“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” khi làm ăn với TQ
2014.07.17
Chuyện Việt Nam thường bị bất lợi khi làm ăn với Trung Quốc đã được giới chuyên gia trong nước đề cập đến nhiều, thế nhưng, vì sao hiện tượng thua thiệt ấy vẫn tái diễn, phải chăng “tiên trách kỷ hậu trách nhân” vì chính bản thân giới tiểu thương Việt thì hám lợi, còn chính sách quản lý của Nhà nước thì lỏng lẻo và cả vấn đề “lợi ích nhóm” hay tham nhũng vẫn còn nan giải.
Yếu thế trong quan hệ hợp đồng
Một trong những sự kiện đang được báo chí trong nước mổ xẻ là vụ việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) “hào phóng” mua điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần mức mua điện từ các nhà sản xuất điện trong nước. Mặc dù EVN giải thích là vì hợp đồng được ký từ 2005 và chính thức mua điện từ TQ vào 2009, nhưng để tình trạng kéo dài, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa là điều không thể chấp nhận, trách nhiệm thuộc về EVN và Bộ Công thương, đồng thời nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về “lợi ích nhóm.” Nội dung trên được GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nêu quan điểm trước thực tế Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc giá quá cao, quá thua thiệt và yếu thế trong quan hệ hợp đồng với Trung Quốc.
Lâu nay, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam vẫn lên tiếng phân tích Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi khi làm ăn buôn bán hay nhận đầu tư trực tiếp từ Hoa Lục. Những câu chuyện như Trung Quốc trúng thầu đến 90% các dự án trọn gói, rồi thao túng dìm giá, đẩy giá các dự án, hay việc Trung Quốc đưa tràn lao động phổ thông sang làm nhiễu loạn đời sống người dân Việt ở các vùng có nhà máy của họ sản xuất…đã được đề cập rất nhiều. Không chỉ thế, báo giới còn phanh phui nhiều trường hợp Việt Nam có nguy cơ là “bãi rác thải công nghệ” cho Trung Quốc hay “vì sao Việt Nam bán rẻ, nhận độc từ Trung Quốc” thậm chí “tại sao thương lái Trung Quốc chỉ “lừa” Việt Nam” mà không phải là Thái Lan, Campuchia…? Câu hỏi khiến nhiều người suy ngẫm: Tại sao Việt Nam biết mà vẫn làm?
Họ tìm cách mua chuộc không phải là tìm cách bỏ phong bì cho các người đó có tiền mà làm bằng mọi cách để người đó thấy rằng họ có giá trị hoặc là khi ký hợp đồng với TQ họ được đối xử tử tế.
-Nguyễn Văn Huy
Câu trả lời trước nhất có lẽ là “tiên trách kỷ hậu trách nhân” bởi theo quy luật thị trường “thuận mua vừa bán” Trung Quốc không thể nào ép buộc Việt Nam phải cho họ trúng thầu, nhưng giới doanh gia Trung Quốc lại thấm nhuần câu nói “họ ăn không chừa một thứ gì…” khi đề cập đến nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam. Vì lẽ đó, người Trung Quốc với “nghệ thuật” hối lộ đỉnh cao thậm chí “văn hóa phong bì” còn được coi là một “vũ khí thương mại” hiệu quả để tấn công vào “yếu huyệt” của giới chức có thẩm quyền Việt Nam. Mới tuần rồi, khi trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước, T.S Lê Đăng Doanh từng đồng tình với quan điểm cho rằng “Trung Quốc là bậc thầy đút lót” và “ắt phải có bậc thầy nhận hối lộ” khi bàn về tình trạng này của doanh nghiệp TQ khi làm ăn với Việt Nam. Ông thậm chí còn lấy thí dụ phía TQ sẵn sàng “lại quả” tối thiểu 30% bằng “tiền tươi” cho các trường hợp thắng thầu tại Việt Nam.
Nhận xét tương đồng về hành động trên, ông Nguyễn Văn Huy, một nhà nghiên cứu về TQ từng trả lời phỏng vấn chúng tôi cho biết:
“Người Trung Quốc thì ngược lại họ đi thẳng đến những người lãnh đạo, những người quyết định, chính vì vậy tôi thấy rằng những cuộc đấu thầu ở các địa phương gần sát biên giới với Trung Quốc hoặc những vùng chiến lược của Việt Nam mình, thường thường thì các cán bộ địa phương bị Trung Quốc mua chuộc hết, họ tìm cách mua chuộc không phải là tìm cách bỏ phong bì cho các người đó có tiền mà làm bằng mọi cách để người đó thấy rằng họ có giá trị hoặc là khi ký hợp đồng với Trung Quốc họ được đối xử tử tế, ưu đãi hơn so với người khác. Chính vì vậy, tôi thấy khác với các nước phương Tây, họ dùng đồng tiền, uy tín và tình cảm mua chuộc các người cán bộ.”
