Kim lại gặp Tập sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều

RFA
2018.06.19
AP_18164017390007 Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã tham gia lễ ký kết trong một cuộc họp trên đảo Sentosa, Singapore. Ảnh chụp ngày 12/6/2018.
AP

Đúng một tuần sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Singapore, chủ tịch Kim Jong-Un của Bắc Hàn lại sang Trung Quốc gặp chủ tịch Tập Cận Bình.

Cuộc gặp thượng đỉnh và những lời tán dương các bên

Tin cho biết chủ tịch Kim Jong-Un vào ngày 19 tháng 6 đáp chuyến bay đến Bắc Kinh và đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba của vị lãnh tụ trẻ Bắc Hàn sang đồng minh đàn anh chỉ trong vòng ba tháng.

Trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, chủ tịch Kim Jong-Un cũng phải sang Trung Quốc. Rồi khi đi Singapore dự thượng đỉnh, chính chuyên cơ của thủ tướng Lý Khắc Cường được dùng để đưa chủ tịch Kim Jong- Un đi.

Cái mưu của ông Kim, cái ngẫu hứng của ông Trump lại phải có một ông Moon đằm tính, thao thức về vận mệnh dân tộc như vậy thì mới ra được câu chuyện chúng ta đang bàn.
- TS. Đinh Hoàng Thắng

Đối với thượng đỉnh Trump - Kim, giới quan sát có hai luồng quan điểm: một bên cho rằng đó là thắng lợi ngoại giao vang dội, góp phần giải quyết một điểm nóng trên thế giới; một bên khác ngờ vực rằng, đây có thể chỉ là một vở diễn của các bên, kết quả sau đó sẽ chẳng đi đến đâu và có nguy cơ đổ bể như nhiều lần trước.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan có cách nhìn thận trọng hơn. Theo ông, muốn hiểu thực chất vấn đề xoay quanh cuộc gặp thì phải nhìn thấy cả hai mặt của câu chuyện và đi sâu phân tích quan hệ Mỹ - Triều.

“Chúng ta biết, cả Kim lẫn Trump đều là những con người của thời thế. Cả hai ông đã cùng tạo ra được chữ thời và cả hai ông đã lợi dụng tối đa chữ thời đó cho mục tiêu của mình.”

Ông Thắng đánh giá, ông Kim Jong Un là người khôn ngoan, biết tận dụng những gì mà cha ông để lại, có cách tiếp cận mới và tư duy đột phá, vượt qua được các định kiến, rào cản trong nội bộ chính quyền Bắc Hàn. Ông Trump cũng nhìn nhận, nhà lãnh đạo Bắc Hàn đàm phán giỏi, biết nghĩ đến lợi ích quốc gia và dân tộc.

“Thực ra thì không mấy ai để ý đến quá trình tự chuyển hóa, tự diễn biến của ông Kim. Ngay từ bài diễn văn đầu tiên đầu năm 2018, khi ông nói sẵn sàng mở cửa ra với thế giới. Lúc đấy chưa ai để ý cả.”

Giáo sư Trần Ngọc Vương đánh giá, Kim Jong Un là người tính toán xa, biết chớp cơ hội, có mưu lược và chính kiến để giải quyết vấn đề cụ thể. Ông Kim hành xử với Tổng thống Trump là có “bài bản và chiều sâu”. Theo GS. Vương, người đứng đầu Bắc Hàn đã nghĩ tới đời sống nghèo khổ của người dân, cần củng cố quyền lực của gia tộc đang trong cơn khủng hoảng và duy trì việc cai trị Bắc Hàn cần phải có “thế lực chính trị trong vòng rộng hơn”.

“Cái vòng rộng hơn ấy bây giờ bảo đảm cho nó được mấy cái - cái vật bảo đảm để nó củng cố cái đó. Thứ nhất là trong tay nó có vũ khí hạt nhân. Thứ hai, nó đang có toàn trị tuyệt đối. Thứ ba nữa là ngưỡng đón đợi của Thế giới đối với hành xử của nó.”

Cảnh sát Bắc Kinh hộ tống chiếc limousine được cho là đang chở nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. ảnh chụp ngày 19/6/2018.
Cảnh sát Bắc Kinh hộ tống chiếc limousine được cho là đang chở nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. ảnh chụp ngày 19/6/2018.
AP

TS. Đinh Hoàng Thắng nhìn nhận, những tính toán của Kim Jong - Un chỉ có thể hiện thực hóa khi người đối thoại là ông Donald Trump “ngẫu hứng” với mọi quyết định chính trị. Bên cạnh đó, vai trò của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In không hề nhỏ.

“Ta thấy chiến lược tạm “timing”, chiến lược gặp thời này, phải bắt được trúng ông Moon Jae In. Một con người như chính ông tự bộc bạch là thao thức suốt cả đêm trước cuộc gặp cấp cao (Trump – Kim) không ngủ được. Cái mưu của ông Kim, cái ngẫu hứng của ông Trump lại phải có một ông Moon đằm tính, thao thức về vận mệnh dân tộc như vậy thì mới ra được câu chuyện chúng ta đang bàn.”

