Nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng trẻ vẫn bị xâm hại

Diễm Thi, RFA
2019.06.03
000_hkg1012 Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 18/11/2014: trẻ em ở một trường mẫu giáo đến Văn Miếu ở Hà Nội
AFP

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội hôm 3/6, một đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi tại sao ở Việt Nam có rất nhiều cơ quan, tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền lợi của trẻ em nhưng tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra phổ biến.

Theo số liệu báo cáo thống kê, trong 2 năm 2017, 2018 và quý I năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Nếu chỉ tính riêng năm 2018 thì cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có gần 1.300 em bị xâm hại tình dục, tức trên 80%. Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn vì trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác.

Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả trong môi trường gia đình hoặc trường học. Những người gây ra tội ác không đâu xa mà có thể là những người trong gia đình, hàng xóm hoặc có thể là chính bạn bè hoặc thầy cô giáo…

Gần đây là vụ một bé gái 3 tuổi tên Phạm Ngọc Liên ở Nhà Bè, TP.HCM bị ông hàng xóm 70 tuổi xâm hại tình dục. Người cha, ông  Phạm Quang Liêm cho biết bé bị xâm hại tình dục vào chiều tối ngày 15/4/2019 nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết:

“Hồi mới phát hiện ra sự việc thì tôi có lên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM. Tại đây tôi gặp bà Ngọc Nữ hỗ trợ về mặt truyền thông, nhưng báo đài lên tiếng cũng chỉ như cục đá ném xuống hồ. Hiện tại chỉ có một chỗ là Cục trẻ em trả lời rằng họ chuyển hồ sơ về lại công an và Viện kiểm sát huyện Nhà Bè, yêu cầu điều tra và báo cáo cho họ.

Luật sư của tôi cũng đã có bản kiến nghị khởi tố gửi bên công an huyện Nhà Bè  từ ngày 26 tháng 4 nhưng bên công an vẫn chưa giải quyết với lý do đây là vụ án nhạy cảm, phức tạp.”

Hội đoàn mang tính hình thức

Luật sư Nguyễn Duy Bình từ Sài Gòn cho rằng trẻ bị xâm hại có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất là một thời gian dài nhà nước chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức đến công tác bảo vệ trẻ em.

Mặt khác, hiện các tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em khá nhiều nhưng phần nhiều chỉ mang tính hình thức, không mang tính chuyên trách, không có quyền lực như các cơ quan tố tụng, không có nguồn kinh phí riêng để đảm bảo hoạt động nên thực tế chỉ mang tính chất hỗ trợ cho chính quyền và các cơ quan tố tụng.

Hiện các tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em khá nhiều nhưng phần nhiều chỉ mang tính hình thức, không mang tính chuyên trách, không có quyền lực như các cơ quan tố tụng, không có nguồn kinh phí riêng để đảm bảo hoạt động nên thực tế chỉ mang tính chất hỗ trợ cho chính quyền và các cơ quan tố tụng. - LS. Nguyễn Duy Bình

Theo Luật trẻ em được Quốc Hội ban hành năm 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền của trẻ em.

Theo Luật trẻ, Việt Nam có khoảng 16 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em, bao gồm Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bộ Lao Động Thương binh Xã hội, các bộ ngành khác trực thuộc chính phủ, chưa kể các tổ chức xã hội khác thuộc Mặt Trận, Quỹ bảo trợ trẻ Việt Nam…

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) từng lên tiếng với RFA:

Một đứa trẻ có 16 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu? Cá nhân tôi thấy điều này thật mỉa mai, chúng ta có lẽ không cần quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần đến 1, 2 cơ quan nhưng thực sự làm.”

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh thì tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều chứng tỏ đạo đức xã hội đã quá suy đồi. Các “nút chặn” như giáo dục, tôn giáo … không còn mấy tác dụng, mà nguyên nhân khiến cho giáo dục, tôn giáo lại tệ đến như vậy thì câu trả lời nằm ở trong chính sách của chính quyền trong khi cơ quan chính quyền lại thờ ơ:

Trong hệ thống chính quyền, quả thật có sự tồn tại của các cơ quan, đoàn thể bảo vệ trẻ em. Nhưng thực chất, các cơ quan này hầu như thờ ơ, bất động trước thực trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng. Trong khá nhiều trường hợp, chỉ khi công chúng nhắc nhở thì các cơ quan này mới yếu ớt lên tiếng. Cho thấy, sự vô trách nhiệm của các cơ quan ấy.

Đâu là giải pháp?

