Vườn rau Lộc Hưng: Quận Tân Bình có thiện chí khi mời dân đối thoại?

Diễm Thi, RFA
2022.03.15
Vườn rau Lộc Hưng: Quận Tân Bình có thiện chí khi mời dân đối thoại? Khoảng 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng bị san ủi, cưỡng chế tháng 1 năm 2019
Photo: facebook Vuon rau Loc Hung

“Ở trên thành phố chỉ thị cho các ông xuống tiếp người dân chúng tôi như vậy à? Các vị có coi chúng tôi là con người không?

Tôi yêu cầu các ông, làm sao thì làm, tất cả bà con chúng tôi cùng một nội dung đơn thư và được mời. Tôi yêu cầu các ông tôn trọng chúng tôi. Tất cả bà con chúng tôi đều phải được vào dự họp.”

“Yêu cầu lãnh đạo cho chúng tôi vô. Nhà cửa chúng tôi bị đập, bị cướp tài sản. Bây giờ không cho chúng tôi vô, chỉ cho những người kia vô chúng tôi không chịu. Yêu cầu lãnh đạo ra giải quyết đi.”

Đó là lời những người dân trong một video clip được quay vào sáng 15 tháng 3 năm 2022, tại khu vực Ủy ban Nhân dân Quận Tân Bình, TP.HCM khi chính quyền nơi đây tổ chức một buổi tiếp dân.

Theo đó, hôm 10 tháng 3 năm 2022, Văn phòng UBND quận Tân Bình gửi Giấy mời số 58/GM-VP đến một số hộ dân bị thu hồi cưỡng chế nhà, đất tại khu đất Vườn rau Lộc Hưng vào đầu năm 2019, đến văn phòng tiếp công dân vào sáng ngày 15 tháng 3 năm 2022 để ghi nhận các kiến nghị, xem xét phúc đáp theo quy định pháp luật và thông tin tiến độ triển khai dự án. Trên giấy mời ghi rõ, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tôi thấy đây là một động thái không mang tính cầu thị đế lắng nghe ý kiến người dân thì làm sao giải quyết được việc khiếu nại, bức xúc của dân khi nhà cửa bị đập phá một cách tàn khốc như thế. - Anh Cao Hà Trực

Anh Cao Hà Trực, người đại diện cho 146 hộ dân đi khiếu kiện từ năm 1999 đến nay cho rằng, chính quyền thật sự không có thiện chí khi tiếp dân. Anh nói với RFA vào tối 15 tháng 3:

“Xuyên suốt từ năm 2019 đến nay, khi vườn rau bị đập thì có 146 người ký vào đơn khiếu kiện nhưng chỉ có hơn 40 người được mời. Những người không có giấy mời thì chỉ được ở ngoài sân, còn những người có giấy mời thì được vào khu vực để họp. Những người được vào họp này phải cử ra 5 người ngồi họp riêng với chính quyền, số còn lại ngồi ở phòng khác để theo dõi qua màn hình. Điều này gây bức xúc cho người dân. Luật sư của chúng tôi từ trước đến nay là LS. Trịnh Vĩnh Phúc và LS. Nguyễn Văn Miếng cũng không được vào.

Tôi thấy đây là một động thái không mang tính cầu thị để lắng nghe ý kiến người dân thì làm sao giải quyết được việc khiếu nại, bức xúc của dân khi nhà cửa bị đập phá một cách tàn khốc như thế.”

Untitled-1.jpg
Quang cảnh nơi tiếp dân của UBND quận Tân Bình sáng 15 tháng 3 năm 2022

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, người trợ giúp pháp lý trong vụ khiếu kiện này, nói với RFA:

“Tôi cùng Luật sư Nguyễn Văn Miếng được bà con ký các giấy tờ và làm đúng thủ tục để vào trợ giúp pháp lý cho bà con. Tưởng chừng như đó là việc rất hợp pháp, bình thường, thế nhưng UBND quận Tân Bình sáng nay lại không cho luật sư vào. Họ lập luận là chỉ mời các hộ dân, ai không có giấy mời thì không được vào. Người dân được mời và chúng tôi có mặt theo sự yêu cầu của người dân và theo thủ tục quy định, cũng là theo Luật khiếu nại, tố cáo. Đó là thông lệ bình thường lâu nay. Thế mà họ cương quyết không cho, thẳng thừng từ chối.

Tôi cũng cương quyết, rõ ràng với họ và cảnh báo với họ rằng, quý vị đừng đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm hờn, phẫn nộ của người dân. Cuộc họp này không thành thì trách nhiệm thuộc về quý vị vì đã cản trở không cho chúng tôi họp với người dân”.

