Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình lại tiếp tục khẳng định không có án oan
2021.03.25
“Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật...”
Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định như vừa nêu khi báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ 2016-2021 trước Quốc hội khoá XIV hôm 25/3/2021.
Trong gần một năm qua, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhiều lần khẳng định không có án oan sai. Trong khi các luật sư và người dân đều cho rằng có rất nhiều án oan sai, trong đó có những vụ kéo dài từ nhiệm kỳ trước. Thậm chí truyền thông nhà nước Việt Nam cũng đã từng đăng tải nhiều vụ án oan sai. Vì sao một Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lại có thể nhiều lần nói sai sự thật như vậy?
Chuyện sai sót là chuyện con người, không có gì là lạ cả. Nếu ổng nói không có án oan sai thì ổng phải tự sờ lên gáy mình xem hiểu biết về con người của ổng như thế nào?
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 25/3, nhận định:
“Tôi nghĩ cũng không lạ lắm khi ông Nguyễn Hoà Bình nói như thế, bởi vì ổng từ Chánh án bây giờ lên Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì dễ hiểu thôi. Bởi vì họ phải nói dối như vậy, phải trơ trẽn như vậy. Nhiệm kỳ của ổng, tôi không biết ổng làm chánh án bao nhiêu năm, nhưng theo tôi không có tòa án nào trên thế giới mà không có sai sót cả. Chuyện sai sót là chuyện con người, không có gì là lạ cả. Nếu ổng nói không có án oan sai thì ổng phải tự sờ lên gáy mình xem hiểu biết về con người của ổng như thế nào?”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người nhận thức về con người như vậy mà ngồi chễm chệ trên cái chỗ để định đoạt số phận những con người, thì hoàn toàn không thể ổn được. Ông A dẫn chứng:
“Những chuyện oan sai sờ sờ ra mà chính tòa án gọi là nhân dân này đã phải thừa nhận, đã phải xin lỗi... Từ những vụ ông Nén cho đến bao nhiêu vụ khác, nếu không phát hiện ra thì có khi đã tử hình lâu rồi, chí ít là ba bốn người như vậy. Rồi đến vụ Hồ Duy Hải chắc chắn là oan sai, vụ Đồng Tâm chắc chắn là oan sai... bởi vì khi xử án mà không bằng chứng hay không đầy đủ, chỉ dựa vào dụ dỗ hay tra tấn... rồi ép nhận tội, rồi nói như thế là không oan sai. Người làm tòa án thì phải hiểu về con người, nếu nói không oan sai thì tôi nghĩ ổng không đủ trình độ ngồi ở đó.”
Ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam khi hai lần bị kết án tử hình oan. Sau gần 17 năm ngồi tù oan ông mới được thả và minh oan sau khi Công an tỉnh Bình Thuận tìm ra hung thủ giết người.
Trong phiên xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra vào ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 29 người trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Trong đó, có 2 người bị tuyên tử hình là hai con trai Cụ Kình : Lê Đình Công và Lê Đình Chức, một người nhận án chung thân là cháu cụ Kình: Lê Đình Doanh. Các bị cáo còn lại nhận án từ 15 tháng tù treo đến 16 năm tù giam.
Tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 tuyên y án đối với sáu người có kháng cáo các bản án sơ thẩm. Trong số này có cả hai người bị y án tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức.
Ông Quang Hữu Minh, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 25/3 với tư cách một người dân am hiểu pháp luật, nói:
“Ngành tòa án do ông Nguyễn Hòa Bình đứng đầu nhiều lần ra nhiều bản án không đúng sự thật khách quan của vụ án. Trong suốt quá trình ông Nguyễn Hòa Bình luân chuyển và thăng tiến qua các chức vụ, đều gắn với vụ án Hồ Duy Hải chấn động dư luận. Bây giờ ông Nguyễn Hòa Bình có lẽ đã quên Hồ Duy Hải rồi... thành ra ông Nguyễn Hòa Bình nói như vậy không chính xác. Bản thân tôi đi làm gặp nhiều người đều đánh giá bản án đó không công bằng, không thuyết phục, cả giới luật sư và dân đều nói. Còn nhiều vụ án dưới thời ông giờ còn đang tồn đọng, nhân dân kêu oan rất nhiều. Ông Nguyễn Hòa Bình nếu được nên mở hồ sơ vụ Hồ Duy Hải ra xem xét lại, thì mới đúng với lời ông nói.”
Vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua được dư luận rất quan tâm. Anh Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, trong các phiên tòa được các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.
Lần gần đây nhất khi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan là vào ngày 12/1/2021, khi ông báo cáo về công tác của các Toà án.
Nhiều vụ án dưới thời ông giờ còn đang tồn đọng, nhân dân kêu oan rất nhiều. Ông Nguyễn Hòa Bình nếu được nên mở hồ sơ vụ Hồ Duy Hải ra xem xét lại, thì mới đúng với lời ông nói.
-Ông Quang Hữu Minh
Trả lời RFA từ Sài Gòn khi đó, Luật gia Phạm Công Út, cho rằng:
“Nói là không có án oan là nói theo kiểu chủ quan của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Nếu nói nhiệm kỳ qua của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì tôi thấy có ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng ở huyện Tuy Đức, hai vợ chồng đều bị oan. Ngành tòa án phải xin lỗi, và vừa rồi phải tạm ứng tiền bồi thường, và đang trong quá trình giám định thiệt hại, thương lượng bồi thường, đó là việc tôi biết và có trực tiếp tham gia trong việc bồi thường án oan.”
Như vậy nói không có án oan theo ông Út là không đúng, vì việc ông Võ bà Thưởng cách nay 2 năm rơi đúng nhiệm kỳ ông Nguyễn Hòa Bình.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA hôm 25/3 một lần nữa cho rằng, dường như ông Nguyễn Hòa Bình không nắm được về tình hình xét xử vụ án hình sự:
“Trong nhiều năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ án oan sai, hơn nữa những vụ án oan sai đã từng được thừa nhận, báo chí đưa tin rộng rãi. Không hiểu tại sao ông lại nói tòa án chưa bao giờ có vụ oan sai như vậy. Đơn cử như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long, khá nhiều, trước mắt tôi chưa kể được nhưng thống kê thì xấp xỉ 10 vụ.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, trong những vụ án mà ông tham gia bào chữa, đa phần trong đó liên quan đến tội danh xâm phạm an ninh quốc gia... thì ông thấy hầu hết đều có dấu hiệu oan sai kiểu này hoặc kiểu khác. Mới đây nhất là vụ án Đồng Tâm, mặc dù không phải vụ án chính trị, nhưng theo Luật sư Mạnh cũng có thể coi đó là vụ án oan sai, thậm chí ở mức độ khá nặng nề khi khá nhiều quy định tố tụng đã không được bảo đảm về việc thực hiện điều tra...