Việt Nam và bài học để không bị liệt vào nhóm thao túng tiền tệ

0:00 / 0:00

Nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao, sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến kết luận phù hợp từ phía Hoa Kỳ là Việt Nam không thao túng tiền tệ trong giao thương với Mỹ giai đoạn 2020 đã qua.

Ông thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố như vậy và tại buổi họp làm việc hôm 18/4, một ngày sau khi Bộ Tài Chính Mỹ thông báo không khép Việt Nam vào hành vi thao túng tiền tệ như quyết định của cựu tổng thống Donald Trump hồi tháng 10/2020.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cả thị trường, bên cạnh tin vui thì nhận định về vai trò điều hành của cơ quan chức năng, về chính sách tiền tệ cũng như khả năng điều động của Ngân Hàng Trung Ương là rất đúng:

Thoát được cái nhãn thao túng tiền tệ là thuận lợi lớn, ông nói, nhưng cách nào đó cũng là một cảnh báo cho Việt Nam rằng trong xu hướng hội nhập quốc tế:

"Việt Nam phải chứng minh cho Hoa Kỳ thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam đi theo thông lệ quốc tế. Việt Nam phải tránh cái hiện tượng gọi là có thể sẽ vi phạm hành vi thao túng tiền tệ. Trong xu thế hội nhập phải như vậy thì mới có thể tồn tại, có thể hợp tác và tránh được hậu quả".

Rút tên Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ là một quyết định hợp lý, nếu hiểu rõ về chính sách tiền tệ và hối đoái của Việt Nam từ lúc bang giao Mỹ Việt được đẩy manh. Đó là khẳng định của chuyên gia Học Viện Tài Chính Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh:

"Khi chính quyền của tổng thống Donald Trump đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ thì ngay lúc đó tôi đã nói quyết định này phiến diện và bất hợp lý rồi"

“Nói cán cân thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ trên 20 tỷ USD là có, nhưng phải phân tích tại sao lại thế và quan trọng là thặng dư đó ở đâu ra? Chúng ta thấy sau khi Việt Nam với Mỹ bình thường hóa quan hệ, đặc biết khi Mỹ cũng dự định vào TPP trước khi Donald Trump lên, thì quan hệ Mỹ Việt được đẩy lên rất nhanh”

“Thứ hai, quan hệ thương mại tăng chủ yếu là do FDI doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó cả các doanh nghiệp y Mỹ, EU và các nước khác. Các doanh nghiệp FDI trên lãnh thổ Việt Nam sản xuất hàng hóa và xuất khẩu đi dưới nhãn Made In Vietnam. Rõ ràng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam thì tới 70% từ doanh nghiệp FDI, và xuất khẩu sang Mỹ hầu hết hơn 80%. Lợi ích đem về chủ yếu cũng là cho doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia thôi, còn Việt Nam được bao nhiêu ở đó”.

2020-12-29T083528Z_193525858_RC2WWK9WLEK3_RTRMADP_3_VIETNAM-ECONOMY.JPG
Hình minh hoạ. Công nhân tại một nhà máy sản xuất giầy xuất khẩu ở Hà Nội hôm 29/12/2020. Reuters

Còn cho rằng Việt Nam mua bán ngoại tệ, can thiệp vào thị trường tỷ gia hối đoái là đúng, vì Việt Nam mua ngoại tệ để tăng dự trữ và giữ cho VND không bị mất giá:

"Như vậy nó ngược lại với suy nghĩ là nếu anh can thiệp vào thị trường tiền tệ thì anh làm mất giá đồng nội tệ của anh, từ đó tạo ra năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt quốc gia nhập khẩu như Mỹ, là không phải"

"Việt Nam là một trong những quốc gia mới vừa đạt chuẩn của IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế về cái dự trữ tối thiểu để có thể can thiệp có thể mua được lượng hàng hóa dự trữ trong một khoảng thời gian bao nhiêu lâu đấy"

So với Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Indonesia, Nhật bản, Hàn Quốc, Việt Nam còn thua xa, là phân tích của Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh:

"Tức là mức dự trữ ngoại tệ của người ta phải gấp hàng chục lần so với mức mà IMF qui định, nhưng Việt Nam thì mới đến mức tối thiểu thôi. Việt Nam mua ngoại tệ để dự trữ và đề phòng các cú sốc về kinh tế là đúng thôi. Phân tích như vậy thì rõ ràng đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ là hợp lý".

Giới chuyên gia kinh tế và tài chính Việt Nam đánh giá cao vai trò thiết yếu của Ngân Hàng Trung Ương, tức Ngân hàng Nhà Nước, trong cố gắng khiến Hoa Kỳ thay đổi ý kiến liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ gán cho Việt Nam từ Quí IV năm ngoái.

000_Hkg7546014.jpg
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội. AFP

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vừa kết thúc buổi hội thảo về kinh tế Việt Nam Quí I 2021 ở Hà Nội sáng thứ Ba vừa rồi, cũng là người có bài thuyết trình về nguyên nhân Việt Nam được gỡ bỏ tên khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Tài Chính Mỹ, chia sẻ:

"Trong năm vừa qua, về mặt thực tiễn thì đúng là tỷ giá có thể nói là đi ngang, không tăng nhiều. Đó là nỗ lực của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng nói đến vấn đề kềm chế lạm phát, đưa ra luận điểm về chính sách tỷ giá trong phát triển và ổn định kinh tế. Phía Ngân Khố Mỹ chừng như cũng được thuyết phục trước thông điệp là Việt Nam không có ý định thao túng tiền tệ".

Việt Nam phải hết sức dè dặt trước vấn để tỷ giá tăng, cũng không nên can thiệp mạnh mẽ vào thị trường hối đoái vì đó là cái cớ để Hoa Kỳ có thể đưa Việt Nam trở lại bảng tên các quốc gia thao túng tiền tệ:

"Tiêu chuẩn thứ hai, khi tài khoản vãng lai tương đối cao, khi nhập hàng hóa từ Mỹ vào nhiều thì có thể nó làm số dư trên tài khoản vãng lai so với GDP hiện tại ở mức 4%, thì nên giảm xuống dưới 4%, và có thể tới mức dưới 2% là tốt nhất"

“Tiêu chí thứ ba là có thể giảm trade deficit (thâm hụt thương mại) của Mỹ đối với Việt Nam mà hiện tại đang ở mức 70 tỷ và mốc của nó là 20 tỷ, thì Mỹ có thể mua hàng nhiều hơn của Việt Nam để giảm cái trade deficit đó”.

Đó là những bước khó theo ông Nguyễn Trí Hiếu, khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Và ông nhấn mạnh theo qui định quốc tế và hội nhập, nhất là khi nhiều nước làm được thì Việt Nam cũng điều chỉnh được, hầu tạo một nền mậu dịch và giao thương lành mạnh với một bạn hàng lớn như Hoa Kỳ.