Khiếu kiện Văn Giang – Hưng Yên: Bao giờ mới có lối ra?

RFA
2019.09.10
van-giang-630 Người dân Văn Giang trong một lên Hà Nội và tụ tập trước cửa Văn phòng Quốc hội đòi giải quyết vụ cưỡng chế lấy đất cho Khu Đô thị Văn Giang - Hưng Yên.
File photo

Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có buổi làm việc tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 8 vừa qua về việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và vấn đề khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài tại tỉnh này, hôm 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Trong đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên phải giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của người dân.

Chính quyền “lấy đất” trái quy định

Theo tổ công tác chính phủ, mặc dù trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên hiện vẫn còn tồn đọng 27 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đặc biệt vụ khiếu nại của một số công dân liên quan đến Dự án khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Với kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, chính quyền Hưng Yên sẽ vào cuộc giải quyết khiếu kiện cho người dân ổn thỏa?

Trao đổi với RFA hôm 10/9, Ông Trương Công Kỉnh, ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cho biết tình hình thực tế tại địa phương:

“Đối với bà con ở Văn Giang hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục đi khiếu kiện về việc chính quyền từ tỉnh, huyện, kể cả trung ương thu hồi đất của chúng tôi để làm dự án Ecopark trái luật. Vì luật quy định thu hồi đất của chúng tôi phải có quy hoạch sử dụng đất, trước khi thu hồi phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ cá nhân. Nhưng UBND tỉnh Hưng Yên trước đây đã không làm được động thái đó, họ cứ mang người về phá hoại tài sản, cướp đất của chúng tôi, thậm chí hăm dọa, đánh đập người dân.”

Ông Trương Công Kỉnh cho biết, ông và người dân Văn Giang kiên quyết không bỏ cuộc, sẽ vẫn tiếp tục đi khiếu kiện ra trung ương, gởi đơn các nơi để yêu cầu giải quyết.

Vì cưỡng chế phải dựa trên quyết định thu hồi đất hợp pháp, nhưng dường như chính quyền họ cũng thấy họ sai, nên có chỉ đạo tòa án không thụ lý đơn khỏi kiện của người dân.
-Luật sư Hà Huy Sơn

Ông Phạm Hoành Sơn, từng là người đại diện cho người dân Văn Giang, Hưng Yên trước đây, hôm 10/9 cho RFA biết tình hình hiện nay:

“Hiện nay các hộ dân còn lại mà chưa nhận tiền đền bù thì họ vẫn đến các điểm tiếp dân của nhà nước quy định để khiếu nại tố cáo về vụ việc đó. Nhưng các cơ quan ban ngành đó cho dù chính phủ chỉ đạo nhưng tỉnh và huyện vẫn hứa không chịu giải quyết theo pháp luật quy định, cứ để dân khiếu kiện kéo dài.”

Dự án khu đô thị Văn Giang – Hưng Yên được phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký phê duyệt vào năm 2004. Đây là dự án do công ty Việt Hưng làm chủ đầu tư trên diện tích 500 ha đất của 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Người dân ba xã này đã không nhất trí mức đền bù quá thấp mà chính quyền và chủ đầu tư đưa ra vì vậy quyết tâm không giao đất, nhưng chính quyền vẫn cưỡng chế, dẫn đến nhiều vụ đàn áp, tranh chấp khiếu kiện kéo dài.

Khi trao đổi với RFA hôm 10/9 về vấn đề này, Luật sư Hà Huy Sơn,  cho biết:

“Khu Đô thị Văn Giang thì trước đây người ta thu hồi đất mà không có quyết định thu hồi đối với từng hộ gia đình, do đó chính quyền đã thực hiện việc cưỡng chế hồi năm 2012 trái pháp luật. Người dân sau đó cũng có đơn kiện vụ án hành chính về hành vi cưỡng chế trái pháp luật. Vì cưỡng chế phải dựa trên quyết định thu hồi đất hợp pháp, nhưng dường như chính quyền họ cũng thấy họ sai, nên có chỉ đạo tòa án không thụ lý đơn khỏi kiện của người dân.”

Với ý kiến của Luật sư Sơn vừa nêu, ông Phạm Hoành Sơn cũng cho rằng, vụ Văn Giang là điển hình của việc chính quyền làm không đúng theo quy định – “họ dùng quyền lực để thu hồi đất dân sự”:

“Như luật sư Trần Vũ Hải đại diện cho chúng tôi trước đây đã tuyên bố rõ đây là hành vi cướp đất chứ không phải thu hồi, họ không làm gì đúng pháp luật vào thời điểm thu hồi đất. Tôi là người dân thì không thể có ý kiến vĩ mô, nhưng theo tôi, chỉ cần làm theo đúng pháp luật là tốt rồi.”

