Lãnh đạo chỉ nói ‘ngượng’ có đủ giúp VN gỡ thẻ vàng IUU?

0:00 / 0:00

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn – Phùng Đức Tiến, tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác trái phép, không báo cáo và không được quản lý - IUU ngày 21/5/2024 đã nói: ‘ngượng với địa phương vì hướng dẫn chống khai thác IUU nhiều mà chưa hiệu quả’.

Một người sinh sống tại thành phố biển miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 22/5/2024 nhận định với RFA:

“Nói ‘ngượng’ chỉ là ngụy biện về việc quản lý kém hiệu quả khai thác IUU. Hiện nay, tàu cá nào mà không gắn hệ thống định vị toàn cầu. Họ đánh bắt hải sản ở đâu, có xâm phạm hải phận nước khác không,...thì qua VMS là biết. Nếu tàu đánh cá vi phạm, khi về đến cảng là cơ quan chức năng bắt, phạt tịch thu tàu vì cảng nào cũng có đồn biên phòng. Không thể tuyên truyền suông suông được mà bên cạnh tuyên truyền cần phải có giải pháp mạnh!

Quản lý đất nước nói chung, từng lĩnh vực nói riêng ko thể chung chung được mà phải có chế tài thật mạnh mẽ thì mới mong các đối tượng bị quản lý chấp hành tốt luật pháp được!”

Nói 'ngượng' chỉ là ngụy biện về việc quản lý kém hiệu quả khai thác IUU.
-Một người dân miền Trung

Ủy Ban Châu Âu EC vào ngày 23 tháng 10 năm 2017 đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Từ lúc đó đến nay EC đã bốn lần qua Việt Nam kiểm tra việc cải thiện tình trạng này của Việt Nam. Mới nhất là vào tháng 10 năm 2023, khi đó đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Tuy nhiên trong kỳ kiểm tra thứ tư, EC cho rằng, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế ở địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

Một ngư dân ở Quảng Nam khi trả lời RFA cho biết những khó khăn khi đi đánh bắt:

“Khó khăn thứ nhất là bây giờ ngư trường hạn hẹp, và tổn phí cao… mà đi thì đi lâu ngày… mà tàu nhiều lúc mình không xâm phạm… mà họ nói mình xâm phạm… rồi họ bắt mình dắt về bên đó…”

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, khi trả lời RFA liên quan việc này cho biết:

“Khi đã trang bị máy định vị thì đi đâu phải mở ra. Ở nhà có cái trạm gọi là ‘trạm bờ’ là người ta quan sát được hết những tàu đó đi đâu. Tàu nào mà vi phạm thì cơ quan kiểm soát gọi điện cảnh báo ngay. Đó là biện pháp chống khai thác ra vùng biển nước ngoài.”

Tuy nhiên theo ông Hoàng, chỉ có những tàu lớn của công ty lớn khi về có người thu mua, cơ quan giám sát, thì mới xác nhận được khối lượng. Chứ còn ngư dân thì chỉ được phát cho sổ nhật ký để ghi đánh bắt vùng nào, ở tọa độ nào, giờ nào… Nhưng theo ông Hoàng, biện pháp thủ công như vậy thì khó có thể kiểm soát toàn diện.

b0c0155a-04f7-4c8a-8368-75443cd88719.jpeg
Cảnh sát biển Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18 tháng 4 năm 2020. AFP.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22/5/2024, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định:

“Thẻ vàng châu Âu mang tính chất hơi chung chung, nói là xây dựng đánh bắt hợp pháp, mà pháp thì có hai phần… Một là công pháp quốc tế là không đánh bắt trong lãnh thổ nước khác, và pháp thứ hai là luật pháp Việt Nam trong việc bảo đảm tài nguyên có trách nhiệm và lâu dài. Hai cái pháp đó, ngay cả công pháp cũng không rõ ràng, vì đôi khi có vùng lãnh thổ chồng lấn nhau. Còn luật pháp Việt Nam về đánh bắt cũng mới xây dựng và vẫn còn bất cập. Bởi vì có những vấn đề mà khi thực tế khai thác không phải bao giờ cũng đúng như quy định pháp luật.”

Theo ông Lĩnh, luật pháp muốn phản ánh đầy đủ và khách quan cần một quá trình dài với nhiều lần điều chỉnh. Trong khi đó Việt Nam điều chỉnh một cách chưa thật sự hoàn thiện. Ông Lĩnh nói tiếp:

“Mặt khác, để có thể chấp hành được công pháp lẫn pháp luật Việt Nam thì phải có điều kiện và phương tiện của những người chấp hành luật pháp, gồm phương tiện đánh bắt và phương tiện kiểm soát. Và cái khó nhất vì đây là ngành nghề kiếm ăn, ngư dân phải sống được… Có nhiều cái bất hợp lý, ví dụ như Việt Nam phân định ‘vùng khơi’ và ‘vùng lộng’, rồi ‘đi khơi’, ‘đi lộng’… một cách chủ quan. Ví dụ có những con hải sản ở vùng lộc như con cá cơm, khi xuất hiện với số lượng rất lớn, chỉ đánh bắt bằng tàu ven bờ thì đánh không hết, thì những tàu lớn cũng vào đánh bắt vì kiếm sống mà, như vậy là họ phải tắt định vị, và đó là vi phạm luật pháp.”

Theo tôi tốt nhất là Việt Nam nên hoàn thiện luật pháp và khai thác phù hợp với điều kiện Việt Nam, trang bị cho người dân và trang bị cho cơ quan công quyền những thiết bị để họ có thể chấp hành luật pháp và luôn luôn cập nhập...
-Ông Trần Văn Lĩnh

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết lý do vì sao việc kiểm soát tại cảng của cơ quan chức năng không thật sự hiệu quả:

“Hiện nay giá dầu cao, ngư dân khi vào bờ thì đôi khi chỗ nào bán được thì họ bán thôi. Trong khi đó chỉ cảng cá có chức năng quản lý, có thiết bị kiểm soát… Mặt khác, hiện nay mình vẫn chưa thực hiện nhật ký số, nhật ký khai thác vẫn phải chép tay… Luật pháp đã không cập nhật và điều kiện chấp hành luật pháp cũng kém, cho nên bảo gỡ thẻ vàng là điều rất khó.”

Về phía Việt Nam theo ông Lĩnh, không nên quá phụ thuộc vào việc gỡ thẻ vàng hay không, mà phải coi thẻ vàng như một cái để thức tỉnh, để cả nhà nước lẫn nhân dân đều phải cố gắng xây dựng một ngành đánh cá mang tính bền vững, có trách nhiệm với tương lai, bảo vệ tốt môi trường, cũng như vùng lãnh thổ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Lĩnh nói tiếp:

“Đó là một việc làm lâu dài mà vẫn phải làm, dù gỡ được thẻ vàng hay không, cho nên đừng nôn nóng, đừng ai cảm thấy mình có lỗi lầm khi chưa thể gỡ thẻ vàng. Theo tôi tốt nhất là Việt Nam nên hoàn thiện luật pháp và khai thác phù hợp với điều kiện Việt Nam, trang bị cho người dân và trang bị cho cơ quan công quyền những thiết bị để họ có thể chấp hành luật pháp và luôn luôn cập nhập, luôn luôn sửa đổi luật một cách tốt nhất.”

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm ba tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất sáu tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”.