Bài 4: Bài học mang tên “Cai Lậy”

RFA
2017.12.04
CaiLay Tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm phí Cai Lậy
thanhnien

Đây là bài viết cuối cùng trong loạt 4 bài về BOT Cai Lậy của RFA:

Câu chuyện về những tài xế gom góp tiền lẻ và thậm chí cả tiền chẵn để mua vé qua trạm thu phí Cai Lậy tỉnh Tiền Giang mấy ngày nay tràn ngập trên khắp các mặt báo cũng như các trang mạng xã hội. Ngay kể từ khi mới được đưa vào hoạt động hồi tháng 8 vừa rồi, trạm thu phí này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân. Cho đến nay, sự phản kháng ấy vẫn diễn ra một cách dai dẳng, và nhiều tài xế tuyên bố họ sẽ không dừng lại cho đến khi trạm này được gỡ bỏ.

Vụ việc này đã để lại cho Việt Nam những bài học gì?

Sáng ngày 30/11, sau gần 3 tháng xả trạm, trạm thu phí Cai Lậy trở lại hoạt động với sự giám sát nghiêm ngặt của an ninh và chính quyền. Tuy nhiên, bất chấp sự giám sát ấy, hàng trăm tài xế vẫn tụ họp lại sử dụng tiền lẻ để làm khó nhân viên thu phí theo “chiến thuật cũ”. Các đoạn video clip được chia sẻ cho thấy cảnh ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số, tiếng còi xe inh ỏi cộng với tiếng cãi vã của nhân viên thu phí và tài xế. Xung quanh trạm, hàng trăm người dân kéo đến xem và bàn tán xôn xao trước sự việc. Tất cả đã tạo nên một khung cảnh hỗn loạn mà nhiều người gọi là “cuộc khủng hoảng Cai Lậy”.

Sau đó, chủ đầu tư buộc phải xả trạm hai lần. Đến những ngày kế tiếp, sự phản đối của người dân không những không dừng lại, mà còn bùng nổ dữ dội hơn khiến trạm buộc phải xả đến 20 lần/ngày.

RFA đã trao đổi với một số chuyên gia và nhà quan sát qua sự việc diễn ra ở trạm BOT Cai Lậy. Họ đã đưa ra những bài học mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm nghiêm túc qua vụ việc này. Thứ nhất, là phải biết lắng nghe tiếng nói của người dân và tham vấn ý kiến của họ trước khi xây dựng trạm. Thứ hai, cần giải quyết tình trạng lợi ích nhóm và tham nhũng ở các trạm BOT. Và thứ ba, là phải quản lý thật chặt chẽ sự vận hành của các trạm này để tránh mọi tiêu cực có thể xảy ra.

Bài học quản lý

Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Đà Nẵng nói với RFA, trạm Cai Lậy là một dự án nhằm moi tiền của dân hơn là tạo thuận lợi cho người dân theo đúng ý nghĩa của dự án BOT. Vì vậy, theo ông bài học đầu tiên mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm đó là BOT phải mang lại sự thuận tiện cho dân và phải cho họ quyền lựa chọn BOT hay đi đường thông thường:

Thứ nhất chỉ xây dựng những BOT mới mà mang lại giá trị gia tăng cho người dân và đồng thời người dân có quyền chọn lựa. Thứ hai, cần kiểm soát chặt chẽ BOT để xem họ có bỏ nguồn vốn thực sự như vậy không hay họ khai phóng lên. Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu của họ để họ thu hồi đúng với phần lãi Nhà nước cho chứ không phải cứ để cho họ thông đồng với ban dự án nhận lại món tiền quá lớn.

Để làm như vậy, cần thực hiện việc thu tiền bằng hệ thống tự động để việc thu đó được rõ ràng, minh bạch để có thể rút ngắn lại.

Qua những sai sót từ trạm thu phí Cai Lậy, ông Lĩnh đưa ra đề xuất là Nhà nước hoàn trả lại tiền vốn đầu tư vào dự án này và giải phóng trạm thu phí theo đúng ý của người dân.

Đằng này các ông lại tự quyết với nhau, đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm.
- Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm

Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Liên danh nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico). Trong đó Công ty Bắc Ái có thể coi là “ông chủ” của dự án khi chiếm tới 65% vốn.

Sau đợt phản đối của tài xế hồi tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã thống nhất giảm giá vé xuống 30% cho các phương tiện. Như vậy giá vé thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất là 140.000 đồng/xe/lượt. Tuy nhiên tài xế vẫn tiếp tục phản đối vì cho rằng việc thu tiền ở đoạn đường này là hoàn toàn vô lý.

