Việt Nam có quá tự tin tuyên bố sẽ không còn người nhiễm COVID – 19 vào tuần tới?

RFA
2020.02.20
2020-02-20T145403Z_178218298_RC2E4F9ZF08Q_RTRMADP_3_CHINA-HEALTH-VIETNAM Tài xế mặc đồ bảo hộ đã kiểm tra giấy tờ trước khi qua biên giới tại cửa khẩu Hữu Nghị nối với Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/2/2020.
Reuters

Sau khi cho xuất viện bệnh nhân thứ 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm virus COVID – 19, giới chức y tế Việt Nam tự tin nói với báo giới rằng tuần tới Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân nào nhiễm virus này. Phát biểu đầy tự tin của giới chức y tế Việt Nam không làm người dân và các chuyên gia y tế khác yên tâm về thực trạng kiểm soát bệnh dịch ở Việt Nam.

Nhận xét về phát biểu của ông Lương Ngọc Khuê, dưới góc nhìn cá nhân, anh Hưng – một người dân hiện đang ở Đà Nẵng bày tỏ:

“Tôi chỉ cảm nhận không biết Việt Nam dựa trên những tổng kết nào từ ngành y tế. tuyên bố như vậy thực ra chúng tôi rất muốn tin như vậy, cũng muốn có những thông tin tốt về việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, có điều thông tin xác đáng và mang lại lạc quan đúng đắn cho người dân tôi nghĩ tôi chưa xác tín được. Bản thân những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, những địa phương như Sài Gòn, Hà Nội thì khả năng lây nhiễm vẫn còn chứ không phải không.”

Tuyên bố như vậy thực ra chúng tôi rất muốn tin như vậy, cũng muốn có những thông tin tốt về việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, có điều thông tin xác đáng và mang lại lạc quan đúng đắn cho người dân tôi nghĩ tôi chưa xác tín được. -Hưng

Bạn Hương, một người dân khác đang sống và làm việc tại Sài Gòn lại cho rằng:

“Thực ra tôi nghĩ sẽ nhiều (người nhiễm) hơn nhưng có thể chưa phát hiện hoặc có thể phát tán thông tin vì không muốn dân loạn. Chỉ mười mấy người (nhiễm bệnh) thôi mà đã xếp hàng mua khẩu trang kiểu đó nên sẽ không kiểm soát được nếu nói ra sự thật. Vì vậy phát biểu như vậy chỉ để trấn an dân.”

Dịch bệnh COVID – 19 xuất phát từ Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra khắp thế giới với hơn 75.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.100 cả tử vong, chủ yếu là tại Trung Quốc.

Việt Nam là nước có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng cho đến giờ mới chỉ phát hiện được 16 ca dương tính với virus COVID – 19. Tuy nhiên, giới chức chính phủ thừa nhận trong các tuần qua, hàng ngàn người Trung Quốc và Việt Nam từ Trung Quốc đã vào Việt Nam và phải theo dõi, cách lý. Một số tỉnh thành ở Việt Nam đã phải lập các bệnh viện dã chiến lên đến hàng trăm giường bệnh.

Với kinh nghiệm từng làm Bộ Y tế về vệ sinh dịch tễ và vaccine, Bác sĩ - Tiến sĩ Trần Tuấn nhận định:

“Tôi nghĩ việc này phải xem xét xem liệu ông Khuê phát biểu như thế có dựa trên thông tin nào khác về hoạt động giám sát trong thời gian vừa qua cũng như hiệu quả của hệ thống này để có thể dự đoán chắc chắn nguy cơ xuất hiện không còn bệnh nhân nữa trong tuần tới hay không.”

Giao thương bình thường với Trung Quốc trong mùa dịch

Để phòng dịch bệnh lây lan, từ đầu tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế luồng người đến từ Trung Quốc bao gồm ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, ngưng cấp visa điện tử cho khách từ Trung Quốc.

Hôm 19/2, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị phía Việt Nam sớm để cho người Trung Quốc ra vào Việt Nam bình thường như trước kia.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/2 cho biết Việt Nam không đóng cửa hay tạm dừng hoạt động thương mại với Trung Quốc ở biên giới mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Việt Nam chỉ đóng tạm các lối mở, đường mòn không chính thức giữa hai bên. Những người từ Trung Quốc vào Việt Nam phải chịu cách ly 14 ngày.

