như chúng ta thấy giữa Việt Nam và Trung Quốc có đến 1.400 km biên giới đường bộ, nếu để cho các quan chức cấp xã đó mà ký kết các cam kết với Trung Quốc, thì theo tôi đó là một trong các vấn đề hết sức mạo hiểm, cần phải xem xét hết sức cẩn trọng.”

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh 2007 về việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, cấp huyện thực hiện tổng cộng 16 thỏa thuận, chiếm 0,8% tổng số thỏa thuận đã ký trong giai đoạn 10 năm. Do đó theo các đại biểu Quốc hội, nếu xét trên tổng số 11.000 xã và tổng số khoảng hơn 600 huyện, thì chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Ảnh minh họa: Một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam trước đây.
Ảnh minh họa: Một kỳ họp của Quốc hội Việt Nam trước đây.
AFP

Để tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 6 năm 2020, liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Miếng, và được ông cho biết:

“Cấp xã thì nằm trong hệ thống hành chính của Việt Nam, cón vấn đề bang giao quốc tế thì nói lại phụ thuộc quan hệ giữa các nước với nhau, cấp xã sao mà đủ tư cách. Tại vì khi mình muốn giao dịch bất cứ vấn đề gì, ngay cả vấn đề dân sự trong nước từng cấp độ một, thì phải có một tư cách tương xứng. Cấp xã mà nói muốn được ký kết giao dịch giữa các quốc gia với nhau thì thì điều đó rõ ràng là không hợp lý.”

Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết thêm, theo luật pháp hiện hành, cấp xã không có thẩm quyền ký thỏa thuận quốc tế, nếu cấp nào cho phép cấp xã giao dịch quốc tế, thì cũng là cho phép không đúng thẩm quyền và không đúng quy định pháp luật về ban giao quốc tế. Không thể có một địa phương nào ở nước khác, mà giao dịch với cấp xã của Việt Nam, nếu có tranh chấp thì rõ ràng cấp xã không đủ thẩm quyền đứng ra giải quyết, thảo luận những văn kiện đó.

Mặc dù dự thảo ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ có quy định cấp xã, huyện trước khi ký phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh theo trình tự. Tuy nhiên theo các đại biểu quốc hội, vấn đề triển khai và quản lý thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng và phải có năng lực mới làm tốt được.

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 6 năm 2020, liên quan vấn đề này, nói:

“Mở cho đến xã thì tôi chưa thấy hy vọng, mở cho đến tỉnh thành phố thì bình thường, còn mở cho đến huyện thì phải có điều kiện gì về mặt khoa học công nghệ có lạc hậu hay không? Về lao động thì họ đem hết lao động nước ngoài qua hay dùng hết lao động trong nước? Về giá trị công trình ra sao, có mang tính chất bền vững không, có xây dựng hạ tầng cơ sở hay không? Thì cái đó ở cấp huyện có làm những công trình nhỏ nhỏ, nhưng chưa thấy huyện đứng ra ký kết với nước ngoài. Còn xã thì còn hơi xa, phải có thời gian để trình độ cán bộ nâng cao hơn.”

Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại, Lê Văn Triết, không nên giao cấp xã ký thỏa thuận quốc tế vì ba lý do: Thứ nhất là cấp xã không có vốn, thứ hai là không có tri thức và thứ ba là tầm vóc các công trình ở xã không có gì để phải trực tiếp ký với nước ngoài.

Không nên giao cấp xã ký thỏa thuận quốc tế vì ba lý do: Thứ nhất là cấp xã không có vốn, thứ hai là không có tri thức và thứ ba là tầm vóc các công trình ở xã không có gì để phải trực tiếp ký với nước ngoài.
-Lê Văn Triết

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Ủy ban Nhân dân cấp xã không được giao các chức năng về quan hệ quốc tế, cho nên ông cho rằng, ý kiến mà đề xuất để cho Ủy ban Nhân dân cấp xã ký kết các thỏa thuận quốc tế là một điều vượt qua các quy định pháp luật hiện nay, và ông đề nghị quốc hội không thông qua đề xuất này.

Tại phiên thảo luận về ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ của Quốc hội hôm 17/6, mặc dù lo ngại về đề xuất ‘Ủy ban Nhân dân xã, huyện được ký, thực hiện thỏa thuận quốc tế’. Tuy nhiên, các đại biểu lại đề xuất ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định mở rộng chủ thể ký thỏa thuận cho các đơn vị sự nghiệp công như cơ sở giáo dục, y tế, khoa học...

Các đại biểu Quốc hội dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đơn vị sự nghiệp công lập đã ký và thực hiện nhiều thỏa thuận quốc tế rất hiệu quả mà theo dự báo có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian sắp tới. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét và có quy định thêm các chủ thể này.

Cũng liên quan việc phân quyền đến địa phương, vào sáng ngày 18/6, với 92,96% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.