BOT Cai Lậy thu phí dưới hình thức “thủ công” tức là tài xế đưa tiền, nhân viên đếm tiền và giao lại cho bên quản lý, thay vì sử dụng các phương tiện tự động như các nước phát triển.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói với RFA rằng một trong những kinh nghiệm đáng quý qua vụ Cai Lậy đó là giải quyết tình trạng “lợi ích nhóm” trong các dự án BOT:

Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng thu thì không phải cho miễn phí đâu. Phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Và các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau, đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn,…

Trạm BOT Cai Lậy được nói là triển khai xây dựng khi chưa khảo sát ý kiến người dân. Thế nhưng, nói về việc chưa lấy ý kiến người dân ở trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nhà đầu tư hay Bộ Giao thông không thể đi phát tờ rơi tới từng người dân để xin ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng từng khẳng định rằng hầu hết các dự án BOT ở Việt Nam không lấy ý kiến người dân. Chính Hiệp hội do ông quản lý cũng hiếm khi được hỏi ý kiến. Ông nói rằng, một hiệp hội vận tải lớn như vậy còn không được lấy ý kiến, thì chuyện người dân chưa được tham vấn có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Nghe dân không thừa

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội cũng đồng tình rằng qua vụ việc Cai Lậy, cơ quan chức năng cần học cách tôn trọng ý kiến của người dân bởi vì họ là những người trực tiếp sử dụng dịch vụ:

Tất cả các dự án BOT đều không minh bạch cho nên chính quyền với cánh hầu của họ lạm dụng BOT – một sơ đồ rất hay, để mưu lợi riêng. Đây là chuyện “tham nhũng tinh vi” và nếu có minh bạch thì chuyện tham nhũng tinh vi đó không thể xảy ra được.

Bây giờ chỉ có cách lập lại sự minh bạch thực sự tức là nếu ông bỏ tiền ra ông xây, nhưng người dân chúng tôi là người trả tiền nên chúng tôi phải biết ông xây đường đó bao nhiêu tiền. Ông hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải như thế nào và hợp đồng ra sao. Và tôi là người trực tiếp sử dụng tôi phải có quyền có tiếng nói.

Cảnh hỗn loạn tại trạm Cai Lậy hôm 30/11/2017.
Cảnh hỗn loạn tại trạm Cai Lậy hôm 30/11/2017.
Courtesy of Vietnamenet

Tháng 9 vừa qua, trong buổi tọa đàm về “Dự án BOT – Chính sách và Giải pháp”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải đã thừa nhận chính việc buông lỏng quản lý và thiếu kiểm tra, giám sát đã tạo ra những nhóm lợi ích tại các dự án BOT. Cũng tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn nêu ý kiến rằng nhiều dự án BOT là cơ hội cho tham nhũng, hối lộ và bòn rút ngân sách quốc gia.

Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư ông Đặng Huy Đông cũng thừa nhận các dự án BOT là nơi có nhiều rủi ro tham nhũng nhất.

Cần kiểm soát chặt chẽ BOT để xem họ có bỏ nguồn vốn thực sự như vậy không hay họ khai phóng lên.
- Ông Trần Văn Lĩnh

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, hiện sống tại Sài Gòn, chuyên nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn không gian văn hóa đô thị cũng cùng ý kiến với các chuyên gia chúng tôi được tiếp xúc. Bà cũng cho rằng tiếng nói của dân cần được lắng nghe thì mới tránh được những sự việc đáng tiếc như ở Cai Lậy:

Không thể nhà đầu tư hay quản lý cứ làm theo ý kiến của mình mà bất chấp ý kiến của dân. Có thể trước đó không tham vấn, chủ quan hay tính toán sai nhưng khi người dân phản ứng thì điều đầu tiên cần làm là lập tức xem xét các ý kiến của dân và nhìn lại xem mình đã sai sót như thế nào. Ở đâu cũng vậy thôi, dân họ bị xâm hại quyền lợi một cách quá đáng thì người ta mới có sự phản ứng. Chứ bình thường họ cũng hiền lành và chịu đựng.

BOT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Building-Operate-Transfer, tức là Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao – một hình thức giao cho tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cho phép họ thu phí để hoàn vốn đầu tư cũng như sinh lợi.

Việt Nam hiện có nhiều dự án BOT cũng như trạm thu phí trải dài từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên thanh tra Chính phủ cho biết các dự án này mắc nhiều sai phạm, trong đó từ khi triển khai đến nay đã có hơn 70 dự án BOT không được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu mà do chỉ định thầu.

_______________________________________________________________________

Bài thứ 1: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bot-cai-lay-people-concerns-not-taken-12042017143933.html

Bài thứ 2: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bot-cai-lay-story-of-a-bunch-of-chopsticks-12042017144320.html

Bài thứ 3: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bot-cai-lay-violating-the-law-if-not-paying-fee-ha-12042017152123.html

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.