Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận xét về Trung Quốc và vấn đề biển Đông
2016.06.06
Vấn đề Biển Đông lại trở thành đề tài nóng ở Đối thoại Shangri-la vừa kết thúc vào ngày hôm qua 5 tháng 6.
Việc đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo như thế có hứa hẹn những chuyển biến tích cực gì cho tình hình tranh chấp lâu nay là nội dung cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn ngày 3 tháng 6.
Gia Minh: Có thể đánh giá Trung Quốc đã thành công khi đặt những sự việc đã rồi không?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi tán thành với anh. Năm 1974 khi Trung Quốc chiếm phần còn lại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước sự phản kháng mạnh mẽ của Việt Nam Cộng Hòa và một số nước nhưng rồi từ từ Trung Quốc cũng xác lập vùng chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa đến nay hơn 40 năm.
Trong cuộc chiến ngăn chặn ảnh hưởng, sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông thì không thể một hai Shangri-la có thể giải quyết được.
- Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Rồi vấn đề Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép 7 cụm đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam xong biến chúng thành các đảo nhân tạo; Mỹ, Nhật cũng lên tiếng và Liên hiệp quốc cũng cảnh báo…; và việc tôn tạo đó cũng ‘là sự đã rồi’. Rồi tiến đến Trung Quốc đưa máy bay quân sự, đưa tàu và đưa các lực lượng dân sự chuyển đến sinh sống trên các đảo này thì cũng là sự đã rồi và cũng không thấy có sức mạnh nào kiềm chế hành động của Trung Quốc. Do đó Trung Quốc cảm thấy rằng quốc tế đã bất lực trước hành động của mình, vì Trung Quốc bao giờ cũng cho đồng tiền đi trước với lợi thế là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Do đó trong cuộc chiến ngăn chặn ảnh hưởng, sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông thì không thể một hai Shangri-la có thể giải quyết được mà đây là sự quyết tâm, sự đồng lòng của các siêu cường trên thế giới, của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Gia Minh: Mới ngày hôm qua (2/6), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, cho biết vào ngày 9 tháng 6 tại Hạ Long sẽ có cuộc họp cấp cao ASEAN - Trung Quốc về việc thực hiện DOC (Tuyên bố các bên về ứng xử tại Biển Đông). Là một nhà nghiên cứu thì ông thấy có thêm một hoạt động như thế nữa sẽ có tín hiệu gì cho tình hình tại Biển Đông?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Nếu Trung Quốc đồng ý họp với ASEAN về Tuyên bố Ứng xử tại Biển Đông cũng chỉ nhằm hòa hoãn và kéo dài thời gian mà thôi. Còn COC (Bộ Quy tắc về ứng xử tại Biển Đông) thì tương lai rất mù mịt, vì các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, bao giờ cũng yêu cầu giữ nguyên trạng, không làm phức tạp tình hình, không đe dọa, không dùng vũ lực; nhưng nguyên trạng là nguyên trạng lúc nào, nguyên trạng của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, hay là nguyên trạng về thể hiện chủ quyền, quá trình thực hiện chủ quyền, hay là nguyên trạng ‘ở đâu, ở đó’ như tình hình hiện nay mà Trung Quốc mong muốn?
Gia Minh: Ông cũng có ý kiến Liên hiệp quốc phải tham gia vào vấn đề này, và người ta dự đoán Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế trong thời gian sắp đến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện do Philippines đệ nạp hồi đầu năm 2013. Thế nhưng có những diễn tiến như Đài Loan vừa lên tiếng, rồi Philippines có tổng thống mới mà đường lối có vẻ khác với vị tiền nhiệm; tất cả những điều đó có ý nghĩa gì trong tình hình hiện nay?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Trước hết nói về thái độ của tân tổng thống Philippines muốn hòa hoãn, muốn đối thoại với Trung Quốc, tôi cho rằng đây là một bước lùi trong đường lối đấu tranh của Philippines với Trung Quốc.