Quản lý bất cập
Nhưng nếu xét đến gốc gác vấn đề thì chắc hẳn người ta hiểu rằng một chính sách quản lý bất cập sẽ là nguyên nhân để những hiện tượng chia chác, tham nhũng trên có đất lộng hành. Không những thế, cũng bởi một chính sách quản lý và giám sát lỏng lẻo, nhiều kẽ hở mà mỗi năm có đến hàng trăm ngàn tấn rau quả, trái cây độc hại từ TQ dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Mới tháng 6 vừa qua, người ta phát hiện có đến 280 tấn rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép từ Trung Quốc đã được tiêu thụ hết ở VN, và khi trả lời báo chí, người đứng đầu cục Bảo vệ thực vật thoải mái trả lời họ hoàn toàn vô can. Chỉ tội cho những người tiêu dùng họ vẫn cứ vô tư ăn uống trái cây Trung Quốc mà không biết rằng mình đang bị “đầu độc” một cách “có hệ thống.”
Xin không bình luận mà chỉ trích một số tít báo vẫn hàng ngày, hàng giờ xuất hiện khắp các trang mạng: “bàng hoàng về độ độc hại của đồ điện tử TQ” “hoa quả TQ nghi chứa chất gây chất vô sinh” “hoa quả TQ có hóa chất phá hủy nội tạng” hay “hoa quả khô Trung Quốc chờ tết hại người VN” thế nhưng Việt Nam dường như không có một biện pháp ứng phó hiệu quả, dù nhiều bài học nhãn tiền từng xảy ra.
Thực ra nếu như phía Việt Nam mà không có ai đó đứng ra giúp cho người ta làm thì có lẽ cũng khó lòng người Trung Quốc có thể mở rộng mạng lưới của họ ở Việt Nam theo kiểu đó.
-Phạm Chi Lan
Còn nhớ cách đây không lâu, khi muốn hạ thấp uy tín một số mặt hàng chiến lược của Việt Nam như gạo hay trà xanh trên thị trường quốc tế mà Trung Quốc đã ngấm ngầm yêu cầu người nông dân hãy trộn các sản phẩm loại hai vào sản phẩm loại một, rồi họ mua đồng đều theo giá loại một. Hám lợi trước mắt, người nông dân VN làm theo, nhưng khi mang về nước, người TQ rêu rao chất lượng gạo, chất lượng trà của Việt Nam là hàng kém, người Việt Nam gian lận… Bài học xương máu trên một lần nữa cho thấy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” của những người làm ăn có tâm lý tiểu nông tại Việt Nam và thậm chí là cả những thương nhân Việt muốn kiếm tiền bất chính mà không thấy được ý đồ thâm nho mà TQ đang rắp tâm thực hiện.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không khỏi bức xúc khi nhận xét về hiện tượng trên:
“Ở đây thì cũng lại là vì lòng tham của một số người Việt Nam, kể cả những người tham gia vào thương mại với Trung Quốc theo cái cách đó. Thực ra nếu như phía Việt Nam mà không có ai đó đứng ra giúp cho người ta làm thì có lẽ cũng khó lòng người Trung Quốc có thể mở rộng mạng lưới của họ ở Việt Nam theo kiểu đó. Tại lòng tham của những người liên quan khác, ví dụ như những người nông dân khi bán hàng cho họ.”
Có thể vì lòng tham, cái lợi trước mắt mà những người Việt Nam đang hại chính đồng bào mình bằng cách tiếp tay thông thương cho hàng hóa, thực phẩm, trái cây độc hại của TQ tràn ngập Việt Nam. Cũng bởi làm ăn quá lâu với thương lái TQ, được nuôi dưỡng trong một môi trường dễ dãi mà nhiều doanh nghiệp Việt hài lòng, ỷ lại, thiếu sức cạnh tranh… Cũng bởi giao dịch với một nền kinh tế “lấy phong bì làm trọng” mà những cấp quản lý VN đang tự đánh mất mình. Nhưng nói gì đi chăng nữa, trước khi kết luận người Việt thường thua thiệt khi làm ăn với TQ, thì hãy tự soi lại mình trước khi đổ lỗi, câu nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” hẳn vẫn còn đúng đến tận hôm nay.