Phụ nữ Việt nói về chính sách thưởng tiền nếu sinh hai con trước tuổi 35

0:00 / 0:00

Thưởng tiền hoặc hiện vật

Theo Thông tư số 01/2021 của Bộ Y tế, phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35 ở 21 tỉnh/thành phố có mức sinh thấp sẽ được thưởng tiền hoặc hiện vật.

Cụ thể, có 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp gồm: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Tại các địa phương vừa nêu, Thông tư số 01/2021 của Bộ Y tế cũng quy định những xã nào đạt tỷ lệ ba năm liện tục, có từ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi, sinh đủ hai con cũng sẽ được khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền và hiện vật.

Đài RFA ghi nhận Việt Nam từng thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, hạn chế được hơn 27 triệu người cũng như duy trì mức trung bình một phụ nữ sinh 2,1 con trong độ tuổi sinh nở trong hai thập niên.

Tuy nhiên, Tổng cục Dân số Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích sinh con, chẳng hạn như phụ nữ ở khu vực sinh con thấp được tăng thời gian nghỉ khi sinh con hay có trợ cấp xã hội; khu công nghiệp hay khu chế xuất quy mô ở một mức độ nào đó thì bắt buộc có nhà trẻ, trường học…

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 cũng có nhiều thay đổi và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/19, như khi vợ sinh con thì chồng được hưởng trợ cấp và nghỉ chế độ thai sản nhiều hơn trước đây.

Vào đầu tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 588, phê duyệt ‘Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030’.

Theo Quyết định số số 588, nhiều điều chỉnh chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện khuyến khích nam, nữ không kết hôn muộn và sớm sinh con, kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...

Việc này thì nên vì nếu trễ hơn 35 tuổi thì con cũng ít thông minh. Thứ hai nữa là tình trạng hiếm muốn xảy ra nhiều hơn ngày xưa. Nếu như mình cứ lo làm ăn, để quá 35 tuổi rồi khi muốn có con thì đôi khi lại không có con được. Vì thế, nên có con trước 35 tuổi vì vừa tốt cho con mình, tốt cho mình và vừa đạt được ý muốn của mình-Bà Bình

Chị Hạnh, một phụ nữ có hai cháu trai 7 tuổi và 4 tuổi ở Sài Gòn, vào tối ngày 28/1, chia sẻ với RFA khi nghe được thông tin về Bộ Y tế ban hành thông tư khuyến khích phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi:

“Thật sự nếu mình sinh con trước 35 tuổi thì một phần là tốt cho em bé và tốt cho sức khỏe của mình về sau nữa. Phụ nữ sau 35 tuổi sinh con rất khó, nên mong các chị em phụ nữ sinh con trước 35 tuổi, tầm 28-33 tuổi. Cỡ tuổi đó thì sức khỏe của phụ nữ cũng tốt cho việc sinh con và suy nghĩ, tâm lý cũng được chính chắn.”

Với trải nghiệm của bản thân, chị Hạnh cho rằng mình là người may mắn trong quá trình mang thai và sinh nở, cũng như được sự hỗ trợ của gia đình phụ giúp trong thời gian hậu sản.

“Theo tôi thấy thì cực không phải là cực. Nói chung là do mình sắp xếp và có gia đình hỗ trợ mình, cho nên cũng không cực lắm. Với lại em bé của em cũng dễ. Trong quá trình tôi mang thai cũng dễ lắm, cũng may mắn là dễ hơn so với người khác có sức khỏe yếu…Tôi thì được khỏe.”

Chị Hạnh, vì thế mà mạnh dạn khích lệ chị em phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 giống như chị.

fc92f0bc-4b3e-4e41-9839-3094fa361bb5.jpeg
Ảnh minh họa. Một phụ nữ chở hai con dưới trời mưa ở Huế. Hình chụp ngày 27/04/19. AFP

Lực bất tòng tâm?

Cô An, một bà mẹ ở độ tuổi ngoài 40, chia sẻ với RFA rằng dù là rất thích trẻ con, thế nhưng việc cân nhắc sinh đủ hai con trước 35 tuổi không phải là dễ dàng.

Đối với cô An, việc sinh con trong thời buổi nhịp sống công nghiệp, năng động ở thành phố lớn tại Việt Nam là điều rất vất vả cho đa số chị em phụ nữ. Cô An tâm tình rằng vừa phải ra ngoài xã hội làm việc, vừa phải chăm sóc con cái ở nhà, và đích thân đưa đón con đi học quả là một gánh nặng đổ trên vai của cô. Nhưng vì thương con, cô An dốc sức để chu toàn trong việc nuôi dạy con của mình.

Đài RFA đề cập đến chính sách mới nhất mà Bộ Y tế vừa ban hành là thưởng tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi với chị Hạnh và cô An.

Chị Hạnh khẳng định rằng vấn đề quan trọng không phải là được nhận thưởng hay không mà phải tùy vào hoàn cảnh cuộc sống thực tế. Dù rằng chị Hạnh khích lệ giới phụ nữ nên sinh con sớm trước tuổi 35, tuy nhiên chính chị cảm thấy việc có thêm con thì thật sự là “lực bất tòng tâm”

“Cũng muốn có trai có gái, nhưng hiện tại giờ đời sống cao và chất lượng học hành của con cũng cao nữa. Cho nên bây giờ có hai đứa con trai nên mình phải chuyên tâm lo cho tụi nhỏ tới nơi tới chốn. Chứ còn sanh thêm thì phải thêm gánh nặng nữa.”