Vào các ngày 4 và 8 tháng 1 năm 2019, chính quyền quận Tân Bình đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế khoảng 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp sự phản đối của người dân. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông thời Pháp để lại, trong khi chính quyền cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Sau khi bị mất nhà, mất đất canh tác, một nhóm khoảng chục người dân ở vườn rau Lộc Hưng cùng các luật sư tư vấn pháp lý cho họ đã ra Hà Nội phản ánh, gửi đơn, cung cấp hồ sơ tài liệu đến một số cơ quan công quyền Trung ương để khiếu nại, khiếu kiện chính quyền quận Tân Bình. Nhưng rồi vụ việc cũng không được giải quyết.

Với cuộc họp sáng 15 tháng 3 năm 2022 bị coi là ‘vỡ trận’, một số người dân nơi đây cho rằng chính quyền lại một lần nữa ‘lừa’ người dân khi chỉ mời vài chục người dân lên họp.

Anh Cao Hà Trực nêu suy nghĩ của mình với RFA:

Đây là một chiêu lừa. Họ hạn chế được bao nhiêu thì hạn chế vì vụ việc Vườn rau Lộc Hưng là từ năm 1999, đến năm 2019 họ ngang nhiên đưa quân đến đập phá. Việc sai trái đó họ khó gỡ và họ không có một cơ sở pháp lý nào để lý giải cho thuyết phục với bà con, cho nên họ muốn giảm bớt người để họ dễ lừa hơn. Cũng có thể họ nghĩ khi họ giảm bớt số lượng người như vậy thì những người được mời sẽ cảm thấy sợ và tháo lui. Đó là ý nghĩ riêng của tôi!”

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thì nhận định:

Có lẽ họ có những vướng mắc, mặc cảm về những sai phạm hoặc họ cho rằng họ không đủ chính nghĩa về mặt pháp lý nên họ ngại va chạm. Họ ngại là nếu có mặt luật sư thì bà con có thêm vây cánh để lên tiếng mà họ không để đối đáp hay trả lời được. Việc tiếp xúc này họ không có thiện chí mà diễn tuồng cho có vậy thôi, còn để họ đạt được cái gì đó thì chưa được nhận định đầy đủ. - Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc

“Thật ra thì việc có mặt luật sư hay không thì cuộc gặp cũng không thành vì lối tổ chức của UBND quận Tân Bình không phù hợp. Lãnh đạo quận Tân Bình, cụ thể là ông Nguyễn Bá Thành nêu trong giấy mời là trực tiếp chủ trì tiếp dân, nhưng thực ra họ tiếp dân trực tuyến qua màn hình. Điều mà chúng tôi nghe nó lạ lẫm, khôi hài, tưởng như không có thật. Cuộc họp bất thành nhưng tôi nghĩ nó ẩn chứa bên trong là một cái gì đó, như một cách gọi là thử đối với bà con hay một mưu toan nào đó mà cách tổ chức rất là kỳ lạ. Họ không có một thiện chí nào hết khi không cho luật sư vào. Có lẽ họ có những vướng mắc, mặc cảm về những sai phạm hoặc họ cho rằng họ không đủ chính nghĩa về mặt pháp lý nên họ ngại va chạm. Họ ngại là nếu có mặt luật sư thì bà con có thêm vây cánh để lên tiếng mà họ không để đối đáp hay trả lời được.

Việc tiếp xúc này họ không có thiện chí mà diễn tuồng cho có vậy thôi, còn để họ đạt được cái gì đó thì chưa được nhận định đầy đủ.”

Khu đất Lộc Hưng được biết đến là nơi an cư của một số người dân từ miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954. Với diện tích khoảng 50.000 mét vuông, Lộc Hưng được gọi là khu đất tốt nằm tiếp giáp quận 3, quận 10, quận Phú Nhuận. Đây cũng là Giáo xứ Lộc Hưng với trên một trăm gia đình phần lớn làm nghề trồng rau để sinh sống từ nhiều đời.

Năm 1999, theo nội dung Luật Đất Đai sửa đổi, đặc biệt theo chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, người dân vườn rau Lộc Hưng nộp đơn yêu cầu Ủy Ban Nhân Dân phường 6 quận Tân Bình xác nhận quá trình sử dụng đất theo chỉ thị trên. Tuy nhiên cơ quan chức năng lúc đó khẳng định chưa có dự án hay quyết định qui hoạch nào nên không thể giải quyết cho bà con theo chỉ thị của cấp trên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
15/03/2022 22:47

Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Đảng bất chính, đất nước tắc loạn.

Danh của đảng Búa Liềm bất chính,
Ngôn của đảng Việt Cộng bất thuận,
Hành của đảng Hồ bất lương, bất nhân

Đảng độc, độc đảng, độc tài, độc đoán, độc tôn,
độc bọn, toàn bọn " lãnh đạo " vô đạo, bá đạo, bá quyền... độc quyền... láo, ác, hèn, tham, ngu,
độc quyền " giải phóng ", " quy hoạch " ruộng đất, nhà cửa của nhân dân Việt Nam... theo luật rừng của đảng rừng rú Búa Liềm.