Ngành du lịch Việt Nam mới chỉ kinh doanh của trời cho!

RFA
2019.12.27
000_1GC02N Vịnh Hạ Long tại Quảng Ninh.
AFP

Mạng báo Viettimes, cơ quan của Hội Truyền thông số Việt Nam vào tháng 1 năm nay có bài liệt kê bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh Trái Đất.

Thực tế này là không thể chối cãi đối với nhiều người cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số bãi khác dọc theo đường bờ biển dài đến cả gần 3 ngàn kilomet của Việt Nam cũng là những nơi được cho là tắm lý tưởng!

Tuy nhiên hiện nay nhiều người đang quan ngại về tình trạng những nơi đó bị ô nhiễm bởi rác thải, nước bẩn, hàng quán xô bồ, chèo kéo bán hàng…

Tại Vịnh Hạ Long, nhiều người cũng quan ngại về tình trạng ô nhiễm Vịnh bởi rác thải, dầu nhớt từ các tàu chở khách rò rỉ ra, và cả nạn khắc tên trên tường hang động, thạch nhũ...

Nhiều cơ quan quản lý địa phương lúng túng trong việc đề ra phương án phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn di sản, cảnh quan địa phương…Liệu hoạt động khai thác du lịch có mạng lại hiệu quả như mong đợi không, hay chỉ chạy theo số lượng mà quên công tác bảo tồn. Hình ảnh được ví von là ‘con gà đẻ trứng vàng’ không được nuôi đúng cách mà thậm chí còn giết thịt để ăn.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt và cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực này, vào ngày 27/12/2019 thừa nhận rằng mặc dù ngành du lịch Việt nam có nhiểu nỗ lực; nhưng để đáp ứng được như mong đợi thì chắc phải còn khá lâu.

“Nhiều cái khó như là hệ thống giao thông VN chưa được đồng bộ, họ vẫn đang nỗ lực nhưng không thể một sớm một chiều được. Điều đáng lo nhất là việc chủ nhà của mình này thì mình có biết nhắc nhỏ bảo vệ cái đó hay không, có những lúc mình dễ dãi trong quản lý nên phê duyệt các dự án tác động đến môi trường, có những thứ do quản lý lỏng lẻo nên người ta vi phạm xong thì báo chí mới phát hiện đưa lên thì cái đó mới là điều đáng lo ngại.”

Một hướng dẫn viên du lịch không muốn nêu danh tính từ Sài Gòn nhận định, vấn đề cách quản lý du lịch của VN cho đến bây giờ chưa có một cách quản lý thật sự hiệu quả.

“Tất nhiên nó cũng có những cái chệch choạc. Thật ra mình cũng không kiểm soát được nhất là tại những điểm có nhiều du khách Trung Quốc thế nào nó cũng xảy ra nhiều chuyện ngoài ý muốn. Thật ra họ không quản lý được vì không có hạn chế được lượng khách du lịch tại một điểm du lịch, ví dụ một ngày cả ngàn khách dồn về đó thì tất nhiên địa điểm đó bị vấn đề liền thôi. Quản lý du lịch mình rất là yếu kém, ngay cả những ngôn ngữ khó hay ít người thì họ lại để cho trưởng đoàn tự thuyết minh luôn, họ muốn nói gì họ nói không kiểm soát được mặc dù trên nguyên tắc điều đó cấm. Ví dụ trưởng đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga họ dẫn khách đi họ muốn nói gì họ nói mà thôi. Nguyên tắc khi khách du lịch vào VN bắt buộc phải có phiên dịch người địa phương nhưng họ đối phó bằng cách thuê một hướng dẫn “câm” ngồi trên xe để trưởng đoàn họ muốn làm gì làm.”

Khách du lịch tại Việt Nam.
Khách du lịch tại Việt Nam.
AFP

Theo số liệu mới đây của Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã phục vụ 85 triệu du khách nội địa với tổng mức thu về đạt hơn 720.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2018. Mục tiêu trong năm 2020, toàn ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón hơn 20 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 830.000 tỷ đồng.

Anh hướng dẫn viên du lịch cho rằng, bao giờ cơ quan chức năng cũng đặt ra một hướng đi, khi nói thì rất là hay nhưng khi làm thì lại không thực hiện được.

“…ngay cả việc họ báo cáo lượng khách du lịch tới VN cũng chưa chắc là đúng bởi vì cứ hộ chiếu nước ngoài qua cửa khẩu là thành khách du lịch trong khi dân Trung Quốc họ vô làm công nhân một đống nhưng họ vẫn tính là khách du lịch, họ không phân biệt được đâu là khách du lịch hay làm việc. Đa phần các hãng xưởng đầu tư tại khu vực miền Trung rất là nhiều, họ thâu nhận người TQ vào làm việc với visa du lịch nên tổng cục du lịch coi như đó là khách du lịch.”

Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, bản thân người trong ngành du lịch như ông luôn mong muốn số lượng du khách ngày càng tăng hơn nữa nhưng điều ông quan tâm nhất không phải là số lượng khách bao nhiêu mà là doanh thu lợi nhuận mang lại cho ngành du lịch mới là điều quan trọng.

“Đối với lượng 18 triệu khách thì tôi nghĩ cũng xấp xỉ khoảng 5 triệu là khách Trung Quốc nhưng mà khách TQ đi bằng máy bay còn đỡ chứ khách TQ mà họ đi đường bộ thì họ không xài tiền bao nhiêu đâu. Thứ hai là lượng khách Tây ba lô, Châu phi họ qua VN họ cũng không xài bao nhiêu, đôi khi họ còn làm chuyện này chuyện khác mình càng mệt hơn. Thứ Ba là lượng khách khá lớn là người Việt từ nước ngoài về thăm gia đình nên chưa chắc họ ở khách sạn nên lượng khách chỉ là tương đối mà thôi. Vấn đề tiếp theo là doanh thu bao nhiêu, chi phí đầu người trên mỗi khách sẽ thu lợi nhuận bao nhiêu, cho đất nước bao nhiêu thì đó mới là điều quan trọng nhất.”

Năm 2018, lần đầu tiên trong bảng xếp hạng khu vực du lịch Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam được xếp thứ 8 về số lượng khách du lịch tức 15,5 triệu du khách nhưng doanh thu lại không lọt vào top 10.

Ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định, rõ ràng lượng khách chưa tương xứng với doanh thu. Anh hướng dẫn viên du lịnh nhắc lại rằng cơ quan chức năng thường nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; thế nhưng trong thực tế không được ưu tiên; thiếu chính sách cụ thể để du lịch phát triển, cất cánh. Tiềm năng du lịch VN rất lớn nhưng không thể làm được vì không có đường lối chính sách vạch ra đúng đắn để phát triển, đến nay ngành du lịch VN vẫn kinh doanh dựa trên ‘vốn tự có’ chứ không tạo được giá trị gia tăng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.