Còn cô An bộc bạch với chúng tôi rằng gia đình cô không gặp trở ngại về kinh tế trong việc nuôi con. Thế nhưng, có rất nhiều mối lo ngại cho tương lai của một đứa trẻ.

“Nếu được ở nhà thì tôi sẽ sanh nữa, vì tôi thích em bé, thích có con. Nhưng mà mình sợ xã hội bây giờ bị nhiều bệnh do thực phẩm, thức ăn không an toàn nên lo sợ không biết nuôi con có tốt không? Vậy mà sợ, không dám sanh. Đủ thứ bệnh hết trơn. Sanh đứa con nhỏ mà hôm nay sốt, mai sốt là thấy lo rồi. Chứ còn như mình sống ở một xã hội sạch sẽ hơn, hiện đại hơn thì có thể cân nhắc việc sanh thêm con được dễ. Đằng này ở đây thì môi trường ô nhiễm cũng nhiều, thực phẩm cũng không an toàn, bệnh hoạn…Thôi, không dám sanh đâu. Sanh ra tội nghiệp nó.”

Trao đổi với một số bà mẹ lớn tuổi, có con gái sắp lập gia đình cũng như đang cân nhắc nên có con sớm hay không, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.

Bà Chinh, ở Bình Dương lên tiếng với RFA bà có trách nhiệm phải khuyên, nhưng phải tôn trọng quyết định của con cái.

“Trước 35 tuổi thì cũng tốt. Mình khuyên thì khuyên thôi còn chuyện đó thì tùy con cái mình. Mình có ý kiến, chứ quyền quyết định là của tụi nó. Nhưng sớm nhất là 30 tuổi, chứ không được sớm hơn nữa.”

Nghĩ là vậy, khuyên là thế. Nhưng bà Chinh khẳng định với RFA bà đã sinh con trước tuổi 30 và thật sự là rất cực nhọc. Mẹ của bà có 8 người con và bà ngoại cũng thật là vất vả trong việc phụ giúp một đàn cháu chắt. Do đó, bà Chinh nói rằng thật lòng bà cũng hết sức thận trọng trong việc khuyến khích con gái bà sinh con trước 35 tuổi.

“Tùy trường hợp. Nếu mình cảm thấy không nỗi thì không nên khuyến khích. Còn mình thấy có sức phụ giúp thì khuyến khích sinh con, có gì mẹ tiếp cho.”

Nếu được ở nhà thì tôi sẽ sanh nữa, vì tôi thích em bé, thích có con. Nhưng mà mình sợ xã hội bây giờ bị nhiều bệnh do thực phẩm, thức ăn không an toàn nên lo sợ không biết nuôi con có tốt không? Vậy mà sợ, không dám sanh. Đủ thứ bệnh hết trơn. Sanh đứa con nhỏ mà hôm nay sốt, mai sốt là thấy lo rồi. Chứ còn như mình sống ở một xã hội sạch sẽ hơn, hiện đại hơn thì có thể cân nhắc việc sanh thêm con được dễ. Đằng này ở đây thì môi trường ô nhiễm cũng nhiều, thực phẩm cũng không an toàn, bệnh hoạn…Thôi, không dám sanh đâu. Sanh ra tội nghiệp nó-Cô An

Trong khi đó, bà Bình ở Tiền Giang, là một người bị hiếm muộn, tâm tình với RFA rằng phụ nữ cần nên sinh con trước 35 tuổi để không phải hối tiếc như bà.

“Việc này thì nên vì nếu trễ hơn 35 tuổi thì con cũng ít thông minh. Thứ hai nữa là tình trạng hiếm muốn xảy ra nhiều hơn ngày xưa. Nếu như mình cứ lo làm ăn, để quá 35 tuổi rồi khi muốn có con thì đôi khi lại không có con được. Vì thế, nên có con trước 35 tuổi vì vừa tốt cho con mình, tốt cho mình và vừa đạt được ý muốn của mình.”

Mặc dù vậy, bà Bình cũng xác nhận thật sự là một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong cuộc sống hiện đại đối với phụ nữ tại Việt Nam.

“Tức là một số giới trẻ có khuynh hướng chậm lập gia đình, tức là không cần lập gia đình sớm và cũng không muốn có con. Tại vì có một số trường hợp giống như xu hướng của người phương Tây rồi. Một số người muốn có công việc, có nhà cửa đàng hoàng. Có những em không muốn lấy chồng sớm vì sợ cực, chia sẻ rằng thôi cứ vui chơi rồi từ từ tính. Tại vì các em lo ngại lấy chồng nhằm người không vừa ý. Cho nên cũng có khuynh hướng độc thân.”

Bà Bình kết nối cho RFA trò chuyện với một cô cháu dâu, 28 tuổi vừa sinh em bé và cũng vừa trở lại đi làm ở ngân hàng, để tìm hiểu xem cô mong muốn sinh thêm một em bé nữa trước tuổi 35 hay không. Thế nhưng, cô mới nói được vài tiếng thì đã ngủ gật trong lúc cho con bú.

Báo giới Việt Nam vào trung tuần tháng 10/2020 đồng loạt đăng tải cảnh báo của các nhà khoa học, dự báo tốc độ già hóa dân số của Việt Nam sẽ tăng thuộc hàng nhanh nhất thế giới và Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ “giai đoạn già hóa dân số” sang “giai đoạn dân số già”.