Với loại dịch này, làm đúng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể nguy cơ dịch rất thấp. Nhưng nếu sàng lọc và giám sát dịch không tốt thì thực sự lại là nguy cơ để cho dịch phát tán trở lại. - BS.Trần Tuấn

Bên cạnh đó, Đà Nẵng và Huế vẫn đang tiếp tục đón các tàu du lịch nước ngoài với hàng trăm khách vào thăm giữa mùa dịch COVID-19, sau khi tỉnh Quảng Ninh trước đó đã từ chối hai tàu du lịch nước ngoài khác vì sợ bệnh dịch lây lan.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hầu hết các hành khách trên hai tàu này đến tứ Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, hoàn toàn không có du khách Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã tiến hành kiểm dịch y tế cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có nhu cầu lên bờ và không có trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, cũng trong ngày 20/2, cảng hàng không thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Đắk Lắk, đang sẵn sàng tiếp nhận 630 công dân Việt Nam trở về nước từ vùng dịch COVID-19 ở Trung Quốc.

Nhiều người dân bày tỏ lo ngại trước những thông tin vừa nêu vì sợ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vẫn còn tiềm tàng trước đây nay lại được tăng cao hơn thông qua việc mở cửa của chính phủ. Anh Hùng cho biết:

“Với tư cách một người dân tôi nghĩ chính phủ nên hy sinh quyền lợi kinh tế để tuyên bố đóng cửa hẳn, không nên tiếp nhận du khách nước ngoài nữa.”

Dưới góc nhìn khoa học, bác sĩ Trần Tuấn giải thích:

“Sẽ không sợ lây nhiễm nếu Việt Nam đảm bảo tốt tối thiểu hai điều kiện. Thứ nhất là hệ thống sàng lọc người nhiễm, người có triệu chứng lâm sàng được làm chặt chẽ đối với du kahcsh, nhất là từ Trung Quốc sang. Đặc biệt làm tốt với bộ phận đi từ Vũ Hán, Hồ Bắc trở về vì có nguy cơ khá cao. Thứ hai là phải đảm bảo tất cả mọi cá nhân từ Trung Quốc sang cũng như người Việt Nam sang Trung Quốc rồi trở về phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong thời gian quy định 14 ngày. Nếu 2 điều kiện này được làm tốt thì hệ thống giám sát dịch, hệ thống sàng lọc ở các cửa khẩu, đường biên cũng như hàng không, đường thủy, đường bộ và hệ thống giám sát theo dõi sau khi vào đất nước thì nguy cơ lây nhiễm có thể khống chế được vì khoa học cho phép đánh giá rằng với loại dịch này, làm đúng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể nguy cơ dịch rất thấp. Nhưng nếu sàng lọc và giám sát dịch không tốt thì thực sự lại là nguy cơ để cho dịch phát tán trở lại.”

Vẫn theo Bác sĩ Tuấn, trong thời gian sắp tới, khả năng xuất hiện người dương tính với dịch bệnh vẫn có khả năng xảy ra, nhưng số lượng rất thấp và không đến mức quá đáng ngại bởi vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do thời gian ủ bệnh đã qua, dịch chưa lên đến đỉnh hoặc lên đến đỉnh nhưng chưa bùng phát được. Thứ hai là do điều kiện khí hậu nắng, nóng, không thuận lợi để virus phát triển, thời điểm này trở đi càng bất lợi cho virus. Thứ ba là virus lây lan muốn phát triển dựa vào hệ thống vệ sinh của người dân. Thời gian vừa qua thông tin về vệ sinh phòng dịch rất tốt, tạo ra sự nhận thức của người dân giúp hạn chế dịch phát triển.

Vẫn theo ông, việc quan trọng nhất người dân cần làm hiện nay là không nên để bản thân bị áp lực vì virus, vì stress không giúp ích được cho khả năng miễn nhiễm và đề kháng của cơ thể.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 17/2 về phòng chống dịch COVID -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, đang làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời cũng kêu gọi người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.