Chỉ đạo thật - thực hiện giả

Trở lại với văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ hôm 10/9/2019, tổ công tác chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên phải tăng cường đối thoại, tiếp dân tại nơi xảy ra vụ việc, phải đặt mình vào vị trí của dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấy được những bức xúc của dân, để có biện pháp giải quyết có lý, có tình.(!?)

Tuy nhiên, Ông Trương Công Kỉnh, ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, vẫn nghi ngờ chỉ đạo này:

“Mặc dù văn phòng chính phủ có văn bản chỉ đạo, như những lần trước cũng từng có ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề Văn Giang, thậm chí có những đoàn công tác thanh tra, ngay ông Thủ tướng hiện nay là Nguyễn Xuân Phúc, trước đây là Phó thủ tướng cũng đã có ý kiến xem xét giải quyết dứt điểm vụ Văn Giang. Nhưng họ nói là một việc, nhưng phải xem kết quả, mới biết họ thật sự có quan tâm người dân hay lắng nghe ý kiến của dân, hay họ có đặt họ vào vị trí của dân hay không?”

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết, theo kinh nghiệm của cá nhân ông, dạng văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, hay là các cấp chỉ đạo cho địa phương giải quyết dứt điểm khiếu kiện… thì dạng văn bản này nhiều và theo ông cũng chẳng có hy vọng gì nhiều cho trường hợp Văn Giang, Hưng Yên.

Nông dân Dương Nội khiếu kiện đất đai từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được Chính phủ giải quyết dứt điểm.
Nông dân Dương Nội khiếu kiện đất đai từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được Chính phủ giải quyết dứt điểm.
Courtesy: Facebook Trịnh Bá Phương

Cũng như Hưng Yên, các nông dân ở Dương Nội, Hà Đông, thủ đô Hà Nội cũng phải khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm, vì đất đai của họ bị cưỡng chế một cách bất công.

Nông dân Dương Nội gửi đơn khiếu kiện đầu tiên liên quan đất đai của họ bị trưng thu không minh bạch từ năm 2008. Tuy nhiên, các đơn thư khiếu nại của họ không được giải quyết và chính quyền địa phương bắt đầu tiến hành cưỡng chế vào năm 2010. Cuộc đấu tranh giữ đất của người dân Dương Nội kéo dài cho đến nay và đã có 7 nông dân ở Dương Nội bị bắt giữ và giam cầm tổng cộng hơn 100 tháng tù, trong đó có tù nhân lương tâm nổi tiếng Cấn Thị Thêu.

Cho đến ngày 17/04/19, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một cuộc đối thoại với các nông dân ở Dương Nội, Hà Đông, thủ đô Hà Nội liên quan việc khiếu kiện đất đai của họ kéo dài trong nhiều năm.

Tuy nhiên hôm 10/9, Bà Cấn Thị Thêu, cho RFA biết về tình hình khiếu kiện đất đai tại địa phương mình vẫn chưa có tiến triển gì sau khi gặp thanh tra chính phủ vào tháng 4 vừa qua:

“Ở Dương Nội thì từ ngày 17/4 họ cũng kêu bà con đến gặp Thanh tra Chính phủ, người ta cũng nói xem xét lại để giải quyết cho bà con… nhưng từ ngày đó đến giờ cũng chưa có động thái gì. Theo tôi không thể đặt hết hy vọng họ sẽ giải quyết cho bà con, phải xem động thái của họ như thế nào, chứ họ hứa thì họ hứa nhiều lắm. Nhưng cũng có thể động thái này cũng có khả năng là họ thấy nguy cơ tiềm ẩn từ những người dân mất đất, họ cũng có lo sợ và từng nói đừng để những đốm lửa nhỏ thiêu cháy cả cánh rừng. Vì thế có thể họ sẽ xem xét rút bớt những điểm nóng.”

Người dân tại những nơi bị cưỡng chế như Dương Nội hay vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Đồng Tâm, Hà Nội và những vụ như Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng tại Sài Gòn… đều kiên quyết giữ đất vì họ cho rằng “còn đất, còn người”; trong khi đó đất lại bị chính quyền nhân danh qui hoạch làm dự án cho dân nhưng cuối cùng lại bị thâu tóm bởi những nhóm lợi ích khác. Nghịch lý phát sinh khi tiền bồi thường cho dân bất hợp lý, bán đất cho tư nhân với giá cao, dẫn đến khiếu kiện dai dẳng xảy ra, trong khi đó các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đều đùn đẩy cho nhau, không giải quyết dứt điểm oan ức cho người dân.

Theo Luật sư Hà Huy Sơn, qua những vụ việc này mới thấy - mấu chốt của vấn đề là do không có một nhà nước pháp quyền, không có sự độc lập của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp… thì pháp luật không được thượng tôn...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.