Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TPHCM), ông Nguyễn Thành Phong vào cuối tháng 2 vừa qua đã ký văn bản khẩn, chỉ đạo các lãnh đạo cũng các ban ngành liên quan nhằm tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn.
Theo tin báo Nhà nước Việt Nam trích dẫn văn bản và đăng tải, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, về lâu dài giao Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các sở Văn hóa – Thông tin, Công thương, Tư pháp khẩn trương nghiên cứu và trình ông Nguyễn Thành Phong trước ngày 31/3.
Nói rõ hơn về nội dung văn bản, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, cho RFA biết vào tối 1/3 như sau:
“Tôi thấy trong Luật bảo vệ môi trường thì việc xử lý những tiếng ồn có quy định rồi, vấn đề là mình có xử lý nghiêm hay không.
Thành phố trước mắt đề nghị các địa phương, đặc biệt là công an thành phố giao cho trách nhiệm của trưởng công an ở phường, xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo phòng ngừa, nếu phát hiện xử lý theo các quy định.
Ví dụ như anh gây ra tiếng ồn thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn có quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt có thể lên đến từ 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm về những mâu thuẫn, tranh chấp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến xóm làng.
Nếu không kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý thì sẽ xử lý cấp cán bộ ở đó và thường xuyên tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm tiếng ồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời tuyên truyền người dân nếu họ gây ra tiếng ồn như vậy là vi phạm pháp luật.”
Những người lao động bình dân không có gì giải trí thì tụ tập hát karaoke trong làng xóm, khu phố… gây ra tiếng ồn, làm người khác khó chịu. Người hát hay hay thì tàm tạm, còn người không biết hát như hét, tra tấn, ảnh hưởng rất nhiều. - Nhạc sĩ Lê Thiệu
Là một công dân thành phố lớn nhất phía Nam, Nhạc sĩ Lê Thiệu cho rằng việc giải quyết triệt để tình trạng hát karaoke gây ồn ào như hiện nay rất khó. Một lý do vì theo ông, bây giờ những micro, loa của Trung Quốc rất rẻ nên nhà nào cũng có thể mua. Bên cạnh đó, ông đưa thêm nguyên nhân:
“Những người lao động bình dân không có gì giải trí thì tụ tập hát karaoke trong làng xóm, khu phố… gây ra tiếng ồn, làm người khác khó chịu. Người hát hay hay thì tàm tạm, còn người không biết hát như hét, tra tấn, ảnh hưởng rất nhiều.
Cá nhân người ta không màng đến chuyện ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến lối xóm, khu phố, nói chung thiếu quy định an ninh nên điều đó mới xảy ra.”
Trong khi đó, bạn Khánh Duy, một du học sinh Mỹ đang ở Việt Nam tránh dịch COVID-19 lại có cách nhìn nhận khác, bạn chia sẻ qua Facebook Messenger như sau:
“Em nghĩ nếu có luật quy định cụ thể và có cơ quan chuyên trách thì sẽ giải quyết được. Bên đó (Mỹ) có luật là ngày thường sau 10 giờ tối, cuối tuần sau 11 giờ, nếu hàng xóm ồn sau giờ đó thì có một số điện thoại để gọi báo, cảnh sát sẽ đến.
Lúc em còn ở bên kia (Mỹ) thì ở gần nhà những người Mễ (Mexico), họ tụ tập ăn uống, mở nhạc rồi hát ầm ĩ ngoài vườn, có hôm tới sáng. Em có gọi vài lần vì ngay lúc học thi ồn quá không tập trung, thì cỡ 10-15 phút sau là thấy im ngay, có lúc im được một chút rồi nửa tiếng, một tiếng sau ồn lại thì em gọi tiếp.

Khi gọi thì bên phía nhận cuộc gọi có hỏi em muốn để tên em khi nói với nhà gây tiếng ồn hay không, có muốn cảnh sát tới nói chuyện với em hay không, hay chỉ đơn giản nói chuyện với chủ nhà bên kia kêu họ ngừng ồn. Tất cả đều có quy trình, đơn giản mà hiệu quả.”
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành luật, LS. Nguyễn Văn Hậu cho hay Sở Tài nguyên – Môi trường cũng có quy định nếu gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật, được quy định rõ trong Nghị định 155 ban hành ngày 8/11/2016 của Chính phủ.
Tuy nhiên, LS. Hậu nhận định rằng việc giải quyết tiếng ồn tại Việt Nam hiện nay không dễ dàng.
“Muốn xử phạt được thì phải đo được kết quả vượt quá quy định tiếng ồn. Quy trình xử lý vi phạm là khi nhận được tin báo của người dân thì các cơ quan có thẩm quyền cho xuống kiểm tra độ ồn, nếu đạt mức vượt quá quy chuẩn cho phép thì họ sẽ lập biên bản.
Mỗi lần đo tiếng ồn rất nhiêu khê vì phải đem rất nhiều dụng cụ cần thiết. Như vậy ta thấy rằng hành trình kiểm soát tiếng ồn thời gian qua khó ở chỗ đó, thậm chí không thể giải quyết dứt điểm được do không thể đo độ ồn âm thanh theo quy đinh.”
Từ thực tế vừa nêu, Nhạc sĩ Lê Thiệu cho rằng ngoài việc ban hành pháp luật, chính phủ cần phải có công tác tư tưởng đến người dân, nâng cao dân trí, chủ yếu là tầng lớp lao động, cho họ biết vẫn có thể vui chơi nhưng cần điều chỉnh âm thanh không phiền đến ai, vì nếu không sẽ gây nên những hệ lụy như:
“Hát ồn quá hàng xóm người ta ra nói lại cự cãi, gây gổ nhau, thậm chí đánh lộn hoặc chém nhau, đã có vài vụ chém nhau vì chuyện đó. Làm mất trị an xã hội rất nhiều, cái đó là thiếu văn hóa, xin lỗi nói thẳng là không được văn minh lắm do họ chỉ biết hưởng thụ.”
Phải nói rằng TPHCM có rất nhiều văn bản xử lý nhưng qua phản ánh của báo chí thì tôi thấy hiệu quả của việc chống tiếng ồn chưa cao. - LS. Nguyễn Văn Hậu
Được biết, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý về vấn đề tiếng ồn.
Cụ thể như Công văn số 16475 năm 2017 về việc tăng cường xử lý vi phạm các quy định về tiếng ồn để phòng ngừa phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự; công văn số 2635 năm 2019 về việc triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn và rải đinh, vật nhọn trên đường.
Bên cạnh đó, năm 2020 thành phố cũng ra Công văn số 195 về việc triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn. Ngoài ra còn nhiều công văn như Công văn số 1125, Công văn số 7902…
LS. Nguyễn Văn Hậu nhận định:
“Phải nói rằng TPHCM có rất nhiều văn bản xử lý nhưng qua phản ánh của báo chí thì tôi thấy hiệu quả của việc chống tiếng ồn chưa cao.”