Vụ Thủ Thiêm: Dân về dựng nhà trên đất cũ sau nhiều lần chính quyền thất tín
Nhiều người dân chưa nhận đền bù giải toả tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh, đã quyết định về dựng lại nhà ở trên khu đất cũ, sau nhiều lần bị chính quyền thành phố thất tín.
Chính quyền chỉ hứa…
Mới nhất, vào tháng 4/2023, Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi giao nhiệm vụ phải giải quyết vấn đề khiếu nại, còn tồn đọng ở Khu đô thị Thủ Thiêm, trước tháng Sáu năm nay. Thế nhưng tháng Sáu đã qua và mọi việc vẫn chưa có tiến triển mới.
Sang những ngày đầu tháng 7, cụ thể trong hai ngày 5 và 6/7, gần một trăm người dân Thủ Thiêm đã quyết định quay trở về khu đất cũ của mình, nằm ở khu vực phía Bắc thuộc phạm vi “5 khu phố 3 phường” (người dân khẳng định khu vực này nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền chưỡng chế thu hồi).
Ông Cao Thăng Ca, một người có đất tại phường An Khánh, thuộc khu vực “5 khu phố 3 phường” cho RFA biết:
“Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch TPHCM, chỉ đạo là phải giải quyết vụ “phức tạp” ở Thủ Thiêm trong tháng Sáu, mà hôm nay là đã sang tháng Bảy rồi vẫn không thấy gì nên bà con bức xúc. Người ta về chỗ nhà cũ làm cỏ để chuẩn bị dựng lại nhà, nhưng mà chính quyền mang quân xuống cản trở. Thành ra chỉ mới làm cỏ thôi chứ chưa có dựng nhà được.”
Ông Nguyễn Hồng Quang, có đất bị thu hồi ở hai phường An Khánh và Bình Khánh nói với RFA:
“Tôi thấy công an, chính quyền cũng đông, huy động cả hệ thống chính trị của phường An Khánh, Thủ Đức, Cũng có xảy ra xô xát nhưng cũng chưa có gây thương tích gì.
Công an với chính quyền ở đó là để bảo vệ bằng mọi giá lô đất đó và họ hỏi người dân là pháp lý ở đâu mà người dân xây dựng… Đúng ra là chính quyền không có đủ tư cách pháp lý để hỏi người dân chuyện đó.”
Sang ngày 7/7, theo thông tin ông Ca cung cấp cho RFA, có khoảng 20 người dân tiếp tục đến Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP Thủ Đức để “nhắc” Chủ tịch TP Thủ Đức - ông Hoàng Tùng phải thực hiện đúng theo cam kết của lãnh đạo TPHCM. Sự việc này cũng được người dân quay video và đăng tải lên mạng xã hội.
Ngày 10/7, chính quyền thành phố Thủ Đức có yêu cầu người dân Thủ Thiêm lên làm việc, lập biên bản và yêu cầu mọi người phải tháo dây rào quanh khu đất, trả lại nguyên hiện trạng ở khu vực này:
Ông Hồng Quang cho biết người dân phản đối yêu cầu này vì cho rằng nó vô lý:
“Điều này là vô lý, không có luật nào cấm. Người dân chỉ giăng dây, đánh mốc ranh giới lô đất của mình thôi chứ không có xây dựng.”
Sau buổi làm việc, hai bên vẫn chưa đi tới một thoả thuận nào. Chính quyền địa phương cũng không còn hứa với dân Thủ Thiêm mà chỉ thông báo sẽ ghi nhận ý kiến của bà con rồi gởi lên cấp trên.
Phóng viên RFA gọi điện đến UBND TP Thủ Đức, cũng như số điện thoại của ông Hoàng Tùng, cùng với phó Chủ tịch phường An Khánh, nhưng không có ai nghe máy.
Vẫn còn khiếu kiện ở “5 khu phố 3 phường”
Theo báo chí nhà nước đưa tin, tính đến tháng 5/2023, ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, đã có 14.353/14.357 hồ sơ được đền bù, đạt tỷ lệ 99,97%. Riêng khu vực 4,3ha, đã được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch, thì tỷ lệ người dân nhận bồi thường, tái định cư là 277/331 hộ, đạt 83,69%.
Đối với khu vực “5 khu phố 3 phường”, vào tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ ra Kết luận số 1169, khẳng định khu đất này nằm trong ranh quy hoạch, đồng nghĩa với việc thu hồi đất là đúng quy định.
Tuy nhiên, theo ông Ca, hiện vẫn còn hơn 115 hộ gia đình thuộc khu vực “5 khu phố 3 phường” vẫn tiếp tục kiên trì khiếu nại vì cho rằng đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi, ông nói tiếp:
“Chính phủ họ đã có kết luận 1169 nói rằng phạm vi này nằm trong ranh quy hoạch, nhưng mà chúng tôi đang khởi kiện và tố cáo cái Kết luận này.
Hiện nay chúng tôi đang có đầy đủ cơ sở để chứng minh rằng “5 khu phố 3 phường” không nằm trong quy hoạch thu hồi đất.”
Từ cuối năm 2021 cho đến nay, các tờ báo trong nước hầu như không loan thông tin nào liên quan đến vụ việc này mặc dù người dân ở “5 khu phố 3 phường” vẫn đều đặn gửi thư khiếu kiện đến chính quyền TPHCM và Trung Ương.
Ông Nguyễn Hồng Quang khẳng định với RFA rằng:
“Vụ 4,3ha báo chí đưa tin rồi phát vài cái sổ đỏ đó chỉ là mang tính chất tuyên truyền mà thôi. Họ vẫn chưa thật lòng đối diện với sự thực pháp lý, đối diện với quyền lợi của người dân và của nhà nước.”
Ông Hồng Quang cho biết, trước sự phản đối của người dân đối với Kết luận số 1169, chính quyền thành phố có vài lần tổ chức đối thoại với người dân, nhưng hai bên không đi đến sự đồng thuận:
“Chính quyền liên tục hứa và hứa gặp gỡ nhưng không bao giờ đối thoại. Những cuộc nói chuyện với tính chất là không cho tranh luận pháp lý, rồi không cho đưa tay lên, không cho nói… trấn áp giống như các quan tòa trấn áp các luật sư vậy đó.”
Ông Cao Thăng Ca đã ba lần làm đơn khiếu nại gởi đến lãnh đạo TPHCM nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi:
“Hiện chúng tôi đã ba lần làm đơn gửi ông Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên và Phan Văn mãi yêu cầu tiếp dân để chúng tôi trình bày những cơ sở pháp lý cho thấy nhà đất của chúng tôi nằm ngoài doanh quy hoạch thu hồi đất, nhưng sau ba lần làm đơn thì các ông ấy làm lơ không nói gì tới hết.”
Nội dung lá đơn nêu rằng người dân Thủ Thiêm sẵn sàng đóng góp sức người và tài sản vì lợi ích công cộng. Nhưng quyết không cho nhóm lợi ích lấy đất của dân, để phân lô, bán nền, làm thiệt hại cho nhà nước và làm giàu trên xương máu của nhân dân.
“Nếu chậm giải quyết, yêu cầu để chúng tôi về làm lại nhà, trên vị trí cũ. Vì chúng tôi vẫn còn quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Nhất là hộ khẩu thường trú vẫn còn tại đây, không để bỏ hoang lãng phí.” - Ông Cao Thăng Ca kết luận.