GS. Trần Ngọc Vương nhìn nhận vai trò của Tổng thống Moon Jae In là rất lớn, bởi ý chí hòa hợp dân tộc, thống nhất bán đảo Triều Tiên. GS. Vương ghi nhận những việc làm của ông Moon là “vì dân, vì nước, ái quốc đích thực”.

“Cho nên cái sự thất vọng khi mà cuộc đàm phán, cuộc gặp thượng đỉnh có thể ngừng, thì một trong những người thất vọng bậc nhất là tổng thống Hàn Quốc, chứ còn Ủn thì không sợ gì, còn ông tổng thống kia thì sợ hãi. Nên nhớ rằng, giải quyết quan hệ nội bộ người bán đảo Triều Tiên, thì nó hoàn toàn chiếm thế thượng phong so với ông Ủn. Ấy thế nhưng trong mắt quốc tế, nó sẵn sàng lép vế đến tận cùng.”

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh và sau đó…

Bất chấp những căng thẳng và tranh cãi nảy lửa trước đó giữa ông Kim Jong-Un và ông Donald Trump kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, cuộc gặp thượng đỉnh được cho đã thành công và mang lại cho thế giới niềm hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Đối với một đất nước khép kín như Bắc Triều Tiên, những hình ảnh này thì rõ ràng triều đại của Kim ngày càng tỏ ra uy tín, tự tin vào vị thế của mình, cái tính chính danh đối với nhân dân mình.”

Cho nên cái sự thất vọng khi mà cuộc đàm phán, cuộc gặp thượng đỉnh có thể ngừng, thì một trong những người thất vọng bậc nhất là tổng thống Hàn Quốc, chứ còn Ủn thì không sợ gì.
- GS. Trần Ngọc Vương

Còn Tổng thống Trump, ông đã viết trên trang Twitter của mình rằng “Từ nay, mọi người có thể an tâm hơn, vì không còn mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Bắc Hàn”. Tổng thống Mỹ cũng tự tin khẳng định, nước Mỹ không phải nhượng bộ Bắc Hàn điều gì, nhưng tờ Washington Post liền bình luận rằng ông làm như “không ai thấy có con voi ở trong phòng”.

“Nghĩa là cái điều Mỹ nhượng bộ ở trong hội nghị ai cũng thấy, mà ông bảo chúng ta không nhượng bộ gì. Mỹ nhượng bộ cái gì? Tức là Mỹ sẽ xem xét cái việc không tập trận với Hàn Quốc. Thậm chí ông còn cho rằng, còn tiếp tục tập trận là trò khiêu khích. Ông còn nói sẽ tính đến chuyện rút quân khỏi Hàn Quốc. Điều này không ngẫu nhiên mà khiến cả Nhật Bản và Hàn Quốc lo lắng.”

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tới Nhật Bản và Hàn Quốc để trấn an các đồng minh về cam kết bảo vệ an ninh khu vực ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 vừa qua.

Mặt khác, hai miền Triều Tiên đã có những động thái tích cực. Cả ông Moon và ông Kim đều vui vẻ với kết quả của cuộc gặp. Gần đây, cuộc tiếp xúc giữa các tướng lãnh quân sự hai miền đã diễn ra mang tính xây dựng. Theo đó, Nam Hàn đề xuất các lực lượng pháo binh tầm xa của Bắc Hàn hãy lùi xa giới tuyến phi quân sự chia cắt hai miền thêm 30-50 km.

Tuy nhiên, những mối lo đổ bể các cam kết trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn còn đó. Bởi những gì còn “mật” trong các cuộc tiếp xúc giữa các bên trước và sau cuộc gặp 12/6 còn là câu hỏi lớn. Theo TS. Thắng, vẫn còn 2 vấn đề “át chủ bài”.

“Về phía Mỹ đòi Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Còn Bắc Triều Tiên đòi Mỹ phải bảo đảm an ninh cho chế độ của Bình Nhưỡng, cũng toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ta thấy hai cái này chưa có đề cập cụ thể nào trong văn bản của cuộc gặp vừa qua.”

Mạng báo Nikkei trong bản tin ngày 19 tháng 6 cho rằng, ba cuộc gặp liên tục của Kim Jong-Un với người đứng đầu Trung Quốc, Tập Cận Bình diễn ra trước và sau Thượng đỉnh Trump - Kim cho thấy dường như chủ tịch Bắc Hàn đang cố cho Hoa Kỳ thấy rằng ủng hộ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng vẫn vững mạnh. Trong khi đó Bắc Kinh chắc chắn muốn sử dụng ảnh hưởng đối với Bắc Hàn để làm vật trao đổi trong cuộc chiến thương mại đang leo thang với Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.