Liệu Việt Nam có đang chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc Tế Về Luật Biển?

Thanh Trúc
2020.09.02
  yyy Hình minh hoạ. Người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013
Reuters

Hôm 28/8, trên tài khoản cá nhân của một facebooker người Việt, cư ngụ tại Australia, dẫn lại tin từ một facebooker khác là “Vào ngày 19/5 Việt Nam đã "âm thầm" nộp lên UN danh sách 4 trọng tài viên và 4 hòa giải viên theo qui định Điều 2, Phụ lục VII  của UNCLOS. Nói "âm thầm” là vì ngay thời điểm đó báo chí trong nước không có thông tin gì về việc này, mãi đến ngày 27/7 mới có một bản tin ngắn của Báo Quốc tế và được vài tờ báo mạng đăng lại nhưng dư luận hầu như không chú ý”.

4 người mà Việt Nam đề cử vào UNCLOS hôm 19/5/2020 có 2 học giả về Luật Quốc Tế và Biển Đông là Giáo sư Robert Beckman, Đại học Quốc Gia Singapore, Giáo sư  Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại Giao, Giáo sư Nguyễn Thi Lan Anh, Học viện Ngoại Giao, và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng, trưởng Ban Biên Giới Bộ Ngoại Giao, thành viên Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA ở The Hague.

Nơi nhận danh sách trọng tài viên và hòa giải viên vào UNCLOS là trang web Treaties.un.org. Hôm 6/8 vừa qua, trang mạng Đại Học Quốc Gia Singapore cũng đã loan tin và hình ảnh giáo sư Robert Beckman là người được Việt Nam đề cử.

Việt Nam đã ký kết UNCLOS từ năm 1994 và hiện làm theo thủ tục của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển này chứ không phải sắp kiện Trung Quốc ra ITLOS Tòa Quốc Tế Về Luật Biển như nhiều người lầm tưởng, là nhận định đầu tiên của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Đông Nam Á, Đại học Singapore.

Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ, lý do Việt Nam đưa tên các trọng tài viên và hoà giải viên lên LHQ theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho thấy:

Là Việt Nam sẽ sẵn sàng kiện Trung Quốc nếu Trung Quốc tiếp tục quá lố và Việt Nam không có cách gì khác để giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Việt Nam phải chứng minh việc “không còn đường nào khác” như Phillipines đã chứng minh. Theo tôi nghĩ, đây chỉ là việc chuẩn bị thôi. Khi nào khởi kiện còn tuỳ thuộc hành động của Trung Quốc mà Việt Nam cho là quá mức, chẳng hạn như khi Trung Quốc đe doạ xung quanh bãi Tư Chính trong 3 năm vừa qua và đưa đến việc hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha phải rút đi và Việt Nam đã phải bồi thường khoảng 1 tỷ Mỹ kim. Nhưng Việt Nam đã không khởi kiện vì bị nhiều sức ép của Trung Quốc trên bình diện kinh tế và quân sự.”

Việc nộp danh sách trọng tài viên lần này lên Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc thì nó phù hợp với các tuyên bố của Việt Nam gần đây về khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc. - TS. Hà Hoàng Hợp

Nhà chuyên môn về các vấn đề chính trị, an ninh chiến lược quốc tế, cũng là nhà nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, tin rằng Việt Nam chưa kiện mà cũng không sắp sửa kiện Trung Quốc ra ITLOS dù từng đôi ba lần viện đến khả năng này:

“Lần đầu tiên hồi 2014 Việt Nam có nêu vấn đề xem xét khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa Án Quốc Tế  khi mà Trung Quốc hồi tháng 5/2014 đã kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cuối 2019 thì cũng đã nhắc lại và nêu rõ hơn khả năng sử dụng pháp lý để đáp trả hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng nếu không còn cơ hội nào để xứ lý vấn đề Biển Đông bằng hòa bình nữa thì chỉ còn cách sử dụng biện pháp pháp lý mà thôi”.

“Việc nộp danh sách trọng tài viên lần này lên Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc thì nó phù hợp với các tuyên bố của Việt Nam gần đây về khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc”.

Qua việc đề cử lên Liên Hiệp Quốc những nhân vật có uy tín vào UNCLOS 1982 Việt Nam đã chứng tỏ khả năng hội nhập của mình, là lời Thạc sĩ Luật Hoàng Việt:

“Tuy nhiên trong bối cảnh này mà làm rùm beng quá thì người ta sẽ lại nghĩ ra những vấn đề khác, chứ còn không phải là âm thầm vì việc này phải được lên lịch từ rất lâu rồi”.