Hình ảnh được cho là của ông Nguyễn Hữu Linh đeo kính và khẩu trang đến toà vào sáng ngày 27/5/2019
Hình ảnh được cho là của ông Nguyễn Hữu Linh đeo kính và khẩu trang đến toà vào sáng ngày 27/5/2019
Courtesy of thanhnien.vn

Tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 vào sáng 3/6/2019, đa số đại biểu Quốc hội tán thành nội dung “Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".

Đại biểu Lê Xuân Thân, đoàn Khánh Hòa, kiến nghị mở rộng phạm vi giám sát, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan và có những giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới trong kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quyền trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nêu lên quan điểm của bà:

“Hoạt động giám sát sắp tới của Quốc Hội sẽ giúp cho các Đại biểu Quốc hội nhìn nhận vấn đề rõ hơn, phân tích được các nguyên nhân, tìm hiểu được những khoảng trống ở chỗ nào để mà trên cơ sở đó có thể bổ sung, điều chỉnh các quy định luật pháp và chính sách để thật sự có thể xử lý những vụ việc đấy nghiêm minh hơn nhằm răn đe những hành vi xấu có thể tái phát trong tương lai.

Ngoài ra, tôi cũng trông đợi Quốc Hội cũng có những giải pháp về việc giáo dục về nhận thức, trang bị kiến thức cho các em cách nhận biết về các vấn đề xâm hại hay về bạo lực học đường, các kỹ năng giải quyết vấn đề…

Luật sư Nguyễn Duy Bình chia sẻ kinh nghiệm của mình khi tham gia bảo vệ cho các cháu trong một số vụ viêc các cháu bị xâm hại thì có lúc, có nơi cơ quan chức năng còn không muốn làm to chuyện, thậm chí còn có thái độ muốn bao che hoặc xử lý nhẹ.

Trong hệ thống chính quyền, quả thật có sự tồn tại của các cơ quan, đoàn thể bảo vệ trẻ em. Nhưng thực chất, các cơ quan này hầu như thờ ơ, bất động trước thực trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng. Trong khá nhiều trường hợp, chỉ khi công chúng nhắc nhở thì các cơ quan này mới yếu ớt lên tiếng. Cho thấy, sự vô trách nhiệm của các cơ quan ấy. - LS. Đặng Đình Mạnh

“Công tác bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Quyền con người, đặc biệt là quyền của trẻ em chưa đươc coi trọng và các quy định về bảo vệ trẻ em chưa được tuân thủ đầy đủ, cũng như biện pháp xử lý tội phạm chưa đủ mạnh nên tội phạm xâm hại trẻ em vẫn xảy ra rất nhiều.”

Ông Phạm Quang Liêm cho biết lý do ông đưa vụ con gái ông ra ánh sáng, thứ nhất là để cảnh báo các phụ huynh khác phải gìn giữ con cái mình; thứ hai là những người phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo ông thì những người phạm tội là đảng viên hay có công cách mạng phải bị xử nặng hơn để làm gương chứ không thể giảm nhẹ như đang xảy ra tại Việt Nam hiện nay.

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm cho tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Đây là mức phạt được nhiều người cho là là quá nhẹ.

Tháng 7/2016, ông Nguyễn Khắc Thủy - nguyên Giám Đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu với 55 năm tuổi Đảng đã bị khởi tố tội dâm ô với nhiều trẻ em ở khu chung cư Lakeside, nơi ông cư ngụ. Ông này chỉ bị tòa tuyên phạt 3 năm tù sau đó.

Tuy mức án đúng với khung hình phạt của BLHS nhưng mạng xã hội vẫn bất bình vì 3 năm vẫn là quá nhẹ.

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, có hành vi được coi là dâm ô đối với bé gái trong thang máy chung cư Galaxy, quận 4 thành phố Hồ Chí Minh bị camera an ninh ghi lại xảy ra từ tháng 4/2019. Ông này cũng bị truy tố cùng tội danh như ông Thủy nhưng Viện Kiểm sát lại đề nghị các tình tiết giảm nhẹ vì phạm tội lần đầu và thành thực khai báo.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng trong trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh bị truy tố và xét xử hình sự về tội danh ‘Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi’ theo điều 146 Bộ luật Hình sự, thì chắc chắc 100% ông Linh sẽ không bị truy tố ở khoản 2 có mức hình phạt nặng từ 3 năm đến 7 năm tù, mà chỉ nằm trong khoản 1, từ 6 tháng đến 3 năm tù giam. Tuy nhiên, ông Linh vẫn có thể hưởng án treo với những tình tiết giảm nhẹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.