Còn vấn đề Tòa sắp sửa phán quyết về đơn kiện của Philippines thì tôi nghĩ rằng có khả năng tòa cũng sẽ tuyên bố đường lưỡi bò ‘vô giá trị’. Bao nhiêu đó cũng đủ để Trung Quốc mất mặt trên thế giới dù Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không thực hiện phán quyết của Tòa.
Nhưng đây là dịp may để chúng ta đấu tranh chính trị và đấu tranh pháp lý trên toàn thế giới để cho cộng đồng trên toàn thế giới thấy được bộ mặt thật của Trung Quốc.
Còn nói đối với Liên hiệp quốc, hay cụ thể là Hội Đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì chúng ta thấy có hai nhân tố: Trung Quốc và Nga là thành viên Hội Đồng Bảo an; mà Nga bao giờ cũng đứng ngoài ‘tọa sơn quan hổ đấu’ tìm cho mình cái lợi nhiều nhất. Nga có quyền phủ quyết cũng như Trung Quốc nên vấn đề tiếng nói của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ cũng dừng lại ở mức độ ‘bảo vệ hòa bình, tránh chiến tranh, không đe dọa sử dụng vũ lực’… dù có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay muốn đấu tranh chặn đứng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là các nước ASEAN phải nhất trí, phải quyết tâm cùng thống nhất phương án đấu tranh; còn nếu cứ để Trung Quốc xé lẻ ra từng nước - quan điểm của Lào, quan điểm của Campuchia, quan điểm của Philippines như hiện nay, thì Biển Đông mất về tay Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian!
Gia Minh: Như vậy không có gì sáng sủa lắm. Trong thực tế vừa rồi Lào cũng tuyên bố nên đàm phán song phương, Campuchia đường lối của họ lâu nay cũng như vậy; khả năng đoàn kết ASEAN theo ông thấy ra sao?
Muốn đấu tranh chặn đứng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là các nước ASEAN phải nhất trí, phải quyết tâm cùng thống nhất phương án đấu tranh.
- Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Là một người nghiên cứu về ASEAN trong mấy mươi năm qua, tôi thấy ASEAN không phải như Châu Âu, không phải như Bắc Mỹ, không phải khối NATO. Trong lòng bản thân các nước ASEAN có quá nhiều mâu thuẫn và xung đột giữa các quốc gia với nhau.
Có một điều cụ thể chúng ta nhìn thấy trong hơn 40 năm hình thành và phát triển của ASEAN chưa có một công trình, chưa có một thành tựu nào mang dáng dấp của ASEAN, có hay chăng chỉ là từng nước ASEAN riêng biệt; do đó đừng mong ASEAN trong một sớm một chiều đoàn kết, nhất trí để đối phó lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Vì họ cần ổn định chính trị, họ cần phát triển kinh tế mà hiện nay người ra tay đầu tư, đổ tiền cho họ nhiều nhất là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Chính vì vậy, ASEAN sẽ bị xé lẻ, ASEAN sẽ tiếp tục mất đoàn kết và ASEAN sẽ không có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
Gia Minh: Theo ông thì thái độ của Việt Nam trong thời gian sắp đến phải thế nào để có thể giữ được những cái có thể giữ?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Tôi nghĩ chiến lược của Việt Nam hiện nay là đi luồn lách giữa các thế lực siêu cường trên thế giới để giữ vững những phần đất chưa mất và tìm cách đấu tranh pháp lý với Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ những biện pháp đó cũng chưa phải là biện pháp tối ưu.
Tôi mong muốn rằng Nhà nước Việt Nam phải xác định được Trung Quốc là ai? Bạn hay thù! Nếu xác định được bạn hay thù thì mới có được một đối sách hoàn toàn hữu hiệu với Trung Quốc; nhất là nếu trong thời gian gần tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không; thậm chí dẫn đến vùng cấm bay, thậm chí đe dọa tất cả các tàu thuyền của Việt Nam di chuyển trên Biển Đông và trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì lúc đó bạn - thù sẽ rõ và lúc đó sẽ dễ có phương pháp đối phó với Trung Quốc hơn.
Gia Minh: Cám ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.