“Nó cũng thể hiện được là Việt Nam đã hòa nhập, hội nhập với quốc tế, đã có người đề xuất vào cơ quan quốc tế về xét xử như vậy. Điều đó cũng chứng tỏ nếu muốn khởi kiện thì Việt Nam có lợi thế cũng như đủ điều kiện để có thể làm được điều đó”.

Đương nhiên, vẫn lời Luật gia Hoàng Việt, không có gì chắc chắn để xác quyết Việt Nam sẽ kiện vì quyết định nằm trong đối sách của lãnh đạo cấp cao đảng và nhà nước Việt Nam những ngày tới.

Chiếu theo nội dung các Điều trong Phụ lục V của Công ước LHQ về Luật Biển, trong mục Hòa Giải thì các quốc gia thành viên có quyền đề cử. Chính vì thế Việt Nam có quyền nộp lên Liên Hiệp Quốc danh sách 4 hòa giải viên mà Hà Nội đã chọn lựa.

Từ Pháp, nhà nghiên cứu độc lập về  Biển Đông, ông Trương Nhân Tuấn, giải thích khi nội vụ Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc phải ra trước Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển ITLOS:

Phụ lục VII nói về thủ tục "trọng tài". Tương tự Phụ lục V, mỗi quốc gia thành viên có quyền đề cử 4 trọng tài viên, những người hiểu biết về biển, có khả năng và nổi tiếng thanh liêm, vào danh sách trọng tài viên của LHQ. Tòa trọng tài được thành lập khi bất kỳ một bên tranh chấp muốn giải quyết tranh chấp bằng Tòa Trọng Tài. Mỗi bên được quyền đề cử 1 người trong bản danh sách của LHQ và người đó có thể là công dân của mình hay công dân nước khác theo thỏa thuận”.

Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh Trung Quốc đang đuổi tàu của Việt Nam gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hồi năm 2014
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh Trung Quốc đang đuổi tàu của Việt Nam gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hồi năm 2014
Reuters

Philippines  đã sử dụng thủ tục qui định theo Phụ lục VII để kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA,  được thành lập theo các qui chế của Phụ lục VII UNCLOS.

Tương tự vụ xử của Philippines, nếu một bên vắng mặt, Tòa vẫn có thẩm quyền tiếp tục phân xử và phán quyết của tòa, trong bất cứ trường hợp nào, đều có hiệu lực bắt buộc và bên kia không thể khiếu nại.

Chiếu theo thủ tục đã ghi ở Phụ lục V và VII của Công Ước LHQ về Luật biển, VN đề cử 4 hòa giải viên và 4 trọng tài viên”.

Việc đề cử này có hiệu lực ở LHQ từ ngày 15/5/2020. Việt Nam phải sử dụng hết các biện pháp, từ dễ đến khó, từ đàm phán qua hòa giải. Nếu không giải quyết được thì Việt Nam mới có lý do để đưa ra Tòa Trọng Tài hay Tòa Án về Luật Biển (ITLOS), hay một tòa quốc tế khác”.

Ngay cả điều vừa nói, vẫn lời ông Trương Nhân Tuấn, ít có khả năng xảy ra, do những bảo lưu của Trung Quốc ở Điều 298 như không chấp nhận trọng tài phân giải ở các tranh chấp đến từ việc phân định biển, khả năng VN kiện TQ do đó bị giới hạn.

Điều cần rõ là Công Uớc Quốc Tế Về Luật Biển không có mục đích giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, do đó nếu có kiện tụng mà đưa vụ việc Hoàng Sa, Trường Sa vào như nhiều người đặt vấn đề là không phù hợp. Ông Trương Nhân Tuấn phân tích:

Hành vi thủ đắc lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc năm 1974 tại Hoàng Sa là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trên quan điểm Công Pháp Quốc Tế, chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa không được nhìn nhận, vì  vậy sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa cũng không được công nhận”.

“Còn tại Trường Sa,  hay ở các khu vực bãi Tư Chính, phản ứng của Việt Nam bị cho là yếu trước hành vi ngang ngược cũng như thù nghịch của Trung Quốc. Nhưng dầu sao cũng có chút đỉnh hiệu quả là không để cho TQ đặt giàn khoan khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam”.

