Cưỡng chế đất đai là tội ác

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận chưa bảo đảm được dân chủ, công khai, bình đẳng trong quá trình thu hồi, đền bù đất cho người dân.
Hòa Ái, phóng viên RFA
2012.06.21
000_Hkg6959012-305.jpg Nông dân từ một tỉnh lân cận phía Bắc biểu tình về đất đai bị mất bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/2/2012.
AFP photo

Dân không dám đầu tư

Hôm 12/6, Bộ trưởng tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc Hội rằng lợi ích của nhà nước, người dân có đất và chủ đầu tư chưa được xử lý tốt ở một số dự án. Phải chăng chỉ một số trường hợp như ở Vụ Bản-Nam Định, ở Tiên Lãng-Hải Phòng, ở Văn Giang-Hưng Yên? Còn có bao nhiêu hoàn cảnh như ở Cái Răng-Cần Thơ nếu như hai mẹ con không lõa thể để phản kháng? Bao nhiêu dân oan phải tha phương cầu thực, ăn chờ nằm trực ở các cơ quan công quyền khắp các tỉnh thành để khiếu kiện? Vì sao hàng trăm nông dân ở Hà Đông-Hà Nội tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý bất cứ giá nào kể cả phải tự thiêu?

Thanh tra chính phủ đưa ra kết luận sau hơn một năm thụ lý hồ sơ khiếu kiện đất đai của hơn 300 hộ nông dân ở phường Dương Nội, quận Hà Đông là chính quyền địa phương đã hợp bàn dân chủ với dân trước khi tiến hành thu hồi đất và và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trong khi đó, người dân nơi đây chia sẻ với Việt Hà của đài RFA chúng tôi rằng quyền lợi của họ không được đảm bảo vì bình quân mỗi người chỉ nhận được từ 3 đến 4 triệu đồng và họ sẽ đi đâu về đâu sau khi họ tiêu hết số tiền này. Còn những người chưa nhận được tiền đền bù khi phần ruộng của mình thuộc khu vực giải tỏa nói gì? Đây là lời chia sẻ của một nông dân ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang:

“Ruộng của chúng em chưa nhận tiền thì chúng em vẫn ra làm. Thế nhưng mà chúng em vẫn không dám đầu tư. Chúng em hiện đang trồng cây cảnh. Đáng lẽ chúng em đầu tư, bỏ vốn để chúng em chăm sóc, nuôi cây ở dưới đồng cho to thì sẽ bán được nhiều tiền. Thế nhưng vì dự án này bấp bênh nên chúng em không dám đầu tư, chỉ chăm sóc bình thường, không được như những năm trước. Bây giờ mong ở các cấp cố giúp đỡ chúng em đến đâu thì chúng em xin cám ơn.”

Đáng lẽ chúng em đầu tư, bỏ vốn để chúng em chăm sóc, nuôi cây ở dưới đồng cho to thì sẽ bán được nhiều tiền. Thế nhưng vì dự án này bấp bênh nên chúng em không dám đầu tư...
Một người dân xã Phụng Công

Còn đây là bộc bạch của bác Ba, một cán bộ hưu trí ở Đà Lạt-Lâm Đồng, không thể yên tâm sản xuất sau khi nhận được thông báo không chính thức của chính quyền địa phương về khu đất trong xóm nơi bác Ba ở sẽ bị giải tỏa:

“Muốn làm gì thì bác cũng không muốn làm. Còn người dân thì có nhiều người khóc như mưa. Bây giờ lấy của họ, họ không biết làm cái gì. Cứ phải cắn răng chịu thôi. Theo bác như vậy là thiếu tôn trọng dân”.

Bác Ba cho biết người dân trong xóm luôn tuân thủ pháp luật và cũng yên tâm khi chính phủ tuyên bố có tái định cư. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cho những người nông dân chân lắm tay bùn này phải sống trong nỗi lo lắng, hồi hộp là vì những người thực thi pháp luật luôn dùng những thủ thuật để lừa gạt người dân.

Chính quyền quá tùy tiện

Trong cuộc trao đổi với đài RFA, đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc nhận định bất cứ quốc gia nào sử dụng đất đai vào mục tiêu có lợi ích xã hội và có tính nhu cầu phát triển đều hợp lý. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng quy định quyền sở hữu đất đai của toàn dân ở Việt Nam không rõ ràng và quyền định đoạt của những người đại diện thuộc bộ máy công quyền là quá lớn và quá tùy tiện. Đây chính là mấu chốt tạo nên mâu thuẫn cũng như là mối bất hòa của người dân với chính quyền địa phương. Ông Dương Trung Quốc nói:

“Cái tùy tiện ấy dẫn đến không những tác hại với người dân bị mất đất mà tác hại ngay cả đến các doanh nghiệp đầu tư vào mà không có hiệu quả. Vì thế tôi cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này phải điều chỉnh lại tức là quyền được sử dụng đất như thế nào, quyền định đoạt như thế nào? Có thực sự phục vụ công ích xã hội không? Hay chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người? Nhóm người ấy hoặc là các doanh nghiệp hoặc là các thành viên của cơ quan công quyền?”

