Nhà văn người Hong Kong Kim Dung qua đời vào cuối tháng 10/2018 làm tốn nhiều bút mực của báo chí nhà nước lẫn mạng xã hội. Đa số ca ngợi ông, một trong những tác giả được đọc nhiều nhất tại miền Nam Việt Nam trước 1975, vào 25 năm sau đó, dù có ít hơn, trên toàn cõi Việt Nam khi tác phẩm của ông được chính thức cho phép xuất bản tại Việt Nam.
Được người Việt Nam đọc nhiều như vậy, thì liệu Kim Dung có ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ, lối sống, tình cảm, quan niệm chính trị của người Việt Nam hay không?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người từng tham gia những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Sài Gòn trước 1975, và những cuộc biểu tình sau này chống Trung Quốc cũng như một số chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam, cho rằng ảnh hưởng của Kim Dung lên người đọc Việt Nam như thế nào thì cần phải có những nghiên cứu mới biết được, nhưng đối với ông thì ảnh hưởng đó là có.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh tiếp xúc với Kim Dung khi đã trưởng thành, cho nên ông cho rằng Kim Dung không tác động đến sự hình thành tính cách của ông bao nhiêu, nhưng những cố súy của Kim Dung trong việc dấn thân vào cuộc chiến chính tà cũng giúp ông làm nhiều việc xã hội trong cuộc đời ông. Theo ông Chênh, ngoài giá trị giải trí, Kim Dung còn đem đến cho người đọc những tư tưởng Phật giáo xuyên suốt những tác phẩm của ông.
Tác phẩm của Kim Dung dựa trên những biến cố, triều đại, nhân vật lịch sử của Trung Quốc, và rất nhiều những câu chuyện đó được viết trên mối quan hệ giữa Trung Nguyên và các dân tộc xung quanh, trong một thế giới gọi là Trung Hoa rất rõ ràng.
Người đọc Việt theo đó có thể yêu Trung Quốc hơn, ít chống Trung Quốc hơn hay không?
Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng đó là hai chuyện khác nhau. Đối với ông yêu văn hóa Trung Quốc, một nhà văn của nền văn hóa đó như Kim Dung, đối với người Việt Nam là chuyện bình thường, bình thường đối với một nước Việt Nam đã có hơn 60% từ ngữ là từ tiếng Hán. Nhưng chuyện chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc lại là chuyện khác. Ông còn nhấn mạnh đến nguyên nhân của tình cảm chống Trung Quốc ở miền Nam Việt Nam trước kia là do ý thức hệ.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng đồng ý như vậy, ông cho rằng thế giới tiểu thuyết của Kim Dung có thể làm người ta yêu văn hóa Hoa Hạ của Hán tộc, nhưng thế giới thực thì khác, trong đó có một nước Trung Quốc bá quyền thì người Việt Nam phải chống.
Kim Dung là người Trung Quốc, nhưng ông còn là người Hong Kong, cựu thuộc địa của nước Anh, nơi mà người Trung Quốc làm quen và sau đó được giáo dục trong những tư tưởng mới từ phương Tây, trong đó có nữ quyền và sự bình đẳng.<br/>-Ông Hồ Như Ý.
Nhà văn Nguyễn Viện, cũng như nhiều nhà quan sát khác cho rằng tác phẩm của Kim Dung có nhiều tiến bộ trên phương diện xã hội đối so với văn hóa cổ điển của người Trung Quốc nói chung. Các nhân vận phụ nữ được coi trọng trong tác phẩm của Kim Dung trái với quan niệm trọng nam kinh nữ của nền văn hóa Khổng giáo. Các nhân vật không phải Hán cũng được tôn trọng chứ không bị xem là man di mọi rợ như văn học cổ điển Trung Quốc.
Giải thích điều này, ông Hồ Như Ý, tốt nghiệp Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng mặc dù Kim Dung là người Trung Quốc, nhưng ông còn là người Hong Kong, cựu thuộc địa của nước Anh, nơi mà người Trung Quốc làm quen và sau đó được giáo dục trong những tư tưởng mới từ phương Tây, trong đó có nữ quyền và sự bình đẳng.
Theo quan sát của ông Hồ Như Ý, người lớn lên ở miền Bắc Việt Nam, thì sự tiếp nhận tiểu thuyết Kim Dung tại miền Nam Việt Nam mạnh hơn ở miền Bắc, ngay cả sau khi nước Việt Nam cộng sản cho phép xuất bản truyện Kim Dung trên toàn cõi Việt Nam, lý do là Kim Dung đã có sẳn ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam. Những người lớn lên ở miền Bắc làm quên Kim Dung chủ yếu qua phim ảnh Hong Kong, Trung Quốc sau này.
Tuy vậy cũng có những trường hợp cá biệt, ví du như cây bút Võ Văn Quản, lớn lên ở miền Bắc sau năm 1975, viết trên trang Luật khoa rằng những thông điệp chính trị trong tác phẩm của Kim Dung ảnh hưởng nhiều đến tác giả trong những hoạt động xã hội chống cường quyền. Ông nêu ví dụ nhân vật Đông Phương Bất Bại trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, chính là hình ảnh châm biếm mà Kim Dung dùng để ám chỉ Mao Trạch Đông, để đả phá lề thói sùng bái cá nhân vô lối của các xã hội cộng sản.
Nhưng cũng trên phương diện chính trị, Kim Dung cũng bị nhiều chỉ trích, quan trọng nhất là thái độ không nhất quán của ông đối với nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh. Ông Hồ Như Ý nêu ra ví dụ rằng nhà văn Kim Dung đã khóc và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh sau cuộc thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989, nhưng sau khi sách của ông được ấn hành ở Hoa lục thì ông đã tỏ thái độ hợp tác với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trong bài báo ra ngày 1/11/2018, sau khi ông Kim Dung qua đời, Tờ Bưu điện Hoa Nam cũng có nhắc lại sự kiện Thiên An Môn ảnh hưởng đến quyết định của ông từ chức thành viên ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho Hong Kong, nhưng sau đó ông hợp tác trở lại vào năm 1996 khi ông đồng ý gia nhập một ủy ban quan sát việc chuyển giao thuộc địa Hong Kong về cho Bắc Kinh.
Đánh giá về sự hấp dẫn của tiểu thuyết Kim Dung đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, nhà văn Nguyễn Viện và ông Hồ Như Ý đều cho rằng ảnh hưởng này không còn mạnh nữa, vì hoàn cảnh đã khác rất nhiều. Nhà nghiên cứu Biển Đông trẻ Lê Vĩnh Trương thì cho rằng ông không cảm thấy thoãi mái với thế giới mà nước Trung Hoa là trung tâm như trong những quyển tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.