Dù Trung Quốc ngang nhiên và quá lố đến mức nào trên Biển Đông thì Việt Nam cũng chưa thể khởi kiện đối tác khó ưa này được, là ý kiến tiếp theo của thạc sĩ Đinh Kim Phúc, tác giả tập sách nghiên cứu “Biển Đông: Luận Cứ và Sự Kiện”:

Theo tôi, hiện nay quan hệ Việt-Trung đã, đang và  vẫn sẽ là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nên không có việc Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

“Cũng không có chuyện Việt Nam sẽ đệ đơn lên Tòa Trọng Tài Thường Trực thành lập theo Phụ lục VII  UNCLOS 1982 (vì Tòa đã phán quyết vụ Philippines mà Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày 12/7/2016 đã tán thành phán quyết trong các công hàm gửi LHQ trong thời gian gần đây”.

Tuy nhiên Việt Nam đã thành công trong việc quốc tế hóa và bước đi tiếp theo của Việt Nam vẫn là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, là khẳng định của ông Đinh Kim Phúc:

Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN tiếp tục "trận chiến công hàm", dùng UNCLOS 1982 để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý là phương thức đầu tiên để phá thế bao vây của Trung Quốc. Việt Nam và các nước ASEAN sẽ vận động để đi đến xem phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực được thành lập theo phụ lục VII  của UNCLOS 1982 ngày 12/7/2016 trở thành Luật để buộc Trung Quốc tuân thủ.”

Theo tôi  nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì quá nhiều xung đột chính trị và lập trường dẫn tới nguy cơ tan rã hoàn toàn hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. - GS. Rentalto De Castro

Việt Nam có thể đề cử bất cứ ai vào Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển như vừa qua, còn khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc Tế như Philippines thì cần rất nhiều động thái chính trị ngay từ trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, là quan điểm của chuyên gia Renalto De Castro, Giáo sư danh dự Khoa Nghiên Cứu Quốc Tế tại Đại học De La Salle ở Manila, Philippines:

“Tôi còn nhớ năm 2011 tôi từng được một vị lãnh đạo khi ấy nói với tôi rằng Việt Nam đã nghĩ đến việc kiện Trung Quốc ra PCA Tòa Trọng Tài Thường Trực, thế nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra từ bấy đến giờ”.

“Theo tôi  nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì quá nhiều xung đột chính trị và lập trường dẫn tới nguy cơ tan rã hoàn toàn hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với Ban Chấp hành đảng cộng sản Việt Nam chuyện này chẳng khác nào đốt bỏ cây cầu nối 2 đảng cộng sản 2 nước mà Việt Nam vẫn rất cần. Philippines thì không phải một đảng cộng sản như Việt Nam”.

Đây là mặt trái trong quan hệ 2 đảng cộng sản mà người dân Việt Nam phải nhận thức khi bàn đến chuyện kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, giáo sư Decastro nói tiếp:

Lại nữa, Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển hoặc Tòa Trọng Tài Thường Trực không giải quyết vấn để chủ quyền, vì thế nguyên đơn phải minh định những hạng mục nào  trong hồ sơ kiện tụng. Philippines được nghe phán quyết là đường lưỡi bò Trung Quốc vạch ra, trong  đó có hải phận của Phi, là không đủ chứng cứ lịch sử lẫn cơ sở pháp lý để xác minh thuộc về Hoa Lục. Nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ càng và cứ đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thì e rằng sẽ không đi tới đâu trong lúc Trung Quốc chắc chắn sẽ không theo vụ kiện”.

Điều này được tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bổ sung :

Việt Nam cần làm giống Philippines tức là vận dụng Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển thôi. Chứ còn bây giờ kiện Trung Quốc về mặt chủ quyền thì không có tòa nào xử thấu đáo được. Khẳng định chủ quyền thì khẳng định chứ không xử được, chỉ có mỗi Tòa Hình Sự Quốc Tế xử thôi và sẽ kéo dài vĩnh viễn. Philippines không kiện về chủ quyền mà kiện để Tòa PCA ra phán quyết là Trung Quốc không có chủ quyền ở trong đường lưỡi bò đấy”.

Cái khó của Việt Nam hiện nay, theo nhà nghiên cứu độc lập Trương Nhân Tuấn ở Pháp, là Trung Quốc ngày càng lộ rõ khuynh hướng giải quyết tranh chấp về chủ quyền bằng sức mạnh.

Công hàm gần đây của Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc, ông nói, phản biện lập luận về chủ quyền của Viết Nam ở Hoàng sa và Trường Sa, cho thấy Trung Quốc có thể sử dụng mọi phương cách để dành lấy chủ quyền gọi là không cần tranh cãi của họ trên Biển Đông.

Theo Giáo sư Renalto Decastro, đại học De La Salle ở Philippines, quyết định Việt Nam dám hay không dám kiện Trung quốc hoàn toàn nằm trong tay đảng cộng sản Việt Nam chứ không nằm trong tay Nhà Nước Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.