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre thì cho rằng chính phủ cần phải sửa đổi hiến pháp công nhận vấn đề tư hữu đất đai thì mới giải quyết được cái gốc của vấn đề. Đây là ý kiến của riêng luật sư Nguyễn Thanh Lương:

Cái tùy tiện ấy dẫn đến không những tác hại với người dân bị mất đất mà tác hại ngay cả đến các doanh nghiệp đầu tư vào mà không có hiệu quả.
Ông Dương Trung Quốc

Một nông dân miền Bắc cùng với con trâu trên mảnh ruộng của mình. AFP photo
Một nông dân miền Bắc cùng với con trâu trên mảnh ruộng của mình. AFP photo
Một nông dân miền Bắc cùng với con trâu trên mảnh ruộng của mình. AFP photo
“Đối với tôi thì sửa đổi hiến pháp nhìn nhận vấn đề tư hữu là rất quan trọng. Nó cũng như cái gốc, còn quyền lợi cũng như cái ngọn. Những triển khai thực thi để giải quyết như ra các văn bản pháp luật để điều chỉnh, để giải quyết những quyền lợi thỏa đáng thì chỉ là những nhất thời để giải quyết căn bệnh, chứ không giải quyết được căn cơ của vấn đề.”

Hiện trạng ngày càng có nhiều người hoặc những nhóm người cấu kết với nhau để thu về những những khối siêu lợi nhuận khổng lồ từ việc thu hồi cưỡng chế đất đai ở khắp mọi nơi. Dù họ là ai, là các doanh nghiệp hay các thành viên của cơ quan công quyền thì chính họ là nguyên nhân đã và đang xô đẩy, xua đuổi những nông dân đến con đường cùng trong cuộc sống mà dường như pháp luật lại đứng về phía họ. Luật sư Nguyễn Thanh Lương bày tỏ quan điểm đồng tình của mình với dư luận:

“Đúng vậy. Đó là vấn đề thực tế nhức nhối đang thịnh hành trong xã hội. Đương nhiên Quốc Hội không sửa đổi vấn đề luật đất đai thì tôi cho rằng những khiếu kiện trong xã hội hay những tiêu cực vẫn còn tồn tại. Những dân oan và khiếu kiện sẽ còn mãi mãi.”

Bất ổn xã hội

Với tinh thần “hiếu hòa” của dân tộc Việt, những nông dân chơn chất thật thà, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời sẽ bằng lòng, an phận với cuộc sống mới nếu như họ có thể “an cư lạc nghiệp” được trong những ngày về sau. Những dân oan sống cảnh đầu đường xó chợ như những cây cỏ dại èo uột khô héo phải đối diện với một tương lai vô định không biết về đâu.

Các nông dân may mắn, nhận được tiền đền bù đầy đủ, có được cuộc sống như giống lúa ngắn hạn phát triển tươi tốt nhờ được bón phân tưới nước nhưng rồi sẽ tồn tại như thế nào một khi số tiền đền bù đã tiêu xài hết. Những nông dân đơn thuần này chuyển qua cuộc sống phi nông nghiệp sẽ phải đối diện với tình trạng mất mát toàn bộ vì họ không biết sử dụng đồng tiền có hiệu quả cũng như họ không có công ăn việc làm sau khi rời xa nghề truyền thống làm nông của mình.

Còn rất nhiều những người dân khắp mọi nơi phải sống lây lất, hoang mang, không dám đầu tư sản xuất vì nhận được những thông tin không bằng giấy tờ rằng họ phải di dời trong nay mai. Có lẽ lời tâm tình này dường như không có gì lạ nhưng lòng người sẽ quặn thắt mỗi khi nghe:

Người già đã gắn bó với nơi đó rồi, họ có tình cảm với miếng đất đó rồi, bắt họ phải rời bỏ thì theo bác đó là tội ác.
Một người dân

“Bứng một con người ra khỏi miếng đất của họ là có nhiều vấn đề lắm, đâu phải chỉ vấn đề vật chất không đâu. Mà nhất là đối với những người già, trẻ thì họ làm lại được. Người già đã gắn bó với nơi đó rồi, họ có tình cảm với miếng đất đó rồi, bắt họ phải rời bỏ thì theo bác đó là tội ác. Bác khoảng sáu mươi mấy thôi mà đã thấy mất mát rất lớn rồi huống gì những người đã ở năm bảy chục năm. Về già cũng không được yên nữa. Theo họ thì già vẫn muốn chết nơi mảnh đất của mình.”

Báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng tải thông tin mới nhất của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hôm 16/6 cho biết chỉ còn 9 triệu hec-ta đất nông nghiệp đến thời điểm 2011 và trung bình mỗi năm nông dân phải nhường 74 ngàn hec-ta đất nông nghiệp để phục vụ các mục đích khác trong 15 năm qua. Theo nhận định của các chuyên gia thì Việt Nam chỉ có thể bảo đảm an toàn lương thực trong nước chứ không thể xuất khẩu gạo vào năm 2020 nếu xu hướng thu hồi đất như hiện nay vẫn còn tiếp diễn. Hiện trạng thu hồi đất gây ra một vòng tròn khép kín “đô thị hóa-nghèo đói-bất ổn xã hội” ở cả nông thôn và thành thị.

Công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước để mang lại ấm no cho người dân. Nhưng nếu quá trình phát triển của quốc gia đi ngược lại những lợi ích chung của xã hội và dẫn đời sống của người dân đến cảnh khốn cùng khi họ phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nơi họ gắn bó suốt cuộc đời cho đến ngày nhắm mắt thì rõ ràng “bứng một con người ra khỏi mảnh đất của họ là tội ác”.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.